Thứ Năm, 6 tháng 11, 2014

Hội thảo "Tác gia LỘNG CHƯƠNG VỚI NỀN VĂN HỌC NGHỆ THUẬT VIỆT NAM"(*)

Có một con đường nghệ thuật mang tên Lộng Chương (1918 – 2003)

Nhà văn Đỗ Kim Cuông
Phó Chủ tịch Thường trực Liên hiệp các hội VHNT Việt Nam
Nhà văn Đỗ Kim Cuông
           Nhà văn - Nhà việt kịch Lộng Chương (1918 - 2003) từng được biết đến với tư cách là một trong số ít các nhà văn sáng lập ra Hội Nhà văn Việt Nam1957. Ông cũng từng là người giữ cương vị trong Ban thường vụ Hội sân khấu Việt Nam.
          Con đường đến với sự nghiệp văn chương, nghệ thuật của Lộng Chương không phát lộ sớm. Cuộc sống của một trí thức trong thời Pháp thuộc với vai trò là một nhân viên trong phòng thí nghiệm của Sở Nông lâm đã giúp cho ông rất quen thuộc với môi trường đô thị, trí thức. 
    Vốn là một học sinh đã từng tốt nghiệp trung học phổ thông thời Pháp, Lộng Chương là con của một gia đình viên chức, có đời sống kinh tế bậc trung lưu. Cha ông mất sớm nên mọi việc trong gia đình chăm lo cho mẹ và các em đều một tay Lộng Chương gánh vác. Trong kí ức của những người thân trong gia đình ông kể lại, bản tính của ông luôn chăm lo cho mọi người, quan tâm tới thời cuộc, yêu mến văn chương nghệ thuật. Cùng với công việc của một công chức, là người có học, Lộng Chương sớm dấn thân vào con đường làm báo, viết văn. Ngay từ năm 1942, Lộng Chương đã cho xuất bản tiểu thuyết Hầu Thánh.  Cuốn tiểu thuyết đầu tiên chưa thực sự gây tiếng vang nhưng đã được những nhà văn đương thời và bạn đọc chú ý. Cuốn tiểu thuyết có ý nghĩa phê phán những hủ tục xã hội nhưng được ông viết bằng một giọng văn đầy chất hài hước, nhưng người ta đã thấy bóng dáng của một nhà viết kịch của tương lai bởi cái nhìn sắc sảo của ông trước hiện thực của cuộc sống, những xung đột kịch và tiếng cười dân gian để mỉa mai những điều trớ trêu trong cuộc đời mà ông thấy cần phải cảnh báo.
     Khi Cách mạng tháng 8/1945 thành công, nước Việt Nam dân chủ cộng hoà ra đời, cả dân tộc ta đi vào cuộc trường kỳ kháng chiến chống Thực dân Pháp 9 năm. Lộng Chương cũng như hàng ngàn văn nghệ sỹ, trí thức đã rời bỏ nơi phồn hoa đô hội tham gia kháng chiến. Cuộc sống hào hùng của dân tộc ta, không khí sôi động của cuộc kháng chiến, Lộng Chương đã được tắm mình trong dòng sông cách mạng. Đây chính là cơ sở giúp cho ông có được một vốn sống sâu sắc hiểu biết về con người, quê hương, đất nước, trách nhiệm của người trí thức, văn nghệ sỹ với thời đại. Nhưng điều quan trọng hơn chính từ trong cuộc kháng chiến gian khổ này đã giúp ông có được một nhãn quan mới về cách mạng, về nhân dân mình để sau này khi thực sự dấn thân vào nghiệp cầm bút, nhà văn, nhà viết kịch Lộng Chương đã cho ra đời hàng loạt các tác phẩm kịch bản sân khấu. Đó là vở kịch Quẫn (1960), Vở kịch thơ A Nàng (1961), Cửa mở hé (1969) và các vở kịch Lý Thới, Đòi con, Mối lo của cụ Cửu, Đoàn quân tóc trắng, Đôi ngọc lưu ly, Tình sử Loa Thành…Để sau này NXB Văn học ấn hành thành tuyển tập kịch Lộng Chương.
      Nhận xét về kịch tác gia Lộng Chương, PGS Phan Trọng Thưởng đã viết: “Cũng như nhiều kịch gia trong nền kịch cách mạng những năm tháng cầm bút của Lộng Chương gắn liền với hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc…9 năm kháng chiến chống Pháp Lộng Chương sáng tác 07 vở, có nhiều tác phẩm của ông được người đương thời biết đến như Lý Thới (1948), Du kích Thôn Đồi (1952), Chiến đấu trong lòng địch (1954)…”. Xem lại những vở kịch này, người đọc, người xem kịch đều nhận thấy những đóng góp nhất định của Lộng Chương cho nền kịch nghệ của Việt Nam trong những năm kháng chiến chống Pháp. Nhiều tác phẩm phản ánh hiện thực của cuộc kháng chiến gian khổ và ác liệt, tinh thần yêu nước của nhân dân, trách nhiệm của người nghệ sỹ trí thức đóng góp vào sự nghiệp chung của dân tộc. Điều lý thú hơn cả trong các vở kịch của Lộng Chương ông đã bộc lộ tài năng của một nhà viết hài kịch, Lộng Chương đã tiếp bước được cái chất hài kịch truyền thống trong sân khấu dân gian của Nghêu sò ốc hến, những vở kịch phê phán đám tham quan ô lại trong tiếng cười sảng khoái của người dân cùng với tiếng cười của Tú Xương, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Khuyến…, nay nâng tầm cao hơn trong những đề tài mới, gắn với những hình tượng mới, sự kiện mới của xã hội hiện đại vừa mang tính thời sự nhưng đồng thời cũng góp phần phê phán những thói hư, tật xấu khiến cho giá trị của tác phẩm có chiều sâu, có tầm vóc.
     Lộng Chương là một nhà văn, nhà viết kịch có tài dẫn truyện, khắc hoạ các hình tượng “với bút pháp trào lộng”, có nhà nghiên cứu phê bình nhận xét rằng đây là một tài năng bẩm sinh của ông.
Ngoài công việc sáng tác nhà viết kịch Lộng Chương còn có sự đóng góp to lớn cho sự phát triển nghệ thuật sân khấu truyền thống của dân tộc. Ông đã cùng với các nhà thơ, nhà viết kịch Lưu Quang Thuận, Nguyễn Đình Hàm…dày công tìm kiếm, sưu tầm một khối lượng lớn các tích chèo cổ. Nhiều vở chèo cổ đã được ông khảo sát kỹ, chỉnh lý, bổ sung trước khi xuất bản và đóng góp vào gia tài nghệ thuật sân khấu truyền thống dân tộc hôm nay.
     Với những đóng góp to lớn của nhà văn - nhà viết kịch Lộng Chương, ông đã được nhà nước tặng Huân chương Độc lập Hạng 3. Ông cũng được nhận giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật năm 2000.

      Việc UBND tỉnh Hải Dương cùng với các sở ban ngành của Tỉnh, Hội VHNT Hải Dương tổ chức hội thảo về nhà văn, nhà viết kịch Lộng Chương là một việc làm có ý nghĩa sâu sắc. Chúng tôi hi vọng rằng qua hội thảo này càng khẳng định những đóng góp của nhà văn, nhà viết kịch Lộng Chương cho sự phát triển của văn học nghệ thuật nước nhà.

Con đường đến với cách mạng của nhà văn, nhà viết kịch Lộng Chương cũng là con đường dẫn ông đến với đỉnh cao văn chương, nghệ thuật./.



 (*) Hội thảo tổ chức ngày 11/9/2014 tại trụ sở Hội Văn học Nghệ thuật Hải Dương

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét