Thứ Ba, 4 tháng 11, 2014

TÔI ĐÃ CỘNG TÁC VỚI LỘNG CHƯƠNG TỪ LÚC ĐẦU CÒN XANH(*)

NSƯT Việt Hồ

NSƯT Việt Hồ phát biểu nhân dịp Nhà viết kịch
Lộng Chương nhận Huân chương Độc Lập hạng Ba
 ... Lộng Chương và tôi quen nhau từ những buổi họp bàn về kịch tại nhà anh Ngọc Đĩnh. Tôi là người chưa biết sàn diễn là gì, trừ những buổi diễn lửa trại của đoàn Hướng đạo sinh Thăng Long do Đào Sĩ Chu và Đặng Đình Triệu phụ trách. Còn Lộng Chương lúc ấy vừa in xong tập phóng sự Hầu Thánh. Dưới mắt tôi lúc bấy giờ, anh là một nhà văn đã có chỗ đứng trên văn đàn. Tôi và anh thường quấn quýt với nhau trong các buổi bàn luận và vui chơi. Anh nhanh nhạy trong nhận định các vấn đề xã hội, đặt rất nhanh những đề cương kịch bản và viết cũng rất nhanh. Do đó khi thành lập Ban kịch Bình Dân, tôi thiết tha rủ anh cùng cộng tác.
Ngày toàn quốc kháng chiến, anh để gia đình ở đồng bằng (tỉnh Thái Bình) và theo Ban kịch Bình Dân lưu diễn trên vùng Việt Bắc. Anh là một trong bốn cây bút sáng tác kịch bản của đoàn (Ngọc Đĩnh, Nguyễn Văn Niêm, Ngọc Tỉnh, Lộng Chương). Anh còn được phân công tổ chức nội bộ, vì anh có khả năng đoàn kết anh em và khéo khu xử trong các vụ tranh chấp sắm vai vở diễn. Cái đáng quý khác ở Lộng Chương là, anh xông xáo, không nề hà bất cứ việc gì: giúp Ngọc Đĩnh dàn dựng vở, sửa chữa các vở của anh em sáng tác để đưa lên sân khấu… Anh có một quyển sổ dầy cộp, lúc nào cũng ở trong túi áo, thỉnh thoảng rút ra ghi chép. Thì ra anh luôn ghi lại những điều tai nghe mắt thấy, những mâu thuẫn bắt gặp để tích lũy dùng trong sáng tác. Anh em cứ tưởng anh kí họa những cảnh đã đi qua, nhưng anh trả lời: “Phái và Khôi nó vẽ, thì mình ghi truyện để minh họa cảnh của nó. Thế thôi!". Ai ngờ, những điều ghi chép tôi thấy đều xuất hiện đâu đó trong các sáng tác của anh sau này.

Bút tích vở Du kích thôn Đồi và
những ấn phẩm in vở kịch này của Lộng Chương
Chúng tôi đi diễn, lần từ Hà Đông lên đến Vĩnh Chân - Phú Thọ (20-4-1947) thì anh được tin gia đình gặp sự cố, đành phải về xuôi. Đêm ấy, anh em thức thâu để chia tay với anh. Nhớ nhất là sáng hôm sau đưa anh ra bến đò Vĩnh Chân, Ngọc Đĩnh và tôi mỗi người cầm một tay anh, thả anh từ trên bờ cao xuống thuyền. Chúng tôi có cảm giác như thả một cành lá xuống dòng sông ngầu đục. Ngọc Đĩnh và tôi nhìn theo thuyền cho đến khi mất hút ở phía xa xa. Chúng tôi trở về, lòng bâng khuâng và buồn rười rượi vì thiếu một cột trụ của đoàn. Nhưng chúng tôi vẫn tiếp tục cuộc hành trình đi Yên Bái và Lào Cai. Tháng Chạp 1948 chúng tôi từ Việt Bắc trở về xuôi. Về tới Nha Bình dân học vụ (Dân Học Nam) được vài hôm thì có tin anh Nguyễn Công Mỹ hi sinh. Do gặp những khó khăn này khác, đoàn kịch phải giải tán. Trước khi giải tán chúng tôi còn diễn hai vở lớn "Đi... không đi" và "Bão rớt" của Thành Thế Vỹ. Đợt diễn này có Lộng Chương đến xem. Anh bàn nên tái lập đoàn kịch của chúng tôi. Nhưng giặc đánh rộng ra ở Liên khu III, nên Dân Học Nam phải chuyển gấp vào Thanh Hóa. Đến Thanh Hóa, chúng tôi lại gặp anh Lộng Chương đem gia đình cũng vào Thanh Hóa. Chúng tôi lại làm kịch cùng nhau. Vở diễn đầu tiên là vở "Gặp gỡ" của Nguyễn Văn Niêm, chương trình hai là "Lí Thới và "Chỉnh lí" của Lộng Chương. Trong lúc dàn dựng, Lộng Chương lại giao cho tôi vai Tiệp, mà tôi đã thể hiện khi diễn ở Hà Nội khá thành công. Nhưng tôi muốn thử mình trong vai chính diện là Lân, một chiến sĩ Cách mạng. Trao đi đổi lại, cuối cùng anh đành nhượng bộ để tôi đóng vai Lân. Nhận vai diễn này tôi thể hiện ngày càng sa sút. Nhân vật cứ ra sân khấu là lên gân, khiến thành giả tạo, không đúng với thực tế ngoài đời. Anh em xúm vào phê phán, nhất là Lộng Chương nhận xét, phê phán dữ dội nhất, khiến tôi buồn phiền chán nản, chỉ muốn chấm dứt vở diễn đó. Ngược lại, trong vai bác Sộp - nhân vật phụ trong vở Lí Thới tôi đã gây được ấn tượng sâu đậm cho người xem. Đi đến đâu, người đã xem kịch đều chỉ trỏ "Sộp đấy! Thật là tuyệt!". Tôi cũng hởi dạ, càng phục sự nhận định và phân vai của Lộng Chương là chính xác.

Quảng cáo chương trình biểu diễn của Đoàn kịch Mùa Thu
Sau những đêm diễn ở Liên khu IV, chúng tôi kéo nhau về Chi hội Văn nghệ Liên khu III ở Xích Thổ, với mong muốn thành lập một đoàn kịch chuyên nghiệp. Trong khi chờ đợi quyết định của cấp trên, chúng tôi dàn dựng một đêm kịch để ra mắt đồng bào Liên khu III. Anh Lộng Chương chọn vở "Du kích thôn Đồi" do anh viết. Đoàn thiếu nữ diễn viên, phải đi nhờ một số học sinh, nên khi tập, khi bỏ. May thay, cấp trên kịp điều về cho chúng tôi hai nữ, là chị Hà Nhân và Hoàng Thi. Vì có hai nữ nên chúng tôi dàn dựng luôn cả vở "Chị ZT" nói về anh hùng giao liên Nguyễn Thị Điều. Khi phân vai và đưa vở thì chị Hà Nhân tuyên bố: "Tôi chỉ ở với các anh hết ngày hôm nay thôi, mai tôi về cơ quan cũ!”. Anh Lộng Chương phải thuyết phục chị tiếp tục công tác để vở kịch tiến triển theo đúng kế hoạch.
Đêm diễn đầu tiên ở đình Xích Thổ, trước lúc mở màn độ nửa tiếng, anh Lộng Chương đi họp trên khu về, gọi tôi ra bảo thêm một câu chửi thề trước khi xuất hiện trên sân khấu: "Tiên nhân chúng bay, làm gì mà sồn sồn lên thế!". Đó là lời tên Chánh tổng chỉ huy bốt ngụy quân ở khu vực ấy. Tôi hỏi tại sao phải thêm vào câu ấy, anh bảo khi diễn xong sẽ giải thích. Sau đêm diễn anh cho biết là tay thư kí của ông Trân cứ đòi sửa lại vở. Sau ông Trân bảo, đã tập rồi, thì cứ diễn đêm nay, xem xong sẽ có ý kiến. Rất may là đêm diễn trót lọt. Và ông Trân bảo cứ thế mà đi diễn; chỉ nên cắt bỏ câu chửi thề ở đầu vở đi thôi, nhưng cái ấy tùy đoàn cân nhắc. Thì ra, câu chửi thề đó còn có ý nhằm vào tay thư kí nọ, mới rời ghế nhà trường, chẳng hay biết gì về kịch mà cứ bắt cắt bỏ đoạn này đoạn khác, còn có ý thêm thắt làm nát vở kịch của anh.
Sau 3 tháng đi diễn, chúng tôi được gọi về khu, chia làm hai nhóm để vào hậu địch. Nhóm anh Lộng Chương đi Lí Nhân, tôi đi với nhóm anh Đồ Phồn vào Yên Mô mở lớp văn nghệ Nhân dân. Sau khi rút từ hậu địch về, tôi bị ốm vì nằm hầm liên miên, rồi được chuyển sang dạy học ở trường cấp 3 Hàn Thuyên - Núi Cối, Nho Quan. Hòa bình lập lại, về Hà Nội, tôi công tác ở Đoàn kịch TW, anh Lộng Chương tham gia ban tổ chức thành lập Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam. Tôi đã cùng anh góp sức vào tổ chức hội nghị này thành công mĩ mãn. Cũng trong thời gian này, chúng tôi cộng tác với anh Ngọc Đĩnh thành lập Đoàn kịch Mùa Thu. Buổi ra mắt đầu tiên của đoàn là vở "Khiếp sợ" của Georges Soria, do Triệu Thành dịch, diễn ở Nhà hát Lớn. Anh Lộng Chương bao quát công việc, từ tổ chức đến đêm diễn, thật chu đáo, nên thu được kết quả rất khả quan. Anh em có đà dựng liền vở "Đạo đức giả" - Vũ Đình Long phóng tác theo vở Tartuffe của Molière. Anh Lộng Chương đã tìm tòi một phong cách diễn xuất đặc biệt ở vai Kí Ốc, gây được ấn tượng khó quên trong khán giả. Sau này, vở "Quẫn" của anh đưa vào Nhà hát Kịch - nơi tôi công tác, đã sống hai mươi năm ròng rã trên sân khấu từ Bắc vào Nam. Đây là một vở sống lâu nhất trong các tiết mục của Nhà hát Kịch.
Ngoài ra, tôi còn cộng tác với anh trong các Đoàn kịch Công nhân, Đoàn kịch Thanh niên. Ở đâu anh cũng là đầu trò trong công tác tổ chức viết kịch bản và dàn dựng đến nơi đến chốn. Anh viết rất nhiều, những vở của anh đều được viết rất công phu, mang đậm một nét cười châm biếm, khi nhẹ nhàng khi quyết liệt. Anh là một trong những người say mê sân khấu hết lòng và có công lớn trong lịch sử sân khấu hiện đại Việt Nam.
Đi với nhau từ lúc đầu còn xanh, nay đã tóc bạc, răng long, đều ở tuổi 80 cả rồi, vậy mà mỗi lần gặp nhau, nhấm nháp với nhau chén trà, chén rượu, chúng tôi lại bồi hồi tưởng nhớ về quãng thời gian đã qua… Ôi, thời gian sao đi nhanh đến thế!... 
NSƯT Việt Hồ (đứng thứ tư từ trái sang) cùng
Nhà viết kịch Lộng Chương gặp gỡ bạn bè hoạt động
kháng chiến chống Pháp tại Liên khu III
 ___________________________

(*) Sách “Kịch Lộng Chương”, Nxb Văn học, 1997; “Lộng Chương - Để đến… Nơi đến”, Nxb Sân khấu, 2013.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét