Thứ Tư, 19 tháng 11, 2014

Hội thảo “Tác gia LỘNG CHƯƠNG VỚI NỀN VĂN HỌC NGHỆ THUẬT VIỆT NAM”(*)

Nhà viết kịch Lộng Chương và những đóng góp 
của ông cho nền Sân khấu Việt Nam thế kỷ XX
 Nhà biên kịch Trần Phương Hạnh
Nhà biên kịch Trần Phương Hạnh
(Tham luận của tôi thể hiện Những cống hiến của Nhà văn - Nhà viết kịch Lộng Chương thông qua 3 vai trò: Vai trò thứ nhất là Tác giả - Đạo diễn sáng tạo NT sân kh ấu. Vai trò thứ hai là sáng lập các  Đoàn Nghệ thuật, sáng lập Hội Nghệ sỹ Sân khấu Việt Nam và vai trò thứ ba là đào tạo, bồi dưỡng thế hệ nghệ sỹ trẻ kế cận).
I.                   Nhà viết kịch Lộng Chương và quá trình sáng tạo nghệ thuật
Nhà văn - Nhà viết kịch - Đạo diễn sân khấu Lộng Chương (Sinh ngày 5/2/1918, mất ngày 26/6/ 2003). Tên khai sinh là Phạm Văn Hiền, sinh ra và lớn lên tại thôn Châu Khê, xã Thúc Kháng, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương. Ông đã được Nhà nước tặng Huân chương Độc Lập hạng Ba và trao Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật đợt 2 (2000).

Nhà viết kịch Lộng Chương từng làm công chức thời Pháp thuộc nhưng trong nhà ông chất đầy sách viết về sân khấu của các tác giả nổi tiếng thế giới. Chính nhờ các sách đó, ông đã vượt qua mọi trở ngại và miệt mài tự học nghề một cách thầm lặng, không trường, không lớp. Trường học mà ông chăm chỉ dấn thân vào là trường đời và các đoàn nghệ thuật sân khấu.
Thế hệ của những nghệ sĩ như: Lộng Chương, Học PhiBưu TiếnNguyễn Văn Niêm… là thế hệ kịch tác gia đầu tiên của Việt Nam trưởng thành trong kháng chiến chống Pháp và là những bậc tiên chỉ của giới viết kịch Việt Nam.
Đến với sân khấu, ông tả xung hữu đột ở nhiều lĩnh vực: Khi là diễn viên, khi là đạo diễn, khi là người quản lý đoàn nghệ thuật, rồi có khi lại là người thầy truyền nghề cho thế hệ trẻ. Thế nhưng, tên tuổi ông để lại dấu ấn sâu đậm nhất lại là ở tư cách nhà viết kịch.
Ông ưa lối viết văn chương trào lộng. Có lẽ vậy mà ông lấy bút danh Lộng Chương. Ông đã chọn thể loại hài kịch để dâng hiến cuộc đời và sự nghiệp trên con đường nghệ thuật của mình. Giới sân khấu khi nhắc đến ông đều nhớ đến câu thơ nổi tiếng: “Muôn thói đời tối đen phải lùi xa qua ngữ ngôn trào LỘNG/Một tâm hồn hiền hậu luôn đi đầu với đòn bút văn CHƯƠNG”.
Chuyên chú theo phong cách đó, bằng nhiều vở kịch ngắn: Hỏi vợ, Yểm bùa, Mối lo của mụ Cửu, Ma hiện... Tiếp đó là những vở hài kịch dài: Quẫn, Quẫy, Cửa mở hé tên tuổi Lộng Chương đã được ghi nhận như một tác giả hài kịch nổi tiếng trong nền sân khấu VN hiện đại. Hài kịch của ông đem vào đời sống sân khấu những chuỗi cười sảng khoái, tự nhiên với nhiều cung bậc và sắc thái đa dạng.
Ngày nay, nhắc đến tác giả Lộng Chương, người ta không thể không nhắc đến vở Hài kịch “Quẫn” - Vở diễn được coi như đỉnh cao của thể loại hài kịch VN hiện đại. Qua bàn tay dàn dựng tài ba của đạo diễn Trần Hoạt, vở “Quẫn” được diễn trong một thời gian dài, với số buổi lên tới trên 1000 buổi diễn. Đối với thể loại Hài kịch, sân khấu thế giới nổi tiếng bởi tác giả Mollie và Việt Nam là tác giả Lộng Chương.
Một vở Hài kịch khác của Lộng Chương là Cửa mở hé cũng đã được các Đoàn kịch Hải Phòng, Hà Nội và Thanh Hoá dàn dựng và biểu diễn trong thời gian dài. Tiếng cười trong các vở kịch hài của Lng Chương mang nhiều sắc thái khác nhau: khi thì vang lên rộn rã suốt năm hồi kịch như Quẫn, nhưng cũng có khi chỉ rộ lên ở một vài cảnh như Cửa mở hé, hoặc một số vở kịch vui khác như: Hỏi vợYểm bùa trừ sâuMối lo của cụ Cửu...
Có thể nói, Nhà văn - Nhà viết kịch Lộng Chương là người viết khỏe trên nhiều lĩnh vực với số lượng tác phẩm lớn. Trong mười năm tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp, tác giả Lộng Chương đã cho ra đời 17 vở kịch ngắn và dài. Trong đó có những vở ghi đậm dấu ấn lên quá trình sáng tác của ông, được nhiều người biết đến như: Lí Thới (1948), Du kích thôn Đồi (1952), Đoàn quân tóc trắng (1953), Chiến đấu trong lòng địch (1954)...
Hòa bình lập lại, trong thời gian diễn ra cuộc đấu tranh chống cưỡng ép di cư, Lộng Chương đã cho ra đời một số vở như: Nhỡ chuyến tàu bay, Ma hiện, Giữa đường, Mưu giặc
Giai đoạn sau này, Lộng Chương vừa viết vừa chỉnh lý, viết lại gần 100 vở, gồm nhiều thể loại: Kịch nói, kịch hát, kịch rối... Phần lớn những vở ông viết ra đều được sử dụng, in thành sách, các đoàn dàn dựng hoặc phát trên Đài Tiếng nói Việt Nam. Ông là cây bút tham gia liên tục mỗi tuần 1 vở, trong khoảng 10 năm, (những năm 60-70 của TK XX) với Chương trình binh vận của Đài Tiếng nói Việt Nam. Số tác phẩm này lên tới hàng trăm, nhưng do điều kiện làm việc trong giai đoạn chiến tranh lúc bấy giờ, nên không lưu giữ được nhiều.
Ngoài kịch nói, Lộng Chương còn sáng tác Chèo như: Đôi ngọc lưu ly (Tích cổ viết lại, in trong tập Tích cổ viết lại, Nxb Văn hoá, 1982). Vở này viết lại tích Chèo Trương Viên, được bổ sung và nâng cao về nội dung tư tưởng, chủ đề của tác phẩm để phù hợp với thời đại mới; Vở Tuồng “Tình sử Loa Thành” (Mỵ Châu - Trọng Thuỷ ) đã được Nhà hát Tuồng Trung ương và Chèo Hải Phòng, Quảng Ninh... dàn dựng ở thể loại Chèo; Vở A Nàng (Nxb Văn nghệ, 1962) đã được Đoàn Cải lương Kim Phụng, Đoàn Bình Minh (Nam Định), Đoàn Hoa Mai (Hà Sơn Bình) dàn dựng và biểu diễn cùng trong khoảng thời gian đó. Sau thống nhất đất nước, A Nàng đã được hơn 20 đoàn nghệ thuật phía Nam dàn dựng.
Bên cạnh sáng tác Kịch nói, Kịch thơ, Chèo, Rối, hoặc chỉnh lý, chuyển thể, viết lại kịch bản, Lộng Chương còn sáng tác cả văn vần để phục vụ cho công tác cổ động tuyên truyền theo nhiệm vụ chính trị của từng giai đoạn cách mạng. Ông viết cả phóng sự, ký sự kháng chiến. Một hoạt động khác cũng khá tiêu biểu trong hoạt động sân khấu của ông là phần viết tiểu luận, lý luận - phê bình sân khấu.
Tuy nhiên, câu hỏi: “Làm sao cho kịch nói VN có sắc thái VN” là điều ông luôn trăn trở trong quá trình cầm bút và ông đã quyết định tìm đến nghệ thuật chèo vì trong chèo ông bị hấp dẫn bởi “tính lạc quan đặc biệt qua cách trào lộng châm biếm mang tinh thần của những truyện tiếu lâm rất phổ biến trong nhân dân”. Với tiêu chí đó, ông đã đưa chèo vào kịch, hay nói một cách khác, ông là người chủ xướng thực hiện việc sáng tác kịch nói theo phong cách chèo. Đó chính là nét độc đáo trong hài kịch của tác giả Lộng Chương - tiếp nối truyền thống hề chèo với những biến đổi để thích ứng với thể loại kịch nói, từ đó mang được tính thời sự của hiện thực đương đại.
II.  Những đóng góp của Nhà viết kịch Lộng Chương trong vai trò sáng lập các Đoàn NT và Hội Nghệ sỹ Sân khấu Việt Nam
Ngày Hà Nội mới giải phóng năm 1954, Đoàn nghệ thuật sân khấu rất ít. Muốn có đơn vị biểu diễn để làm nghề, ông đã cùng các bạn: Ngọc Đĩnh, Nguyễn Văn Niêm, Việt Hồ, Hà Văn Cầu lập nên Đoàn kịch nói Mùa Thu.
Ông còn có công xây dựng Đoàn kịch Công Nhân và Đoàn kịch Thanh Ni ên - Hà Nội, mà cơ quan và đoàn thể chủ quản không mất công sức và tiền của để đầu tư nhưng vẫn có tiếng nói của mình.
Trong những năm kháng chiến chống Thực dân Pháp trước đó, ông là người đứng ra thành lập Đoàn Văn công Điện Biên - Liên khu III, được đồng chí Lê Thanh Nghị (Phó Thủ tướng của Chính phủ kháng chiến) đánh giá như một cống hiến tinh thần lớn.
Những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ông tham gia viết và dựng vở cho Đài Tiếng nói Việt Nam, một tuần một vở 30 phút, chỉ với hai nhân vật, mà ông gọi là “Kịch tương thanh”, theo yêu cầu của Tổng cục Chính trị - Quân đội nhân dân Việt Nam. Việc này được làm liên tục trong suốt 10 năm không nghỉ.
Đặc biệt, trong cả cuộc đời hoạt động nghệ thuật của mình, Lộng Chương là người nghệ sĩ luôn trăn trở, tìm cách bảo tồn và phát huy nghệ thuật truyền thống của dân tộc. Một sự kiện mà lịch sử sân khấu còn ghi là, những năm 60 (TK XX) Lộng Chương đã cùng bạn bè là Lưu Quang ThuậnTrần Huyền TrânHà Văn CầuNguyễn Đình Hàm, góp công sức xây dựng Đoàn Chèo Cổ Phong và cùng nhau khảo tả, sưu tập, chỉnh lý và bảo tồn nhiều vở chèo cổ.
Người làm nghề cần có tổ chức nghề nghiệp. Thế là ông cùng các bạn nghề: Hà Văn Cầu, Trần Huyền Trân, Lưu Quang Thuận, Đoàn Đức Nhã... đứng ra vận động thành lập Hội Nghệ sỹ Sân khấu Việt Nam. Đến cuối tháng 7/1957 Hội đã ra đời. Có Hội lại phải lo trụ sở. Ông vận động mua được căn nhà 84 Nguyễn Du nhưng rồi lại phải nhường cho cơ quan khác để về 51 Trần Hưng Đạo như bây giờ.
III. Nhà viết kịch Lộng Chương trong vai trò đào tạo, bồi dưỡng thế hệ trẻ kế cận sự nghiệp sân khấu
            Một phương diện khác của Nhà viết kịch Lộng Chương mà chúng ta không thể bỏ qua đó là sự nghiệp “Sư phạm sân khấu”. Ông không có trường lớp, không có nhiệm vụ giao phó để đảm trách công việc nặng nề và tế nhị là đào tạo nghề sân khấu cho các thế hệ trẻ tiếp nối; nhưng vì tình yêu với nghiệp tổ, với nền sân khấu dân tộc mà ông tự nguyện bỏ tâm sức, thời gian, thậm chí cả tiền bạc và dùng chính ngôi nhà của mình để làm nơi truyền nghề cho các bạn trẻ đến từ khắp nơi trên mọi miền Tổ quốc...
Ông từng dốc nhiều sức lực vào việc học nghề một mình, nhưng lại không làm nghề một mình. Có thể nói, Nhà Văn - Nhà viết kịch Lộng Chương là bậc thầy lớn đào tạo nên rất nhiều kịch tác gia, các học trò cả biểu diễn lẫn sáng tạo văn học nghệ thuật. Trong đó có nhiều nhà hoạt động nổi tiếng của nền sân khấu nước nhà, tiêu biểu là Đạo diễn - NSND Doãn Hoàng Giang - một trong những cây đa, cây đề của nền sân khấu Việt Nam hiện nay.
Có thể nói đóng góp của Lộng Chương đối với sự nghiệp đào tạo, truyền nghề cho thế hệ trẻ cũng là một “dấu ấn” mà Lộng Chương đã khắc ghi trong đời sống sân khấu Việt Nam hiện đại.
Ngày nay, nhắc đến nhà văn, nhà viết kịch Lộng Chương - những người được làm việc cùng ông và cả những học trò của ông đều dành cho ông những tình cảm trân trọng, yêu quý. Những cống hiến của ông cho sân khấu cách mạng và đương đại Việt Nam đã được tôn vinh bằng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật. Vừa qua, Hội Nhà văn VN và Hội Nghệ sĩ sân khấu VN đã tổ chức lễ tưởng niệm 10 năm ngày mất của ông (2003 - 2013).
Đời người tuy ngắn nhưng nghệ thuật thì dài... Những điều Nhà văn - Nhà viết kịch - Đạo diễn Lộng Chương  đã làm được cho nghệ thuật sân khấu nước nhà sẽ còn mãi với thời gian... Và những đóng góp của ông trong ba vai trò cụ thể như trên đã thể hiện một nhân cách văn hóa cao đẹp  - Nhân cách của người nghệ sỹ Lộng Chương mãi mãi là tấm gương sáng cho mọi thế hệ nghệ sỹ noi theo./.
 (*) Hội thảo tổ chức ngày 11/9/2014 tại trụ sở Hội Văn học Nghệ thuật Hải Dương



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét