Thứ Ba, 25 tháng 11, 2014

Hội thảo “Tác gia LỘNG CHƯƠNG VỚI NỀN VĂN HỌC NGHỆ THUẬT VIỆT NAM”(*)

Chất trào lộng trữ tình trong thơ Lộng Chương

Nhà thơ Trương Thị Thương Huyền
Nhà thơ Thương Huyền

Có một nhà văn, trong suốt cuộc đời cầm bút, bằng ngôn ngữ trong sáng, giản dị, gần gũi đã bám sát hiện thực đời sống, bám sát quan điểm sáng tác của riêng mình là: “Nghệ thuật không thể dùng cách nói lấy lòng, vì như thế là giết chết nghệ thuật”. Có một nghệ sĩ, bằng ngòi bút nghệ sĩ - chiến sĩ đã xông pha trên mọi lĩnh vực đời sống xã hội, thông qua những chất liệu tươi rói, ngồn ngộn hiện thực để phản ánh cuộc đời. Với lòng nhiệt tình của người trí thức sớm giác ngộ cách mạng, với lương tâm và trách nhiệm của người công dân trong thời đại mới, bằng trí thông minh và sự nhạy bén của mình, nhà văn, người nghệ sĩ ấy đã làm nên một sự nghiệp văn học nghệ thuật đồ sộ ở nhiều thể loại văn học, tác phẩm sân khấu, nghệ thuật biểu diễn. Ở mỗi góc độ nào ông cũng có nhiều cống hiến và để lại dấu ấn trong lòng người thưởng thức. Đặc biệt, chất hài thâm thúy, uyên bác pha chút hài hước, mang nội dung giáo dục, tuyên truyền nhẹ nhàng, dễ hiểu, dễ nhớ, đã khiến ông trở thành “Cây hài sân khấu số Một” Việt Nam. Tố chất hài trong ông bộc lộ và thể hiện rõ nét qua những vở kịch vui, những vần thơ đậm chất u mua phục vụ phong trào sản xuất, đả kích những hủ tục, thói hư tật xấu đời thường. Chất hài ấy nhẹ nhàng, duyên dáng mà thâm thúy sâu cay, đầy sức chiến đấu. Cây bút ấy, con người ấy, nhà văn ấy, người nghệ sĩ ấy là Lộng Chương (tên khai sinh là Phạm Văn Hiền) sinh ngày 5 tháng 2 năm 1918. Quê quán Châu Khê, Bình Giang, Hải Dương.

Cuộc đời và sự nghiệp trước tác của Lộng Chương là cả một chặng đường dài. Trước năm 1945, ông là nhân viên phòng thí nghiệm, Sở Tổng thanh tra Nông Lâm, bắt đầu làm báo, viết văn. Từ kháng chiến chống Pháp, ông chuyển sang hoạt động sân khấu. Danh hiệu Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam từ năm 1957 và chức vụ ủy viên Thường vụ Ban Chấp hành Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam thêm một lần khẳng định tầm vóc và vai trò của ông trong sự nghiệp văn học nghệ thuật của đất nước. Với những đóng góp to lớn, Lộng Chương được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học, nghệ thuật đợt II - 2000.

Khối lượng tác phẩm đồ sộ của ông đã được NXB Sân Khấu, NXB Hội Nhà Văn cùng gia đình tập hợp trong ba tuyển tập, gồm: Lộng Chương - Để đến... Nơi đến (tập kịch và những sáng tác khác), Lộng Chương trong trái tim bè bạn (tập hợp các bài viết của nhiều tác giả) và Lộng Chương, Ta - Bạn và Đời (tập thơ) và phát hành rộng rãi trong dịp tưởng niệm 10 năm ngày mất của ông. Trong khuôn khổ tham luận này, chúng tôi mạo muội đề xuất những ý kiến về “chất trào lộng và trữ tình trong thơ của Lộng Chương.
Nếu so sánh với mảng kịch bản sân khấu, có thể thấy Lộng Chương làm thơ không nhiều. Những tác phẩm Thơ của ông được tập hợp trong cuốn “Lộng Chương, Ta - Bạn và Đời” và một phần trong mảng ca dao, văn vần trong cuốn Lộng Chương… Để đến nơi đến”. Số lượng không nhiều với gần 150 bài thơ và ca dao chở nặng nỗi niềm thế sự,  cùng vô vàn trăn trở với nghề, với nghiệp, với đời. Những bài thơ ấy được Lộng Chương sáng tác từ những ngày đầu đi theo cách mạng cho đến khi ông đã ở vào tuổi tri thiên mệnh. Khi chân đã chồn, sức đã yếu mà trái tim vẫn ngùn ngụt lửa đam mê và tấm lòng vẫn còn ngổn ngang bao dự định với cuộc đời…
Thơ của con người kỳ tài Lộng Chương đã trở thành duyên nợ bám theo ông như một lẽ sống, trở thành một thứ vũ khí không thể thiếu cùng với kịch bản sân khấu để ông bày tỏ chí khí của mình trước hiện thực cuộc sống. Xuất phát từ quan niệm nghệ thuật ấy, thơ của Lộng Chương hình thành những lớp nghĩa rõ rệt: Trào phúng, trữ tình và triết lý, trong đó vẫn lối viết trào lộng là chủ đạo. Ông ghi dấu ấn đặc biệt ở thể loại thơ trào phúng với tiếng cười chua cay, khinh bạc nhưng sâu sắc và có cái nhìn nhân ái. Những gì của hiện thực cuộc sống ông quan sát được đi vào thơ qua những chuỗi cười sảng khoái, tự nhiên với đa dạng cung bậc và sắc thái.  Cảm khoái giữa tiết trời xuân, Lộng Chương “Tức khí giao thừa” mà hớn hở “vào xuân Ngựa đá”, vịnh “Tết mèo hoang”, “tết Rồng”, “tết Khỉ” hay vào xuân “chuột khoét”. Nghe tiêu đề cảm thấy dường như có gì bi phẫn với những hỉ nộ ái ố cuộc đời nhưng đọc thơ ông mới thấy, đó là tấm chân tình của một con người vui tính, lạc quan, dí dỏm, ưa nô đùa và hay bỡn cợt. Tết Nhâm Tuất 1982, ông hóm hỉnh vịnh: “Năm nay năm chó, chó lên ngôi/… Chó đen giữ mực rình ăn vụng/ Chó gầy vênh vác mỡ đằng đuôi/Chó dại, chó khôn đều giống chó/Lang chạ coi chừng chúng đánh hơi…”. Xuân Quý Hợi - 1983 đến, Lộng Chương lại cười: “Ngài Ỉ tam sinh vật tế ruồi/Quý từ cái sỏ đến vùng đuôi/Ngai cao thần thánh ngồi như mọc/Trước án nhe răng, thủ lợn cười…”.
Với khẩu khí rất riêng, Lộng Chương đem đời sống vào thơ, qua cách trào lộng châm biếm gần với lời ăn tiếng nói phổ biến trong nhân dân. Từ những chuyện rất nhỏ của cuộc sống xung quanh, qua những vần thơ đầy ắp tiếng cười, ông chỉ thêm những góc khuất mang tính thời sự của hiện thực đương đại. Những trạng thái bất thường trong xã hội, đều được đem ra chế giễu, cười cợt. Nhân nghe hàng xóm cãi nhau, ông viết, rất nhẹ nhàng, hóm hỉnh mà thật xa xót: “Mình khôn đâu đấy, chửi người ngu/Đồng chủng, đồng tông, giống bú dù/Gặp buổi thế thời quay lộn ngược/Lũ nỡm đua người cũng bám đu/ Bám đu dướn mãi chẳng bay cho/ Nhảy nhót phồng mang giở đủ trò/ Nhũng nhẵng dây đu, dây xoắn lại/ Con tườu, con nỡm chửi nhau Ngu”. Nghĩ đến thói đời đen bạc, hay xu phụ, ông cười vào mũi những loại luồn cúi “mua danh” để có thêm “Danh - Rá” rồi lại vênh vác dọa đời bằng những câu hàm súc, cay đắng: “Danh - Rá thời nay rất mõ làng/Thơ văn rao đủ món thời trang/Khom lưng chạy khắp hàng chức sắc/Vênh vác ra tuồng dọa xóm thôn/Bố đĩ lần moi vành khố bện/Lấy đồng đong gạo lót lòng con/Nghe rao những tưởng trời cho của/Đếch phải, chỉ là tiếng ễnh ương”. Hay ngậm ngùi khi nghe Lộng Chương suy ngẫm về nghề: “Cuộc sống đua chen chán vạn nghề/Nghề tuồng xiêm áo rõ uy nghi/Vãn trò, văn, võ ra hè phố/Văn rao xổ số! Võ bơm xe”… Đằng sau cái cười thâm nho của Lộng Chương, đọc mà ngậm ngùi buồn.   
Một mảng trào phúng khá đặc sắc không thể không nhắc đến khi bàn về thơ Lộng Chương đó là “Tự trào - Tự cười mình”, mảng thơ chiếm một số lượng không nhỏ trong dòng thơ trào phúng của ông. Sử dụng một lối chơi chữ rất tinh vi, tế nhị, nghịch ngợm, ranh mãnh, Lộng Chương khiến người đọc bật cười trước vần thơ tự vịnh: “Ung dung đứng vững chân trơn/Còn hơn vinh hiển mang ơn tông đồ/Ghế cao, bổng cả, tiếng to/Mề đay lủng liểng như bùa yểm ma…”; Hay tủm tỉm khi Lộng Chương “Ngẫu hứng”: “Ta nay tuổi đã bảy mươi ba/Sức lực trời cho lại vọt ra/Một năm làm đến ba trò cực/Kịch cười hai, lại xinema/Thơ vui, thơ riễu vài chục bận/Năng suất như ri thật quá ta/Ai bảo tuổi già thời lú lẫn/Bành tổ so ta, cũng kém… ha”. Thật là một lối tả chân siêu thực đúng nguyên trạng cả thần thái, khẩu khí của ông đến trăm phần trăm.
Không chỉ tự trào, là người quảng giao, nhiều bạn, sống chân tình, Lộng Chương được nhiều anh em, bạn bè và học trò nể phục. Họ phục ông bởi tài năng, bởi trái tim tâm huyết với nghề; Phục ông bởi tính cách thẳng thắn; Phục ông bởi tấm chân tình, hết lòng với mọi người. Tà tấm lòng yêu mến của bạn bè đó, Lông Chương có rất nhiều tri kỷ. Bạn của ông có thể là những nhà nghiên cứu có kiến thức uyên thâm; Có thể là những diễn viên, nghệ sĩ, họa sĩ tên tuổi; Có thể là những nhà thơ từ cấp có phẩm hàm đến những ông bạn làm thơ trong các câu lạc bộ. và bạn của ông cũng có thể chỉ là một ông thợ chữa xe… Dù họ có ở hoàn cảnh, thân phận nào, với họ, ông luôn được sống hết mình. Ông đùa, giễu vui, tìm cái cười hả hê, châm chọc nhau với những người bạn tri âm rất tế nhị và linh động mà không ngại bị động chạm, bị thất thố. Những câu thơ ông dành cho họ vui, chân tình và ám ảnh. Nghe tin ông bạn nhà thơ bị trộm mất quần, Lộng Chương hóm hỉnh “phóng bút”: “Gạo cao, cơm bữa phải ăn dè/Vải đắt, quần đơn, cố giữ lề/Đêm giặt để ngày còn tươm tất/Cha thằng kẻ trộm lột mang đi/Lột đi, ông lấy gì ông mặc/Chả lẽ tồng ngồng nói chuyện thơ/Cái thủa nào đây mà tệ thế/Đến mặt nhà thơ nó đếch ghê”. Rõ là đùa, mà người đọc vẫn nhận ra sự xót cảm ngậm ngùi cho người bạn thơ nghèo. Hay ông bỡn ông thợ sửa xe đạp: “Ông cũng nghênh ngang một góc hè/Mặc cho thiên hạ vểnh râu trê/Tubim loang loáng như ruồi nhặng/Oai quyền ghê chửa tiếng còi toe/Ông cũng nghênh ngang một góc hè/Kể từ cuộc sống nó hăm đe/Lấm lem dầu mỡ nhưng mà sạch/Sạch cả lương tâm, sạch cả nghề…”.
Không chỉ cười vui, bỡn cợt, với bạn Lộng Chương còn có những vần thơ rất ân tình. Có lẽ cùng với những câu thơ đau đáu về nghề, thì những vần thơ ân tình này cũng là một điểm gốc thể hiện tấm lòng nhân ái, chất trữ tình trong thơ Lộng Chương. Khi bạn ông là ông Đồ Phồn mất, ông khóc bạn với những câu thơ khiến người đọc ứa lệ: “Anh Đồ Phồn ơi! Anh Đồ Phồn ơi/… Bốn chục năm qua nhanh là thế/Tám mươi tròn tuổi thọ, Anh đi/Biết rằng: sinh kí, tử quy/ Vẫn mong để lại chút gì cho nhau…”. Hay “Ngẫm lúc đưa tiễn nhà thơ Trần Huyền Trân: “Người ta khóc bạn thật buồn tênh/Đâu phải buồn do nghĩa tử sinh/Mà buồn bởi táng cho xong chuyện/Nghĩa tình ơi hỡi nghĩ mà kinh”.
Ân tình với bạn, nên Lộng Chương chia ngọt sẻ bùi. Chỉ “Một sáng rượu suông, ông cũng chợt nhớ Cao Kim Điển”: “Lâu rồi ông chẳng đến tôi chơi/Nghĩ mãi xem xem có lỡ lời/Ông giận, ông không thèm đến cửa/Già không lường hết những điều sai/Thôi thì… nếu có gì sơ xuất/Ông cũng tha cho, chớ nhớ dai”. Còn nhiều, rất nhiều những câu thơ ông viết cho “Bạn” với những cung bậc cảm xúc thật khó nói lên lời.
Với bản lĩnh của con người khí phách, tiếng cười trào lộng trong thơ Lộng Chương được xuất phát từ một tư cách phát ngôn chững chạc nên ẩn sau thứ ngôn ngữ giầu có, linh hoạt, giầu nhạc điệu, qua ngòi bút điêu luyện phong phú về mặt trào lộng, châm biếm hoạt kê, hài hước, với kho danh từ mỉa mai châm chích, biếm nhẽ, còn cho thấy một bề sâu thời đại, một triết lý muôn thuở, một niềm khắc khoải đậm tình người, tình nghề, tình đời. Ẩn sâu trong đó chính là nét trữ tình sâu thẳm trong thơ Lộng Chương. Tấm lòng chân thành của ông trước cuộc sống hiện lên qua tiếng cười ngỡ sảng khoái mà rất đỗi tinh tế, thâm trầm. Nó chính là sự ứng xử của thi nhân trước thời đại. Qua ngôn ngữ thơ, người đọc nhận ra tầng sâu ý nghĩa mà ít nhất có ba lớp: trào phúng, trữ tình và triết lý như một bức tranh ba chiều hoàn chỉnh. Và dường như trong bức tranh ba chiều ấy, ở chiều nào người ta cũng thấy nổi bật chất trào phúng, bởi trữ tình và triết lý trong thơ Lộng Chương đều bắt nguồn từ trào phúng và thuộc về trào phúng Ba lớp nghĩa này cũng có lúc tách rời nhau, nhưng thường thì xoắn lấy nhau trong vỏ bọc của một bài thơ và trong toàn bộ mảng thơ tập hợp trong “Ta - Bạn và Đời” để tạo thành một chỉnh thể, một thế giới nghệ thuật riêng biệt về thơ Lộng Chương, góp phần làm giàu thêm nền văn hóa dân tộc Việt Nam.
Cùng với kịch bản sân khấu, phải khẳng định, Thơ của Lộng Chương là một đóng góp không nhỏ làm nên thành công, vị trí và tên tuổi của ông. Sự kế thừa tinh hoa văn học dân gian làm nên nét độc đáo trong chất trào lộng của thơ Lộng Chương. Giá trị những tác phẩm ông để lại trong chặng đường phát triển của văn học nghệ thuật việt nam là cơ sở để khẳng định tên tuổi và vị trí của ông trong văn học nghệ thuật nước nhà.
Và xin nhắc lại lời đánh giá của Giáo sư Hà Văn Cầu - Một người bạn tri kỷ của ông trên báo Văn nghệ số 25/2013 để thêm một lần khẳng định những đóng góp của Lộng Chương  đối với nền văn học nghệ thuật Việt Nam: “Cả cuộc đời ông đã sống hết mình vì một nền nghệ thuật chân chính, vì hạnh phúc của nhân dân. Nhà hoạt động văn học, sân khấu, báo chí Lộng Chương - chính là sự hoà quyện bền chặt giữa con người nghệ sĩ và con người chiến sĩ . Con người có thể qua đi, tác phẩm có thể mòn mỏi, song anh vẫn còn mãi. Cái còn của anh thuộc về nhân cách, về đạo đức, về ứng xử, về thái độ đối với lịch sử và xã hội”.
Nhà văn, nhà viết kịch Lộng Chương - Phạm Văn Hiền, người con tài hoa của mảnh đất Hải Dương ấy đã gửi mình vào với đất mẹ nhưng nhân cách, sự nghiệp sáng tác và những đóng góp của ông vẫn luôn in dấu sâu đậm trong tâm thức nhiều thế hệ nghệ sỹ, khán thính giả yêu văn học nghệ thuật hôm nay. Sẽ thật trọn nghĩa vẹn tình nếu tên ông - Lộng Chương được lấy làm tên cho một con đường trên mảnh đất Hải Dương yêu dấu.

(*) Hội thảo tổ chức ngày 11/9/2014 tại trụ sở Hội Văn học Nghệ thuật Hải Dương

















Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét