Trong bài viết nhỏ này, xin được đi
sâu nghiên cứu về mảng hoạt động báo chí của Lộng Chương.
* * *
Lộng Chương sinh năm 1918, tên khai
sinh là Phạm Văn Hiền (còn có bút danh là Viên Hán), người thôn Châu Khê, xã
Thúc Kháng, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương. Tuy nhiên, gia đình ông đã ra Hà
Nội từ 3 đời trước; cùng với sự biến cải của xã hội, nên có thể coi ông là người
gốc gác Hà Nội. Ngay thuở thiếu thời, khi còn là học sinh trường Bưởi (Hà Nội),
Lộng Chương đã chập chững bước vào nghề diễn kịch và cầm bút.
Năm 1935, Lộng Chương cho xuất bản
tập thơ đầu tiên Mộng Hoa với bút
danh Viên Hán, trang đầu có lời đề Tặng
Lucie. Nhưng tập thơ đã không mang lại mấy tiếng tăm.
Sau trận “ra quân” đầu tiên của Mộng Hoa, Viên Hán rút lui để Lộng Chương,
Triều Dương, Thiên Tinh xuất hiện với hàng loạt phóng sự đăng trên các báo Đông
Pháp (khi Nhật, vào đổi tên là Đông Phát) và báo Sinh Lực những năm 1938 -
1942. Đó là các bài phóng sự: Ba chàng
thanh niên ấy, Công chức, Đói, Sống trên đống rác, Ngục đời…; truyện Vô tư và nhiều truyện ngắn khác. Số báo đăng
phóng sự Ngục đời đã bị Sở Liêm phóng
Pháp tịch thu.
Hầu
thánh được Nhà xuất bản Cộng Lực (Hà Nội) xuất bản năm 1942, là tiểu thuyết
phóng sự dài gần 200 trang. Bằng ngòi bút trào lộng thiên bẩm, trong "Hầu
thánh", Lộng Chương đề cập đến một
vấn đề luôn là thời sự của mọi giai đoạn xã hội - vấn đề tín ngưỡng, tuy câu
chuyện xảy ra từ những năm 1930 - 1940. Lộng Chương mô tả cuộc sống của các bà,
các cô ở giới trung lưu và giàu có tại
Hà Nội lúc đó. Họ tin vào sức mạnh của đồng tiền, cúng tiền vào các chùa chiền,
đền miếu, càng cúng nhiều càng cho là "thành tâm" với phật - thánh, để
cầu xin sự "phù hộ độ trì" cho họ làm ăn phát đạt, buôn may, bán đắt.
Từ sự mù quáng đó, xã hội đẻ ra một loạt người ăn bám, bịp bợm, sống nhờ vào mê tín, dị đoan. Đó là các ông đồng, bà
cốt, cung văn, thày bói, thày cúng... Và cũng chính từ chuyện buôn thần bán
thánh này đã gây cho nhiều gia đình điêu đứng về kinh tế, bại hoại về gia
phong, tan nát trong quan hệ ruột thịt.
Nội dung của Hầu thánh đến nay vẫn mang nguyên vẹn tính
thời sự - một vấn đề rất quan trọng mà báo chí quan tâm đề cập. Hầu thánh chưa phải là tác phẩm tiêu
biểu đứng đầu thể loại phóng sự, song nó đã được đánh giá cao. Năm 1990, Nhà
xuất bản Hà Nội đã tái bản Hầu thánh.
Năm 1997 và 2000 Nhà Xuất bản Văn học tái bản tác phẩm này trong Kịch Lộng Chương và Tuyển tập phóng sự các nhà văn hiện đại.
Trong
thời gian viết Hầu thánh, Lộng Chương
làm điều chế viên hoá học tại Phủ Toàn quyền. Những năm sau đó, ông đã tham gia
hoạt động truyền bá chữ quốc ngữ và hoạt động trong các tổ chức tuyên truyền bí
mật của Việt Minh. Những hoạt động trong
giai đoạn này của Lộng Chương chưa hẳn là hành động giác ngộ cách mạng thực sự.
Có thể nhận định rằng, những hoạt động đó chỉ là bước đi ban đầu để tìm đến con
đường cách mạng, phục vụ cách mạng của ông. Nhưng cũng vì vậy mà ngòi bút ông
càng có điều kiện thuận lợi để phản ánh thời cuộc, bằng các thể loại văn thơ,
báo chí khác nhau. Rất tiếc, hầu hết những bài viết, sáng tác trong giai đoạn
trước Cách mạng Tháng Tám và trong kháng chiến chống Pháp, chỉ còn lưu giữ được
một phần tại gia đình và kho lưu trữ Nhà nước, Thư viện Quốc gia. Số còn lại đã
thất lạc, do thời gian quá lâu, do những biến cố của hai cuộc kháng chiến chống
Pháp và Mỹ; do cuộc sống lưu động nay đây, mai đó của ông để bám sát thực tiễn
cách mạng diễn ra hàng ngày hàng giờ; nhằm phản ánh kịp thời yêu cầu bức thiết đối
với những người làm báo, viết văn thời bấy giờ.
Ngay từ những ngày đầu sau cuộc Cách
mạng Tháng Tám, nhằm phát huy sở trường và cũng là phù hợp yêu cầu của cách
mạng, Lộng Chương tham gia hoạt động trong các ban kịch và trở thành một trong
số người đóng vai trò chủ chốt của Ban
kịch Bình Dân (1945-1946), Đội kịch
Duyên Hải (1947), Đội kịch Báo Công
Dân (trước là báo Nam Định kháng
chiến, 1948-1949). Đồng thời trong cùng giai đoạn, ông phụ trách chuyên mục
Phóng sự và Kịch thời đàm của tờ Công Dân.
Tờ Công Dân do Trúc Đường làm chủ
bút. Tôn chỉ của tờ báo: Tuyên truyền chủ trương, đường lối kháng chiến của Đảng,
kêu gọi đồng bào tham gia tích cực mọi nhiệm vụ của hậu phương, phục vụ tiền
tuyến, vạch trần âm mưu, thủ đoạn nham hiểm của đế quốc và tay sai... Báo được
phát hành tại các tỉnh Nam Định, Thái Bình, Hà Nam, Ninh Bình. Một bộ phận bạn đọc
quan trọng của báo là đồng bào công giáo các tỉnh này.
Cùng với những cây bút sắc sảo: Bùi
Hạnh Cẩn, Sao Mai, Trần Lê Văn, Phạm Hiển, Trúc Đường... Lộng Chương viết đủ
các thể loại: chính luận, ký sự, phóng sự, ca dao, truyện ngắn, kịch ngắn,... để
tuyên truyền chủ trương, đường lối kháng chiến của Đảng; đả kích những kẻ cơ
hội, hèn nhát chui vào hàng ngũ cán bộ kháng chiến để hòng kiếm chác, mưu đồ
lợi ích cá nhân; phê phán những tư tưởng lệch lạc trong đội ngũ cán bộ cơ sở...
Những bài phóng sự của Lộng Chương đăng nhiều kỳ, từng làm xôn xao dư luận thời
bấy giờ. Đó là phóng sự: Đò dọc, Muối,
đăng trên báo Công dân; một loạt
phóng sự mang tên Dọc đường kháng chiến,
đăng báo Phản Công, báo Hôm nay, trong khoảng thời gian 1948 -
1949. Đặc biệt, phóng sự Đò dọc đã
làm dư luận bạn đọc xôn xao một thời gian dài. Trong Đò dọc, Lộng Chương vạch mặt bọn buôn lậu bán gian, đã dùng mọi thủ
đoạn sảo quyệt nhằm trốn tránh sự kiểm soát của Chính phủ kháng chiến, để đưa
hàng hoá ra - vào giữa hai vùng ta - địch, cốt thu lợi nhuận tối đa. Bọn chúng
không chỉ gồm số lái buôn chuyên nghề, còn có cán bộ kháng chiến đứng ra che
chở những chuyến hàng lậu này. Và, trên những chuyến đò dọc ấy, thường xảy ra
mọi hành vi dâm ô, truỵ lạc, bài bạc, chửi bới, doạ dẫm lẫn nhau. Nhưng, rút
cục vì tiền, bọn này vẫn luôn luôn liên kết cùng nhau để thực hiện những chuyến
buôn lậu và tìm cách chống lại sự kiểm soát của Chính phủ kháng chiến.
Bằng những chi tiết thật và sống động,
cùng khẩu khí hài thiên bẩm của mình, Lộng Chương đã tạo cho thiên phóng sự Đò dọc (và những phóng sự khác) có sức
hấp dẫn đặc biệt. Đạt được thành công ấy, Lộng Chương đã phải cơm nắm, muối
vừng để trôi nổi cùng với những chuyến đò dọc hàng tháng trời, để cùng sống
"bụi bặm" với những tay "anh chị", "đầu gấu" của
các băng nhóm buôn lậu nổi tiếng hồi đó, trước khi ông đặt bút viết.
Với thời gian sống rất ngắn của các
tờ báo này, khối lượng bài viết của Lộng Chương là một đóng góp rất đáng kể.
Là một trí thức tiểu tư sản, ra đi
từ cuộc sống thành thị, rất xa lạ với những người dân chân lấm tay bùn, hai sương
một nắng, vậy mà Lộng Chương đã nhanh chóng hoà nhập được với cuộc sống kháng
chiến vô cùng gian khổ của dân tộc. Để tuyên truyền chủ trương, , chính sách, đường
lối kháng chiến của Đảng vào cuộc sống
nhanh nhất, hiệu quả nhất nhất là đại đa số quần chúng lúc ấy là những người
thất học, nhưng lại là lực lượng chính của cuộc kháng chiến toàn dân, toàn
diện, Lộng Chương đã sử dụng ngòi bút của mình hết sức linh hoạt, nhằm chuyển
tải nội dung bài viết đến với quần chúng đạt hiệu quả cao nhất. Nên, ngoài văn
xuôi, ông còn viết rất nhiều bài thể loại văn vần, ca dao, khiến người đọc, người
nghe đều dễ hiểu, dễ nhớ. Ở giai đoạn này, dường như tất cả các cây bút sáng tác có tên tuổi đi theo
kháng chiến, đều làm văn vần, ca dao phục vụ cách mạng. Biết rằng chất lượng
nghệ thuật của văn vần, ca dao chưa đạt tới độ cần thiết do nhiều nguyên nhân,
song những người viết đều hướng tới hiệu quả phục vụ làm tiêu chuẩn hàng đầu.
Với báo chí ở vùng Liên khu III lúc ấy, những bài báo bằng văn vần, ca dao từng
chiếm phần diện tích không nhỏ trên các số báo. Điều đó đã chứng tỏ sức mạnh
riêng của thể loại này. Văn vần, ca dao còn có sức sống mãnh liệt hơn ở chỗ: Nó
là thể loại chiếm chỗ gần như tuyệt đối trên hàng ngàn tờ báo tường xuất hiện
tại các đơn vị bộ đội, dân công, trường học, các đơn vị dân chính, các tổ chức
thanh - thiếu niên ở nông thôn... Thậm chí, nó không chờ tác giả viết ra trên
giấy đã tức thời được chuyền khẩu ngay trên đường bộ đội hành quân, dân công
tải lương tiếp đạn, trong đêm liên hoan văn nghệ ở khu căn cứ du kích... Biết
sử dụng triệt để lợi thế này, từ kháng chiến chống Pháp đến mấy năm đầu hoà
bình lập lại trên nửa đất nước, cả khi làm báo chuyên nghiệp và không chuyên
nghiệp, Lộng Chương đã viết tới mấy trăm bài báo bằng văn vần, ca dao, phần lớn
đã đăng tải trên báo chí hoặc in sách, và tất cả đều được phổ biến rộng rãi
bằng các hình thức: hò hát, ngâm vịnh, tấu… Ông viết văn vần, ca dao trong mọi
nơi, mọi lúc: Trên đường hành quân ra mặt trận, giữa đêm ngủ bừng tỉnh giấc,
trong giờ giải lao trên công trường, trên đồng ruộng khi về "ba cùng"
với nông dân... Ông viết bằng nhiệt tình của anh trí thức giác ngộ cách mạng,
bằng lương tâm và trách nhiệm công dân, bằng trí thông minh và sự nhạy bén của
mình. Viết xong rồi ông tự diễn. Bởi ông vốn là người diễn kịch. Diễn trước bộ
đội, dân công, nông dân, công nhân… Căn cứ số bài sưu tầm được, có đến hàng
nghìn câu ca của ông còn đó. Ông minh hoạ đường lối kháng chiến - kiến quốc của
Đảng và Nhà nước ta: Diệt giặc ngoại xâm, giặc đói, giặc dốt - một chủ trương
lớn từ những năm đầu của cuộc kháng chiến 9 năm. Ông đã từng khẳng định trong
bài Khi giặc đến nhà:
"Một
khi cướp đã đến nhà
Ta không giết nó thì ta chẳng còn ...
... Đi đâu hỡi bố thằng cu
Đàn bà giết giặc có từ gì đâu! ... "
Còn trong bài Quyết
diệt giặc:
"... Thương nhau ta
phải nhủ nhau
Đòn gánh, dao bầu cũng
giết được Tây ...
... Người
nách thước, kẻ cầm đao
Giết chúng đi nào, giữ
lấy xóm thôn
Bảo vệ lúa,
giữ vợ con
Đừng để giặc dồn vào chỗ
lầm than!..."
Trong bài hát đối nam nữ
tuyên truyền về tăng gia sản xuất, ông viết:
Nữ: "... Sản xuất Chính phủ hô hào
Lại còn tiết
kiệm ra sao hỡi chàng ..."
Nam:
"... Dân ta kháng chiến đánh Tây
Trường kỳ gian khổ ta rày phải lo
Làm sao ta vẫn ấm no
Lại còn thừa sức cung cho chiến
trường"
Nữ:
"... Vẫn hay thực túc binh cường
Bộ đội đánh khoẻ vì lương thực
nhiều ..."
Nam:
"... Anh nhắn câu này: đập lúa cho nhanh
Vừa làm vừa
học mới tình
Đó là tiết kiệm cô
mình rõ chăng?"
Trong Bài hát đóng thóc:
"... Cùng đi với cả dân làng về khu
Quyết tâm nộp thóc
vào kho
Đánh Tây, dân đóng thóc cho quân
dùng
Tội chi để giặc nó
lùng
Nó cướp, nó đốt đã từng nhiều
phen ...
... Một lòng giữ nước giữ nhà
Đóng thuế nông nghiệp mới là người
ngoan... "
Trong bài Ta nhắn lời nhau, Lộng Chương đưa chủ trương hộ đê lồng vào câu
chuyện của đôi nam nữ:
"... Đánh Tây mà chẳng giữ đê
Mưa lũ đổ về, đồng ruộng còn chăng?
Chống nước như chống xâm lăng
Ta phải coi rằng quan trọng như nhau ...
... Em cùng anh quyết thi đua
Cấy cày vụ mùa, trừ giặc, hộ đê ..."
Hay, tác giả động viên nhân dân dùng
hàng nội, thực chất là động viên mọi người phát triển nghề cổ truyền của quê hương:
"... Chăn tằm canh cửi nghề nhà
Nái, sồi ta dệt, hàng ta ta dùng ..."
Với nhiệm vụ chống giặc
dốt, trong bài Rủ nhau đi học, Lộng
Chương viết:
"Rủ nhau đi học i - tờ
Đọc báo Cứu quốc, xem thơ cụ Hồ...
... Ngày xưa học để làm quan
Cốt vơ lợi lộc túi tham cho đầy
Ngày nay học để chung tay
Dựng xây cho đất nước này đẹp tươi..."
Bài Ba vui tác giả tả tâm tình của đôi trai gái:
"Thấy
em anh cũng muốn yêu
Nhưng ngại một điều em chẳng cùng anh
Cùng anh đi học bình dân...
... Nếu mà anh quyết cùng em
Thì em đâu quản sớm hôm học hành
Vui biết chữ, lại có anh
Vui này ắt hoá ra thành ba vui!..."
Động viên tinh thần chiến đấu của
quân và dân mặt trận đường 5, Lộng Chương viết:
"... Kìa trông giặc chạy trên đường
Quân ta truy kích, khôn lường thoát nguy!
Súng dồn vang dội chiến khu
Có đoàn Trung Dũng khởi mùa chiến công...
...
Lại đây nghe súng làm thơ
Nghe anh bộ đội trong mơ cả cười ..."
Những bài ca dao về chiến thắng Đông
Xuân, Lộng Chương viết có đến hơn 100 câu ca ngợi thành tích vang dội của quân
dân ta. Ông cũng cảnh báo:
"... Chúng còn lồng lộn cắn quàng
Âm mưu còn lắm hung hăng còn nhiều
... Chúng ta cảnh giác đề cao
Toàn dân một chí sức nào chuyển lay..."
Ca ngợi tình nghĩa quân dân thủy
chung, động viên nhân dân chăm sóc thương binh - những người đã không tiếc xương
máu, hy sinh thân mình cho sự tồn vong của dân tộc - được thể hiện trong bài Tình thương binh:
"... Quý anh thức suốt đêm trường bên
anh ...
... Anh ơi anh hãy nằm yên
Để vết thương lành, để máu đỡ ra
..."
Hay trong bài Nhớ ơn:
"... Vấn đề báo đáp thương binh thế nào
Vì dân anh đổ máu đào
Non sông quyết giữ ra vào hiểm
nguy..."
Lộng Chương còn sáng tác hàng trăm
câu ca dao nguỵ vận, tuyên truyền chính sách khoan hồng của Chính phủ đối với
kẻ lầm đường, lạc lối; kêu gọi họ hãy
quay về với quê hương, làm ăn sinh sống lương thiện bên mẹ già, vợ hiền, con thơ;
hãy cùng bộ đội ta diệt thù chung:
"... Tôi ngoài, anh ở bên trong
Đôi ta cùng đánh, diệt xong quân thù ...
... Súng giặc giết giặc anh ơi
Trong ngoài cùng đánh hết đời thực dân ...
... Đêm đêm thao thức mẹ già
Nghe thôi súng nổ, lệ nhoà mắt nheo ....
... Mình ơi, mẹ bảo mình về
Vâng lệnh cụ Hồ trở lại đi thôi!
Giặc Tây chết đến nơi rồi
Nổi lên góp sức trổ tài một phen ..."
Trên đường ra mặt trận, gặp các đoàn
dân công tiếp lương, tải đạn, Lộng Chương lập tức viết hàng loạt bài ca dao để động
viên tinh thần họ:
".... Đường xa thì mặc đường xa
Thi đua tiếp vận cũng là giết Tây
Đồn tan, diệt giặc phen này
Gạo chuyển đêm ngày, chiến tích
toàn dân...
... Hoan hô chiến sĩ xe thồ diệt Tây
Diệt Tây không súng
cầm tay
Diệt Tây bằng "cái tay
ngai" mới tài ...
...
Chiến trường bộ đội diệt Tây
Lương thực từng ngày tiếp sức ta
chuyển lên.
Trường kỳ gian khổ
bao nhiêu
Quyết tâm diệt giặc ta đều vượt
qua ..."
Tuyên truyền đường lối văn nghệ cách
mạng, Lộng Chương viết:
"... Ngày xưa thơ phú khó khăn
Bây giờ văn nghệ nhân dân đều làm
...
... Đánh
Tây vừa hát vừa hò
Tăng gia khó nhọc làm thơ mới tài
...
... Ngày xưa đàn hát là hư
Đàn hát bây
giờ góp sức đánh Tây ..."
Trong ca dao của Lộng Chương,
quan điểm giai cấp, quan niệm về tự do dân chủ của Đảng cũng được ông diễn đạt rất
dễ hiểu, dễ chấp nhận, khiến cả những người nông dân thất học đều nhập tâm được:
"... Yêu nhau nhắn nhủ đôi lời
Hữu ái giai
cấp hiểu thời ra sao?
Tự do dân chủ thế nào
Tự do đâu phải muốn sao thì làm
Dân chủ đâu phải phá
ngang
Kỷ luật rõ ràng sao lại chẳng
thông!
Chính quyền nay của
nhân dân
Làm dân ta phải góp phần dựng
xây..."
Lộng Chương còn viết hàng trăm câu
ca dao cảm thông thương xót, động viên nhân dân trước những đau khổ, tang tóc
do giặc gây ra, mà ông được chứng kiến:
"... Đất quê hằn vết giặc càn
Giặc thiêu, giặc giết, xóm làng
vắng tanh
Tro tàn gió sớm cuốn
quanh
Lá khô lác đác vương cành cây
khô.
Nhà ai trơ bức tường
trơ
Khói lan cỏ cháy, dậu thưa rã
rời!
Ngõ sâu thoáng lẻ
bóng người ...
... Căm hờn biết thuở nào khuây..."
Và ông kêu gọi:
"... Thù sâu lũ giặc hung tàn
Thề đem sức trẻ thi gan phen này..."
Năm 1954, sau khi Hiệp định đình
chiến Giơnevơ được ký kết, quân đội Liên hiệp Pháp câu kết với chính quyền Ngô Đình
Diệm âm mưu cưỡng ép đồng bào công giáo di cư vào Nam. Chúng lợi dụng bọn tay
sai đội lốt nhà tu, dùng mọi thủ đoạn dụ dỗ, phỉnh phờ, doạ nạt, nhằm lôi kéo đồng
bào ta rời bỏ quê hương. Thậm chí, chúng huy động cả trọng pháo, phi cơ, nã đạn,
ném bom vào các làng thuộc tỉnh Quảng Bình, buộc đồng bào ta rời bỏ xóm làng,
theo chúng vào Nam. Giai đoạn này, tuy không còn làm báo chuyên nghiệp, nhưng
Lộng Chương vẫn tức khắc có mặt tại những điểm nóng. Ông vẫn say xông pha như
thời kháng chiến 9 năm, không ngại gian nguy, để nắm bắt đầy đủ diễn biến phức
tạp của thời cuộc - một đòi hỏi hết sức quan trọng đối với người cầm bút viết
báo, viết văn. Trong ký sự Bọn chúng đã
triệt hạ thôn Tam Toà để cưỡng ép di cư, Lộng Chương mô tả tỉ mỉ những âm mưu,
thủ đoạn, những hành động dã man của giặc đối với người dân thôn Tam Tòa thuộc
ngoại vi thị xã Đồng Hới tỉnh Quảng Bình. Đây là một trong những thôn bị tổn
thất nặng nề do giặc Pháp tàn phá, triệt hạ. Chúng đã dồn hàng ngàn đồng bào ta
phải sống cảnh màn trời chiếu đất. Chúng ngày đêm đe nẹt, doạ nạt, để buộc họ
phải xuống tàu vào Nam. Trước thảm cảnh này, Đảng và Nhà nước ta chủ trương chống cưỡng ép di cư, được báo chí
lên tiếng hưởng ứng tích cực. Lộng Chương đã phản ánh những diễn biến của cuộc
cưỡng bức dồn dân dã man này, tố cáo với cả nước và thế giới về âm mưu phá hoại
hoà bình, vi phạm Hiệp định đình chiến của đế quốc Mỹ, thực dân Pháp và bè lũ
tay sai. Ký sự của ông được Vụ Thời sự Chính sách ấn hành ngay vào đầu năm
1955. Cũng trong năm này, ông viết ký sự Trên
đường di cư vào Nam đã đăng báo và được Nhà xuất bản Văn nghệ ấn hành thành
sách. Trong ký sự, ông kể lại cảnh tha hương, bị đoạ đày của những con người
khốn khổ trên đường đi Nam. Trên đường đi họ bị dồn nén chật chội, ngột ngạt dưới
tàu; bị đánh đập, đói khát, nhiều người đã chết và bị ném xuống biển. Họ là
những người bao đời gắn bó thiết tha với quê hương, bản quán, xứ sở, cần cù lao
động, chăm chỉ làm ăn, chắt chiu từng hạt thóc, cọng rơm, nay bỗng chốc phải ra
đi, "bỏ lại đằng sau cuộc đời hoà bình, hạnh phúc, cuộc đời ấm no mà họ
hằng mong ước, đến nay mới đương được hình thành". Ông cũng vạch rõ nguyên
nhân gây ra thảm cảnh, đó là "những kẻ dối đạo, lợi dụng danh chúa để thoả
mãn lòng gian tham cuồng dại, để làm vừa lòng những tên đế quốc giết người".
Bên cạnh đó, Lộng Chương ca ngợi những người cán bộ, bộ đội được cách mạng cử đến
giúp đỡ, khuyên giải bà con lầm đường, lạc lối, đang rơi vào cảnh bị đoạ đày,
khốn khổ. Ông cũng cho người đọc thấy rõ, trong bất cứ hoàn cảnh nào, hầu hết đồng
bào ta đều hướng về cách mạng, hướng về miền Bắc thân yêu.
Để vận động đồng bào ta chống cưỡng
ép di cư, Lộng Chương còn sử dụng hình thức văn vần, ca dao. Trong bài
"Bến Kim Đài", ông viết:
"... Âm mưu giặc Mỹ kể ra
Thật nhiều hiểm độc quỷ ma khôn lường
… Những toan phá hoại hoà bình
Những toan chia cắt nước mình dài lâu.
… Gây bao thảm hoạ gian nan
Cưỡng người bỏ xóm, bỏ làng, rời quê ...
... Mồ hôi đổ xuống ruộng kia
Miếng ăn kề miệng mà lìa sao đang?
Vì đâu xảy nghé tan đàn
Vì đâu
nên cảnh dở dang thế này?
Rõ ràng bởi lũ tay sai
Lấy danh Chúa để chia hai nước mình…”
Khi tìm hiểu về chủ trương giảm tô
giảm tức (1953) rồi sau này tham gia cải cách ruộng đất ở ngoại thành Hà Nội
(1956), Lộng Chương cũng sáng tác ca dao để động viên tinh thần đấu tranh của
nông dân, chỉ cho họ thấy nguyên nhân nỗi thống khổ là do bọn địa chủ, cường hào
ác bá đã bóc lột đến tận xương tuỷ họ, đẩy họ đến cuộc sống cùng cực. Trong
cuộc cách mạng “long trời lở đất” - theo cách gọi của thời kỳ ấy, ông đã viết
hàng chục bài ca dao, nhiều bài dài hàng trăm câu. Chứng tỏ rằng, ông rất đồng
cảm với nỗi khốn cùng của người nông dân, và say sưa vì sự nghiệp giải phóng
họ. Trong bài Con ơi mẹ hiểu vì đâu,
Lộng Chương nói:
"... Căm thù mẹ phải khơi sâu
Vì sao mẹ khổ, vì đâu mà nghèo?
Vì đâu nhà rách, vách xiêu
Vì đâu nước lọ, cơm niêu nhọc nhằn?
Vì đâu cơ cực quanh năm
Vì đâu cơm đụp, áo manh suốt đời?..."
Và ông đã vui cái vui của dân:
"... Từ ngày có ruộng đến nay
Gia đình tôi đã được đầy bát cơm.
Vụ này lúa tốt thóc thơm
Đàn con lớn khỏe, không còn ủ ê..."
Từ say sưa hoạt động báo chí, Lộng
Chương đã chắt lọc, đúc kết, chọn lựa để sáng tác ra nhiều tác phẩm văn nghệ, đáp
ứng kịp thời những yêu cầu của nhiệm vụ cách mạng lúc bấy giờ. Với ông, dù là
hoạt động báo chí hay văn nghệ, tính thời sự trong tất cả các tác phẩm của ông đều
nổi lên rất rõ. Điều này cũng nói lên Lộng Chương là một nhà báo, một nghệ sĩ
có tinh thần trách nhiệm cao trước Tổ quốc và nhân dân, hết sức gắn bó, lăn lộn
với phong trào cách mạng, có thái độ dũng cảm khi xông vào những vấn đề mới,
nóng bỏng của xã hội. Trong khoảng thời gian từ 1948 - 1954 (kết thúc cuộc
kháng chiến 9 năm), Lộng Chương đã sáng tác 17 vở kịch ngắn và dài), một con số
rất đáng kể đối với người cầm bút, vừa sáng tác văn nghệ, vừa làm báo và vừa
làm công tác quản lý xây dựng phong trào. Những tác phẩm của Lộng Chương, hầu
hết đều được các đoàn văn công dàn dựng và biểu diễn trên nhiều tỉnh miền Bắc,
từ các cứ địa kháng chiến đến tận mặt trận các chiến dịch: Điện Biên, Tây
Bắc...
Những vở kịch tiêu biểu của Lộng Chương
viết về chiến tranh du kích có: Lý Thới (1948),
Du kích thôn Đồi (1952), Chiến đấu trong lòng địch (được Giải thưởng
Văn học của Hội văn nghệ Việt Nam 1954 -
1955), Đoàn quân tóc trắng (1954); về
đề tài chống cưỡng ép di cư có: Giữa đường,
Mưu giặc, Ma hiện, Nhỡ chuyến tàu bay...
Là người làm văn nghệ, hơn ai hết,
Lộng Chương hiểu rằng, văn nghệ luôn phải đáp ứng kịp thời những vấn đề cấp
bách của xã hội. So với các thể loại văn học nghệ thuật khác, kịch có sức đáp
ứng nhanh những yêu cầu tuyên truyền cấp thiết đối với đông đảo quần chúng nhân
dân, từ những người có học đến những người chưa biết chữ. Kịch Lộng Chương thường
dùng lối nói giản dị, mộc mạc, dễ hiểu. Chính vì thế nội dung mà tác giả định
truyền tải dễ đi vào lòng người, đã đem lại những hiệu quả nhất định.
Thời gian sau chiến tranh, miền Bắc
dấy lên phong trào thi đua lao động sản xuất xây dựng chủ nghĩa xã hội và đấu
tranh thống nhất đất nước. Các trí thức, văn nghệ sĩ hưởng ứng chủ trương của Đảng
đi vào nhà máy, về nông thôn để thực hiện "ba cùng" với người lao động. Trong một chuyến đi thực tế ở
Vũ Thư, Thái Bình, ròng rã hàng tháng trời, Lộng Chương đã trực tiếp cầm cày
bừa, gánh phân bón lúa, tát nước, vét nạo mương ngòi... Ông thực sự hoà mình và
thấu hiểu cảnh ngộ vất vả, cực nhọc của những con người chân lấm tay bùn. Sống
trong thực tế sinh động đó, Lộng Chương đã
sáng tác hàng loạt ca dao để động viên bà con nông dân hăng hái tăng gia sản
xuất, phấn khởi, tin tưởng vào cuộc sống mới, tin vào chủ trương hợp tác hoá,
xây dựng tổ đổi công mà Chính phủ đề ra. Trong Bài hát được mùa ông viết:
"... Lúa về ngõ xóm xôn xao
Nhịp cười thiếu nữ rạt rào bước
chân.
Lúa tròn vai nhỏ
thanh tân
Rung rinh gợn sóng vàng sân lúa
vàng.
Thoảng bay trong gió
nhặt khoan
Thanh thanh tiếng gái, dịu dàng
giọng trai..."
Ông cũng viết nhiều bài ca dao kêu
gọi nông dân vỡ đất phá hoang, phục hồi sản xuất, đóng thuế nông nghiệp. Trong
bài Lúa ta trĩu hạt có đoạn:
"... Quá mùa thì sớm cấy chiêm
Dẫu rằng khó nhọc chẳng quên câu
này:
Mồ hôi đổ xuống luống
cày
Lúa ta trĩu hạt, ta xây hoà bình..."
Bài Hoà bình trở lại:
"... Hoà bình nay đã lập rồi
Rủ nhau rẫy
cỏ phục hồi tăng gia...
... Phá hoang đẩy mạnh con ơi
Cụ Hồ đã dạy
mẹ thời vẫn ghi
Lúa
ngô đầy đủ một khi
Dân mà no ấm
việc gì cũng xong..."
Hoặc trong Gắn
bó một lời:
"... Năm xưa đóng thuế đánh Tây
Năm nay đóng thuế dựng xây hoà bình
...
... Đôi ta gắn bó một lời:
Thi đua đóng
thuế xây đời chúng ta..."
Mảng làm báo của Lộng Chương
trong giai đoạn kháng chiến chống Pháp gồm phóng sự, ký sự, ca dao, văn vần...
tất cả đều đã được phổ biến, tuyên truyền rộng rãi trong nông dân, bộ đội, dân
công... trên các tờ báo: Cứu quốc
Liên khu III, Nam Định kháng chiến, Công
Dân, Phản Công, Hôm nay, và trên các tờ tin, tờ bướm của các tỉnh thuộc
Liên khu III, đến Thanh Hoá - khu IV. Nhiều bài viết của ông còn được in thành
sách với các tập: Nông dân đấu tranh,
Phát động giảm tô, Vỡ đất phá hoang, Ca dao kháng chiến (2 tập), Kể chuyện chiến dịch Điện Biên... Các
tập này đều do Chi hội Văn nghệ Liên khu III và Sở Thông tin Tuyên truyền Liên
khu III ấn hành. Sau ngày giải phóng Thủ đô (10-10-1954), báo chí ở Hà Nội thường
xuyên đăng tải bài viết của Lộng Chương. Các cơ quan thông tin, văn nghệ cũng
in tác phẩm báo chí của ông ở một số tập sách chuyên đề.
Viết báo theo "chuyên đề" được Lộng Chương
theo đuổi trong suốt mấy chục năm sau này, cho tới khi tuổi cao sức yếu mới
dừng bút. Bởi ông quá nặng tình với nghề viết báo. Ông đã đến với nghề báo từ
thời trai trẻ. Nghề báo đã tạo điều kiện cho ông cắm sâu, hiểu rộng cuộc sống
của mọi lớp người. Nghề báo đã giúp ông tích luỹ tư liệu để làm nên nhiều tác
phẩm sân khấu nổi tiếng, như: Quẫn, A
Nàng, Cửa mở hé, Đôi ngọc lưu ly, Tình sử Loa thành...
Là một nhà soạn kịch, lại bận rộn
nhiều với “chân” Ủy viên Thường vụ, Thường trực Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam,
nên thời kỳ này Lộng Chương viết báo chỉ với nội dung chuyên ngành sân khấu.
Hàng trăm bài viết về sân khấu của ông đã được giới thiệu trên các báo và tạp
chí như: Nhân dân, Hànộimới (trước đó
là Thủ đô Hà Nội, Thời Mới), Lao Động, Tiền Phong, Văn nghệ, Sân khấu, Điện ảnh...Tập sách Trên mọi nẻo kịch trường của ông gồm 38
bài, được sưu tầm trong số những hàng trăm bài báo đã đăng, mang nội dung chủ
yếu là những vấn đề thuộc lĩnh vực nghiên cứu, đánh giá các loại hình nghệ
thuật sân khấu, tình hình sân khấu Việt Nam thời gian đã qua và trong hiện
tại... Trong số đó có các bài: Tìm về cội
nguồn nghệ thuật sân khấu truyền thống, Suy nghĩ về kịch lịch sử, Bàn về phương
pháp tự sự trong sáng tác chèo, Sáng tạo trên cơ sở tôn trọng vốn cũ, ... Hài
kịch Môlie lần đầu tiên lên sân khấu Việt Nam và đã gặp Chèo, Mấy vấn đề về
Trại sáng tác kịch bản sân khấu, Nguồn sinh lực vô tận của nghệ thuật sân khấu,
Hội diễn Mùa Xuân với nhiệm vụ đấu tranh thống nhất nước nhà, Cuộc sống và kịch
bản, Kịch có bế tắc không?, Bàn về tích cổ viết lại, Để có nhiều kịch bản viết
về cuộc sống hôm nay... Đây là tập sách quý hiếm đối với ngành sân khấu. Nó
rất bổ ích đối với các nhà hoạt động sân khấu và nghiên cứu nghệ thuật sân
khấu. Nếu chỉ đơn thuần là một nhà báo, cho dù có theo dõi chuyên ngành sân
khấu, thật khó viết được sâu sắc, đa dạng như tập sách này. Cùng thời gian
sống, chỉ có thể là Lộng Chương - một nhà báo tài hoa, nhà hoạt động sân khấu,
kịch tác gia lão luyện - mới đủ khả năng "đẻ" ra tập sách mang nội
dung như thế.
Trong bài Tìm về cội nguồn nghệ thuật sân khấu truyền thống (bài nói nhân
ngày giỗ Tổ giới ca kịch, năm 1958) có những đoạn: "Nhân ngày giỗ Tổ,... với sự cố gắng sưu tầm trên cơ sở một số tài liệu
ít ỏi, phần nhiều qua sự hiểu biết của các bác nghệ nhân lão thành ... chúng
tôi xin ôn trình sơ lược phả lục các vị sáng Tổ nghệ thuật sân khấu để... chúng
ta tìm gốc, khơi nguồn, phát hiện những bài học của tổ tiên truyền lại...".
Với cách "đặt vấn đề" như thế, Lộng Chương sót sa bởi "... đã một thời gian dài hàng nửa thế kỷ, những
hình thức nghệ thuật cổ truyền (tuồng, chèo...)... hầu như bị thui chột tàn
lụi, nghệ thuật cải lương non trẻ thì bị đẩy xuống vực sâu." Chứng tỏ
rằng, Lộng Chương sớm nhận thức đúng về môn nghệ thuật cổ truyền, mà cho đến
nay, sau gần nửa thế kỷ, nó hoàn toàn phù hợp đường lối văn nghệ của Đảng ta
vạch ra trong các nghị quyết gần đây.
Và đây là ý kiến của Lộng Chương
trong bài Suy nghĩ về kịch lịch sử:
"Người sáng tác kịch lịch sử, qua cái thế tĩnh của lịch sử, cần khảo cứu kỹ để tìm ra cái thế động, nhằm tạo cho kịch bản một sức sống chân thực với sức thuyết phục mạnh mẽ."
"Người sáng tác kịch lịch sử, qua cái thế tĩnh của lịch sử, cần khảo cứu kỹ để tìm ra cái thế động, nhằm tạo cho kịch bản một sức sống chân thực với sức thuyết phục mạnh mẽ."
"... người sáng tác kịch lịch sử mặc nhiên phải ký thác thứ giao kèo tinh thần để bổ sung vào kho
tàng truyền thống đó những phát hiện mới, với sự chân xác của từng tình huống,
từng hoàn cảnh, từng giai đoạn lịch sử đã qua."
"Người viết kịch lịch sử phải là một nhà khảo cổ học, say mê và thận
trọng đi sâu nghiên cứu, sưu tầm, phát hiện những cứ liệu vừa chân xác về con
người cụ thể, vừa bao quát về từng thời đại lịch sử."
"Lợi thế cơ bản của người viết kịch lịch sử là có một chỗ đứng lùi xa để
nhìn vào một cuộc sống (đề tài) đã tĩnh tại, với những nhân vật đã định hình, để
có thể bình tĩnh, tập trung phát hiện và khai thác. Nhưng ngược lại, có một trở
ngại cho người viết là, những nhân vật lịch sử không còn nguyên mẫu sống với những nét cụ thể về hình tượng, tính cách, để
làm điểm tựa cho người viết, mà chỉ còn là những dung dáng, khuôn mặt trìu tượng,
khiến ai muốn khái niệm ra sao thì nên thế! Do đó, nếu vốn liếng của người viết
mỏng manh ... thì ngay đến khuôn mặt của những nhân vật lịch sử cũng bị rơi vào
một khuôn mẫu chung chung."
"... chúng ta sẽ không khỏi ngỡ ngàng khi thấy từ ông Ngô Quyền đến các
vị Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Nguyễn Huệ ... (còn nữa) sao mà giống nhau đến thế!?
... như vậy thì sao gọi là sáng tạo nghệ thuật được!"
"Người viết kịch lịch sử không phải chỉ biết khai thác mở rộng đề tài đơn
thuần, ngoài việc ca ngợi lịch sử (có thể là phê phán) còn phải đáp ứng được
yêu cầu hiện tại, phục vụ đắc lực công cuộc xây dựng và phát triển mới hôm nay."
Trong bài Bàn về phương pháp tự sự trong sáng tác chèo, Lộng Chương nói tại
Hội nghị tác giả chèo - 1966, như sau:
Chèo
rất có khả năng thể hiện đề tài mới, nhưng cần phải cải tiến để thích ứng với
tinh thần, tình cảm và tập tính sinh hoạt của con người ngày nay, cuộc sống
ngày nay.
"... Xử lý, vận dụng phương pháp tự sự trong sáng tác chèo là, người viết
phải biết đặt nhân vật vào những tình huống gay cấn, tạo điều kiện cho hành động
của nhân vật đi sâu vào mâu thuẫn nội tâm, có vậy nhân vật mới có đất mà hát, mà múa.”
Vì: "Chèo là một nghệ thuật kể chuyện bằng hát và múa."
"Cách tự sự trong sáng tác chèo thường liên tục, câu chuyện không bị cắt
mạch (như kịch cắt thành hồi, thành màn). Chèo phải được trình bày rõ ràng,
mạch lạc, chớ biến thành những hoạt cảnh (sản xuất hay chiến đấu) với một tuyến
đi rời rạc, nó sẽ không có sức quyện
người xem, mà cũng chẳng thành một thể loại nào cả."
Nếu không phải là người am hiểu sâu
sắc loại hình nghệ thuật chèo, mà chỉ với nhiệt tình không thôi, thì Lộng Chương
chẳng thể viết nhiều bài về chèo, bàn tới nhiều mặt thật chi tiết, thật cụ thể
của bộ môn nghệ thuật cổ đặc sắc này. Ở bài Để
nâng cao giá trị văn học chèo, cần viết lại những tích cũ, ông phân tích
một loạt vấn đề, như: Dẹp đám, Giáo đầu,
tích và trò, tiếng cười của chèo, tính trữ tình và văn chương chèo...
Với Hài kịch Môlie lần đầu tiên lên sân khấu Việt Nam, tác giả cho
biết:
Ngày
25 tháng 4 năm 1920, kịch nói Bệnh tưởng
- Le malade imaginaire của Môlie nói
bằng tiếng Việt, do người Việt diễn, lần đầu tiên xuất hiện ở Việt Nam, trên
sân khấu Nhà Hát lớn thành phố Hà Nội. Dịch giả hài kịch Bệnh tưởng là ông Nguyễn Văn Vĩnh - một nhà báo học nhiều, biết
rộng. Người đóng vai Argan - nhân vật bệnh tưởng - đầu tiên là ông Phạm Văn
Duyệt (bác ruột nhà viết kịch Lộng Chương - chú giải của người viết) một chuyên
gia kế toán (expert comptable), một trí thức tân học, đứng lên nhóm họp bạn bè
thành lập đoàn kịch nói tài tử đầu tiên, nằm trong khuôn khổ Hội Khai trí Tiến Đức... Buổi diễn kịch
nói đầu tiên của người Việt Nam đã được mấy tờ báo tiếng Pháp (gồm cả tờ tập
san kinh tế Bulletin economique) của
người Pháp, hồi đó tường thuật lại với thái độ ngạc nhiên và hoan nghênh cổ
vũ... Qua một thời gian, nhóm kịch tài tử đã tự giải thể. Và, ông Phạm Văn Duyệt
với kinh nghiệm sẵn có, với lòng say mê nghệ thuật, lại đứng ra thành lập ban
kịch riêng, thoát ly khỏi Hội Khai trí
Tiến Đức, lấy tên là Đoàn Lạc Long
(Troupe Lạc Long). Lúc này ông Duyệt được sự hỗ trợ đắc lực của người em ruột
là Phạm Văn Hoà - một diễn viên tuồng tài tử, có khả năng diễn xuất trào lộng
xuất sắc. Năm 1923, Đoàn Lạc Long ra
mắt với 2 vở hài kịch dịch và phóng tác của Môlie: Trưởng giả học làm sang và Ép duyên...
Trên đây là mấy nét về mảng báo viết
của Lộng Chương. Còn về báo nói, ông cũng rất "say" làm. Có một thể
loại văn nghệ nhưng mang đậm tính chất báo chí, được Lộng Chương viết rất nhiều
vào những năm 1960 -1970, để phát hằng tuần trên Đài Tiếng nói Việt Nam - buổi phát thanh binh vận, đó là Kịch truyền
thanh mà ông quen gọi là Kịch tương thanh. Vào thời kỳ ấy, không ai viết được
thể loại này với số lượng nhiều đến mức đồ sộ như ông. Theo Giáo sư Hà Văn Cầu
- người bạn nghề thân thiết suốt đời của
Lộng Chương - ước tính "số lượng cũng phải tới cả trăm". Cho dù đây
là những sáng tác theo yêu cầu của thời cuộc thì với khối lượng đồ sộ ấy, được
viết ra trong lúc ông bộn bề với nhiều mảng công tác: quản lý ngành, giảng dạy
lý luận, xây dựng phong trào văn nghệ địa phương, viết vở dài hơi,... thì điều đó
càng thể hiện ý thức và tinh thần trách nhiệm cao của một người cầm bút. Thời
kỳ đất nước còn chia 2 miền, việc tuyên truyền công cuộc xây dựng Chủ nghĩa Xã
hội ở miền Bắc và kêu gọi những người lầm đường, lạc lối quay về với Tổ quốc,
với nhân dân là nhiệm vụ vô cùng quan trọng. Với phương tiện truyền thông thời
ấy, chỉ có sóng phát thanh mới đảm bảo được nhanh nhạy, kịp thời và rộng khắp.
Kịch truyền thanh là yêu cầu của Đài đặt ra cho Lộng Chương, nhưng chính ông
cũng ý thức rất rõ về trách nhiệm của mình đối với loại công việc này, nên ông
tự nguyện "xẻ mình" làm "người lính xung trận" cho Đài
Tiếng nói Việt Nam. Lúc này đã là một nghệ sĩ nổi tiếng, song ông không ngần
ngại đến với công chúng bằng những tác phẩm nhỏ, gần như một bài báo. Cốt sao
mỗi dòng chữ ông viết ra chuyển tải được đường lối, chính sách của Đảng đến với
mọi người, đến với mọi nơi. Đó chính là mục đích của công tác văn hoá, văn nghệ
và báo chí - mà ông đã tự nguyện làm người chiến sĩ trên mặt trận này. Đến nay,
phần lớn các "tiết mục" tác giả không lưu giữ được; tuy nhiên, ta còn
thấy ít nhiều trong sách Kịch Lộng Chương,
do Nhà Xuất bản Văn học in năm 1997: Chặn
tay chúng lại, Ngô gia náo kịch, Mai sau, Bầu bán, Đêm trắng, Đêm hầm ngầm, Đường
đạn thẳng,...
Với Lộng Chương, về mảng sáng tác
kịch, nhiều nhà nghiên cứu đã nhận định:
Toàn bộ những vở kịch của Lộng Chương...
phản ánh tương đối đầy đủ thực tế xã hội... Hầu như không có một biến động nào
lại không được phản ánh vào những tác phẩm của Lộng Chương... Đây cũng
chính là đặc trưng cơ bản nhất - đặc trưng thời sự của báo chí. Một trong những
tác phẩm văn nghệ của ông gây được tiếng vang lớn, đạt được thành công vang dội
- đó là hài kịch Quẫn. Quẫn cùng với vở cải lương A Nàng, đã đem lại cho tác giả vinh dự to lớn: Giải thưởng Hồ Chí
Minh năm 2000. Ở đây không đi sâu phân tích nghệ thuật trào lộng và tính kịch
của Quẫn, mà muốn nói đến tính thời sự, tính thực tiễn. Nếu tác giả không có tư
chất của người làm báo, không có khả năng lăn lộn, không có óc quan sát tinh
tế, không biết đi tìm cốt lõi của cuộc sống thì Lộng Chương không thể xây dựng được
những hình tượng nhân vật như cụ Đại Lợi, ông bà Đại Cát đặc sắc đến thế, tiêu
biểu đến thế - họ đại diện cho một tầng lớp không ưa CNXH, tìm cách ngấm ngầm
chống đối chính sách Nhà nước trong công cuộc cải tạo công thương nghiệp tư bản
tư doanh những năm 1957-1960. Và với ông, bằng vốn sống, bằng trải nghiệm thời
gian, bằng sự thông hiểu thế giới tâm lý của tầng lớp mà chính từ đó ông thoát
thai, đã giúp ông thành công với Quẫn, tới mức vở được diễn đến hơn hai ngàn đêm
trong thời gian hơn hai mươi năm mà công chúng không hề thấy nhàm chán.
Vì vậy, từ những nghiên cứu về Lộng
Chương cho thấy, cuộc đời và sự nghiệp sáng tác của ông đã gắn bó chặt chẽ với
nghề báo. Ông luôn quan niệm rằng: công việc của người nghệ sĩ sáng tác và công
việc làm báo không tách rời nhau, mà gắn kết với nhau. Làm báo không những
không đánh hỏng tư duy văn học trong ông, mà còn tạo thuận lợi cho ông thêm vốn
sống để đạt tới đỉnh cao về sáng tác kịch bản sân khấu. Ngược lại, tư duy văn
học đã giúp cho những bài báo của ông trở nên sắc sảo hơn, nhuần nhuyễn hơn.
Thời gian làm báo chuyên của Lộng Chương không dài, nhưng cả khi đã là nhà viết
kịch, nhà hoạt động sân khấu nổi tiếng, ông vẫn không ngừng viết báo. Ông viết
về những gì ông bắt gặp, ông chứng kiến trên mỗi đoạn đường đời, khi cần thể
hiện quan điểm, chính kiến của mình. Ông viết để quảng bá cho ngành sân khấu
Việt Nam và nêu kiến nghị về những điều cần làm, cần tháo gỡ để sân khấu Việt
Nam vươn lên tầm cao mới. Ông kiên quyết chống lại những tác giả, tác phẩm được
sáng tác theo xu hướng lai căng, dị bợm, gàn dở, núp dưới cái gọi là cải cách,
gọi là phong cách sáng tác mới "tân cổ giao duyên" mà một thời đã có
mặt trên kịch trường nước nhà. Ông kiên quyết giữ tròn trách nhiệm của người
nghệ sĩ có tâm huyết, trân trọng giữ gìn tinh hoa di sản văn hoá nghệ thuật của
dân tộc được kết tinh từ hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước. Với Lộng Chương,
sự hoà quyện giữa lao động báo chí và lao động văn nghệ đã tạo nên một con người
năng động, xông xáo, nhạy bén và tinh xảo. Trên cả hai lĩnh vực, báo chí và văn
nghệ, ông đã đến với công chúng bằng những ngôn từ giản dị, mộc mạc, hài hước
và hóm hỉnh, với thái độ chân thành và cởi mở. Sự giản dị và dễ hiểu trong ngôn
từ của ông đã đạt được hiệu quả cao trong công tác tuyên truyền, đã thực hiện đúng
tinh thần của câu nói "viết nói như thường" - được coi là một tuyên ngôn trong hoạt động
viết báo của Trương Vĩnh Ký - Giám đốc
tờ báo tiếng Việt đầu tiên, người được suy tôn là ông tổ nghề báo Việt
Nam. Tinh thần của câu nói đó đã được Lộng Chương quán triệt và thực hiện triệt
để trong viết báo và cả trong sáng tác của mình.
Lộng Chương đã thực sự thành công
với cả hai nghề: sáng tác kịch và viết báo, cho dù người đời chỉ biết rõ ông là
nhà viết kịch, nhà hoạt động sân khấu nổi tiếng. Nhà nghiên cứu sân khấu - Tiến
sĩ Phan Trọng Thưởng viết về mảng hoạt động sân khấu của ông như sau:
...
Đội ngũ văn nghệ sĩ Cách mạng", trưởng thành từ kháng chiến chống Pháp,
thế hệ những nghệ sĩ như Lộng Chương, Học Phi, Bửu Tiến, Nguyễn Văn Niêm,... là
thế hệ kịch tác gia đầu tiên - những bậc tiên chỉ của giới viết kịch ... Tên
tuổi Lộng Chương gắn liền với vở Quẫn và gắn liền với hài kịch hiện đại... ông
là danh thủ hài kịch ... người có đóng góp hàng đầu cho thể loại hài kịch Việt
Nam hiện đại.
Còn với nghề báo, Lộng Chương chỉ
chính thức "ăn cơm" nghề này vài năm, song với số lượng bài ông viết
ra đến mấy trăm, cũng đáng để giới ký giả nể mặt. Và, chất lượng bài viết của
ông thì khỏi nghi ngờ. Ông từng nổi tiếng từ những năm đầu cuộc kháng chiến
chống Pháp với một loạt phóng sự, ký sự, ca dao,... Giai đoạn sau, những ai đã
biết Lộng Chương, thấy bài báo mang tên ông, sẽ ít khi bỏ qua vì biết rằng, nội
dung thế nào cũng có "vấn đề" đáng quan tâm.
* * *
Sự nghiệp sáng tác kịch của Lộng Chương
quá lớn. Hoạt động sân khấu của Lộng Chương quá rộng. Có lẽ vì thế mà mảng hoạt
động báo chí của ông bị chìm lấp và lãng quên đi chăng? Nhưng nghiên cứu tiểu
sử cuộc đời và sự nghiệp sáng tác của ông, phải công bằng mà khẳng định rằng,
chất báo chí trong con người Lộng Chương đã hoà quyện, nâng đỡ, tạo điều kiện
cho ông vững vàng, tự tin và hết lòng phục vụ suốt đời cho một nền văn học -
nghệ thuật chân chính. Đó là nền văn học - nghệ thuật cách mạng, vì sự phát
triển xã hội.
Lộng Chương không phải là Đảng viên
Cộng sản, nhưng cuộc đời và sự nghiệp sáng tác của ông là minh chứng hùng hồn
về một con người luôn sống vì công bằng và lẽ phải, vì hạnh phúc của nhân dân.
Để kết thúc bài viết nhỏ này, xin
lại dẫn lời Giáo sư Hà Văn Cầu viết về Lộng Chương như sau: ... Con người có thể qua đi, tác phẩm có thể
mòn mỏi, song Anh vẫn còn mãi. Cái còn của Anh thuộc về nhân cách, về đạo đức,
về ứng xử, về thái độ đối với lịch sử và xã hội.
(*) - Tiểu luận môn học Lịch sử báo chí Việt
Nam - Tác giả Phạm Hồng Thắm, Khóa 2000-2002; Phân viện Báo chí và Tuyên truyền (Nay là Học viện Báo chí và Tuyên truyền thuộc Học viện
Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh)
- Đã trích đăng một phần trong Tạp chí Người làm báo số Tháng 6 năm 2001;
- Đã trích đăng một phần trong Tạp chí Người làm báo số Tháng 6 năm 2001;
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét