TƯ CÁCH CÔNG DÂN VÀ NGHỆ SĨ
CỦA NHÀ HOẠT ĐỘNG SÂN KHẤU LỘNG CHƯƠNG
Hơn
20 năm trước tôi đã có một bài viết về Lộng
Chương, in trong công trình Tác gia kịch
Việt Nam hiện đại (NXB Sân khấu, 1990), sau đó bài viết này được vinh dự
đưa vào cuốn sách Lộng Chương1,
tập hợp hai tác phẩm được giải thưởng Hồ Chí Minh: Quẫn và A Nàng , với ý
nghĩa như một lời giới thiệu sự nghiệp
hoạt động sân khấu nghệ thuật của Lộng Chương. Kể từ đó đến nay, tôi chưa có dịp trở lại nghiên cứu sâu hơn những
sáng tác của ông, nhưng với tôi - một người có thể coi là ngoại đạo đối với giới
sân khấu, thì những gì ông để lại cho đời, qua lời kể của ông, người thân và bạn
bè, qua những tác phẩm, vở diễn đã hiện diện trên sân khấu, trong đời sống, cái
tên Lộng Chương đã trở thành một biểu tượng của tài năng và nhân cách.
Sinh
năm 1918, bắt đầu sáng tác từ khoảng thập niên 40 của thế kỷ XX, ông thuộc thế
hệ nghệ sĩ trưởng thành sau Cách mạng tháng Tám và trong kháng chiến chống
Pháp, chống Mỹ. Niềm đam mê sân khấu ngay từ nhỏ là khởi nguyên của mọi thành
công trên con đường sáng tạo nghệ thuật của Lộng Chương.
Trước hết tôi muốn nói đến tư cách
công dân của Lộng Chương - “Nhà hoạt động sân khấu cách mạng giàu nhiệt huyết,
bền bỉ, đa năng”. Gọi ông là Nhà hoạt động sân khấu, bởi ông là một nghệ sĩ đa
tài, ông vừa viết kịch bản, vừa tham gia với tư cách là diễn viên, “tài tử”
trong các ban kịch, vừa là người đứng ra thành lập, tổ chức các ban kịch như Ban
Kịch Bình Dân, Nhóm Kịch báo Công Dân, Đội kịch Duyên Hải…; đến thời kỳ hòa bình, ông vẫn
tiếp tục gây dựng các đoàn sân khấu như Đoàn
Kịch nói Mùa thu, Đoàn Chèo Cổ
phong (sau này là Đoàn Chèo Hà Tây),
Đoàn Chèo Nam Hà, Đoàn Kịch Thanh Hóa,
Đoàn Kịch Thanh niên Hà Nội, Đoàn kịch
Công nhân Hà Nội,…; rồi cùng một số đồng nghiệp đứng ra vận động thành lập
Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam. Không chỉ có vậy, ông còn luôn quan tâm đến việc
đào tạo thế hệ trẻ bằng tất cả tâm huyết của mình. Mặc dù bản thân không được
đào tạo qua trường lớp chính quy, nhưng trường đời, ý chí, nghị lực, trách nhiệm
công dân, cùng niềm đam mê đã khiến ông trở thành người thày đáng kính của nhiều
thế hệ tác giả, đạo diễn, diễn viên. Nhắc đến ông, Đạo diễn Doãn Hoàng Giang
bày tỏ sự trân trọng “một nhân cách lớn”, một “người Thày lớn” trên nhiều phương
diện: Thày lớn về nghề viết, về nghề đạo diễn, và cả về nghề diễn. Còn đối với
NSND Trọng Khôi thì Lộng Chương chính là người Thày đầu tiên về sân khấu kịch
nói. Rồi biết bao nghệ sĩ tài danh khác như Lê Chức, Hà Nhân, Đoàn Dũng, Mỹ
Dung, Trần Tiến, Lê Mai, Trịnh Mai, Hà Văn Trọng, Trần Hạnh… đều đã từng được
ông nâng niu, dìu dắt trên con đường hoạt động nghệ thuật. Mặc dù Thày không có
trường lớp, không đứng trên bục giảng, nhưng những ai yêu thích sân khấu đến với
Thày đều mong muốn được làm học trò của Thày với tất cả niềm tôn kính. Bởi Thày
không chỉ dạy cho họ “làm nghề”, mà trên hết là họ được dạy và học được ở Lộng
Chương một nhân cách sống, “sống đúng nghĩa là: Một con người tử tế”
(Phạm Hồng Thắm). Cả cuộc đời, Lộng Chương đã “sống bần hàn với tâm hồn giàu
có”, ông sẻ chia niềm vui, đồng cam cộng khổ với đồng nghiệp để dàn dựng những
tiết mục phục vụ kịp thời cuộc đấu tranh chống giặc ngoại xâm của dân tộc.
Với Lộng Chương, “theo Đảng” là lẽ tự
nhiên, là trách nhiệm của một công dân
yêu nước. Ông đã không suy tính, đắn đo khi nhập cuộc:
“Theo Đảng trọn đời giành độc lập
Vẹn toàn chính khí với non sông
Gương xưa soi bóng cha ông
Một đi ai kể đến công khi về”2
Nhà nghiên cứu chèo Hà Văn Cầu, là học trò và
cũng là người bạn tâm giao của Lộng Chương trong suốt mấy chục năm cảm nhận sâu
sắc tình yêu của Nhà hoạt động sân khấu Lộng Chương dành cho đất nước, cho sân
khấu và bạn bè: “Anh Lộng Chương mang trong gan ruột mình một tình yêu không gì
lay chuyển được, đó là yêu tất cả cái gì là Việt Nam, và yêu nghề nghiệp. Tình
yêu đó là ngọn lửa thắp sáng đời anh, thắp sáng cả đời tôi và nhiều bạn bè
khác”3
Với quan niệm “phải đánh giặc bằng
nghệ thuật”, kịch Lộng Chương luôn là những đòn tấn công trực diện vào kẻ thù,
vào những thói hư tật xấu trong xã hội. Vào thời kỳ đấu tranh chống Mỹ ác liệt,
Lộng Chương đã hợp tác tích cực với Chương trình Phát thanh Binh vận của Đài Tiếng
nói Việt Nam, những vở kịch ngắn, những bài nói chuyện của ông đã có tác động mạnh
mẽ đến tinh thần chiến đấu của nhân dân, đến những người ở bên kia chiến tuyến,
do vậy, hiệu quả xã hội của nó vô cùng lớn lao. Ngoài ra, Lộng Chương còn dùng
hình thức ca dao để phục vụ cho công tác tuyên truyền cách mạng.
Lộng Chương đến với kịch, với hoạt động
sân khấu bằng tất cả tấm lòng, trách nhiệm và niềm say mê. Tài năng và nhân
cách là điều mà mọi người đều phải thừa nhận khi nói về ông, một “tính cách Lộng
Chương” thể hiện rất rõ trong sáng tạo nghệ thuật cũng như trong cuộc sống.
Chính ông từng nói “Kịch tôi không thể uốn câu lộn dòng; Đọc tôi cần có tấm lòng!”4;
vì vậy, chúng ta, những người đọc, người thưởng thức, công chúng nghệ thuật cần
phải có tấm lòng để đến với kịch của ông. Chỉ có như vậy chúng ta mới có thể hiểu
hết được giá trị kịch Lộng Chương qua từng chặng đường lịch sử của dân tộc.
Cả cuộc đời mình, Lộng Chương đã sống
trọn vẹn với tư cách là một công dân yêu nước. Đúng như suy nghĩ của con gái
ông: mặc
dù “Lộng Chương không phải là Đảng viên Cộng sản, nhưng cuộc đời và sự nghiệp
sáng tác của ông là minh chứng hùng hồn về một con người luôn sống vì công bằng
và lẽ phải, vì hạnh phúc của nhân dân”5.
Trong
con người Lộng Chương, tư cách công dân và tư cách nghệ sĩ hòa quyện, gắn bó chặt
chẽ. Nếu không có sự gắn bó đó, ông đã không được đánh giá là Nhà hoạt động sân
khấu tài năng, ông đã không được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh và những phần thưởng
cao quý khác. Mặc dù cuộc đời ông cũng có lúc thăng trầm, thậm chí “thua thiệt”,
nhưng tôi nghĩ cái “được” lớn nhất của ông dễ mấy ai có được, đó là tình cảm
yêu thương, trân trọng của mọi người, đó là khối tài sản tinh thần quý giá ông
để lại cho đời, những tài sản này sẽ sống cùng năm tháng, ghi nhận sự “tồn tại”
của nghệ sĩ Lộng Chương trong đời sống sân khấu nước nhà. Nói như người bạn
vong niên của Lộng Chương - Nhà nghiên cứu Chèo Hà Văn Cầu, thì “Con
người có thể qua đi, tác phẩm có thể mòn mỏi, song Anh vẫn còn mãi. Cái còn của
Anh thuộc về nhân cách, về đạo đức, về ứng xử, về thái độ đối với lịch sử và xã
hội”6
Gần
70 năm cầm bút, Lộng Chương đã sáng tác khoảng 140 kịch mục lớn nhỏ với đủ các
thể loại: Kịch nói, kịch thơ, kịch dân ca, chèo, kịch rối… có những vở chỉ là
phác thảo, chỉ là “tiết mục”, viết đến đâu, dựng và diễn đến đó nhằm phục vụ
nhiệm vụ chính trị trước mắt, nhưng trong đó nhiều vở đã đạt đến độ hoàn chỉnh
của một kịch bản sân khấu, một “tác phẩm” nghệ thuật, như Quẫn, A Nàng, Cửa mở hé, Dũng sĩ Rạch Gầm…Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ,
kịch của ông được nhiều đoàn dàn dựng và biểu diễn khắp nơi, phục vụ kịp thời
nhân dân và quân đội trong cả nước. Khi đất nước có chiến tranh, sự tác động
tinh thần qua những tiểu phẩm nghệ thuật có ý nghĩa hết sức lớn lao, nó là nguồn
động viên đối với triệu triệu con người trong cuộc đấu tranh bảo vệ đất nước.
Nếu làm một con số thống kê, sẽ
thấy sức viết, sức làm việc dẻo dai của Lộng Chương trong suốt cuộc đời hoạt động
sân khấu, dường như ông đã vắt đến cạn kiệt sức lực và tâm trí cho con đường mà
mình đã lựa chọn. Gần 20 vở kịch dài, ngắn xuất hiện trong thời kỳ kháng chiến
chống Pháp; hơn 40 vở dài, ngắn trong thời kỳ chống Mỹ và xây dựng CNXH; hơn 20
vở dài, ngắn chỉnh lý, sửa chữa cho anh em viết không chuyên nghiệp; gần 40 bài
báo, tiểu luận, lý luận phê bình về sân khấu;
ngoài ra ông còn viết gần 10 truyện thơ và ca dao; 5 tập phóng sự, ký sự
kháng chiến và hàng trăm bài thơ…, đó không đơn thuần là những con số, mà là mồ
hôi, là sự trăn trở, chiêm nghiệm của Lộng Chương “trên mọi nẻo kịch trường” và
trong mọi biến cố của đời sống. Tất nhiên trong các thể loại đó, sáng tác kịch
bản sân khấu vẫn là sở trường, là thể loại ông dành nhiều tâm huyết nhất.
Tất cả những ai từng được tiếp cận với
số lượng tác phẩm của Lộng Chương đều phải thốt lên “kinh ngạc”, “giật mình” và
“thán phục” (Hoài Anh) về số lượng tác phẩm của Lộng Chương, về những đóng góp
của ông cho nền kịch nghệ nước nhà.
Mở
đầu nghiệp cầm bút bằng tiểu thuyết phóng sự Hầu thánh (1942), được dư luận
đánh giá cao, nhưng Lộng Chương lại khẳng định vị trí hàng đầu của mình ở thể
loại kịch, đặc biệt là hài kịch, người ta gọi ông là “danh thủ hài kịch”, “cây
bút hài kịch số 1”, “nhà viết hài kịch xuất sắc”…Tên tuổi Lộng Chương gắn liền
với vở hài kịch xuất sắc: Quẫn. Vở diễn
đã đạt đến con số kỷ lục, có tuổi thọ dài nhất, hơn 20 năm với 2.000 đêm diễn.
NSND Doãn Châu - nguyên Giám đốc nhà hát kịch Việt Nam, đã nói: “Nếu
ai đã từng được xem vở Quẫn đều nhất trí rằng, đó là một vở kịch hay đến độ khó
quên tới từng chi tiết của vở diễn”7. Chủ tịch Hội Nhà văn
Việt Nam - ông Hữu Thỉnh cũng đánh giá rất cao thành công của vở Quẫn, đối với ông: “Tác phẩm Quẫn sừng sững như một đỉnh
cao của hài kịch Việt Nam hiện đại, đánh dấu sự chuyên nghiệp hóa của hài kịch
Việt Nam”. Một đạo diễn xuất sắc của kịch trường nước nhà - Đạo diễn
Doãn Hoàng Giang cũng khẳng định một cách chắc chắn: “Nói về hài kịch thì nghệ sĩ Lộng
Chương là một cây cổ thụ của sân khấu Việt Nam. Đến bây giờ tôi có thể nói rằng,
chưa một ai vượt qua được”8. Và còn rất nhiều ý kiến của những
nhà nghiên cứu, đạo diễn, diễn viên nói về chất lượng kịch bản, về thành công của
vở diễn, mà ở đây, trong khuôn khổ một bài viết nhỏ không thể kể hết được. Có
thể nói Quẫn là một trong những vở
hài kịch xuất sắc nhất trong lịch sử hài kịch nước ta. Tác giả đã phê phán,
châm biếm một gia đình tư sản ở Hà Nội không chịu cải tạo theo yêu cầu của nhà
nước nên đã có những hành động đi ngược lại như tẩu tán tài sản, giấu vàng, giấu
của… đến mức “quẫn”. Ở thời điểm hiện tại, “tính thời sự” có thể không còn, vì
vở kịch đề cập đến vấn đề cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh diễn ra
vào những năm 59 - 60 của thế kỷ XX, nhưng sức sống của vở kịch nằm ở giá trị
chân thực, ở “nghệ thuật viết cao cường” (Doãn Hoàng Giang) của Lộng Chương.
Nghệ thuật đó là gì? Đó chính là nghệ thuật trào lộng, nghệ thuật tạo tình huống
và miêu tả tâm lý nhân vật. Vốn là người yêu và say mê chèo, coi “chèo
là vàng là ngọc của dân ta”, Lộng Chương đã tiếp thu và vận dụng thành
công một số đặc điểm, thủ pháp của chèo cổ, đặc biệt là thủ pháp xây dựng các
vai hề trong kịch của mình. Đó là lý do hài kịch Quẫn đem đến tiếng cười rộn rã, khi thì hóm hỉnh, châm biếm, khi
thì chua cay và đầy ý nghĩa xã hội suốt cả năm hồi kịch.
Từ những nhân vật có tính cách đậm nét trong kịch
bản, họ đã bước lên sân khấu và tỏa sáng nhờ bàn tay đạo diễn (Trần Hoạt) và diễn
xuất của những diễn viên tài năng (Song Kim vai cụ Đại Lợi; Chu Xuân Hoan, Trần
Tiến vai Đại Cát;…), để lại trong lòng người hâm mộ những ấn tượng không thể
phai mờ. Khi nói về vở Quẫn, Lộng
Chương đã tự hỏi: Không biết “Nó còn tồn tại đến bao giờ? Chẳng ai biết được,
ngay cả người đã sinh thành ra nó”9. Nhưng có một thực tế mọi
người đều biết và phải thừa nhận, đó là đến nay chưa có một vở hài kịch nào vượt
qua được số lượng đêm diễn với sự mến mộ của đông đảo người xem đến vậy, điều
này khẳng định sức sống của nó trong đời sống sân khấu.
Tác giả Lộng Chương được Nhà nước
trao giải thưởng Hồ Chí Minh về hai tác phẩm: Quẫn (kịch nói) và A
Nàng (kịch thơ). Mặc dù hiệu
quả sân khấu cũng như tác động xã hội của A Nàng không lớn bằng Quẫn, nhưng tác giả đã xây dựng khá thành
công nhân vật A Nàng với những thủ pháp nghệ thuật đặc sắc. Vở kịch đã được
nhiều đoàn dàn dựng và biểu diễn trong một thời gian khá dài. Vấn đề đấu tranh
đòi tự do trong tình yêu, chống lại sự phân biệt giai cấp thể hiện qua bi kịch
của đôi trai gái Mường trong vở kịch đã để lại những ấn tượng nhất định đối với
người thưởng thức đương thời.
Nhiều tác phẩm khác tuy không được “tính vào
giải”, nhưng là phần không thể thiếu, không thể không kể đến khi nói đến hiệu ứng
xã hội mà những vở kịch đó mang lại. Tất cả đã tạo nên sự đa dạng, phong phú, tạo
nên bề dày trong sự nghiệp sáng tác của Lộng Chương. Trong thời kỳ kháng chiến
chống Pháp, Lộng Chương đã viết một cách “hối hả”, 17 vở kịch ngắn trong vòng 6
năm, nhưng điều đáng nói là ông luôn cập nhật những vấn đề thời sự nóng hổi của
đất nước, chẳng hạn như vấn đề “chiến tranh du kích”. Trong số bốn vở viết về đề
tài này (Lý Thới, 1948; Du kích thôn Đồi, 1952; Chiến đấu trong lòng địch, 1954; Đoàn quân tóc trắng, 1954), thì Chiến đấu trong lòng địch đã được Hội
Văn nghệ Việt Nam trao tặng Giải thưởng Văn học 1945 - 1954. Những vở này đều tập
trung khai thác xung đột giữa dân quân du kích và bọn địa chủ cường hào, tay
sai của giặc, vì vậy có tác động đáng kể đến tinh thần chiến đấu của nhân dân
thời kỳ đó.
Đáng kể hơn cả là những tác phẩm ra
đời vào thời kỳ chiến tranh chống Mỹ và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc.
Trong khoảng hơn hai mươi năm, Lộng Chương vừa viết, vừa chỉnh lý, viết lại
trên 60 vở, gồm kịch ngắn, kịch dài, kịch thơ, bi kịch, hài kịch… Nhiều vở để lại
ấn tượng sâu sắc về cả phương diện kịch bản lẫn dàn dựng, như Cửa mở hé, Trở nồm, Dũng sĩ Rạch Gầm, Người
nữ tự vệ áo trắng, Đôi ngọc lưu ly, Chặn tay chúng lại, Vòng quay, Giờ quyết định,
Người giám khảo cuối cùng… Đương thời, Cửa
mở hé đã từng gây tranh luận về vấn đề thể loại: nó là hài kịch hay là sự kết
hợp của bi kịch - hài kịch, chính kịch - hài kịch, chúng tôi nghĩ điều này
không quan trọng, mà quan trọng hơn là vở diễn đã đến được với trái tim người
xem qua tiếng cười mỉa mai, chua chát được vang lên ở từng hồi kịch. Cửa mở hé là một vở kịch thành công, sau
Quẫn.
Ở thời điểm này, thiết nghĩ cũng nên
nhắc đến vở kịch còn dang dở Để đến… Nơi
đến của Lộng Chương. Vở kịch được khởi thảo từ năm 1996, nhưng vì lý do sức
khỏe, đến khi ông qua đời (2003) nó vẫn chưa được hoàn thành. Qua những trang bản
thảo để lại, người đọc có thể hình dung được ước nguyện của tác giả về những đổi thay tốt đẹp ở nông
thôn Việt Nam vào đầu thế kỷ XXI. Chính điều này càng khiến chúng ta thêm trân
trọng suy nghĩ, tình yêu của ông dành cho nhân dân, đất nước. Ông phê phán cái
xấu, nhằm hướng tới những điều tốt đẹp trong tương lai. Có thể dẫn lời của nhà
nghiên cứu sân khấu Vũ Hà để nói về tình yêu sân khấu bất tận của nghệ sĩ Lộng
Chương: “Gần bảy mươi năm gắn bó với sân khấu… trái tim người nghệ sĩ cao tuổi vẫn
thổn thức cùng nhịp đập kịch trường nước nhà, vẫn vẹn nguyên khát vọng dâng hiến…”10
.
Từ những trải nghiệm của bản thân
(sáng tác kịch bản, đạo diễn, diễn viên) và thực tiễn hoạt động của giới sân khấu,
ông đã viết nhiều bài nghiên cứu, phê bình có giá trị, nhất là những bài viết về
sân khấu truyền thống, như “Lời tựa viết cho tuyển tập chèo cổ”, “30 năm sân khấu
Việt Nam (1930 - 1945), “Nhìn lại Tuồng - Chèo trước Cách mạng Tháng Tám”, “Bàn
về phương pháp tự sự trong sáng tác chèo”… đó là những bài được viết khá công
phu. Một số ý kiến luận bàn trong các bài viết này thể hiện vốn tri thức phong
phú, sâu sắc về kịch của ông. Chẳng hạn khi nói về “chất hài” và “chất hề” ông
viết: “Chất hài của kịch và chất hề của chèo tuy có những điểm giống nhau,
nhưng đi sâu đặc tính chất hài và chất hề rất khác nhau về nội dung và cả phong
cách. Hề chèo phát triển cơ bản về ngôn ngữ và cách điệu hình tượng. Còn chất
hài trong kịch phát triển theo hành động và tính cách hiện thực. Nhân vật hề của
chèo xây dựng theo khuôn mẫu cố định và quy tụ thành biểu tượng. Còn nhân vật
hài của kịch xây dựng theo tính cách cá biệt, trên cơ sở khắc họa điển hình đa
dạng” 11. Và còn rất nhiều những quan niệm sâu sắc về kịch lịch
sử, tuồng, chèo cổ… được ông đề cập đến trong các bài nghiên cứu, đây cũng là một
đóng góp đáng quí của Lộng Chương đối với những người hoạt động sân khấu.
Trở lại với sáng tác, hầu hết những
tác phẩm của Lộng Chương đều là kịch vui, kịch hài. Nhờ nắm vững đặc trưng của
nghệ thuật trào lộng, ông đã khá thành công trong việc vận dụng thi pháp kịch
truyền thống vào sáng tác hài kịch. Những thủ pháp nghệ thuật trong chèo, tuồng
cổ như nghệ thuật dẫn chuyện, nghệ thuật xây dựng các vai hề, hay dùng lối nói ẩn
dụ, ngoa dụ, chơi chữ… đều được ông sử dụng một cách linh hoạt, do vậy, tiếng
cười trong hài kịch Lộng Chương mang rất nhiều sắc thái khác nhau và có ý nghĩa
xã hội sâu sắc. Những vở kịch ông dựng “bao
giờ cũng đượm màu sắc, cũng phảng phất hương vị, cũng thoáng qua hình dáng của
một sân khấu cổ truyền” (Doãn Hoàng Giang). Đó là cái riêng, là phong
cách của Lộng Chương. Ông cười cay độc khi đả kích bọn xâm lược, bọn tay sai (Bầu bán, Cửa mở hé, Ma túy…); cười châm
biếm, mỉa mai đối với giai cấp tư sản trong cái vòng tính toán luẩn quẩn (Quẫn, Quẫy, Đổi đầu heo…); cười nhẹ
nhàng, hóm hỉnh, chế giễu những thói hư tật xấu xung quanh chúng ta (Hỏi vợ, Yểm bùa trừ sâu, Hoa giấy, Úng…).
Nghệ thuật gây cười, hài hước là điểm mạnh trong sáng tác của Lộng Chương. Tiếng
cười ở mỗi vở kịch có thể đậm, nhạt, nông, sâu khác nhau, nhưng nó đã trở thành
phong cách, khẳng định cá tính độc đáo của nghệ sĩ Lộng Chương, một điều rất cần
trong sáng tạo nghệ thuật để không bị nhòa lẫn với người khác. Có người cho rằng:
“Thủ
pháp viết hài kịch, cả cốt cách văn hóa phương Đông trong con người ông luôn là
điều bí ẩn, khó nắm bắt, để những người làm sân khấu trẻ hướng tới, noi theo”12
Sự hòa quyện, gắn bó máu thịt giữa
tư cách công dân và tư cách nghệ sĩ trong con người Lộng Chương là nguyên nhân
cơ bản tạo nên những vở kịch vừa có tính thời sự, vừa có giá trị nghệ thuật
cao. Kịch của ông luôn gắn liền với vận mệnh của đất nước, với số phận của nhân
dân. Từ những chất liệu hiện thực bộn bề của đời sống, Lộng Chương đã sử dụng
ngôn ngữ giản dị, trong sáng, gần với đời sống để tạo nên những tác phẩm nghệ
thuật sinh động, nhưng vẫn rất gần gũi. Điều này cho thấy “nơi đến”, mục đích
cuối cùng của những tác phẩm của ông chính là nhằm đáp ứng “tầm đón đợi” của
nhiều đối tượng trong xã hội.
Hoạt
động sân khấu của Lộng Chương không chỉ chứng minh cho tinh thần và ý thức công
dân của ông, mà còn chứng minh cho tài năng của một nghệ sĩ - chiến sĩ, bởi ông
luôn luôn “có mặt” ở những “điểm nóng”, dùng tiếng cười để đánh giặc và thể hiện
khát vọng, niềm tin đối với sự phát triển của đất nước. Vì vậy, xin được trích
một đoạn trong Điếu văn do NSND Trọng Khôi đọc trong tang lễ nhà hoạt động sân
khấu Lộng Chương để thấy đóng góp to lớn của ông : “Giới sân khấu luôn nhớ về ông, một
con người tâm huyết, một tấm lòng trăn trở với cuộc đời, một tâm hồn yêu thương
nâng niu đồng nghiệp; vẫn nhớ về ông, một tài năng lớn, một nhân cách lớn, một
người Anh, một người Thày lớn”, và đó cũng chính là điều tôi tâm niệm
khi đặt bút viết về “Tư cách công dân và nghệ sĩ của Nhà hoạt động
sân khấu Lộng Chương”.
Cuối cùng, xin được nói đôi lời về tư cách người viết, như trên đã nói,
tôi là người ngoại đạo, do vậy, cho đến bây giờ vẫn cảm thấy dường như chưa
khám phá hết những đóng góp nhiều mặt về sự nghiệp và cuộc đời Lộng Chương,
nhưng với tình cảm yêu mến, trân trọng ông, cũng xin mạo muội viết lên những
suy nghĩ của mình, hy vọng trong tương lai sẽ tiếp tục nghiên cứu để hiểu sâu sắc
hơn di sản ông để lại.
Hà Nội,
vào Thu năm Giáp ngọ, 2014.
Tài
liệu tham khảo
1. Lộng
Chương, Tác phẩm được giải thưởng Hồ Chí Minh, Quẫn, A Nàng, NXB Sân khấu, H, 2003.
2. Lộng
Chương, Thơ, Ta - bạn và đời, “Xúc động
tâm tình”, NXB Hội Nhà văn, H, 2013, tr.170.
3. Hà
Văn Cầu, Lộng Chương trong trái tim bè bạn,
NXB Hội Nhà văn, 2013, tr. 63 - 64
4.
Lộng Chương, Thơ, Ta - bạn và đời, “Cần có một tấm lòng khi đọc kịch tôi”, NXB Hội
Nhà văn, H, 2013, tr.142
5.
Phạm Hồng Thắm, Lộng Chương trong trái tim bè bạn, NXB Hội Nhà văn, 2013, tr.223
6.
Hà Văn Cầu, “Chỉ một anh thôi”, Sđd,
tr.31
7.
Doãn Châu, Sđd, tr.90
8.
Doãn Hoàng Giang, “Lộng Chương - người
Thày lớn”, Sđd, tr.118.
9.
Dẫn theo Bùi Việt Sơn, “Vở kịch có 2.000
đêm diễn”, Sđd, tr.10
10.
Vũ Hà, Nhà viết kịch Lộng Chương với sân khấu hài, Báo Hà Nội mới, ngày
25/9/2000.
11.
Lộng Chương, Trên mọi nẻo kịch trường, NXB Sân khấu, 2003, tr.95
12.
Trần
Ngô Khánh Linh, Sđd, tr.155.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét