Chủ Nhật, 16 tháng 11, 2014

Hội thảo “Tác gia LỘNG CHƯƠNG VỚI NỀN VĂN HỌC NGHỆ THUẬT VIỆT NAM”(*)

Vài cảm nhận về kịch bản văn học "A Nàng" của Lộng Chương
Nhà nghiên cứu sân khấu Nguyễn Thị Lan
Hội VHNT Hải Dương
Nhà nghiên cứu sân khấu Nguyễn Thị Lan
1.         Lộng Chương (1918-2003), người con của quê hương xứ Đông (Hải Dương), giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật năm 2000, là một trong những người đặt nền móng cho sân khấu Việt Nam hiện đại từ sau Cách mạng Tháng Tám, một trong những nghệ sĩ lớn trong đội ngũ văn nghệ sĩ trưởng thành từ cuộc kháng chiến chống Pháp.
            Sáng tác của Lộng Chương rất đa dạng, nhiều thể loại gồm 9 tập thơ và ca dao, 5 tập phóng sự, 81 kịch bản dài ngắn, ký kháng chiến, nhiều tiểu luận phê bình sân khấu (theo "Từ điển văn học", Bộ mới, NXB Thế giới, trang 871). Thật là một khối lượng tác phẩm đồ sộ, một năng lực sáng tạo dồi dào.
            Đến với văn chương từ rất sớm, chàng trai Phạm Văn Hiền bắt đầu sự nghiệp văn chương bằng tiểu thuyết phóng sự "Hầu thánh" chứ không phải bằng truyện ngắn như nhiều người khác. Nhà thơ Hữu Thỉnh, chủ tịch Hội Nhà văn nhận xét: "Đó là một người kỳ tài".
            Viết nhiều thể loại nhưng tên tuổi Lộng Chương để lại dấu ấn sâu đậm nhất lại ở tư cách người viết kịch. Ông viết kịch nói, kịch thơ, chèo, tuồng, chính kịch, bi kịch, hài kịch. Tuy vậy, hài kịch dường như vẫn là thể loại mà ông tâm đắc nhất. Sẽ không cường điệu khi nói ông là "danh thủ hài kịch", là người có đóng góp hàng đầu cho thể loại hài kịch Việt Nam hiện đại, là "cây hài sân khấu số một Việt Nam".
2.         Trong 81 kịch bản của Lộng Chương, "A Nàng" là một kịch bản khá đặc biệt. Đây là vở kịch thơ, một thể loại Lộng Chương ít viết nhưng lại để lại nhiều dấu ấn đẹp trong lòng khán giả. Vở "A Nàng" gồm 2 lớp, 6 cảnh ra đời năm 1961.
            Tôi được xem vở "A Nàng" từ những năm 60 của thế kỷ trước, lúc đó tôi mới là cô bé hơn 10 tuổi. Vở "A Nàng" được đoàn cải lương Kim Phụng diễn ở Vọng Cung (bây giờ là Nhà hát nhân dân thành phố Hải Dương). Ấn tượng sâu đậm của tôi và khán giả bấy giờ là tiếng kêu khắc khoải bi thương "A Nàng" "Khảm Khắc" của hai nhân vật chính ở cuối vở kịch. Tiếng gọi đó làm "tan nát trái tim" của một thế hệ khán giả mà đến tận bây giờ nhiều người còn nhớ.
            Sau này được biết, sinh thời vở "A Nàng" đã được ngoài đoàn cải lương Kim Phụng, các đoàn Bình Minh (Nam Định), đoàn Hoa Mai (Hà Sơn Bình) cũng dàn dựng và biểu diễn khoảng thời gian đó. Sau thống nhất đất nước, "A Nàng" đã được hơn 20 đoàn nghệ thuật phía Nam dàn dựng.
3.         "A Nàng" là thể loại kịch thơ trong loại hình văn học kịch. Thể loại này đòi hỏi lời thoại dùng thơ thay cho ngôn ngữ thông thường. Ở vở kịch thơ "A Nàng", Lộng Chương đã sử dụng lời thơ có vần, đa phần là thơ tự do với những câu dài ngắn khác nhau, có chen lục bát và song thất lục bát.
            Lợi thế của thể loại kịch thơ này giúp tác giả với những lời thơ lúc réo rắt, lúc trầm hùng, vừa gây được kịch tính, vừa gây được khoái cảm của sự cảm thụ chất thơ trong ngôn từ của khán giả (nhất là những ai yêu văn chương, yêu thơ). Mặt khác, thể loại này có ưu thế tạo ra độ căng tâm lý khán giả nhờ vào sự phối hợp khéo léo giữa việc dồn nén xung đột nội tâm của nhân vật với một vang hưởng thơ thật đúng lúc. Nó rất thích hợp với loại kịch có chất lãng mạn là "A Nàng".
            Về đề tài, vở kịch "A Nàng" xoay quanh câu chuyện tình yêu đầy bi kịch (còn gọi là bi tình) giữa đôi trai gái dũng sĩ - người đẹp, một đề tài thường thấy trong những câu chuyện cổ tích, sự tích các địa danh, danh lam thắng cảnh mà ở vở kịch này là sự tích đèo A Nàng.
            Có thể tóm tắt cốt truyện của vở kịch như sau:
            Nàng Ả (con gái duy nhất của nhà Lang) và Khảm Khắc (con trai của một nô bộc trong nhà Lang) yêu nhau thắm thiết nhưng không được lấy nhau do phép lệnh bản Mường không cho trai Mường lấy con gái nhà Lang. Mâu thuẫn vở kịch mở ra ngay từ đầu khi Lang Quách Lùng quyết định gả con gái cho Chiêu Hởn, con trai của Lang Mường Cun. A Nàng nhất quyết không chịu lấy. Căm giận, Lang định giết cả con gái và người yêu của nàng. Tức giận vì không cưới được A Nàng, Chiêu Hởn dẫn quân đến đốt phá bản. Trong tình thế nguy cấp, Lang phải thả Khảm Khắc ra để chàng đánh giặc. Giặc tan, dưới áp lực của dân bản, Lang phải đồng ý gả A Nàng cho Khảm Khắc nhưng với điều kiện Khảm Khắc phải trèo lên đỉnh Choong - Lồ cao thăm thẳm 9 tầng dưới là vực sâu khi Lang đánh dứt hồi chiêng. Khảm Khắc đã vượt qua được thử thách nhưng Lang lòng dạ nham hiểm tráo trở đã lén phóng ngọn dáo giết chết Khảm Khắc khi chàng vừa chạy lên đến đỉnh núi. Khảm Khắc rơi xuống vực. Nàng Ả đau đớn lao mình theo người yêu sau tiếng gọi tuyệt vọng của hai người "A Nàng" "Khảm Khắc" vang động núi rừng. Cuối vở kịch Lang đã ném lão Mo xuống vực. Sợ hãi trước sự căm hờn của dân bản, Lang lùi dần, đổ vật xuống vực thẳm.
4.         "A Nàng" hấp dẫn người xem bởi đó là một vở kịch có giá trị nhân đạo sâu sắc.
            Giá trị nhân đạo đó trước hết thể hiện ở sự quý trọng các giá trị người như trí tuệ, tâm hồn, tình cảm, phẩm giá, sức mạnh, vẻ đẹp... Vẻ đẹp lý tưởng của con người được tác giả tập trung khắc hoạ ở hai nhân vật chính: A Nàng, Khảm Khắc.
            A Nàng là một sắc đẹp núi rừng u uẩn với tấm lưng thon, mái tóc thơm mùi trinh nữ và đôi mắt đen thăm thẳm. Nàng như cây quế cao giữa đại ngàn.
            Khảm Khắc mang vẻ đẹp nam tính lý tưởng: to lớn, khoẻ mạnh, lao động cừ, can đảm và nghĩa khí. Đây là đoạn thơ phác thảo chân dung người dũng sĩ mang tầm vóc vũ trụ:
                        "Một cây nỏ cứng
                        Một lưỡi dao lưng
                        Đầu đội trời xanh
                        Chân đạp núi biếc
                        Mỗi bước chân là mỗi bước chuyển rừng
                        Đuổi thú
                        Giữ nương
                        Để dân bản Mường vui hát"
            Người con trai đó như loài chim cắt bắt diều hâu. Khi xung trận thì tiếng vang rền như sấm, chàng đã vượt qua mọi thử thách với một tinh thần bất khuất kiên cường.
            Tình yêu của đôi trai gái đó cũng là tình yêu lý tưởng, một tình yêu đẹp nhưng đầy oan trái, một tình yêu trong sáng, không vụ lợi tính toán, thơm ngát tựa hương lan. Tình yêu đó đẹp vì nó không phân biệt đẳng cấp sang hèn, những cách biệt giai cấp, những định kiến luật lệ hà khắc.
                        "Đã yêu nhau đói khổ chẳng sờn
                        Đã yêu nhau dù ở lều cỏ ngoài thôn
                        Lều anh dựng còn quý hơn nhà cao giữa bản"
            Có những hình ảnh thật đẹp, thật lãng mạn khi Khảm Khắc hứa với người yêu về một cuộc sống tốt đẹp:
                        "Anh sẽ chặt rừng làm nhà cho em ở
                        Trên đỉnh Choang - Lồ mây gió bốn mùa trăng"
            Yêu nhau, họ thề nguyện chung thuỷ suốt đời, dù "Suối có cạn nhưng tình yêu không cạn", hay:
                        "Đôi ta như chỉ xe xăn
                        Thêu đôi chim nhạn bay thành lứa đôi
                        Chim kia liền cánh không rời
                        Đôi ta nguyện sống trọn đời bên nhau"
            Yêu nhau, họ thề nguyền sống chết có nhau:
                        "Tình đôi ta nếu kiếp này lỗi hẹn
                        Thà chết trong lòng nhau... khỏi mang hận sống xa nhau"
            Tình yêu đó phải vượt qua bao gian nan, trắc trở. Họ phải vượt lên nỗi sợ hãi những thế lực bạo tàn đó là vương quyền, thần quyền, và cuối cùng vượt lên cái chết. Không được sống cùng nhau, họ đã chết bên nhau. Một kết cục thật bi thương nhưng cũng thật viên mãn.
            Chủ nghĩa nhân đạo trong vở kịch còn ở tư tưởng bình đẳng, công bằng giữa mọi người. Cả A Nàng, Khảm Khắc và dân bản không chấp nhận cái luật lệ vô lý: tại sao trai bản lại không được lấy con gái nhà Lang nếu họ yêu nhau, khi họ cùng bú chung "dòng sữa thơm không phân biệt sang hèn" (dòng sữa của mẹ Khảm Khắc), khi họ gắn bó với nhau, cùng chung bao kỷ niệm?
            Chủ nghĩa nhân đạo trong vở kịch còn thể hiện ở lòng ưu ái với con người và thân phận của nó.
            A Nàng, Khảm Khắc có đầy đủ những phẩm chất tốt đẹp và đáng được hưởng hạnh phúc nhưng họ phải sống kiếp trâu ngựa tôi đòi.
            Nói về nỗi đau khổ, tủi nhục của A Nàng, Khảm Khắc và những kiếp người khác dưới ách thống trị của Lang và thầy Mo... Lộng Chương biểu lộ tấm lòng thương cảm sâu sắc với những con người trong nghịch cảnh qua lời kể của người dẫn truyện, lời đối thoại của các nhân vật. Vở kịch đã tác động đến tình thương, lòng trắc ẩn của con người.
            Chủ nghĩa nhân đạo trong vở kịch còn thể hiện ở thái độ lên án mọi áp bức bất công với con người, lên án mọi thế lực bạo tàn mà ở đây là Lang Quách Lùng (đại diện cho vương quyền), thầy Mo (đại diện cho thần quyền). Hai thế lực này đã cấu kết với nhau để đè nén dân lành.
            Trước hết là Lang Quách Lùng. Đây là một kẻ lạnh lùng, bí hiểm, tàn ác, dữ tợn. Uy quyền của Lang thể hiện ở thanh gươm của hắn có thể rút ra khỏi vỏ, vung xuống bất cứ ai: quyền uy của hắn "như tiếng chuông đồng vang tận rừng xanh", hắn "cho sống thì được sống, bắt chết thì phải chết". Hắn bắt Khảm Khắc để hành hình vì tội đã dám yêu nàng Ả. Hắn đòi giết A Nàng vì đã không nghe lời cha. Hắn đẩy thầy Mo xuống vực sâu vì không được việc. Chính hắn tự nhận:
                        "Uy quyền ta trùm trời phủ đất
                        Phải phanh thây moi mật cả dân Mường
                        Để giữ yên phép chúa quyền Lang"
            Khinh bỉ người dân thường sâu sắc, Lang cho rằng:
                        "Con gái nhà Lang là con gái nhà Trời
                        Không thể nào cùng loài bọ chó kết đôi"
            Con người đó không chỉ ác, tàn bạo mà lòng dạ còn đen tối, tráo trở, phản trắc. Đành phải gả con gái cho người anh hùng của bản (chính người này đã cứu hắn thoát chết), hắn bày mưu tính kế để giết hại Khảm Khắc. Lăn gỗ, lăn đá xuống núi không cản được bước chân dũng mãnh của Khảm Khắc, hắn đã tự tay cầm dao đâm chết Khảm Khắc khi chàng vừa chạy đến đỉnh núi. Sự tàn bạo phản trắc đê hèn của Lang Quách Lùng đã lên đến đỉnh điểm.
            Bổ sung cho nhân vật Lang Quách Lùng là thầy Mo - một kẻ đại diện cho thần quyền ở miền núi.
            Nếu Lang thống trị con người về thể xác, thì thầy Mo thống trị con người về mặt tinh thần. Đó là một kẻ nham hiểm, tàn độc với hình ảnh xoã tóc, tiếng nói the thé như rắn phun, tiếng cười khành khạch như khỉ kêu, cổ vươn dài như cổ rùa, đôi mắt sắc như dao và tiếng hú khủng khiếp. Khi đi bắt vía người khác, Mo "tóc búi ngược quấn trong vành khăn tày vố, đuôi tóc xoà sang một bên, trong tay cầm kiếm trừ tà, mắt nhắm nghiền, miệng lầm rầm đọc thần chú". Lão đi tới đâu reo rắc khủng khiếp tới đó, làm cho dân bản "tức thổ, nghẹn lời, hồn vía rụng rời". Lão đọc thần chú khiến cho mọi người "run cầm cập quỳ mọp xuống". Khi lão bắt vía nàng Ả khiến cho cô "rũ người xuống, như đắm trong giấc mê dày đặc". Quyền lực của lão Mo quả là ghê gớm, Cùng với Lang Quách Lùng, lão Mo đã tạo ra một tấm lưới bủa vây, giam hãm những con người thấp cổ bé họng.
            Chủ nghĩa nhân đạo trong vở kịch "A Nàng" còn ở chỗ tác giả đã phát hiện ra tiềm năng vươn lên của đồng bào miền núi. Tiềm năng này thể hiện rõ ở Cảnh năm (Cuớp dâu) và Lớp hai của vở kịch. Những con người bị áp bức đó đã vươn lên tự giải phóng khi họ đã dần cảm nhận kiếp sống không bằng con trâu con ngựa của mình, cái chết vô lý của A Nàng, Khảm Khắc.
            Ở cảnh năm, người trai của Mường Pua, bạn của Khảm Khắc là Út Kiển đã dám cướp cô dâu để mang A Nàng về cho Khảm Khắc. Ở lớp hai, cũng chính Út Kiển đã xốc ngược con dao lao vào Quách Lùng khi chứng kiến cái chết bi thương của Khảm Khắc, A Nàng. Người trai này đã hét lên:
                        "Máu dân Mường đã bốc lên thành lửa
                        Sẽ thiêu tàn cả năm dòng họ Lang!
                        Lưỡi mác này còn đẫm máu trai Mường...
                        Sẽ trả oán cho Nàng Mai... Khảm Khắc!"
            Kết thúc vở kịch là tiếng vọng trầm hùng:
                        "Đỉnh Choong - Lồ ứa máu
                                                            Mặt trời lên!
                        Ngực dù nát...
                                    Người trai Mường ngẩng mặt"
            Chính kết thúc này mang đến cho vở bi kịch màu sắc bi tráng.
            Viết về cái bi kịch nhưng tác giả đã hướng về cái lạc quan, cái cao cả chứ không bao giờ mất đi niềm tin thiêng liêng của con người với cuộc sống. Đây là chức năng cao cả của văn học nghệ thuật từ cổ chí kim.
5.         Giá trị nghệ thuật của vở kịch.
            A Nàng hấp dẫn người xem trước hết ở hành động kịch nhất quán: đó là mối tình đẹp nhưng đầy bi thương của hai nhân vật chính. Mọi diễn biến của vở kịch đều xoay quanh hành động kịch này.
            Nói đến kịch là phải nói đến mâu thuẫn xung đột, đây là bản chất của kịch. Hêghen nói: "Phải đẩy tới chóp đỉnh của mâu thuẫn thì sự sống nhiều hình vẻ mới hiện ra." Ở "A Nàng", mâu thuẫn được đầy dần lên từ đầu đến cuối. Chóp đỉnh của mâu thuẫn ở cuối vở kịch khi nhân vật Lang phóng ngọn dáo vào ngực Khảm Khắc...
            "A Nàng" là một vở bi kịch tiêu biểu. Chất bi kịch ở đây là xung đột bi thảm của nhân vật anh hùng với các thế lực đen tối, bạo tàn, của cái cao cả với cái thấp hèn, cái xấu với cái đẹp, cái thiện với cái ác. Vở kịch kết thúc thật bi thảm, đầy chất thống thiết với cái chết của bốn nhân vật.
            Về bút pháp, "A Nàng" được tác giải Lộng Chương viết với bút pháp lãng mạn. Một đặc điểm nổi bật của bút pháp này là khoa trương. Khoa trương để nhấn mạnh. Chính vì vậy từ thiên nhiên đến con người (với vẻ đẹp, tài năng, sức manh, dục vọng) tất cả đều mang kích thước lớn, nhiều khi mang tầm vóc vũ trụ, nó tạo nên độ căng của cảm xúc khán giả, nó gây nên những "cú sốc thẩm mỹ" cho người xem.
            Một điểm nữa trong bút pháp của tác giả là "A Nàng" giàu chất trữ tình. Trữ tình ở lời thoại của các nhân vật, ở những chỉ dẫn ở đầu mỗi cảnh từ thời gian, địa điểm, cách bài trí sân khấu. Qua đó người xem có thể tưởng tượng ra một thiên nhiên ở Tây Bắc vừa thơ mộng vừa hùng vĩ. Từ bức tranh phong cảnh với đèo cao, vực sâu, sông suối, thác nước, mây núi; rồi các loài vật nhỏ như cá, chim én, to như con trâu, con ngựa, con nai, con hoẵng, con beo gấm; rồi những khung cảnh quen thuộc ở miền núi những ngôi nhà sàn, những bếp đỏ lửa, những hũ rượu, những ánh đuốc chập chờn; rồi những âm thanh quen thuộc của núi rừng: tiếng chim "từ qui", tiếng chày giã gạo, tiếng sáo chơi vơi, tiếng hú gọi người, tiếng cồng chiêng, tiếng trống, tiếng vọng qua rừng khuya dồn vào vách đá... Tất cả đã nói lên một điều: tác giả "A Nàng" đã sống kỹ, giàu vốn sống, trải nghiệm về miền núi phía Bắc. Chính những am hiểu sâu sắc của tác giả làm cho vở kịch giàu "chất" miền núi, làm cho khán giả thích thú với những màu sắc của xứ lạ phương xa.
            Cuối cùng là ngôn ngữ tác phẩm. Lộng Chương có một vốn ngôn ngữ phong phú. Ông vận dụng thành công cách nói của người miền núi vừa hồn nhiên vừa giàu hình ảnh. Tác phẩm có một ngôn ngữ giàu chất văn, tinh tế và đẹp, điều đó đã mang lại khoái cảm thẩm mỹ cho người đọc kịch bản.
            Nhìn chung cuộc sống và con người ở vùng cao Tây Bắc đã được kịch bản "A Nàng" thể hiện một cách chân thực, sinh động trên quan điểm giai cấp và tinh thần nhân đạo cảm động - một tinh thần nhân đạo chiến đấu tích cực. Tuy hai nhân vật chính đại diện cho cái đẹp mất đi nhưng tác giả đã tìm được một con đường tốt đẹp cho một cộng đồng dân tộc, con đường giải phóng thực sự.
            Với giá trị nội dung và nghệ thuật đặc sắc, "A nàng" xứng đáng là một trong những vở kịch tiêu biểu nhất của nhà viết kịch Lộng Chương.
Hải Dương,  tháng Tám năm 2014

 (*) Hội thảo tổ chức ngày 11/9/2014 tại trụ sở Hội Văn học Nghệ thuật Hải Dương

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét