Thứ Bảy, 22 tháng 11, 2014

LỰA CHỌN(*)

  Truyện ngắn Phạm Hồng Thắm
         Chính ngồi thừ bên bàn viết. Có lẽ, chưa bao giờ số phận lại xô anh dạt vào ngõ cụt bế tắc như bây giờ! Chẳng biết anh sẽ moi đâu ra số tiền lớn ngần ấy. Số tiền đem lại mạng sống cho đứa con gái duy nhất của anh. Hôm qua, con gái anh bị cấp cứu. Nhiều tháng nay, nó có hiện tượng chóng mặt, đau đầu. Bác sỹ khẳng định, cháu bị bệnh máu trắng! Nhìn con gái gầy rộc, da mặt bợt bạt, lòng anh quặn thắt. Còn vợ anh, cô ta chì chiết: "Anh tối ngày ở cơ quan, có cần biết đến vợ con hàng ngày ra sao! Nay, con bé đổ bệnh, cũng chẳng thèm quan tâm. Mẹ con tôi chết quách đi cho anh rảnh thân...". Anh chỉ im lặng. Nỗi đau của một người nghĩ mình có lỗi, dễ mấy ai hiểu nổi.
            Là người lính từ chiến trường về, anh chuyển ngành sang làm báo. Cái nghề  cũng buộc anh có mặt khắp các nẻo đường của đất nước, có khác chi người lính? Đây đó, anh đã tận mắt chứng kiến cái hậu hoạ khôn lường của chất độc màu da cam. Cái thứ chất độc giết người man rợ mang trên nó màu sắc mới mỹ miều làm sao. Những thân phận nhỏ bé ở khắp các miền quê của đất nước được sinh ra, nay què quặt, đui mù, dị dạng... đến rùng rợn. Đó chính là những vết cứa tàn nhẫn cắm sâu vào trái tim nhân đạo của loài người, là vết thương không rỉ máu mà lại đau đớn đến tột cùng! Anh rùng mình ớn lạnh. Cảm giác nhói buốt len lỏi dọc theo sống lưng dội lên đỉnh đầu anh. Chính chưa bao giờ run rẩy trước những đợt mưa bom bão đạn của kẻ thù. Nhưng nay anh thấy sợ. Anh đau đớn hiểu rằng, đòn thù không quật ngã anh nơi chiến trường, nhưng rất có thể anh sẽ ngã gục dúi dụi, hèn hạ trong cuộc sống hiện tại này!? Trước mắt anh đang hiện lên đôi mắt nhắm nghiền đau đớn của con gái trên giường bệnh.
            Chuông điện thoại đổ hồi. Tiếng chuông lanh lảnh, chát chúa. Chính mệt mỏi:"A lô, tôi nghe..." - "Chính đấy à, mình đây" - "À,... chào Sếp" - "Có vẻ mệt mỏi vậy? Đến toà soạn bây giờ được không?" - "Thưa, có việc gấp ạ?" - "Ừ, một đơn kiện, có lẽ nghiêm trọng" - "Vâng, tôi sẽ đến ngay".
            Chính đứng lên. Anh khoác vội cái áo, bước ra cửa. "Ối,..." Tiếng vợ anh la lên. Hai người bất chợt đâm xầm vào nhau. Cô ấy từ bệnh viện về. "Anh đi đâu đấy?" - "Anh có điện gấp của toà soạn" - "Trời ơi, đến nước này mà vẫn..." -- "Em, anh xin lỗi. Có điện gấp mà. Anh sẽ về ngay". Ném cái nhìn giận giữ về phía anh, cô ấy quày quả đi thẳng vào nhà.
            "Chào Sếp" - "À, Chính đấy à? Cậu vào đây. Tình hình cháu thế nào rồi?" - 'Thưa, bác sĩ đã kết luận, con tôi bị máu trắng" - "Sao?" - "Vậy đấy, chỉ còn cách thay máu" - "Đến thế cơ à?". Chính im lặng, đưa mắt ra ngoài cửa sổ. Ông Tổng biên tập lưỡng lự, chậm rãi: "Chính này, toà soạn vừa nhận được một đơn thư. Trong đơn tố cáo việc làm ăn phi pháp của ban lãnh đạo Công ty X, tỉnh Y. Đặc biệt là tay Giám đốc. Người tố cáo giấu tên, sợ bị trù dập. Đây là một vụ khó. Các phóng viên khác không đủ sức làm. Cậu H lại đang đi Hải Phòng. Chỉ có cậu mới đủ kinh nghiệm, tuổi nghề và trình độ để xông vào. Nhưng chuyện gia đình cậu bây giờ... Tớ xin lỗi, khó quá". Nói xong, ông kê má lên cánh tay còn lại, nhìn xuống mặt bàn, vẻ có lỗi. Ông đã để lại cánh tay kia ở Buôn Mê Thuột trong một trận đánh năm 1975. Hình như  khắp nơi, trên dải đất gầy guộc nhỏ bé hình chữ S này đều in đậm dấu vết đau thương của mấy chục năm chiến tranh tàn khốc vừa qua.
            "Chính này, bệnh cháu hiểm nghèo như vậy... Thôi tuỳ cậu...".
            Chính từ từ đứng dậy. Đột ngột, anh quay ngoắt lại, đối diện với Tổng biên tập: "Việc này tôi nhận, anh yên tâm" - "Tôi thật ái ngại, liệu có cách khác không?..." - "Thôi, coi như quyết định rồi" - "Vậy, tớ cám ơn cậu. Ở nhà, mình và anh em sẽ đến với cháu".
            Trở về nhà, Chính nhặt nhạnh mấy thứ đồ cá nhân. Anh xếp gọn tất cả vào chiếc ca táp. Đã hơn mười giờ sáng. Trên đường đi, anh rẽ vào bệnh viện để gặp vợ con. Con anh đang ngồi trên chiếc ghế ngoài sân. Mẹ nó chắc chạy quanh đâu đó. Nhìn thấy anh, mặt nó rạng rỡ. Anh thấy lòng nhói buốt. Ngồi xuống cạnh con, anh ôm riết lấy nó, nắn nắn cái xương nhô nhô, nhọn hoắt nơi đầu vai. Có lẽ nào rồi đây, rất gần thôi, anh sẽ mất đứa con gái yêu dấu này? Trời ơi, sao mình đã cho con có mặt trên đời này lại không thể ngăn được nó trở về với cát bụi? Ngàn lần bố có lỗi, nhưng làm sao có thể khác được đây, Hà ơi? "Bố, sao con phải nằm viện lâu thế?". Anh nhìn con, nuốt nước mắt: "Bác sĩ bảo, con cần nằm thêm một thời gian nữa sức khoẻ sẽ khá hơn" - "Bố mang cặp đi đâu thế?" - "Bố phải đi công tác gấp" - "Bố đừng đi lâu nhé" - "Chỉ mấy ngày thôi. Con ở nhà ngoan, nhớ nghe lời mẹ và bác sĩ" - "Vâng ạ". Con anh chấp nhận. Nó đã quen với nếp sống của anh từ bé. "Con nói với mẹ, bố vội". Nó gật đầu, lấy tay xoa xoa nơi cằm anh. Hít một hơi dài trên mái tóc mềm mại của con, anh dắt xe đi. Trước khi ngoặt ra ngoài cổng bệnh viện, anh còn ngoái lại. Con gái anh mới mảnh mai yếu ớt làm sao!
            Đến công ty X lúc giữa chiều, anh vào phòng thường trực. Ông bảo vệ người nhỏ bé, khuôn mặt xương xương, nhìn anh dò hỏi: "Ông gặp ai?" - "Bác cho tôi gặp Giám đốc" - "Ông có việc gì?" - "Tôi ở báo..." -  "À, ông chờ chút". Lõm bõm qua cuộc trao đổi, Chính đoán hình như ông ta nói với một người chủ chốt nào đó của Công ty.
            Đặt điện thoại xuống, ông ta quay lại: "Rất tiếc, tôi phải thông báo với ông, Giám đốc đi vắng. Nhưng sẽ có người ra làm việc với ông ngay bây giờ" - "Cám ơn bác".
            Một cô gái trẻ quãng tuổi hai mươi xuất hiện ở cửa. Hai tay xoắn vào nhau, cô ta dụt dè: "Thưa, mời... anh đi...". Cô ta không biết gọi Chính như thế nào cho phải. Chính được đưa đến phòng khách của Công ty. "Anh nghỉ tạm. Chút nữa Sếp em đến. Cơm chiều em lo rồi" - "Cám ơn cô".
            Sau quãng đường gần trăm cây số đi bằng xe máy, được tắm sạch sẽ, Chính khoan khoái ngả người trên chiếc sa lông. Ông Tổng biên tập muốn Chính lấy ô tô cơ quan đi, xong anh từ chối. Kinh nghiệm mách bảo anh rằng, phương tiện cá nhân trong chuyến đi này sẽ giúp anh tránh được sự chú ý không cần thiết nơi anh đến làm việc. Không khí mát lạnh trong phòng làm anh thiu thiu ngủ. Có tiếng động cửa. Anh choàng tỉnh. Một mâm đồ nhắm thịnh soạn được cô nhân viên lúc nãy bê vào. Cô vừa quay ra, xuất hiện trước mắt Chính là một gã đàn ông thấp, tròn vo. Ông ta có cái mặt bóng nhẫy. Trên cặp mắt nhỏ vừa phải là đôi lông mày rậm rịt. Ông ta hề hề: "Chào ông. Tôi là Khánh, Chánh văn phòng Công ty. Giám đốc đi vắng, tôi đại diện Công ty tiếp ông" - "Tôi là Chính, phóng viên báo...". Ông ta nhìn rất nhanh vào mắt Chính. Hai người bắt tay nhau.
            "Nào, mời ông. Chắc ông cũng đói rồi. Ta vừa ăn, vừa bàn chuyện" - "Vâng, xin cám ơn ông". Bia được rót ra. Khánh phủ đầu ngay: "Không biết ông đến Công ty chúng tôi có việc cụ thể gì? Hiện nay, Công ty đang rất bận. Tình hình chung đều ổn. Anh em trong Công ty phấn khởi...". Hắn đưa mắt thăm dò Chính. Sau khi nhấp ngụm bia, Chính chậm rãi: "Báo tôi vừa nhận được tin về việc chuyển nhượng đất trái phép và một số sai phạm trong hợp đồng mới ký của Công ty này với Công ty BUSHU Hàn Quốc. Thực hư đến đâu, tôi được phân công đi xác minh" - "Tôi phụ trách điều hành ở đây, mọi chứng từ đều qua tay tôi. Đâu có chuyện...". Chính chặn lại: "Trong tay tôi đã có một số bằng chứng. Xin ông vui lòng hợp tác". Tay Chánh văn phòng tránh mắt anh: "Để chính thức đưa ra công luận điều gì phải có lệnh của Giám đốc. Tôi tiếp ông theo thủ tục hành chính" - "Vậy bao giờ tôi có thể gặp ông ấy?" - "Cũng chưa biết. Theo lịch công tác, ngày kia ông ấy về" - "Đành vậy...". Không khí bữa ăn có phần gượng gạo. Hai người nói với nhau những chuyện chẳng dính gì đến Công ty. Sau đó, tay Chánh văn phòng xin cáo lui.
            Cả một tối trôi qua lặng lẽ, dài dặc.
            Chính không sao ngủ được. Giờ này, vợ con anh sao rồi? Con gái anh chắc đau đầu dữ lắm. Chẳng hiểu có ăn hết nửa bát cháo không? Nó gày quá. Cả vợ anh nữa. Cái gì cô ấy cũng dồn cho con bé. Có lần khi bước chân về nhà, anh bắt gặp cô ấy đang lùa vội bát cơm chan chút nước rau. Tội nghiệp. Quá lo cho con, nhiều lúc không kiềm chế được, cô ấy chì chiết chồng. Chính rất hiểu nỗi đau của cô ấy. Anh chỉ thấy xót thương. Chưa bao giờ anh nặng lời khi cô ấy cáu bẳn. Liệu anh có tìm ra lối thoát cho cái bế tắc hiện nay của gia đình mình? Trong đầu anh lại lởn vởn bộ mặt phì nộn của tay Chánh văn phòng. Có thể hắn là một đầu mối để lần tìm các chứng cứ. Lúc nãy, hắn đã hớ hênh: "... mọi chứng từ đều qua tay tôi...". Nhưng dễ gì moi được từ hắn khi chính hắn là người trong cuộc.
            Sáng hôm sau, Chính dậy sớm. Để lại vài chữ thông báo đi vắng cả ngày, anh dắt xe ra khỏi nhà khách. Trên chiếc Honđa cũ kỹ, anh đi thẳng vào mấy phố trung tâm thị trấn. Ngồi uống tách cà phê anh nhớ lại, hình như khi qua phòng thường trực, ngoài ông bảo vệ già, còn thấp thoáng một thanh niên khá trẻ. Họ nói chuyện gì đó và người thanh niên nhìn theo anh khá lâu. Anh lại lên xe, thong thả đi tiếp. Nắng đầu hè chưa nóng nhưng đã chói chang. Anh dự định sẽ qua mấy cơ quan có chức năng cấp giấy phép hoạt động cho các doanh nghiệp. Biết đâu chẳng chớp được một điều gì đó. Thị trấn này đâu phải là đáy biển để thách đố anh mò kim.
            "Chào ông". Tiếng chào nhỏ, đột ngột, đủ để Chính định hướng nó ở phía nào của xe anh. "Cậu hỏi tôi?" - "Vâng, ông là phóng viên báo...?" - "Có vấn đề gì?" - "Tôi biết ông đến về vụ làm ăn phi pháp của Công ty tôi. Chính tôi là người viết đơn tố cáo. Tôi là thủ quỹ của Công ty". A, đầu mối đây rồi. Chính thầm reo. "Xin ông đừng dừng lại. Cứ đi chầm chậm. Tôi nói rất nhanh. Tôi theo chân ông từ phòng bảo vệ. Rất có thể họ theo dõi tôi...". Họ, chắc là tay Chánh văn phòng kia.
            "Có một số chứng từ tôi photo được. Trong vụ làm ăn này, tôi đã vài lần cự nự họ về chuyện tài chính không đúng thủ tục. Chỉ được nghe giải thích: Giám đốc ký rồi, cứ việc thi hành. Bà kế toán trưởng cũng là người của họ. Mình tôi không đấu lại được" - "Thế thì tốt rồi. Anh đã giúp tôi rất nhiều" - "Xin ông hãy giữ kín cho. Tôi e họ gây khó khăn cho tôi..." - "Cậu yên tâm. Tôi biết phải làm thế nào" - "Ông Giám đốc không đi công tác. Họ nói dối ông. Ông lưu ý điều này". À, ra vậy! Tay Chánh văn phòng ra thăm dò trước. "Thế à, rất cám ơn cậu. Nếu cần, tìm cậu ở đâu" - "Chỉ khi thật cần thiết, hỏi bác thường trực" - "Thôi được rồi, tôi hiểu" - "Chào ông" - "Chào cậu".
            Sau khi dúi vào tay Chính mấy tờ giấy, người thanh niên ngoặt nhanh vào một hẻm nhỏ.
            Vậy là chính đã nắm trong tay những tài liệu quan trọng. Một thuận lợi bất ngờ. Trong quãng đời làm báo của mình, không ít vụ anh chật vật lắm mới tìm được chứng cứ. Lần này, vận may như từ trên trời rơi xuống. Vấn đề còn lại là tìm gặp tay giám đốc.
            Quá trưa anh mới về đến nhà khách. Chưa kịp ngồi xuống ghế nghỉ đã có tiếng gõ cửa. Anh được mời lên phòng Giám đốc. Điều này ngoài dự kiến của anh. Hình như, anh được theo dõi sát.
            Tay Giám đốc cao, gầy. Cái mũi quặp và đôi mắt đầy lòng trắng của ông ta khiến chính liên tưởng đến con quạ đen già độc ác. Chẳng chờ đợi được điều gì tốt lành ở con người này!
            Hắn ta chủ động: "Xin giới thiệu, tôi là Giám đốc Công ty. Tôi vừa đi công tác về". Hắn ta nói dối như cuội. "Thưa, tôi ở báo... Tên tôi là Chính" - "Vâng, tôi đã được báo cáo về ông và việc ông đến tìm hiểu ở đây. Không hiểu ông đã nắm được những gì". Hắn ta đi những bước thật táo bạo. "Chúng tôi nhận được đơn tố cáo. Xét thấy có dấu hiệu vi phạm pháp luật về đất đai và thủ tục liên doanh với nước ngoài tại Công ty này. Báo cử tôi đến làm việc với các ông". Hắn ta nhìn chằm chằm vào mặt Chính, như để xác minh điều anh nói: "Từ thời điểm có chủ trương thay đổi cơ chế thị trường, trật tự làm ăn có nhiều xáo trộn, thậm chí quá đà. Công ty tôi không nằm ngoài tình trạng chung ấy. Tôi thừa nhận điều ông nói là có. Nhưng xin ông nhớ cho, Công ty này không phải là trường hợp sai phạm duy nhất" - "Xin lỗi, để được biết ngọn ngành sự vụ, tôi không chỉ tìm hiểu tại Công ty ông. Tất nhiên, còn những nơi khác rồi chúng tôi sẽ đến...". Tay Giám đốc chững lại. Một cái nhếch mép không che dấu: "Ông Chính, à, xin lỗi, tôi tên Trọng. Thưa ông, tôi xin đi thẳng vào vấn đề. Nếu để ông không hoàn thành nhiệm vụ, cần điều kiện gì?" Hắn nhấn mạnh cụm từ "không hoàn thành nhiệm vụ" và nhìn thẳng vào mắt Chính. Hai bên nhìn nhau trong giây lát. Không hiểu hắn có đọc được nỗi lo âu ám ảnh trong đôi mắt Chính về đứa con gái yêu dấu đang nằm chờ chết không. "Ông thử nghĩ mà xem, với thực tế hiện nay, để tồn tại, liệu có mấy nơi không hề sai phạm gì?" - "Ông Trọng, tôi xin nhắc lại, tôi được báo cử đến chính nơi đây, và tôi cần biết đầy đủ sự vụ xảy ra ở chính Công ty này". Nghe giọng Chính có phần căng thẳng, tay Giám đốc im lặng . Lát sau, hắn nhẹ nhàng: "Tôi rất hiểu những điều ông nói. Chỉ xin ông cân nhắc kỹ, tôi đoán, gia đình ông hẳn cũng chẳng sung túc gì". Bất giác bên tai anh vẳng lên câu nói của vợ trong tiếng nấc nghẹn ngào. "Đào đâu ra  mấy chục triệu thay máu cho con bây giờ hả anh?". "Ông nghĩ sao? Ông sẽ được mấy chục ngàn nhuận bút khi bài báo được đăng? Chắc chắn chúng tôi không trả ông rẻ như nhuận bút đâu". Chính im lặng, chăm chú quan sát đôi mắt diều hâu có con ngươi bé tí của hắn. "Hai chục "vé" được không?". Quả là ngoài sức tưởng tượng của Chính. Tại thời điểm này, ngần ấy tiền tương đương cái xe Dream xịn rồi. Trong khi chiếc Honđa cũ kỹ của anh dăm triệu liệu có ai mua!? Hắn cũng đã biết anh đi xe gì rồi. "Ông bỏ qua cho chúng tôi vụ này, ông đâu có mất gì, mà ngược lại... Tôi cho rằng, bà nhà sẽ không trách gì ông đâu... Còn nếu cố khui ra, tôi cũng chẳng dám chắc ông có về nhà được an toàn không?". Hắn ta xoa rồi lại đấm đây. Hay hắn ta đã biết hoàn cảnh của anh hiện nay. Khuôn mặt xanh xao, trắng bệch của con anh đau đớn vật vã trên giường bệnh lại đổ ập đến trước mắt anh. Có lúc nhìn con, anh lại tưởng tượng đến một chiếc đĩa sứ nhỏ, mỏng manh, chỉ động nhẹ là sẽ bị vỡ tan tành. Đúng, nếu anh bỏ qua cho hắn, anh chẳng mất gì, mà ngược lại... Hơn chục năm ở chiến trường, anh đã nếm đủ đạn bom, khói lửa. Gần hai chục năm làm báo, nếu không lăn lộn với các nghề kiếm tiền khác bằng chút sức vóc đàn ông của mình, cuộc sống gia đình anh chắc chẳng đủ cơm ăn, áo mặc. Và, cái kết cục của những năm tháng chiến đấu vì sự tồn vong của dân tộc, thì đó, con gái anh đang bị thần chết đe doạ cướp đi. Vậy, hai chục "vé" so với mất mát của đời anh đâu thấm tháp gì!
Thấy anh im lặng hồi lâu, nghĩ rằng cá đã cắn câu, hắn tấn công tiếp. "Sao, ông chịu không? Mà đừng lo, chẳng ai biết việc này ngoài tôi và ông". Chính nói vừa đủ nghe: "Tôi cần phải có thời gian. Đã có đơn kiện, im lặng chẳng dễ gì" - "Kiện cáo là chuyện bình thường, xác minh không có thì thôi. Ông Chính ạ, các tờ báo tỉnh và mấy cơ quan điều tra địa phương đều đến đây cả rồi. Rút cục, họ trở thành người nhà cả. Ông ở trung ương về, xa xôi là vậy. Hà cớ gì mà phải nhọc lòng. Ngần ấy, liệu ông công tác cả chục năm đã tích luỹ được?".
Hắn nhầm! Gần cả đời người, anh làm gì có một xu tiết kiệm nào. Chính nhẹ nhàng, nhưng kiên quyết: "Ông Trọng ạ, trong tay tôi đã có một số chứng từ quan trọng". Mặt hắn hơi biến sắc. Ngước mắt nhìn lên trần nhà với vẻ suy nghĩ rất lung. Một giây sau, hắn nói: "Theo ông, còn ít hả?". Chính ỡm ờ: "Tôi cho rằng, sự tồn tại của Công ty ông, hay nói cách khác, của chính ông, là ở thời điểm này đây. Báo của tôi ở trung ương, chúng tôi chả phụ thuộc vào ai ở đây cả" - "Thôi được rồi, tôi xin chồng "bốn mươi vé". Đủ xe cho cả hai ông bà. Được không?". À, chịu chơi đây. "Thưa ông, tôi xin cảm ơn tấm thịnh tình của ông. Tuy vậy, tôi không dám chắc giúp được ông không. Trên tôi còn có nhiều người khác" - "Nếu còn phải xử lý ở khâu nào, xin ông cứ nói" - "Ông Trọng ạ, điều đó còn phải xem. Ta tạm dừng công việc ở đây. Có lẽ mai tôi về sớm" - "Tối nay, phiền ông đi ăn cơm ngoài. Tôi sẽ cho người liên hệ với ông ở nhà khách. Ông thông cảm. Tôi đến trực tiếp gặp ông sẽ không hay". Hắn ta cho rằng mọi việc như vậy đã được quyết định.
            Chính đứng lên. Gã Giám đốc giơ tay ra. Nắm thật chặt bàn tay Chính, hắn giữ hơi lâu. Bàn tay hắn lạnh và ướt.
            Chính không về nhà khách ngay. Anh lòng vòng ra ngoài phố, tiện thể ăn chút bữa tối. Sao chiếc ca táp hôm nay nặng vậy? Vẫn mấy tập bản thảo. Vài ba chiếc bút. Chiếc kính làm việc. Và… chỉ một máy ghi âm nhỏ. Chiếc cặp nặng hay lòng anh đang trĩu ưu tư? Thế là có tiền thay máu cho con rồi đấy. Một may mắn tình cờ và đúng lúc. Một lối thoát hiểm đột ngột cho cả gia đình anh. Con gái anh sẽ sống. Vợ anh sẽ tìm lại được khuôn mặt vô tư, hồn hậu xưa. Gia đình anh sẽ có lại hơi thở của hạnh phúc thuở nào. Cái tương lai êm đềm, nhẹ nhõm được vẽ ngay trước mắt anh, gần quá. Anh đã sờ, nắn được nó. Anh phải vui lên chứ. Vậy mà, lòng anh như có đá đeo.
            Trời đã đổ tối. Qua phòng thường trực, anh chào ông bảo vệ. Chính nhận được ánh mắt nhìn khinh khỉnh của bác ấy. Hay họ biết cả rồi? Mặt anh nóng bừng. Bất chợt anh đưa tay quệt lên má. Hình như có vết nhọ ở đó!? Ban nãy chỉ ăn hết nửa bát phở mà sao anh không thấy đói? Có tiếng kẹt cửa. Một bóng người lách vào. Hoá ra tay Chánh văn phòng. Theo thói quen nghề nghiệp, Chính với vội chiếc cặp, kéo khoá và đưa tay vào bật máy ghi âm. Hắn ta hấp tấp, không để ý đến cử chỉ của Chính: "Xin lỗi ông. Tôi đến đột ngột. Đây là khoản tiền mà ông Giám đốc đã thoả thuận cùng ông. Xin ông nhận cho" - "Tất cả bao nhiêu?" - "Dạ, bốn mươi "vé". Ông đếm đi". "Thôi khỏi cần. Nhờ ông chuyển lời cảm ơn của tôi tới ông ấy" -"Vâng, thưa, còn những chứng từ?". À, bọn hắn không quên, Chính thoáng nghĩ. "Đó là đơn kiện và một vài chứng từ photo hiện đang để ở toà soạn. Tôi sẽ có trách nhiệm làm việc với Tổng biên tập" - "Vậy trăm sự nhờ ông. Thôi chào ông" - "Chào ông". Chính đã nói dối hắn ta.
            Sau khi đóng chặt cửa phòng, Chính thận trọng lôi chiếc máy nhỏ ra. Giọng nói chậm, âm sắc lành lạnh của gã Giám đốc vang lên. Tiếp theo là tiếng vội vã, có chút nịnh bợ của tay Chánh văn phòng. Thế là trong tay anh có cuốn băng ghi âm và bản photo hợp đồng cùng các loại hoá đơn. Những bằng chứng bằng vàng để đưa vụ này ra ánh sáng. Chỉ vài ngày nữa thôi, bài điều tra đầy đủ và xác thực của anh về Công ty X sẽ được dư luận biết đến. Sự tín nhiệm của đồng nghiệp đối với anh càng được củng cố.
Nhưng còn con anh, đứa con gái duy nhất mà anh có được ở cuộc đời này, sẽ ra sao? Mất con, thử hỏi: công danh, địa vị, tăm tiếng để mà làm gì? Mọi chứng cứ quan trọng nhất đang nằm trong tay anh. Chỉ cần một que diêm. Chỉ cần một động tác nhấn nút xoá máy ghi. Và, sau đó là bốn mươi "vé" được chuyển đổi cho tính mạng con anh. Cái sự còn mất của con gái anh đang phụ thuộc vào chính giây phút này đây.
Nhưng danh dự, cái mà không phải ai cũng có được, thì sao? Không, anh không cần công danh. Anh không cần địa vị. Tăm tiếng cũng chẳng để làm gì! Cái anh cần, điều anh phải có, đó là tư cách của một con người - con người của lẽ phải. Con người của công bằng và trung thực. Anh nhớ lại cái bắt tay chân tình và ấm áp của ông Tổng biên tập: "Cậu đi nhé. Bọn mình tin ở cậu". Cái ống tay áo rỗng lúc đó của ông lay lay trước gió quạt. Cánh tay ấy cũng đã mất đi, mất đi vì sự tìm kiếm công bằng và lẽ phải của cuộc đời này. Bên tai anh lại vẳng lên tiếng nói dồn dập, khó nhọc của người bạn cùng tiểu đội trước khi nhắm mắt. "Mày cố sống mà về. Bốn đứa bọn mình chỉ còn có mình mày. Đừng để sự hy sinh của chúng tao là vô ích. Mày hãy sống và làm việc cho cả...". Câu nói chưa dứt, đầu bạn anh ngoẹo sang một bên. Hai giọt nước mắt cuối cùng của đời người chưa kịp trào ra, còn đọng lại ở bờ mi khép hờ của nó. Nếu Chính chấp nhận cuộc chơi, điều đó đồng nghĩa với việc phủ nhận sự hy sinh, mất mát của bạn bè, đồng đội. Đồng nghĩa với phản bội. Phản bội họ. Phản bội lương tâm của chính mình. Thật kinh khủng!
            Phải dời khỏi nơi đây ngay trong đêm nay. Phải nhanh chóng không cho chúng theo dõi được mình. Chính đứng dậy, thu gọn đồ đạc. Anh hé cửa. Một cơn gió mang hơi nóng lùa vào trong  phòng. Xung quanh im  ắng. Phòng thường trực vẫn còn ánh đèn. Nhẹ nhàng  dắt xe máy qua cổng, anh nói vài câu với người bảo vệ. Chỉ có tiếng mở cửa lạch xạch. Ông  ấy không nghe thấy hay đang đau lòng nghĩ đến sự tha hoá tư cách của một con người!?
            Ra xa hẳn khu vực Công ty, Chính mới nổ máy. Anh làm mọi việc thật khẽ, cố không gây tiếng động, nhưng thật tự tin. Đường đêm vắng vẻ. Anh sẽ về đến Hà Nội lúc trời còn chưa sáng. Vài ba ngày tới thôi, bài báo của anh sẽ đến với công luận. Sự thật sẽ được phơi bày. Anh sẽ không phải tủi hổ với hương hồn
bè bạn, đồng đội. Còn vợ anh ư? Đến một lúc nào đó, cô ấy sẽ hiểu và thông cảm cho anh. Anh tin thế!
            Đành phải thế thôi, con gái của bố ơi. Bố không còn sự lựa chọn nào khác. Ngàn lần tha lỗi cho bố, Hà ơi!




(*) TC Người làm báo Số tháng 7/1999;
 - Đăng trên http://newvietart.com/index3.6052.html
         - In trong tập Thánh địa, Nxb Thanh Niên, 2003
- B - Báo Người Hà Nội...



-








Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét