Bài tổng kết hội thảo
Tác gia Lộng Chương với nền VHNT Việt Nam
TS Nguyễn Thị Việt Nga
Chủ tịch Hội VHNT Hải Dương
Kính
thưa các vị đại biểu, khách quý!
Trong một buổi sáng, cuộc hội thảo “Tác gia Lộng Chương
với nền VHNT Việt Nam” do Hội VHNT Hải Dương tổ chức đã thành công tốt đẹp.
Với 7 tham luận và rất nhiều ý kiến đóng góp, Hội thảo đã
tập trung làm rõ những vấn đề sau:
Thứ nhất: Những đóng góp của nhà viết kịch Lộng Chương
với nền sân khấu Việt Nam hiện đại.
Các tham luận đã khẳng định những cống hiến của nhà viết
kịch Lộng Chương qua 3 vai trò: là tác giả - đạo diễn sáng tạo nghệ thuật sân
khấu; vai trò sáng lập Hội nghệ sỹ Sân
khấu VN và sáng lập các đoàn nghệ thuật; vai trò trong đào tạo, bồi dưỡng các
thế hệ nghệ sỹ kế cận.
Ở vai trò là tác giả - đạo diễn sáng tạo nghệ thuật sân
khấu, các tham luận đều chung ý kiến: ông là người thuộc thế hệ kịch tác gia
đều tiên của Việt Nam, trưởng thành trong kháng chiến chống Pháp; là một trong
số ít các “tiên chỉ của giới viết kịch Việt Nam”. Ông để lại cho đời một khối
lượng tác phẩm đồ sộ. Tuy đến nay, toàn bộ sáng tác của kịch tác gia Lộng
Chương chưa được sưu tầm hết do những thất lạc trong chiến tranh, nhưng chỉ
tính riêng những tác phẩm còn lưu trữ được, những tác phẩm đã tập hợp để ra mắt
bạn đọc, cũng đã đủ khiến mọi người kinh ngạc trước sức sáng tạo, khả năng làm
việc phi thường, sự cống hiến không ngừng nghỉ, không mệt mỏi của ông.
Các tham luận còn chỉ rõ, trong gia tài tác phẩm quý giá
của kịch tác gia Lộng Chương, điểm nổi bật nhất vẫn là hài kịch. Ông đã kế
thừa, tiếp thu một cách tài tình những tinh hoa trào lộng của sân khấu chèo
truyền thống để đưa vào kịch nói của mình, tạo nên tiếng cười sảng khoái, tự
nhiên với những cung bậc sắc thái đa dạng. Tiếng cười trào lộng trong kịch Lộng
Chương là thứ vũ khí sắc bén để đấu tranh nhằm đẩy lùi những thói hư tật xấu
của cuộc đời. Cho nên nhắc đến tên tuổi của Lộng Chương là người ta nhắc đến
hài kịch. Và ông được coi là “Molie của Việt Nam”. Vở hài kịch đỉnh cao của ông,
được coi là tác phẩm kinh điển của hài kịch Việt Nam là vở “Quẫn”. Nhiều tham
luận đã phân tích những điểm đặc sắc của “Quẫn”, chỉ rõ cái hay và những ý
nghĩa sâu xa của vở diễn này.
Bên cạnh đó, có tham luận đi sâu vào một tác phẩm cụ thể
của Lộng Chương, như phân tích kỹ những giá trị của vở “A Nàng”. “A Nàng” cùng
với “Quẫn” là hai tác phẩm được trao giải thưởng Hồ Chí Minh, đương nhiên là
đỉnh cao trong sự nghiệp sáng tác của Lộng Chương, và cũng là hai tác phẩm thể
hiện hai phong cách khác hẳn trong một ngòi bút bậc thầy. Nếu “Quẫn” là đỉnh
cao của hài kịch thì “A Nàng” lại là vở cải lương trữ tình sâu lắng, da diết,
“lấy” được bao nước mắt của người xem. Điều này chứng tỏ dù ở thể loại nào,
kịch gia Lộng Chương cũng để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng người đọc, người
xem. Những con số đêm diễn vào loại kỷ lục của các vở nổi tiếng của ông cũng
được nhiều tham luận nhắc đến như một khẳng định, một minh chứng cho sự thành
công của Lộng Chương trên lĩnh vực kịch trường.
Không những có số lượng tác phẩm đồ sộ đạt đến tầm cao về
nghệ thuật, các tác phẩm sân khấu của Lộng Chương còn gắn bó rất chặt chẽ với
hiện thực cuộc sống, đặc biệt là hai cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc: kháng
chiến chống Pháp và kháng chiến chống Mỹ. Với nhiều thể loại sân khấu dung lượng
ngắn, dài khác nhau, ông bám sát hiện thực để ngòi bút của mình trở thành công
cụ tuyên truyền đắc lực, hiệu quả các nhiệm vụ chính trị, gắn văn nghệ với đời
sống, người nghệ sỹ trở thành người chiến sỹ trên mặt trận văn hóa tư tưởng.
Những đóng góp của tác gia Lộng Chương trong vai trò sáng
lập các đoàn nghệ thuật và Hội Nghệ sỹ Sân khấu Việt Nam, trong vai trò đào
tạo, bồi dưỡng thế hệ trẻ kế cận cũng được nhiều ý kiến, nhiều tham luận nhấn
mạnh. Đây cũng là khía cạnh thể hiện tầm vóc của ông trong nền nghệ thuật sân
khấu nước nhà.
Thứ hai: Các
tham luận, các ý kiến còn tập trung làm rõ những điều đáng ngưỡng mộ trong nhân
cách con người nghệ sỹ Lộng Chương - đặc biệt với những ai đã từng may mắn được
gặp gỡ, được làm cộng sự hoặc học trò của ông. Dù ở bất cứ hoàn cảnh nào, ông
cũng luôn tỏ rõ cốt cách đàng hoàng, trung thực, nhân ái của “kẻ sỹ Bắc Hà”. Cả
cuộc đời ông cống hiến cho Cách Mạng, cho nghệ thuật và luôn ngẩng cao đầu vì
chưa một lần phải hổ thẹn với lương tâm. Chính điều này đã làm cho hình ảnh
người nghệ sỹ Lộng Chương trở nên cao đẹp, đáng nhớ hơn rất nhiều trong tâm
khảm mọi người.
Thứ ba: Những
đóng góp của nhà văn Lộng Chương trong nền văn học Việt Nam, đặc biệt ở mảng
sáng tác thơ. Trong thơ Lộng Chương, khu vực đáng lưu ý nhất là những vần thơ
trào phúng. Vẫn tiếp nối tiếng cười trào lộng trong sân khấu chèo truyền thống,
thơ trào phúng của Lộng Chương là vũ khí đấu tranh sắc bén để đả phá thói đời
đen bạc, lên án những xấu xa, độc ác. Nhưng đằng sau tiếng cười trào lộng ấy là
tâm trạng xa xót của nhà thơ trước cuộc sống còn nhiều nhiễu nhương, con người
chân chính phải đối mặt với nhiều hiểm độc, phải chịu đựng không ít đớn đau,
khổ ải. Đằng sau tiếng cười trào phúng là tâm trạng trữ tình mênh mang, khiến người
đọc suy ngẫm và day dứt.
Sau khi đi vào làm rõ những đóng góp to lớn của nhà văn,
nhà viết kịch Lộng Chương trong nền văn học nghệ thuật Việt Nam, nhiều tham
luận và ý kiến tham gia hội thảo thống nhất đề xuất: tại tỉnh Hải Dương, quê
hương của nhà văn Lộng Chương, chúng ta nên có hình thức tôn vinh ông một cách
xứng đáng như việc lấy tên của ông để đặt cho một đường phố của thành phố Hải
Dương, một ngôi trường tại huyện Bình Giang, nơi quê cha đất tổ của ông. Đây là
sự tri ân, sự tôn vinh cần thiết nhằm ghi nhận những đóng góp của ông và giáo
dục truyền thống văn hóa cho thế hệ hôm nay và mai sau. Chúng tôi hy vọng trong
tời gian không xa nữa, với sự quan tâm của Tỉnh ủy - HĐND - UBND, Sở VH -TT và
DL, đề xuất này sẽ sớm trở thành hiện thực.
Hội thảo “Tác gia Lộng Chương với nền VHNT Việt Nam” đã
thành công tốt đẹp. Thay mặt Ban tổ chức, chúng tôi xin trân trọng cảm ơn sự
quan tâm, sự hợp tác quý báu của các quý vị đại biểu, khách quý, các nhà nghiên
cứu, các văn nghệ sỹ và đặc biệt là xin trân trọng cảm ơn sự giúp đỡ nhiệt tình
của gia đình nhà văn, nhà viết kịch Lộng Chương trong việc cung cấp tài liệu và
những cộng tác tích cực khác để cuộc Hội thảo được thành công rực rỡ. Hội VHNT
tỉnh Hải Dương rất mong tiếp tục nhận được sự quan tâm, giúp đỡ và cộng tác của
các cấp lãnh đạo, các cơ quan, ban ngành, đoàn thể, các nhà nghiên cứu, các văn
nghệ sỹ… trong mọi hoạt động tiếp theo của Hội, để Hội ngày càng phát triển,
đóng góp vào sự nghiệp văn hóa, văn học nghệ thuật của quê hương, đất nước.
Xin kính chúc các quý vị đại biểu, khách quý, các văn
nghệ sỹ dồi dào sức khỏe, hạnh phúc và thành công!
Xin trân trọng cảm ơn và bế mạc Hội thảo tại
đây!
(*) Hội thảo tổ chức ngày
11/9/2014 tại trụ sở Hội Văn học Nghệ thuật Hải Dương
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét