Thứ Tư, 8 tháng 10, 2014

A NÀNG(*)

Trường Lưu
Lộng Chương - 1960 (Là năm
Lộng Chương sáng tác và cho ra mắt Quẫn và A Nàng) 
      Lâu nay kịch thơ được trình diễn trên sân khấu đã rất ít, kịch thơ in thành sách văn học lại càng ít hơn. A Nàng(**) của Lộng Chương được xuất bản gần đây là một kịch thơ đã được “thử thách” trên sân khấu, dưới hình thức chuyển thể thành cải lương.
      A Nàng là một câu chuyện truyền thuyết của dân tộc Mường, tỉnh Hòa Bình. Lâu ngày quên dần, câu chuyện còn lại trở thành sơ lược, nhưng tên A Nàng vẫn dính liền trong trí nhớ mọi người. Lộng Chương đã dựa vào cốt truyện đó, đi sâu, tìm hiểu đời sống của dân tộc Mường để viết kịch thơ.
      Vở  kịch xoay quanh tấn bi kịch của đôi trai gái Mường: Khảm Khắc - A Nàng, để lên án sự bất công, tàn ác, chà đạp lên hạnh phúc, lên quyền tự do yêu đương của thanh niên miền núi, do chế độ Lang tạo gây ra. Đó là một mâu thuẫn kéo dài của sự cách biệt giai cấp, sự phân biệt đẳng cấp diễn ra trong quá trình đấu tranh giữa những người dân như bầy nô lệ với bọn quan lang nắm quyền sinh sát.
Bản thảo Kịch thơ A Nàng
        Đây là một vấn đề lớn của dân tộc miền núi đã liên miên xảy ra trong các xã hội cũ. Trước đây vì chưa có một nhân sinh quan đúng đắn, người ta thường cho đó là vấn đề thù hằn giữa Mường này với Mường nọ. Qua A Nàng, Lộng Chương đã nhìn vấn đề mâu thuẫn theo quan điểm giai cấp. Quan Lang Quách Lùng chỉ muốn gả con gái cho con quan Lang Đinh Phủ. Nhưng Khảm Khắc, một người dân thường, đã vượt đẳng cấp, lại yêu con gái quan Lang Quách Lùng. Nhân dân Mường-pua và Mường-cun đồng tình ủng hộ mối tình Khảm Khắc - A Nàng là chống lại giai cấp thống trị, chống phân biệt giai cấp.
      Đó là ưu điểm nổi nhất của Lộng Chương trong Kịch A Nàng.
      Nhân vật Mế Lả và Thày mo đã được Lộng Chương miêu tả thành những nhân vật có cá  tính, có tâm trạng, ăn khớp với diễn biến của câu chuyện. Thái độ lo âu và ngập ngừng của Mế  Lả dễ gây xúc động lòng người. Lộng Chương đã khai thác được mâu thuẫn nội tâm của Mế Lả, miêu tả được chân thật sự diễn biến phức tạp trong lòng một bà mẹ rất thương con nhưng còn an phận trước những định kiến xã hội. Vì yêu thương con, lo sợ con bị giết oan, Mế đã ngăn cản không cho Khảm Khắc lấy A Nàng làm vợ; và cũng vì yêu thương con, cảm động trước tình yêu say đắm của con, nên nhiều lúc Mế lại như đồng tình, đành lặng lẽ nhìn con với tấm lòng đầy trắc ẩn. Trái lại, nhân vật Thày mo đã biểu lộ tất cả cái xấu xa của một con người hèn mạt. Khi bình thường thì hắn múa may “theo đóm ăn tàn”, khi có giặc thì run như cày sấy, giặc bị dẹp rồi lại nịnh bợ, xúc xiểm với quan Lang; cuối cùng hắn cũng bị bàn tay độc ác của Lang Quách Lùng giết chết.
      A Nàng cũng là một nhân vật tương đối đạt. Nhân vật này có cái sôi nổi yêu đương của một người con gái chung thủy với tình yêu Khảm Khắc; và sức mạnh đó đã đẩy nàng có thái độ quyết tâm không cần biết đến giàu nghèo, đẳng cấp, không chịu rơi vào tay con quan Lang Mường-cun. Nhiều cảnh A Nàng không xuất hiện, nhưng hình ảnh A Nàng luôn luôn được gợi ra, làm đầu mối cho sự hoạt động của tuyến nhân vật trong tác phẩm.
      Tuy vậy, hai nhân vật chính trong Kịch A Nàng là Khảm Khắc và Lang Quách Lùng không đạt bằng các nhân vật trên. Khảm Khắc thiếu hẳn một chiều sâu tâm lý cần thiết: thái độ đối với mẹ, đối với phong tục Mường, đối với nhân dân Mường ra sao, những mặt đó đều gắn bó mật thiết với câu chuyện tình yêu của Khảm Khắc, nhưng tác giả đã bỏ qua đi nhiều. Khảm Khắc chết là phù hợp với nội dung vở kịch, nhưng giải quyết cho Khảm Khắc chết như vậy, nó có vẻ ít thực và rùng rợn, nhất là đoạn Khảm Khắc thực hiện lời ước của Lang Quách Lùng leo lên vách núi. Nhân vật Lang Quách Lùng có nhích hơn Khảm Khắc; ta thấy nổi lên một điển hình con người vừa tàn ác, man rợ, nham hiểm, vừa ngu xuẩn, nặng đầu óc mê tín quỉ ma. Nhưng cũng như Khảm Khắc, nhân vật này nói nhiều, chứ ít hành động, nên tính cách nhân vật bị chìm xuống. Do đó, hai nhân vật chính gây ấn tượng trong người đọc không sâu sắc.
      Và, những nhân vật đại diện cho vai trò nhân dân trong vở  kịch được Lộng Chương đưa lên sự giác ngộ về ý thức chống lệnh Lang Quách Lùng, không cân xứng với bối cảnh của chuyện. Sự phản kháng của nhân dân đối với chế độ tàn bạo, bao giờ cũng tùy thuộc vào trình độ, vào quan niệm, vào hoàn cảnh lịch sử cụ thể. Nhân dân miền núi trong Kịch A Nàng nếu đã có ý thức giác ngộ cao như tác giả miêu tả thì Khảm Khắc, A Nàng đã không diễn ra một bi kịch như thế.
      Người đọc muốn biết qua Kịch A Nàng mà hiểu rõ tập tục, cách nghĩ, cách nhìn, cách tỏ tình… của dân tộc Mường có gì khác với các dân tộc anh em khác. Nhưng “chất” Mường trong câu chuyện Mường A Nàng không được rõ nét. Tác giả chưa nêu bật được tính dân tộc của nó, chưa chú ý sử dụng ngôn ngữ Mường, để diễn tả bản sắc riêng của người Mường.
      Kịch thơ có một đặc điểm nghệ thuật riêng, một khả năng phản ánh hiện thực riêng. Nó  vừa mang những quy luật mâu thuẫn của kịch, lại phải mang những rung cảm sâu sắc, những hình ảnh chắt lọc, những tâm tư được khai thác theo ngôn ngữ của thơ bên cạnh ngôn ngữ kịch. A Nàng là một câu chuyện rất hợp với kịch thơ. Qua cách dắt dẫn chi tiết sự việc, qua miêu tả thiên nhiên và con người trong A Nàng, Lộng Chương đã chú ý đến nhiều mặt căn bản của kịch. Nhưng phần lớn ưu điểm ở trong vở kịch của anh thường thuộc về những thủ pháp kịch. Riêng về thơ, nhiều chỗ anh viết rất dễ dãi, khiến ta cảm thấy tác giả dùng vần điệu để đưa đẩy ý kịch hơn là diễn tả từng ý thơ hoàn chỉnh trong một vở kịch thơ. Thiếu sót về mặt hình thức này của kịch thơ đã ảnh hưởng đến nội dung chi tiết của nhân vật.



Một số cảnh trong Kịch thơ A Nàng










___________________________
(*) Đăng báo HNM; Sách “Lộng Chương trong trái tim bè bạn”, Nxb Hội Nhà văn, 2013.
(**) Nxb Văn học, 1963; Nxb Sân khấu quý IV/ 2003;...



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét