Thứ Tư, 5 tháng 11, 2014

SAO MẸ KHÔNG CỐ SỐNG TRĂM NĂM?(*)

Truyện ngắn Giang Trung Học 
          
Xóm Hèo có gần 100 năm rồi. Vậy mà đến giữa năm 2000 người dân mới thấy xe ô tô chạy về tận nơi. Những ba xe mới khự. Ba xe, ba tài xế. Chở bốn vị quan chức, gồm: hai sĩ quan quân đội, một đại diện thuộc sở Lao động Thương binh và Xã hội, một Phó chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện. Thấy xe ô tô cấp trên, Phó chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã vội chạy ra nghênh đón. Ông cứ suýt xoa: "Các anh đến địa phương chúng tôi thật là vất vả. Ấy là ngày hôm qua, chúng tôi phải cấp tốc cử hàng chục người sửa đường thì xe mới về được đấy ạ!". Phó chủ tịch huyện huơ huơ tay: "Không sao... không sao! Cái chính là công việc!". Phải. Các vị về xóm Hèo là để làm lễ bàn giao nhà tình nghĩa cho Bà mẹ Việt Nam Anh hùng.
            Cuộc lễ được chỉ đạo phải hoàn thành nhanh gọn. Chừng mười lăm hai mươi phút thôi. Chả là, nếu kéo dài thì Mẹ Tơ là người chịu khổ trước tiên. Tuổi Mẹ gần tám mươi rồi. Lại ốm đau quặt quẹo quanh năm. Các vị quan chức thì không muốn ăn nghỉ qua đêm tại đây. Gây phiền hà cho địa phương quá. Dân chúng nghèo, lấy gì tiếp khách cơ chứ.
            Nhà tình nghĩa rộng khoảng ba chục mét vuông. Ngay cửa ra vào có gắn tấm biển mang nội dung: Nhà tình nghĩa tặng Mẹ Việt Nam Anh hùng Phùng Thị Tơ. Thêm dòng chữ nhỏ đề phía dưới biển là: Cán bộ, chiến sĩ Đại đội 8, Sư đoàn X tặng. Để buổi lễ được trang trọng, anh cán bộ văn hoá xã đã căng lên cái băng đỏ mang hàng chữ vàng: Lễ bàn giao Nhà tình nghĩa. Cũng là đề phòng có sự quay phim chụp ảnh của các nhà báo, cho nó khỏi úi xùi. Thật chẳng sai! Trước lễ khai mạc chừng năm phút, các bố nhà báo ù ù về thật. Hai bố tận trung ương. Hai ở tỉnh. Một ở huyện. Dân báo chí nhanh nhạy và chịu khó ra phết. Lớp này dân xóm Hèo thích phải biết. Thế nào chẳng thấy mình trên tivi, trên báo đài.
            Trước khi ông Phó chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã tuyên bố lý do buổi lễ, anh cháu mẹ Tơ cõng bà đặt vào cái ghế tựa ba nan cũ kỹ, bên các quan khách cấp trên. Hôm nay mẹ Tơ mặc đẹp khác thường. Từ quần áo đến khăn đội đầu đều mới tinh. Bộ này mẹ may để dành khi chết. Lúc sống chỉ mặc chốc lát, khi nào thật vui thôi. Hôm nay cũng là ngày thật vui. Vui hơn tết. Tiếp phần việc của ông Phó chủ tịch xã, đến lượt vị Đại tá đọc diễn văn: "Vì thời gian không cho phép - vị Đại tá nói - nên tôi chỉ gói gọn tất cả các vấn đề quan trọng vào tờ giấy nhỏ này - tờ giấy được giơ lên cao - để đọc chừng năm bảy phút trở lại". Rồi vị hắng giọng: "Kính thưa... Hưởng ứng lời kêu gọi của Đảng, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cùng chỉ thị của Bộ Quốc phòng và Quân khu, về việc quan tâm chăm sóc các gia đình thương binh liệt sĩ, các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng; từ mấy năm qua, toàn thể cán bộ chiến sĩ trong Sư đoàn X chúng tôi đã dấy lên phong trào thi đua sôi nổi, liên tục, rộng khắp; từ các đơn vị chiến đấu đến mọi cơ quan phục vụ, từ đồng chí Thủ trưởng Sư đoàn đến mọi chiến sĩ, đã thể hiện được truyền thống uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ người trồng cây - đạo lý cao cả của dân tộc Việt Nam  anh hùng với bốn nghìn năm lịch sử, từng đánh thắng hai đế quốc to...
            Kính thưa... trong Sư đoàn chúng tôi, hàng năm đã bỏ tiền xây dựng được mấy chục ngôi nhà để tặng các đối tượng chính sách. Ở từng đơn vị đại đội đều đặt quyết tâm, ghi thành nghị quyết, mỗi năm đảm nhận tặng một ngôi nhà, bằng tiền tăng gia sản xuất, tiền quyên góp từ cán bộ chiến sĩ. Ngôi nhà tặng Mẹ Việt Nam Anh hùng Phùng Thị Tơ hôm nay là tấm lòng thảo thơm đền ơn đáp nghĩa của cán bộ chiến sĩ Đại đội 8 thuộc Sư đoàn chúng tôi. Trong nhiều năm qua, Đại đội 8 liên tục giành được danh hiệu Đơn vị Quyết thắng; Các đồng chí thủ trưởng Đại đội kế nhiệm nhau đều đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua hằng năm. Điển hình như đồng chí Thượng uý Trần Công đương nhiệm Đại đội trưởng, có mặt tại buổi lễ hôm nay, vừa vinh dự được Đảng, Nhà nước trao tặng Huân chương Chiến công. Đồng chí là tấm gương sáng, không những của riêng Đại đội 8, mà là của cả Sư đoàn chúng tôi...
            Kính thưa... để thiết thực lập thành tích chào mừng ngày thương binh liệt sĩ - 27/7, hôm nay tôi thay mặt Đảng uỷ và Thủ trưởng Sư đoàn X, thay mặt cán bộ chiến sĩ Đại đội 8, xin tuyên bố trao tặng Nhà tình nghĩa cho Mẹ Việt Nam Anh hùng Phùng Thị Tơ. Chúng tôi hy vọng món quà nhỏ bé này sẽ góp phần cải thiện về chỗ ở cho mẹ. Xin kính chúc mẹ ngày càng mạnh khoẻ, sống lâu trăm tuổi".
            Dứt lời, vị Đại tá tiến đến bên Mẹ Tơ, trao chứng chỉ tặng nhà. Theo đề nghị của mấy anh nhà báo, người cháu vội chạy tới đỡ mẹ đứng lên nhận quà, để họ quay phim chụp ảnh. Đơn giản có vậy, nhưng đối với mẹ quả là quá sức. Mẹ không tài nào đứng thẳng người ngay ngắn được. Bởi một lần vào rừng kiếm củi cách nay gần mười năm, mẹ bị ngã gãy xương sống. Từ đấy, khi cần đứng lên, dù cố hết sức, lưng mẹ vẫn khom khom còng rạp. Lại còn phải chống tay lên đùi làm giá đỡ thì mới nổi. Biết vậy, họ đành mời mẹ ngồi nhận quà vậy.
            Chưa hết! Mẹ còn phải trả lời phỏng vấn. Anh nhà báo hỏi: "Xin mẹ cho biết cảm tưởng về sự quan tâm, săn sóc của Đảng, Nhà nước và Quân đội đối với mẹ ạ!". Rồi anh giơ cái ống thu ra trước mặt mẹ. Mẹ lơ ngơ, da mặt vàng ệch. Không hiểu anh nhà báo nói gì. Người cháu lại phải đứng ra làm "thông ngôn". Hiểu ý câu hỏi, mẹ khẽ gật đầu, thì thào: "Tốt... tốt... Biết ơn... lắm". Theo yêu cầu của anh nhà báo, người cháu bảo mẹ nói lại cho to hơn, thì nó mới bay vào được ống thu. Mẹ bậm môi, nét mặt đăm chiêu như cố lấy hơi dồn sức cho câu trả lời. Cái ống thu kịp thời kề sát mồm Mẹ. Lần này Mẹ nói thật to. Tuy nhiên, vẫn không đạt ý. Nhưng đành phải thôi. Bắt nói đi nói lại, không khéo Mẹ gục thì sao. Mặc dù biết Mẹ quá mệt, song người cháu vẫn phải đứng đằng sau cái ghế, giữ cho Mẹ tiếp tục ngồi dự lễ.
            Khi ông Phó chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã  thay mặt địa phương và Mẹ nói lời cảm ơn xong, cánh cửa Nhà tình nghĩa liền mở ra. Mẹ được mời vào trước tiên. Đương nhiên về phía khách, các anh nhà báo làm nhiệm vụ quay phim chụp ảnh có quyền xông vào trước Mẹ. Đó là sự ngoại lệ xưa nay. Đến như đương lễ chào cờ tại những đại hội cỡ quốc gia, họ còn chạy lung tung cơ mà. Theo kịch bản thì, khi bước vào nhà, Mẹ phải là người thắp hương trình báo chồng con về ngôi nhà mới này. "Nhưng không được đâu!" - người cháu thốt lên. Và anh vội cõng Mẹ vào thẳng giường ở gian bên. Mẹ đòi nằm ngay. Mắt nhắm nghiền. Thở dốc. Lúc này, có thể Mẹ đã quên biến mọi sự trên đời.
            Thấy mấy anh nhà báo lúng túng trước tình thế xảy ra, vị Đại tá giục: "Các đồng chí cứ thực hiện đúng kế hoạch đi. Nhanh nhanh để còn về!". Ông Phó chủ tịch huyện liền rỉ tai vị Đại tá: "Thưa đồng chí, theo kế hoạch, tối nay Bí thư và Chủ tịch huyện mời cơm thân mật ạ. Huyện cũng đã bố trí chỗ nghỉ ngơi qua đêm cho đoàn chu đáo lắm ạ". Đứng bên vị Đại tá, anh nhà báo huyện tỏ ra sốt ruột. Anh nắm chắc chương trình tiếp khách tối nay. Mười tám giờ chiêu đãi tiệc với những món đặc sản quý hiếm. Khách xa ngủ qua đêm ngay tại khách sạn. Vậy mà lúc này chưa xong công việc. Bò được về huyện e chậm cả tiếng đồng hồ. Anh thấy cần phải chủ động thắp hương lên bàn thờ. Chủ động mời người cháu thay mặt Mẹ nói lời trình báo linh hồn hai liệt sĩ - chồng và con Mẹ - về sự kiện lớn của gia đình hôm nay. Các vị quan khách cũng lần lượt vái, để tỏ lòng biết ơn những chiến sĩ đã quên mình vì sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Những việc làm này đều được thu vào ống kính quay phim. Do sự hy sinh quên mình của chồng và con, mấy năm trước mẹ Tơ được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý Bà mẹ Việt Nam Anh hùng. Ngôi nhà trao tặng hôm nay cũng nằm trong chuỗi chính sách đền đáp công ơn mà Mẹ được hưởng.
                                                *          *          *
            "Bà ơi, bà tỉnh lại đi!". Không biết đây là lần thứ bao nhiêu người cháu lay gọi Mẹ Tơ. Suốt từ chiều đến giờ, Mẹ nằm liệt giường, chẳng ăn chẳng uống gì. Có lúc không nghe tiếng thở khò khè, anh tưởng Mẹ đã chết. Bà ơi, bà đừng vội chết. Để mà ở nhà mới, bà ơi. Nay bà có nhà rộng đẹp thế này, cả xóm chẳng mấy người hơn. Bà có hiểu ai tặng ngôi nhà này không? Làm sao Mẹ hiểu được. Lúc này, ví như trời có nổi sấm sét, chưa chắc Mẹ đã biết gì. Do cái bệnh huyết áp cao nó hành hạ mẹ từ mấy năm nay, nhiều lần tưởng khó lòng qua khỏi. Vậy mà khi cất cơn Mẹ lại tỉnh táo như thường. Mẹ có thể kể vanh vách những chuyện trong nhà trong họ từ thời xa xưa, không hề nhầm lẫn. Với ngôi nhà, cho dù chiều nay mới trao tặng, nhưng mọi chi tiết diễn biến suốt cả thời gian xây dựng Mẹ đều nhớ rành rọt. Hôm  hoàn tất, Mẹ còn chống gậy dò dẫm đến ngắm ngôi nhà gạch ba gian lợp ngói đỏ au, tựa lưng bên sườn đồi cam trĩu chịt quả này. Trước nhà là mảnh sân và con đường nhỏ chạy ngang liền kề. Thật là thoáng đẹp. Chưa bao giờ Mẹ dám mơ ngôi nhà như thế. Bỗng dưng... nay Mẹ có. Mẹ chợt nhớ đến chồng đến con. Ông ơi, con ơi... sao bố con không sống đến ngày hôm nay để mà hưởng. Đảng, Chính phủ, Quân đội tặng cho tôi đấy. Tặng tôi là tặng ông, tặng con. Ông không chết, con không chết ngoài mặt trận thì làm sao tôi có ngôi nhà này. Làm sao tôi được danh hiệu Bà mẹ Anh hùng. Thế chẳng phải mọi thứ ấy là của ông của con là gì. Tôi chỉ là người ăn theo thôi.
            Đã lâu lắm, Mẹ lại mất ngủ. Chỉ vì suốt từ chiều đến giờ, hình ảnh chồng con lúc nào cũng ở trong đầu Mẹ. Ông ấy ra đi lúc thằng Cây vừa tròn một tuổi. Đến là thương con. Hay nhấc bổng nó lên, rồi gí mặt đớp "chim". Còn bảo vợ rằng, bao giờ đuổi hết thằng Pháp xâm lược thì tôi về. Lúc ấy vợ chồng dồn sức làm lại cái nhà ọp ẹp này, chưa muộn. Đừng nghĩ ngợi nhiều cho khổ thân. Nhưng làm sao tôi không nghĩ ngợi, hả ông. Vất vả nuôi con một mình tôi không sợ. Gần cả đời ăn sắn ăn khoai, bữa no bữa đói không sợ. Sợ nhất là thời gian dài dằng dặc tôi đợi chờ ông, trong cảnh bặt không tin tức. Tôi đã thầm khóc ông bao nhiêu lần. Nhưng vẫn hy vọng cái ngày đoàn tụ vợ chồng. Khi được tin ông hy sinh, mới thấy lòng mình tan nát. Mới thật sự thấy mình đơn côi. Nhiều đêm tôi thảng thốt giật mình, thấy cái tuổi xuân nó đã đi qua không biết tự bao giờ. Cũng không hiểu vì sao tôi chống chọi nổi nỗi đơn côi, giữ vẹn thuỷ chung. Tiếp đến cái đận đánh Mỹ, thằng Cây nằng nặc đòi ra mặt trận. Tôi làm sao dám giữ chân con. Giữ nó, thiên hạ coi mình rẻ rúng, chẳng ra gì. Dù rằng, căn cứ chính sách thì nó được miễn hoãn nhập ngũ, song đành để con nối tiếp đường ông đi... Thế rồi, nó cũng thẳng một mạch không trở về. Mặc tôi một mình chơ vơ. Con bé xóm bên cũng vì hứa hẹn với nó mà đâm lỡ dở. Rồi đành mang tai chịu tiếng với người đời, cố vớt vát lấy đứa con để dựa tuổi già mai sau. Khốn khổ cho con bé quá. Nếu đất nước không có chiến tranh thì nó đâu phải chịu nông nỗi này. Tôi mất ông mất con, đau khổ chất chồng, nhưng còn được tiếng thơm; cuối đời còn được một chút đền bù. Vậy mà...
            Ấy là Mẹ nghĩ tới cái sự bất ưng lúc chiều, bởi câu nói của ai đó trong đám gánh củi qua đường. Rằng: Có chồng con chết trận mà được ngôi nhà khang trang thế này, thì cũng sướng, cũng yên tâm được rồi! Mẹ cho câu nói ấy có thể là vô tình. Nhưng nói thế hoá ra ngôi nhà to hơn chồng con Mẹ ư. Nói thế, khác gì là sự đánh đổi. Mẹ không thể đánh đổi. Cũng không ai muốn đánh đổi, trừ quá ít kẻ bất nhân. Với Mẹ, không gì to hơn quí hơn chồng con. Mất chồng mất con, đời mình khác gì con số không. Chẳng qua vì số phận rủi ro Mẹ đành phải chịu. Không chịu chẳng lẽ gào khóc lên ư. Đòi chồng con ư. Mà đòi ai. Đòi ai cơ chứ?! Không! Mẹ thà ở lều ở trại suốt đời, mà có chồng có con bên cạnh vẫn hơn. Hơn tất cả mọi thứ trên đời này. Còn như ngôi nhà kia, cả cái vinh dự Anh hùng tặng Mẹ, chẳng qua chỉ là sự an ủi vỗ về nhau thôi.
            Đêm ấy không riêng Mẹ trằn trọc. Cả cháu Mẹ cũng thao thức theo. Vì thương Mẹ hẩm hưu tuổi già, nên anh mới đến lấy vợ ở xóm Hèo này. Và định cư luôn tại quê vợ. Để có điều kiện trông coi nuôi dưỡng Mẹ – cô ruột anh. Khoảng gần một năm nay, đêm nào anh cũng sang ngủ nhà Mẹ. Không có anh bên cạnh, Mẹ chẳng sống nổi đến ngày hôm nay.
            Thế mà chẳng hiểu sao, đang khi phấn khởi sửa soạn nhận nhà tình nghĩa, Mẹ lại quay ốm chứ lỵ. Bắt đầu, Mẹ bảo cái lưng đau lắm. Mẹ không thể tự ngồi được. Sang ngày thứ hai huyết áp Mẹ tăng giảm thất thường. Người cháu phải gác mọi việc đồng áng để ở nhà chăm sóc Mẹ. "Ngày mai cấp trên tổ chức lễ bàn giao nhà, bà nhớ không?". Mẹ gật đầu: "Nhớ chứ. Phấn khởi lắm. Nhưng mà... thương chồng thương con, không ngủ được!". "Mất ngủ, nguy lắm bà ạ!". Thấy Mẹ quá mệt, hôm sau người cháu không muốn đưa ra dự lễ. Nhưng ông Phó chủ tịch xã, cả ông Trưởng xóm, cứ động viên như thúc ép Mẹ phải có mặt, cho buổi lễ được trang trọng. Hơn nữa, còn bao nhiêu quan khách từ trung ương xuống đến tỉnh huyện về dự, đủ thấy sự quan tâm đặc biệt dành cho Mẹ, phải không nào? Ở xã này, Mẹ là người được ưu ái số một. Mẹ nằm nghe câu được câu không. Để tỏ ý đáp lại, thỉnh thoảng Mẹ mấp máy môi "vâng". Trước khi ra khỏi nhà, ông Phó chủ tịch xã còn ghé sát tai Mẹ, nói: Chiều nay Mẹ ra dự nhé!". Mẹ gật đầu. Lúc sắp tới giờ khởi lễ, người cháu lại hỏi: "Bà có đi dự được không?". Mẹ đáp giọng mệt mỏi, đứt đoạn: "Phải... đi... chứ!".
                                                            *          *          *
            Không ai có thể ngờ Mẹ Tơ lại qua đời ngay trong đêm đầu về nhà mới. Chung quy chỉ là bệnh huyết áp quật ngã Mẹ. Tuy nhiên, có người nói: Nếu đừng bắt Mẹ ra dự lễ, có khi không việc gì. Mấy ngưòi khác, nhất là ông Trưởng xóm thì cố xua lấp đi nhận định đó. Mẹ già yếu, lại mắc chứng huyết áp, việc sống chết bất ngờ cũng dễ hiểu thôi. Xin đừng có ai làm rối lên trước việc Mẹ qua đời. Điều quan trọng bậc nhất bây giờ là, mọi người hãy cùng chung trách nhiệm lo lễ tang Mẹ cho thật chu tất. Bởi Mẹ là Bà mẹ Việt Nam Anh hùng!
Những câu nói của người đứng đầu dân xóm, lúc này có sức nặng lạ thường. Làm tan biến mọi lời bàn tán xì xào. Cả tiếng khóc thương rầu rĩ dường như cũng lắng xuống. Thay vào đó là sự chuyển động tích cực của mỗi người trước phần việc được phân công.
Lễ tang Mẹ do Mặt trận Tổ quốc xã chủ trì. Hình thức được tổ chức theo nghi thức mới. Tức có điếu văn, mặc niệm... hẳn hoi. Đồng thời cũng kết hợp phong tục cổ truyền: Khăn tang, mũ gậy, cờ phướn, kèn trống, với cả dâng lễ thổ thần... Người xóm Hèo khẳng định rằng: Đám tang Mẹ Tơ to nhất xã xưa nay. Ngoài ra, còn rất nhiều lời khen Mẹ.
Có điều, càng lắm lời khen thì người cháu Mẹ càng thêm thắt ruột thắt lòng. Bởi suốt cuộc đời Mẹ lẻ loi đơn chiếc. Không một ngày sung sướng an nhàn. Được phong Danh hiệu vinh dự mà miếng cơm manh áo cũng chưa thay đổi hơn gì. Nhận nhà mới lại chưa kịp ở. Đột nhiên, hai hàng nước mắt anh trào lăn ròng ròng. Bà ơi! Sao bà không cố sống đến trăm năm? Nay mai bà còn được thêm suất phụng dưỡng suốt đời nữa cơ. Rồi tiếng khóc bật ra: "Hu - u... hu - u...".                                           
                          
(*) - Đăng trên http://newvietart.com/index3.6025.html
- In trong tập Chuyện đời 3, Nxb Hội Nhà văn 2014

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét