Huy Lý
Đoàn trưởng Đoàn Chèo Thanh Hóa
Mùa thu năm 1979, Đoàn chèo Thanh Hóa được vinh dự đón tác giả kiêm đạo
diễn Lộng Chương vào giúp đỡ xây dựng vở. Trong thời gian này Đoàn chưa có khu
văn công, chưa có trụ sở riêng. Đoàn đóng quân tại thôn Tạnh Xá, xã Đông Vệ,
thị xã Thanh Hóa (bây giờ là thôn Tạnh Xá, phường Đông Vệ, thành phố Thanh Hóa
- nơi rượu ngon nổi tiếng của xứ Thanh). Mừng thọ Thày Lộng Chương tại nhà Đoàn trưởng Huy Lý |
Tôi - Đoàn trưởng trực tiếp đón anh Lộng Chương về gia đình ăn ở, sinh hoạt trong ngôi nhà ba gian lợp ngói. Sau khi thống nhất với Đoàn về chủ trương xây dựng vở, anh bắt ngay vào việc sáng tác. Anh làm việc say mê đến quên ăn quên ngủ. Viết xong đoạn nào anh lại đọc cho diễn viên nghe và cùng nhau phân tích để sửa chữa, bổ sung. Tối, tôi ngủ chung với anh một giường. Tôi thường đi ngủ trước để hôm sau còn điều khiển công việc ở Đoàn. Khi thức giấc lúc hai - ba giờ sáng, vẫn thấy anh ngồi viết với ngọn đèn lờ mờ.
Nhiều lần tôi giục anh: “Anh Chương đi nghỉ cho đỡ mệt, để sáng mai còn làm việc với diễn viên chứ!". Anh nói vẫn tỉnh táo như thường: "Mình phải viết xong mấy lớp để kịp làm việc với anh chị em". Anh làm việc khuya như vậy, bà xã nhà tôi thường nấu cháo gà cho anh bồi dưỡng. Bà rất thông cảm công việc làm của anh, xem anh như người anh cả trong gia đình, lúc nào cũng vui cười hớn hở động viên anh. "Bác thích ăn món gì, em nấu phục vụ bác!". Được cái chợ thị xã Thanh Hóa lúc này rất nhiều thức ăn, tôm - cua - cá - mực rất sẵn. Một lần để thử tài đánh tiết canh vịt của tôi, anh Lộng Chương nói bà xã tôi xách con vịt về. Tôi ra tay và được anh gật gù khen suốt bữa ăn. Ở với vợ chồng tôi, anh thích ăn gì là bộc bạch, như người ruột thịt. Nói thế nhưng anh ăn uống không câu kì lắm. Anh chỉ thích uống rượu. Thường viết khuya nên anh lúc nào cũng có một chai rượu để sẵn. Thấy mệt anh lại làm một ngụm. Rượu giúp anh tập trung tất cả trí tuệ và tâm hồn cho nghệ thuật. Viết đến đâu anh tung ra cho diễn viên tập, và anh lại lên sàn tập để dàn dựng. Làm việc với diễn viên, anh rất nghiêm túc nhưng thoải mái, được anh chị em quý trọng và yêu mến. Bên cạnh anh còn có nhạc sĩ Xuân Quý, biên đạo múa Trần Minh. Đoạn nào cần làm nhạc và đoạn nào làm múa, anh trao đổi cụ thể với họ phối hợp kịp thời. Vừa sáng tác vừa dàn dựng vở - một vở dài mà chỉ trong vòng một tháng là hoàn thành. Với cái tuổi ngoài 60, nhanh nhẹn, hoạt bát, thông minh, đầy sáng tạo: anh đã hoàn thành suất sắc tác phẩm "Ức Trai". Đó là nhận định, đánh giá của tất cả anh chị em cán bộ và diễn viên Đoàn Chèo Thanh Hóa ngày ấy. Đêm tổng duyệt đầu tiên được tổ chức tại làng Tạnh Xá. Không có hội trường, không có sân khấu chính quy, chúng tôi vội dựng lên một sân khấu lưu động. Ánh sáng chạy máy nổ. Đêm tổng duyệt có các đồng chí lãnh đạo ở Sở Văn hóa - Thông tin như Mai Bình, ở Hội Văn học nghệ thuật có Hà Khang. Nhiều anh chị em cán bộ và diễn viên các đoàn văn công trong tỉnh cũng đến dự. Rất đông công chúng khán giả, vòng trong vòng ngoài kín sân khấu diễn. Họ chú tâm theo dõi, thỉnh thoảng lại rộ lên những tiếng cười. Có cả tiếng thút thít khóc thương số phận Nguyễn Trãi, đồng cảm với mối tình đẹp đẽ giữa Thị Lộ - Nguyễn Trãi. Kết thúc vở diễn, khán giả vỗ tay hoan hô nhiệt liệt kéo dài. Có những khán giả ngày nào cũng xem Đoàn tập, đã thuộc cả vở, vậy mà vẫn còn muốn xem diễn nữa.
Sau đêm phúc khảo xong, mắt anh Lộng Chương đỏ ngầu và sưng tấy lên. Trước
đấy mắt anh đã đau, nhưng anh vẫn cho bình thường, vì thức đêm nhiều đấy mà.
Thấy vậy, chúng tôi vội vàng đánh xe đưa anh về Hà Nội chữa chạy. Để chậm, đôi
mắt anh bị nặng thì chúng tôi ân hận suốt đời. May mà anh đã qua khỏi. Nên sau
đó mấy năm, chúng tôi lại được lần nữa đón anh về dựng vở "Đầy ra hoang
đảo" của tác giả Hà Khang.
Vẫn tác phong nhanh nhẹn hoạt bát, trong tư thế một người thày, anh
truyền đạt cho diễn viên những kinh nghiệm về nghệ thuật biểu diễn anh đã tích
lũy được trong cả cuộc đời hoạt động. Hoạt
động văn học - nghệ thuật, đó chính là niềm vui, niềm hạnh phúc của anh. Anh
yêu văn học - nghệ thuật như tình yêu thương con người vậy. Nên ai nấy đều gần
gũi, quý mến anh. Có lúc anh bỏ tiền túi ra giúp đỡ diễn viên gặp cảnh khó khăn.
Một lần anh đi dự đám cưới con tác giả Hà Khang, thấy tốp thanh niên nam nữ
đang nhảy múa, anh nói: “Các bạn nhảy kém lắm!". Thế rồi, anh xông vào
nhảy, nhảy Suyn, nhảy Romba... Càng nhảy càng say sưa. Đám thanh niên
đứng trố mắt nhìn ông già nhảy và luôn luôn tỏ thái độ thán phục. Cứ thế, anh
nhảy cuồng nhiệt. Khi ra về, vì nhảy, vì hơi men rượu, giữa đường anh ngã khuỵu.
Tôi lo quá, vội gọi 2 diễn viên khênh anh vào giường và đốt lửa sưởi ấm cho anh.
Đêm ấy, tôi cử người trực bên anh, đề phòng bất trắc xẩy ra. Sáng mai, ngủ dậy
anh lại tỉnh táo, sáng suốt như thường. Ôi, có một con người sống và làm việc
như vậy đấy!
Văn nghệ sĩ Thanh Hóa mừng thọ Thày Lộng Chương (người đứng) tại sân nhà Đoàn trưởng Huy Lý |
Cũng trong dịp này anh Lộng Chương tròn 60 tuổi. Anh chị em văn nghệ sĩ
xứ Thanh chúng tôi gợi ý tổ chức mừng thọ anh (tuy thời gian đã muộn) và được
anh đồng ý. Chúng tôi coi việc làm đó là sự đền đáp rất nhỏ đối với công lao
lớn mà thày Lộng Chương đã xây dựng, dạy dỗ nên Đoàn Chèo. Thế là tấm bạt được căng
lên giữa cái sân gạch nhỏ của nhà tôi.
Chiều hôm ấy, không khí nhộn nhịp hẳn lên. Chiếu rải khắp sân; một độc
bình to để ở giữa, cắm hoa đẹp. Những nụ cười tươi vui, hớn hở của các nghệ sĩ,
cả các cán bộ lãnh đạo văn nghệ trong tỉnh, như bủa vây quanh thày Lộng Chương
để mừng thọ thày. Đặc biệt là hũ rượu mừng thày - nhà nghệ sĩ lão thành có
nhiều tác phẩm thành công đóng góp cho đời - cũng đã được trưng ra, sẵn sàng
"vào cuộc” để cuộc vui thêm phần nồng cháy. Tất cả thày trò chúng tôi hôm ấy
đều thấy mình trẻ ra, khỏe hơn và vui hơn.
Thời gian trôi đi, từ ấy đến nay đã gần 20 năm, vậy mà hình tượng thày
Lộng Chương, người anh và người bạn đồng nghiệp, vẫn ngự trị nguyên vẹn trong
mỗi anh chị em văn nghệ sĩ xứ Thanh - thế hệ chúng tôi ngày ấy. Mỗi khi nhớ tới
thày, chúng tôi chỉ cầu mong thày mạnh khỏe, vui vẻ với cái tuổi 80 có lẻ. Thế
thôi! Vì, thưa thày, ở độ tuổi thày, sự nghỉ ngơi tĩnh dưỡng là phù hợp đạo lí
lắm ạ! Và, từ nơi xa này, lớp học trò xin nâng chén chúc thày trường thọ, an
khang!
_______________________________
(*) Sách “Kịch Lộng Chương”, Nxb Văn học, 1997; “Lộng Chương trong trái tim bè bạn”, Nxb Hội Nhà văn, 2013.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét