Thứ Hai, 17 tháng 11, 2014

Hội thảo “Tác gia LỘNG CHƯƠNG VỚI NỀN VĂN HỌC NGHỆ THUẬT VIỆT NAM”(*)

"Quẫn" - Một thành công lớn 
của Lộng Chương trong sáng tác kịch bản sân khấu hài kịch
 Nhà nghiên cứu sân khấu Nguyễn Cảnh Thụy
 Hội VHNT Hải Dương

Nhà nghiên cứu sân khấu Nguyễn Cảnh Thụy
     Tác giả Lộng Chương, người con của quê hương Hải Dương, với Giải thưởng văn học nghệ thuật Hồ Chí Minh năm 2000, đã khẳng định vị trí xứng đáng của mình trong nền văn học nghệ thuật dân tộc nói chung và đặc biệt là trong nghệ thuật sân khấu kịch nói nói riêng. Ông là một cây bút xông xáo, năng động, khẳng định được khả năng và đóng góp của mình trên nhiều lĩnh vực văn học nghệ thuật. 
     Đã có nhiều học giả, nhà nghiên cứu, phê bình đánh giá những đóng góp của Lộng Chương trên lĩnh vực văn học, hoạt động sân khấu và đặc biệt là sáng tác kịch bản. Trong khuôn khổ bài viết này, tôi chỉ xin tập trung vào trình bày một vài suy nghĩ của mình về  một kịch bản cụ thể của Lộng Chương, đã từng gây lên “hiện tượng sân khấu” những năm đầu thập niện sáu mươi của thế kỷ trước, đó là vở “Quẫn”.

     Kịch bản sân khấu “Quẫn” được Lộng Chương hoàn thành vào cuối năm 1960, lấy bối cảnh xã hội vào năm 1959. Lúc đó, Đảng ta mới ban hành Nghị quyết 16 (tháng 4/1959) về cải tạo kinh tế với mục tiêu là là “Đưa xí nghiệp tư bản tư doanh từ hình thức thấp và vừa lên hình thức cao của chủ nghĩa tư bản nhà nước, chủ yếu là hình thức công tư hợp doanh, chuyển chế độ chiếm hữu tư bản chủ nghĩa về căn bản thành chế độ sở hữu nhà nước và trên cơ sở phát triển quan hệ sản xuất mới đó biến dần người tư sản dân tộc thành người lao động”. Trong sáng tác văn học nghệ thuật, nhiều khi năm sáng tác, bối cảnh sáng tác không nói nên điều gì, nhưng ngược lại, cũng có trường hợp thì thời điểm và bối cảnh sáng tác lại trở nên rất có ý nghĩa. Trường hợp vở kịch “Quẫn” là như vậy. Chỉ đặt “Quẫn” trong bối cảnh ra đời mới thấy được giá trị tư tưởng và tính chất thời sự của nó. Vở kịch viết về hiện thực xã hội ở miền Bắc nước ta trong những năm thực hiện nhiệm vụ cải tạo nền kinh tế sau hòa bình lập lại, chuẩn bị cho giai đoạn thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ nhất theo Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III: xác định nhiệm vụ chiến lược của cả nước, miền Bắc tiến lên Chủ nghĩa xã hội, không kinh qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa, làm hậu phương vững chắc chi viện cho miền Nam tiếp tục đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Trong bối cảnh đó, vấn đề mà kịch bản của Lộng Chương đặt ra rất có tính thời sự, đáp ứng kịp thời mục đích tuyên truyền chính trị bằng văn nghệ đang đặt ra. Vở kịch là một câu chuyện đầy khôi hài xảy ra trong một gia đình tư sản đứng trước chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về cải tạo kinh tế tư bản theo hướng công tư hợp doanh. Đó là gia đình ông Đại Cát. Gia đình ông có 4 người: cụ Đại Lợi, ông bà Đại Cát và cô con gái là Thúy Trinh, có người yêu tên Hùng. Mâu thuẫn xảy ra khi ông Đại Cát đã được học tập, giác ngộ và đi đến quyết định đưa cái xưởng dệt của mình vào Công tư hợp doanh. Mặc dù đã tỏ ra là người thức thời, yêu nước, tiến bộ, song trong tư tưởng, ông Đại Cát vẫn chưa thoát khỏi bản chất giai cấp tư sản của mình. Vợ chồng ông tìm mọi cách để phân tán, dấu diếm tài sản nhằm lo cho đời mình và đời con đỡ khổ vì phải sống bằng đồng lương lao động. Chính ông Đại Cát đã bộc bạch: “Mình công tư hợp doanh xưởng dệt là để cho nó yên tâm cái trách nhiệm làm dân của mình. Còn tiền của  thì mình phải giữ lại để bảo đảm cho mức sống của mình sau này”. Thế là vợ chồng ông bày mưu, tính kế đủ trò: nào là giả danh con gái điện cho gấp cho người yêu đang lao động ở công trường về cưới; nào là phân chia tài sản cho con, cho mẹ, cho vợ…thậm chí, vợ chồng ông Đại Cát không chỉ dắp tâm lo “hậu sự” cho mẹ- khi cụ Đại Lợi vẫn còn rất “phương phi”, mà còn lo “hậu sự” cho mình và cả vợ nữa! Không chỉ có những mưu mẹo để che mắt Nhà nước, mà vợ chồng ông Đại Cát còn bày đặt ra cách dấu vàng để cả mẹ và con gái cũng không biết, gây nên nhiều tình huống rất bi hài! Cuối cùng thì những mưu toan ấy đều bị phơi bày và trở nên vô nghĩa. Rồi chính vợ chồng ông Đại Cát lại bị bọn gian thương lợi dụng, lừa đảo để trục lợi vì mắc mưu tuyên truyền của bọn phản động qua Đài Sài Gòn. Vợ chồng ông Đại Cát chỉ thức tỉnh khi đã phải trả giá cho sự “quẫn” trí vì óc tư hữu của mình chưa được gột rửa. Tiếng cười trong vở kịch khi trào lộng, khi thâm thúy sâu cay…là tiếng nói cảnh tỉnh đối với những nhà tư sản đang trong quá trình cải tạo, đồng thời là công cụ tuyên truyền hữu hiệu cho một chủ trương của Đảng, Nhà nước mới được ban hành.
     Ngay sau khi vở kịch “Quẫn” hoàn thành, Nhà hát kịch nói Trung ương đã diễn hai đêm liên tục tại Nhà hát lớn Hà Nội (ngày 9 và 10/12/1960) và tiếp tục được trình diễn trong thời gian dài ở nhiều địa phương, gây nên “hiện tượng” trên kịch trường, đạt đến mức kỷ lục về đêm diễn trong nền sân khấu Việt Nam. Theo Nghệ sĩ nhân dân Trọng Khôi, Chủ tịch Hội nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam thì “Quẫn” là vở diễn có “tuổi thọ dài nhất” qua 20 năm, với “hơn 20.000” đêm diễn! Có thể nói, đó là bằng chứng về sự thành công vang dội của nhà biên kịch Lộng Chương trên kịch trường. Bởi lẽ, như chúng ta đã biết, trong nghệ thuật sân khấu, số buổi biểu diễn và số người xem nói lên tất cả. Sân khấu kịch là một loại hình nghệ thuật tổng hợp, nó tác động trực tiếp đến công chúng, đồng thời công chúng là một bộ phận quan trọng làm nên thành công của đêm diễn. Không có công chúng thì không có biểu diễn, kịch bản chỉ là là những xác chữ vô hồn nằm trên trang giấy mà thôi! Công chúng vừa là người thưởng thức vừa là người đánh giá thành công của vở diễn. Thành công của vở “Quẫn” chứng tỏ sức hấp dẫn và thành công của tác giả Lộng Chương với vai trò của người viết kịch bản sân khấu (bên cạnh thành công của đạo diễn và tập thể diễn viên).
     Sở dĩ “Quẫn” tạo được sự thành công như vậy là bởi vì, trước hết, Lộng Chương là người rất sắc sảo và nhạy cảm trước những vấn đề xã hội, ghi nhận và phản ánh kịp thời những vấn đề phát sinh từ cuộc sống, được đông đảo dư luận quan tâm, có ý nghĩa chính trị- xã hội rộng lớn. Cải tạo kinh tế tư bản- một thành phần kinh tế ra đời và phát triển gắn với chế độ thực dân, nửa phong kiến, là một chính sách mới, chưa có tiền lệ, đã tác động trực tiếp đến tầng lớp tư sản dân tộc, và được dư luận xã hội quan tâm chú ý, nhất là trong các đô thị. Chính sách này vừa được triển khai thì tác giả Lộng Chương đã kịp thời đưa lên sân khấu kịch nói. Tính thời sự của vở “Quẫn” không phải là biệt lệ. Lộng Chương có sở trường trong  phản ánh những vấn đề thời sự. Những ai quan tâm đến kịch của Lộng Chương có thể kể ra một loạt sáng tác như vậy: từ sáng tác kịch ngắn cho truyền thanh đến sáng tác kịch để trình diễn trên sân khấu. Trong đó, tiêu biểu là vở “Chặn tay chúng lại”. Theo Nghệ sĩ nhân dân Doãn Hoàng Giang, chỉ trong một đêm, Lộng Chương đã viết xong một vở kịch, để anh em nghệ sĩ có thể tập vào sáng ngày hôm sau và công diễn ngay tại Hà Nội vào 7 giờ 30 tối hôm đó, đúng như tác giả đã trù tính với anh em đoàn kịch từ hôm trước. Tính thời sự trong kịch của Lộng Chương làm cho kịch của ông nhanh, nhạy chẳng kém gì thể ký trong văn học, mà tính chiến đấu lại rất cao, mang tính tác động trực tiếp đến công chúng! Trong “Quẫn”, tác giả tỏ ra là một cây bút sắc sảo khi dùng tiếng cười để vạch trần những thủ đoạn tinh vi của những ông chủ doanh nghiệp, trong khi bề ngoài thì tỏ ra bắt tay với công nhân, giác ngộ xã hội chủ nghĩa, nhưng trong thâm tâm vẫn coi thường lao động, sợ lao động, không chấp nhận sống “bình đẳng về kinh tế” với giai cấp công nhân. Ông không chỉ phê phán tư tưởng tư sản đang là vật cản trong công cuộc cải tạo kinh tế ở miền Bắc những năm sau hòa bình, xây dựng nền tảng cho việc xác lập quan hệ sản xuất mới xã hội chủ nghĩa; mà còn vạch trần luận điệu xuyên tạc của kẻ địch trong lúc tranh tối tranh sáng nhằm bôi nhọ thành quả của cách mạng. Tư tưởng nghệ thuật trong sáng tác của Lộng Chương được thể hiện ở chỗ, không chỉ đứng trên lập trường và trách nhiệm công dân của một nhà văn, mà còn nêu cao tính đảng trong sáng tác- một trong những yêu cầu cao của cách mạng đối với văn học nghệ thuật lúc bấy giờ!
         Là một nhà viết kịch có quan điểm nghệ thuật lấy tác phẩm làm vũ khí chiến đấu và tuyên truyền, Lộng Chương chọn cho mình một sở trường riêng là chủng kịch hài. Rất có thể, cái bút danh “Lộng Chương” của tác giả được nảy sinh từ sở nguyện này: muốn lấy tính trào lộng để sáng tác văn chương. Với “Quẫn”, Lộng Chương đã tạo được chuỗi cười liên hoàn trong suốt vở diễn. Tiếng cười trong kịch của Lộng Chương được bật ra từ cốt truyện, kịch tính của vở kịch, nhân vật và tình huống kịch, đồng thời được thể hiện ở nhiều cung bậc khác nhau: Khi thì trào lộng, ồn ã, khi thì mỉa mai, sâu sắc và thầm kín... Có trường hợp, Lộng Chương tạo tiếng cười mang tính hề kịch, qua động tác của nhân vật kịch trên sân khấu. Ví dụ, cảnh ở Hồi 3, Ba Lường dìu bà Đại Cát ngã dậy, nhưng rồi y lại ngã tiếp, đè lên bà Đại Cát, làm bà kêu rống lên “Aí!... Ôí trời ôi! Ông làm thế à!”, khiến cho cụ Đại Lợi trông thấy liền biêu riếu “trong nhà không mưa không gió mà cũng ngã lăn đùng ra được”. Hoặc một cảnh khác ở Hồi 5, bà Đại Cát biếu cụ Đại Lợi gói quà mới mua, nói là nhiễu Hàng Châu (nịnh mẹ chồng để bà không đòi đưa ảnh lên chùa, vì trong ảnh có dấu vàng), nhưng khi cụ Đại Lợi mở ra chỉ thấy nịt vú và si líp liền thốt lên “Qúy hóa quá! Bà ấy biếu tôi những thứ này để tôi đi lễ chùa đây!”. Một cảnh khác nữa cũng tương tự: Bà Đại Cát trút giận lên mẹ chồng bằng cách chỏng lỏn với cụ Đại Lợi qua tấm ảnh: “Tôi nói cho bà biết, bà khỏe đòi của như thế tôi sẽ moi hết vàng trong ảnh bà ra! Tôi không để cho bà giữ nhiều như thế được! Bà lườm gì tôi!”. Trong “Quẫn” cũng có những tiếng cười bật ra từ cách chơi chữ của tác giả. Đó là cảnh ông bà Đại Cát dấu vàng trong khung ảnh của mình, rồi bàn cách “treo tôi với bà lên phòng ngủ” hoặc là “chôn” (ý nói treo ảnh hoặc chôn ảnh)- (cảnh ở Hồi 1 ). Bên cạnh đó những tiếng cười hề kịch, trong “Quẫn” cũng không thiếu những tiếng cười mang tính hài kịch, như cảnh ở Hồi 3: Tác giả để cho Ba Lường khen bà Đại Cát có hiếu với mẹ chồng, vì “Thưa bà chứng cớ đã rõ đây rồi…cố nhà vẫn còn đang tráng kiện phương phi như thế mà bà đã lo đồ tống chung cho cố đấy! Dạ, kể con dân mà hiếu thảo được như bà thì thật là có một trên đời này”. Có thể kể ra hàng loạt những tình tiết gây cười có ý nghĩa châm biếm sâu cay, như: để chia của hồi môn cho con gái, bà Đại Cát mua tới 8 cái xe đạp, 10 cái radio; còn sắm quạt điện cho con thì ngoài việc sắm cái để quạt cho mát, còn có cái để đuổi muỗi…Trong sự lo cho con quá thái của bà Đại Cát, khiến Thúy Trinh (con gái bà Đại Cát) đã phải mỉa mai: “Mợ sắm cho chúng con nhiều thứ thế này ạ! Thích quá nhỉ! Gía cưới xong con xin thôi học ở nhà mở của hàng chợ giời cũng đủ mặt hàng đấy mẹ ạ!”. Hoặc: Cảnh bà Đại Cát cứ gào lên giả vờ cãi nhau với chồng đòi chia tài sản cho thiên hạ biết, nhưng rốt cuộc chẳng ai, chỉ có Thúy Trinh nghe, khiến cho bà phải bực tức: “ Trinh đấy ư? Cha mẹ cô, làm cho tôi gào hết cả hơi!”. Khó có thể nói hết những cảnh và tình huống gây cười được thể hiện trong vở kịch. Có thể nói, cách gây cười ở Lộng Chương khá phong phú, đa dạng về bút pháp. Ngoài ra, còn có những câu thoại của nhân vật được tạo dựng bởi một cách diễn đạt mâu thuẫn rất tinh tế qua ngôn ngữ nhân vật. Ví dụ như Ba Lường “quảng cáo và hàng xịn” để lừa bà Đại Cát như thế này: “Dạ thưa bà, xe meecxie phụ tùng loại còn mới nguyên”, hoặc “cái radio Phi líp là kiểu mới nhất còn lại trước đây” (!). Trong kịch, ngôn ngữ nhân vật có nhiều chức năng: nó vừa làm nhiệm vụ trần thuật, vừa tả, vừa kể…và vừa cá tính hóa nhân vật. Ngôn ngữ nhân vật trong “Quẫn” của Lộng Chương bộc lộ tính cách rõ nét. Ông Đại Cát thì hay biểu lộ cảm xúc bằng câu mà mở đầu là “Ô là là…”. Còn Thúy Trinh thì tính tình  thẳng thắn, bộc trực, quyết liệt, nhưng cũng rất lãng mạn, mang tâm lý tính cách của lớp thanh niên mới. Cụ Đại Lộc là hiện thân của lễ giáo phong khiến và là phật tử thành tâm của nhà chùa. Hãy nghe cụ Đại Lộc dăn dạy cháu gái: “Đã là con nhà gia giáo thì công dung ngôn hạnh, tứ đức phải lấy làm đầu”. Ngôn ngữ cụ Đại Lợi nói chung, nhiều điển tích, điển cố. Ngay cả khi mắng con cụ cũng dùng điển tích: “Anh để vợ anh nó đối gia đối giả như thế này hử! Hừ…Chúa Kiệt loạn dân vì gái muội, nhà Chu mất nước tại nàng Bao”. Dưới con mắt của cụ Đại Lợi thì việc cháu cụ đi lao động công trường về cụ xem như bị cưỡng bức lao động nay  được “tha” về. Cụ Đại Lợi được tác giả xây dựng như một thành trì kiên cố của tư tưởng phong kiến bảo thủ. Khác với các nhân vật trong nhà Đại Cát, Ba Lường và hai tay hàng xách (nam và nữ) thì ăn nói nịnh bợ, lừa gạt, ngôn ngữ chợ búa, hễ mở miệng là tuôn hàng tràng tiếng lóng với những “5 vận”, một “tê”, mấy “thiên”…Cũng là người thuộc lớp thanh niên tiến bộ, có tinh thần lạc quan cách mạng, lãng mạn, nhưng Hùng khác với Thúy Trinh ở tính điềm đạm, chín chắn, suy nghĩ có trước có sau hơn. Ở “Quẫn”, số lượng nhân vật không nhiều và Lộng Chương đã khắc họa được rõ nét tính cách nhân vật, nhân vật nào ra nhân vật ấy, nhân vật nào cũng có cá tính. Nhân vật trung tâm của vở kịch cũng là đối tượng cần phản ánh đã được thể hiện trong quá trình chuyển biến tích cực của tính cách. Vì thế, vở kịch thể hiện sự xung đột giữa cái tiêu cực với cái tích cực, giữa cái lạc hậu với cái tiến bộ, nhưng kết thúc trong tiếng cười lạc quan: cái tích cực, cái tiến bộ được khẳng định! Đó là tinh thần của thời đại! Có thể nói rằng: với “Quẫn”, Lộng Chương là nhà văn đã sớm nắm vững và thể hiện một cách sinh động những nguyên tắc sáng tác “hiện thực xã hội chủ nghĩa” khi viết về đề tài xây dựng đất nước trong thời bình! Một điều cần nói thêm nữa là, Lộng Chương là một người sáng tác kịch bản văn học, đã từng làm diễn viên và đạo diễn, nên ông thông hiểu cách xây dựng nhân vật. Vì thế, trong kịch bản, đạo cụ cũng tham gia bộc lộ tính cách nhân vật. Cái ghế xích đu được tác giả sử dụng như một phương tiện hữu hiệu để biểu lộ cảm xúc và thái độ của nhân vật một cách sinh động và hài hước. Lộng Chương cũng  thành công trong việc khắc họa tính cách tư sản- phong kiến của nhân vật Đại Cát  từ cách đặt tên nhân vật (Đại Lợi, Đại Cát), đến cách bài trí trong căn phòng của gia chủ trên sân khấu. Tác giả cũng tỏ ra rất chú trọng đến việc khắc họa chân dung ba nhân vật (cụ Đại Lợi, vợ chồng ông Đại Cát) qua sử dụng thủ thuật ánh sáng sân khấu: Để sân khấu trong bóng tối rồi tạo một luồng sáng rọi vào những tấm ảnh để đặc tả, nhấn mạnh sự chú ý của khán giả. Tác giả còn cẩn trọng trong từng đạo cụ bài trí sân khấu để bộc lộ tính cách nhân vật. Ví dụ: cảnh tượng đầu Hồi 2: ông Đại Cát mệt mỏi nằm nghẹo đầu ngủ trên ghế xích đu, trên đùi và trên kỷ thấp bên cạnh có mấy tờ báo (Nhân dân, Cứu quốc, Độc lập, Thời mới), chứng tỏ ông đang nung nấu ý nghĩ và rất quan tâm đến thời sự chính trị; đối lập với cụ Đại Lợi: đang ngoảnh mặt với đời, chìm đắm trong tiếng mõ và tụng kinh, niệm phật đều đều. Vừa là kịch gia, đồng thời cũng đã từng làm đạo diễn, diễn viên, nên ngay từ khâu viết kịch bản, Lộng Chương đã tạo được sự phù hợp và thống nhất giữa kịch bản văn học với việc triển khai dàn dựng trên sân khấu, để vở kịch phát huy được sức mạnh của sự tổng hợp. Có được thành công như vậy, Lộng Chương đã tiếp thu một cách sáng tạo phong cách hài kịch của Châu Âu, mà tiêu biểu là của nhà viết kịch Môlie với những mô típ gây cười quen thuộc được ông Việt hóa và sáng tạo thêm, đồng thời ông cũng mạnh dạn đưa một số đặc sắc của hề kịch dân gian và tinh thần lạc quan của chèo vào hài kịch, làm cho bộ môn sân khấu non trẻ, có nguồn gốc từ Châu Âu này trở nên đậm tính dân tộc hơn! Nếu như Molie dùng hài kịch để phê phán những thói hư tật xấu mang tính người chung chung, trừu tượng; thì Lộng Chương dùng nó làm vũ khí phê phán trong đấu tranh giai cấp, gắn với một đối tượng, tầng lớp xã hội trong một hoàn cảnh cụ thể. Cùng một motip là đưa mâu thuẫn trong gia đình lên sân khấu, nhưng trong “Quẫn”, Lộng Chương nói lên vấn đề chính trị, xã hội, còn trong “Chén thuốc độc” của Vũ Đình Long (vở kịch nói đầu tiên của Việt Nam được diễn trên sân khấu Nhà hát lớn Hà Nội năm 1920) thì chỉ xoay quanh vấn đề đạo đức, lễ giáo.  Trong “Quẫn” Lộng Chương cũng mạnh dạn sử dụng cách điệu chèo truyền thống để bộ lộ tính cách nhân vật trên sân khấu kịch nói (khi ông Đại Cát đứng nói với công chúng ngoài sân khấu: “vợ tôi cũng biết hót ra trò chứ có không đâu”! Tóm lại, Lộng Chương là một tác gia kịch nói mà thành công gói trong mấy chữ: tiên phong trên nhiều lĩnh vực, năng động, sáng tạo và đa tài.
     Với những đóng góp của mình qua một hài kịch tiêu biểu, chúng ta chỉ có thể hiểu được phần nào đặc sắc và phong cách nghệ thuật của Lộng Chương. Con người ông và sự nghiệp sáng tạo đồ sộ của ông còn nhiều vấn đề để chúng ta cần bàn và tìm hiểu để học tập. Nhưng những gì mà Lộng Chương cống hiến cho nền văn nghệ dân tộc thì đã được khẳng định. Chúng ta mừng cho cố nhà viết kịch Lộng Chương và gia quyến của ông, đồng thời cũng tự hào về ông- người con của quê hương, đã góp phần tô thắm thêm truyền thống văn hiến của của Xứ Đông xưa và Hải Dương hôm nay!

 (*) Hội thảo tổ chức ngày 11/9/2014 tại trụ sở Hội Văn học Nghệ thuật Hải Dương




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét