Thứ Năm, 16 tháng 10, 2014

ĐỜI CON MÈO(*)

Truyện ngắn Giang Trung Học
      Có một độ, không hiểu từ đâu chuột kéo về thành phố hoành hành ghê quá. Trước đại dịch chuột, nhà nào cũng phải kiếm lấy một con mèo. Mợ thằng Tán có con mèo vào dịp ấy đấy.
      Con mèo là của một người trong họ, từ quê đem đến. Trước khi giao cho chủ mới, nó được rửa ráy, chải chuốt thật sạch.
      - Mèo nhà em vừa đẹp vừa giỏi chuột lắm bác ạ! Nó còn là con vật thuộc hạng hiếm họi nữa đấy!
      Chị chủ cũ khen và không ngớt lời nói thêm về những cái hay cái đặc biệt của con mèo. Chị còn ôm gọn nó trong lòng như ôm đứa trẻ nhỏ. Trước sự âu yếm ấy, mợ thằng Tán bớt ghê ghê cái giống vật ăn thịt sống này.
Có hơi mèo, lũ chuột tỏ ra nhớn nhác, không dám bông nhông chạy nhảy khắp nhà như trước nữa. Con mèo còn đang hưởng sự chiều chuộng vuốt ve của chủ, đã muốn trườn ra săn chuột. Nó liền được thử tài ngay. Chỉ loáng cái, mèo ta đã vồ gọn con chuột, như một thủ môn bắt bóng tài hoa. Vờn cho con chuột mềm nhũn, nó mới ngoeo lên một tiếng trình chủ. Chừng nửa giờ đồng hồ lúc chiều vàng ấy, khi hai người chủ - cũ và mới - đang hàn huyên đủ thứ chuyện, mèo ta đã quật thẳng cẳng hai con chuột to bằng cái chuôi dao gọt.
      Tận mắt thấy con mèo giỏi bắt chuột, mợ thằng Tán mừng rơn. Từ nay lũ chuột đừng hòng tung hoành trong nhà này. Chứ xưa nay mợ đâu có thích nuôi mèo. Lợi không thấy đâu, chỉ tổ bận công chăn dắt nó. Giống mèo lại hay ăn vụng, ỉa bậy, sợ lắm. Nhất là, ngửi mùi cứt mèo là mợ nôn thốc tháo ngay.
-         Bác đừng lo. Con mèo này biết ỉa đái đúng nơi mình muốn. Thế bác định cho nó… chỗ nào nào?
Người chủ cũ thật chu đáo, còn gói theo cả tý phân mèo, đem đặt vào nơi mợ thằng Tán vừa chỉ. Và con mèo được gọi đến đánh hơi nhận chỗ.
-         Nó không quên đâu. Cũng không trốn khỏi nhà đâu. Có điều bác đừng bao giờ đánh nó nhé.
Đêm đầu tiên có con mèo săn chuột, mợ thằng Tán lấy lại được giấc ngủ ngon.
      Sáng dậy, mới đặt chân xuống đôi dép, mợ đã cất tiếng gọi "meo meo". Con  mèo  nhanh nhẩu chạy tới. Nó nghiêng nghiêng mình, cọ nhẹ bộ lông mềm mát vào cẳng chân mợ, nhằm tỏ tình thân hữu. Mợ biết. Mà không dám bồng nó lên lòng. Cả đêm săn vồ chuột, bẩn thỉu cầm chắc. Nên, mợ chỉ xoa xoa con mèo, nựng nó: "Ngoan lắm. Đêm qua con không ngủ hả? Con bắt được chuột không? Nào, để mợ xem nào!".                                                  
      Bên ổ mèo nằm, mợ thấy ba con chuột chết.
      Để biểu lộ chăm sóc chu đáo con vật có công, trước khi ra quán điểm tâm, mợ sắp xuất ăn cho mèo. Một chút cơm thơm, miếng cá rán trộn nước súp - là thực đơn bữa ăn gia đình tối qua còn thừa. Tất cả được hâm nóng lên ở cái bếp ga, để cho nó ăn ngon miệng.
      Cả ngày hôm ấy, mợ còn để ý xem con mèo ỉa đái thế nào. Nó biết tuân đúng sự chỉ dẫn, khiến mợ hết nỗi nghi ngại, băn khoăn. Đúng là con mèo khôn ngoan. Còn bảo nó đẹp ở mức nào thì mợ chịu. Chỉ biết bộ lông nó ba màu, gọi là mèo tam thể. Mèo tam thể là giống đực thì… có phải là thứ hiếm hoi?
                                     *     *     *    
      Vậy  là con mèo tam thể về ở với mợ thằng Tán được gần một tháng. Gần tháng ấy, ngày nào đêm nào nó cũng bắt được chuột. Nay nhà mợ họa hoằn mới thấy bóng chuột. Mợ từng đem chuyện con mèo đi khoe khắp nơi. Các bà các cô bán quán đầu phố cuối phố đều biết hết. Những người nhàn tản còn đến tận nhà mợ để xem con mèo khôn ngoan nổi tiếng này. Lại thêm dịp để mợ khoa trương cho con mèo, cho cả mợ nữa. Rằng con mèo khôn như người. Còn khôn hơn thằng Tán của mợ. Thằng Tán mợ nuôi, tốn tiền cao hàng thước, công dạy dỗ khôn lường, đã gần hai mươi năm mà chưa ích gì. Còn con mèo ấy ư, cho ăn sang đấy, thịt cá đấy, song suy cho cùng vẫn chỉ là cơm thừa canh cặn. Vậy mà nó sinh lợi nhỡn tiền. Không có nó thì chuột phá hết gia sản của mợ. Giường ghế, bàn tủ và mọi thứ đồ gỗ khác, rồi cũng đến bị chuột gặm nát bét hết thôi. Còn ỉa đái lên tận bàn thờ nhà mợ nữa kia. Ơn trời đã sinh giống mèo để diệt chuột cứu mọi nhà, cứu mợ.
      Ngay như thân thể mợ đây, từ khi có con mèo, mợ không mất ngủ nên cũng đẫy đà trở lại ngay. Mợ kéo luôn tay áo thụng ngắn cũn cỡn lên sát nách, để khoe mấy vị khách không đồng giới nhìn tường tận cái cánh tay, cổ tay trắng tròn thay nẩy của mợ. Động tác ấy mợ từng diễn ở nhiều nơi, và được tán thưởng lắm. Chứ việc gì phải giữ ý giữ tứ. Đàn bà con gái lên sân khấu chỉ mặc quần con áo ngực còn được hoan hô nhiệt liệt kia!
      Cho nên, ngồi đâu mợ cũng thích giở chuyện con mèo ra khoe
      Con mèo chẳng những cứu gia sản của mợ, còn nhờ nó mợ tóm được người tình nữa chứ.
      Anh chàng cao ráo, điển trai, tuổi chỉ đáng em út mợ. Chuyện bắt đầu từ việc chàng đến nhờ mợ mách mua một con mèo. (Nghe nói thế. Chẳng biết có thật không). Ngồi tiếp khách, mợ vẫn ôm con mèo thật âu yếm, pha chút tình tứ nữa, khiến anh chàng vốn ba hoa thả một loạt lời khen. Rằng bà chủ trẻ thật may, có con mèo khôn ngoan nhất; bà chủ cẩn thận số một, bế mèo còn trải khăn thơm lót lòng; nuôi chiều người thì hẳn trần gian không ai sánh bằng... Mợ thằng Tán nở nụ cười tự đắc trên đôi môi đỏ sẫm, nhìn vào mắt chàng, buông lời khẳng định:
      - Chứ còn gì nữa!
      Để minh chứng thêm cho sự cẩn thận sạch sẽ hơn đời, mợ khoe cả cái khăn lau chân tay mèo trước khi nó được bế ẵm này; cái khăn lau tay mợ chỉ dùng khi tiếp xúc với mèo này. Nó đều trắng bong và thoảng mùi nước hoa kích thích. Rồi qua những lời tán tỉnh, mợ mau chóng đánh ngã anh chàng vào lòng mình.
          Sau cuộc hoan lạc bất ngờ ấy, họ tiếp tục ngồi ôm nhau trên giường, nhìn con mèo vờn chuột.
      Con chuột nằm bẹp giữa nhà. Lúc im như chết. Lúc vểnh tai nghe. Lúc động đậy chân tay, muốn để tẩu thoát. Mèo ta trong tư thế thừa thắng, tỏ ý xem thường đối phương. Nó nằm xoài, cách xa con chuột đến mấy mét, mắt lim dim. Thế nhưng, ngoắt cái, nó chồm tới ôm gọn ngay con mồi. Mỗi lần như thế, nó vờn con chuột đến mệt nhũn. Cho tới lúc mợ thằng Tán lên tiếng "Meo - meo ... thôi nào!" thì mạng sống con chuột mới bị kết liễu.
      - Em thật giỏi dạy mèo.
      - Còn mình, có nghe em không?
      - Nghe chứ. Mãi mãi mà, em!
Mãi mãi? Thật hay là xạo. Có trời chắc tin được. Ái ân nào bằng người tình cũ xưa của mợ. Thế rồi lúc mợ sa cơ tay trắng, hắn bỏ chạy liền. Với lời tuyên bố thẳng băng rằng, mợ không còn tích sự gì cho hắn nữa. Mợ đành ngậm bồ hòn, nuôi giữ cái thai hoang là thằng Tán này đây.
Nghĩ đến hắn, mợ đâm lo thằng Tán. Còn đang trong vòng tay mợ mà đã rắn mặt, khó dạy rồi. Một lần thắng Tán đi chơi về sực hơi rượu, thấy mợ thư thái ngồi trên sa-lông ôm mèo, lại không là bộ quần áo cho nó đi dự cưới, liền to giọng quát:
      - Suốt ngày mợ với con mèo như đôi tình nhân!
      - Sao con nói thế?
      - Mợ biết rõ nhất. Lại còn ngủ với mèo. Thế mà nói ghét mèo, sợ mèo!
      Mợ vội buông con mèo để là quần áo cho nó.
      Thoáng chốc nó lại đi. Mợ buồn. Con mợ không hiểu, không thương mợ. Càng không thương con mèo. Mợ thì, mợ thương mợ quý con mèo lắm. Con mèo giúp ích mợ nhiều nhiều. Là con vật, nó cũng có niềm vui nỗi buồn như người vậy thôi. Thằng Tán không hiểu sâu xa điều này. Nó cũng không biết sự tình mợ để con mèo ngủ cùng giường.
      Tối ấy đã khuya. Trời lành lạnh. Nghe tiếng đồng loại gào tìm bạn tình, con mèo của mợ nhảy vội lên bậc cửa sổ. Nó nghiêng mắt nhìn qua cánh chớp, tỏ sự thèm muốn bản năng. Chỉ thế, chứ nó không lồng lộn, không có ý tìm đường trốn ra. Mủi lòng thương con mèo cô đơn, mợ cho nó ngủ cùng giường, phía dưới chân. "Nghỉ gác chuột một đêm con nhé!" - mợ bảo nó thế. Cho nên, khi nghe chuột động, nó chỉ cào se sẽ vào chân mợ.
      Gần sáng. Tiếng thằng Tán kêu toáng lên ở buồng bên. Nó ngủ say, bị chuột gặm chảy máu gót chân. Mợ cùng con mèo chạy sang. Thằng Tán tức mợ quá cưng con mèo, liền vớ cuộn băng hình ném thẳng vào nó, làm què một chân sau. Mợ vội ôm con mèo lên. Nó quát:
      - Đập chết con mèo đi!
      - Không được, con ơi. Lỗi tại mợ, chứ tại nó đâu!
      - Mợ không đập, con đập!
      Và, lần thứ hai thằng Tán đánh con mèo với lý do:
      Mợ cùng người tình rủ nhau đi tắm mát suốt một tuần lễ ở biển. Đã dặn thằng Tán phải chăm sóc con mèo thế nào rồi, nó "vâng". Song cả tuần, con mèo chỉ được cho ăn có hai lần. Nó đành phải tự túc. Thấy hai cái cốc còn chút sữa thừa, con mèo cào cho đổ ra để liếm. Thế là cả hai cái cốc pha lê ngoại, hoa văn cầu kỳ, có tuổi khoảng hai trăm năm, lăn từ mặt bàn xuống sàn nhà vỡ tan. Đó là hai trong bộ cốc bốn chiếc, gồm cả chiếc đĩa đại pha lê, là của gia truyền mấy đời nhà mợ nó. Độc đáo lắm. Thành phố này không có bộ thứ hai. Giá nó đừng sĩ diện làm sang, lôi thứ ấy ra trưng trước bạn gái thì đâu sinh chuyện rắc rối.
      Chưa hết. Vì đói, con mèo buộc phải trở lại đúng qui luật sinh tồn mà trời đất đã định cho nòi giống nó. Tóm được chuột, nó phải ăn. Ăn sống, nuốt tươi. (Chứ không như lời mợ thằng Tán nói: “Mèo của mợ chỉ giỏi bắt chuột, không biết ăn chuột!"). Nó để lại trên mặt sàn bếp bê bết những máu khô, cùng ruột gan xương xẩu chuột. Nóng mùa hè xông uế khí nồng nặc, khăn khẳn khắp nhà. Khiến cơn thịnh nộ trong người thằng Tán tăng lên mấy lần. Dứt khoát phải cho nó nhừ đòn!
      Thằng Tán tìm cái roi đặt bên chỗ ngồi ở phòng khách. Nó cất giọng chiều chuộng gọi "meo - meo... meo - meo...". Con mèo rón rén đi ra. Dĩ nhiên là nó không xán đến như đến với mợ thằng Tán. Vì từ khi về nhà này, gần nửa năm, chưa một lần nó được thằng Tán tỏ tình thân hữu. Đợi con mèo vào đúng tầm, thằng Tán vung cái roi vụt sượt. Tuy đau, nhưng nó còn đủ sức vút khỏi nhà. Thằng Tán đóng cửa đánh rầm: "Số mày may, chưa chết!"
      Hôm mợ về, Thằng Tán kể ngay tội con mèo.
      - Thế con mèo đâu? - Mợ nó hỏi.
      - Nó biến, không thấy về!
Suốt đêm, mợ ngủ chập chờn, nghe xem có tín hiệu con mèo quanh quất đâu đây không. Mợ còn hé cửa sổ để lấy lối cho con mèo về. Mà chẳng thấy nó  về. Nó bỏ đi hẳn rồi sao? Thảo nào, chủ cũ nó bảo: đừng bao giờ đánh con mèo!
      Nhưng đêm hôm sau thì con mèo về. Nó mò về như một tên trộm, không ai biết. Sáng sớm, mợ thằng Tán xếp đồ đi lễ thấy mất con gà luộc. Nhìn vết tích để lại, biết là mèo cuỗm mất rồi. Mợ đã nhận với hội lễ, tự tay làm con gà dâng thánh, giờ không có thì ăn nói ra sao. Mua đâu vào lúc này.  Mà có  mua được từ nhà hàng cũng chẳng tinh khiết. Đồ lễ không tinh khiết, dễ mang tội vào thân. "Đến phải giết con mèo  này!" - mợ bực lòng lẩm bẩm.
      Nói thế thôi, mợ đâu dã tâm giết con mèo. Nó hư cũng bởi tại thằng Tán không chăm sóc. Còn đánh nó nữa. Chứ nó vốn là con mèo ngoan. Thiếu nó, những lúc ngồi nhà, mợ thấy trống trải hẳn. Muốn chuyện trò chẳng có ai. Nên, thế nào mợ cũng phải tìm cách gọi con mèo về. Đêm đêm mợ vẫn hé cửa sổ đón nó. Còn dặn thằng Tán thấy nó thì đứng nạt nộ.
      Mấy đêm liền mợ đều trông thấy con mèo tam thể nhảy lên ngồi bậc cửa sổ nhìn vào nhà. Khi mợ cất tiếng gọi lần đầu, nó vội thoát liền. Sau quen dần, nó thôi tránh mợ. Mợ bế nó, vuốt ve, cưng nựng. Nó "gù - ù... gù - ù" quấn quýt. Rồi mợ đặt con mèo nằm vào ổ của nó, để cả đĩa thức ăn bên cạnh. Mợ dặn: "Đừng đi đâu cho khổ thân, con nhé!"
      Sáng ra, con mèo lại biến mất. Hẳn nó vẫn nơm nớp sợ thằng Tán.
      Sau đó, bẵng bốn đêm liền con mèo không về. Mợ lo nó gặp điều không may. Hay là bị mèo cái rủ rê? Đang nghĩ đến nó thì nó về, sán ngay đến mợ.
                                              *     *     *
      Mợ đang ngồi ôm con mèo tại giường ngủ thì có tiếng chuông gọi cửa. Nghe cách bấm chuông, mợ biết thằng Tán về. Cuộn con mèo gọn trong cái khăn, mợ ôm nó ra mở cửa. Thấy thằng Tán, con mèo cựa quậy, có ý chạy trốn. Mợ cố xiết nó lại. Phản ứng tự nhiên khiến nó cào đạp để thoát thân. Lát sau, mợ mới thấy những vết xước rỉ máu trên cánh tay. Mợ lấy cồn xoa và bôi thuốc mỡ vào đấy. Vết thương chói buốt mỗi lúc tăng lên. Sáng, mợ trở dậy muộn hơn thông lệ. Thấy vết thương đỏ rực một quầng. Biết bị nhiễm trùng, mợ phải đi bệnh viện khám. Thầy thuốc bảo hàng ngày cần lau rửa, bôi thuốc theo đúng chỉ định trong đơn. Vài ba ngày sẽ khỏi. Nhưng không hẳn như lời thày thuốc nói. Mợ phải đến khám lần thứ hai. Bởi mợ nài nỉ yêu cầu, thày thuốc đành chỉ định tiêm thuốc chống vi trùng uốn ván. Mợ hỏi:
      - Liệu có quá muộn không?
      Người thày thuốc trẻ hơn tình nhân của mợ trả lời như để kết thúc đối thoại:
      - Đã nói yên tâm thì cứ yên tâm. Không thể xảy tử vong trong trường hợp này!
      Biết rằng đến bệnh viện sẽ chẳng mấy hài lòng, song sự không đừng thì phải đến. Mà đã đưa thân đến thì, ai cũng như mợ, đều muốn được giải thích cặn kẽ bệnh tình và cách điều trị. Trong khi mỗi ca khám thông thường, bệnh viện quy định chỉ được có mấy phút. Sự trái ngược hết sức vô lý! Có lý hay vô lý thì thực trạng này cứ tồn tại hiển nhiên, từ năm này đến năm nọ. Thành thử mợ vừa tin, lại vừa ngờ. Tin vết thương có thể khỏi. Còn nỗi ngờ thì âm thầm, lặng lẽ. Ngộ nhỡ mợ rơi vào trường hợp xấu nhất thì sao? Như thày thuốc nói vết thương vài ba ngày khỏi, nhưng có khỏi đâu. Mợ mà gặp sự không may thì rồi số phận thằng Tán thế nào?
Người tình mợ ân cần khuyên giải:
      - Em đừng lo nghĩ nhiều, mệt mỏi thêm ra. (Chàng cười thoải mái). Lo nghĩ là lẽ tự nhiên. Nhưng mà, phiên phiến thôi em ạ!
-         Mình bảo phiên phiến thế nào kia?
-         Tức là, em không nên nghĩ đến điều xấu nhất xảy ra từ vết thương. Với thằng Tán, cho dù chưa được như ý em, nhưng phải tin sớm muộn nó sẽ nên người. Nó có phải đứa quá hư đốn đâu nào!
      - Có khi còn nhờ ở số phận, phải không mình?
      Nói thế, nhưng mợ biết rõ tình nhân không tin số phận con người lại do những đấng vô hình định đoạt. Còn mợ, tin ngờ lẫn lộn. Như cuộc đời mợ đây, nó đã diễn ra đúng như lời phán truyền của cha từ gần ba mươi năm trước: duyên phận thật long đong! Mới đây, ông thày tướng số lại nói rằng: "Gia đình bà sẽ gặp họa. Họa không từ ngoài đưa đến, đều xuất phát tại nhà. Không lớn, nhưng phải diệt trừ, nếu không dễ thành hiểm họa". Nghe ông ta nói, mợ khó tin. Hoá lại đúng chăng? Thằng Tán, đầu năm bị chuột cắn. Mợ đã phải tất tưởi thuốc thang cho nó. Nay mợ đang gặp họa do con mèo gây nên. Cũng từ ngày có con mèo, mẹ con mợ hay xảy xung đột nho nhỏ với nhau. Liệu rồi còn điều gì sẽ xảy ra?...
                                           *     *     *
      Vết thương lành, làm tan biến nỗi lo âu trong mợ thằng Tán. Mợ quyết định một chuyến đi làm ăn. Nhà cửa, mợ giao hết cho thằng Tán trông coi. Mợ dặn:
      - Hằng ngày con phải nhớ cho mèo ăn.
      - Con nhớ.
      - Mợ vắng nhà, đêm tối không được đi về tuỳ tiện. Nhớ chưa?
      - Mợ dặn nhiều quá!
      - Là mợ cứ nói vậy, cũng không thừa.
      Tuy nhiên, với nó vẫn thừa. Vì thằng Tán ít khi ăn lời mợ nó. Mợ thường than thở, rằng nhà thiếu người đàn ông nên con cái hư. Âu cũng là số phận cả thôi. Có thật thế chăng. Dù thật hay không, mợ cứ phải cố lam làm cho vơi đi nỗi buồn.
      Quyết vượt qua những lấn cấn trong đầu, mợ cùng tình nhân lên đường đúng ngày giờ đã chọn. Sự khởi đầu thuận lợi cả: tiền nong dư dật, tàu xe chót lọt, trời không oi nồng...
      Tưởng rằng đầu xuôi thì đuôi lọt, nhưng không. Kết cục chuyến buôn bán nửa tháng trời làm hai người hụt vốn mấy chục triệu đồng. Bởi sơ hở từ mợ. Chàng bảo:
      - Thua keo này ta bày keo khác, em ạ.
      - Vâng, nhưng em vẫn bực sự lơ đãng trong em.
      Nỗi bực được kìm nén, song nó lại có cơ bùng lên khi mợ trở về nhìn cảnh nhà mình. Thằng Tán nằm bẹp đấy. Nhà cửa hôi hám ngập ngụa. Thức ăn ôi thiu lỏng chỏng trên bếp, trên bàn ăn. Thằng Tán bảo, nó bị tháo tỏng hai ngày nay.
      - Con ăn đồ ôi thiu à? Hay ăn uống xô bồ ở đâu?
      - Không phải thế.
      - Vậy tại đâu?
      - Có khi... có khi thức ăn bị mèo vầy, con chủ quan nên ăn phải.
      - Chủ quan là chủ quan thế nào?
      Nó kể cuộc tụ tập nhậu nhẹt tại nhà tối hôm trước. Hôm sau dậy muộn, bụng đói cồn cào. Thấy còn cơm, còn thức ăn, nó đánh luôn một tô. Rồi đi chơi. Lúc về, vừa mở cửa, nó hấp tấp chạy vội vào buồng vệ sinh, tuôn ra như tháo cống. Hai ngày, tháo tỏng gần chục lần. Nó không khẳng định nguồn gốc từ đâu. Còn mợ thì đổ giệt cho con mèo.
      - Lại con mèo! - Mợ giận dữ, giậm mạnh bàn chân một nhát.
      Lúc này mà con mèo đứng bên, hẳn khó tránh khỏi cú đá. Mà đánh cho nó chết cũng chẳng oan. Có phải ông thày nói đúng: vận hạn nhà này đều xuất phát từ trong nhà?
      Nhìn thằng Tán tóp hai má, cặp mắt thâm quầng, mợ sót ruột gan. Lại như có lửa đốt khắp mình. "Phải trừ diệt họa, nếu không dễ trở thành hiểm họa!" - lời ông thày, mợ nhớ như in trong đầu. Nhưng diệt trừ họa bằng cách nào. Mợ lại tìm đến ông thày lần nữa.
      Tối khuya hôm ấy, mợ bày lễ mấy nơi trong nhà, để cầu xin sự phù hộ của thổ địa thần linh và tống trừ tinh. Phải tống trừ tinh mới mong hết họa. Lúc đi nằm, mợ đóng chặt các cửa để không cho con mèo vào. Con mèo đã trở thành tinh - ông thày phán. Xưa nay, sự biến hoá của muôn loài là thế. Không phải tự nó, mà do ý định của thần linh, thượng đế. Vậy nên, mợ phải đuổi nó khỏi nhà. Từ nay mợ không còn phải thương xót, nhớ nhung, áy náy về cách xử sự như thế nào với con mèo.
      Thằng Tán không nghĩ như mợ. Mèo là mèo. Mèo già vẫn là mèo. Không thể hoá cáo, hóa tinh. Mà cho dù con mèo có biến thành tinh thật sự, thằng Tán vẫn dám đập chết tức thời, nếu nó còn mò về ăn vụng, vấy bẩn nhà này.
      Nghe con nói hùng hồn, mợ thấy ghê người. Thầm mong con mèo đừng có bén mảng về nữa. Thằng Tán đánh chết nó, nó oán thì sao?
                                             *     *     *    
      Những chuyến đi làm ăn kế tiếp nhau khiến mợ thằng Tán ít có thời giờ nghĩ về chuyện con mèo. Vất vả nhưng mà vui. Được biết đó đây, khắp các miền trong nước. Mỗi chuyến lời lộc không lớn, nhưng tích tiểu rồi sẽ thành đại. Còn cái được lớn hơn cả là, mợ có tình nhân luôn luôn gắn bó, biết hướng dẫn và dìu dắt mợ. Gọi là tình nhân, thực ra mợ với chàng sống như cặp vợ chồng vậy. Tuy thế, lâu dài chẳng biết ra sao. Liệu chàng có đi mãi cùng mợ. Hay là lại như bố thằng Tán trước kia?
      Thằng Tán thì vẫn cái tính lông bông, lang bang chơi bời. Tiêu tiền có lúc như phá. Liệu đến bao giờ nó mới chững chạc. Chàng tình nhân bảo: "Em cần kiên trì dạy bảo nó. Làm cha mẹ phải biết đón đợi những đứa con đang đi trên đường vòng để trở thành người". Mợ thấy bớt bối rối khi nghe lời khuyên ấy. Trở về lần này, mợ nghe thằng Tán kể lại sự nhà như một báo cáo ngắn gọn: "Con khoẻ. Mợ nhìn thì rõ. Nhưng thiếu tiền, con phải vay thêm. Để học vi tính, mợ ạ. Bạn gái con rủ học… À, còn con mèo, nó chết rồi!”.
      Mợ sững người, nhưng không bộc lộ phản ứng gì, nghe con kể tiếp.
      Nhiều đêm thằng Tán không đóng cửa sổ. Con mèo luôn mò vào nhà, lục lọi ăn. Có lần mửa, làm uế tạp khắp nhà. Thế là thằng Tán kiếm mồi thuốc độc trộn vào thức ăn. Chỉ cần liếm qua là con mèo đủ chết. Chắc chắn nó đã chết ở đâu rồi. Vì từ sau hôm bỏ bả đến nay, không thấy con mèo xuất hiện nữa. Rồi nó tặc lưỡi buông một câu:
- Đại dịch chuột qua lâu rồi. Con mèo chẳng còn tích sự gì cho nhà mình cả. Nó chết là hết bận bịu và mọi rắc rối, mợ ạ!
      Mợ ghìm nén hơi thở dài. Thế là kết thúc đời con mèo. Kể cũng đáng yêu một thời: Bắt chuột, giữ nhà, làm bạn mợ. Nhờ nó, mợ được cả tình nhân... Kết cục, số kiếp con mèo phải chết. Không chết, cũng phải mau mau tìm cách tống khứ nó khỏi cái nhà này. Còn nó thì còn hiểm họa. Hiểm họa khôn lường!
      Cả tuần nay nằm nhà chờ tin tình nhân về chuyến làm ăn mới, mợ thấy sốt ruột. Trễ hẹn đã ba ngày rồi. Chẳng biết vì sao? Đêm đêm khiến mợ mất ngủ. Được cái là, không nghe động tĩnh gì của con mèo. Cũng không thấy vong linh nó ám ảnh giấc ngủ của mợ. Mèo ơi, mày đi đâu? Hay mày chết thật rồi ư?  Mày có chết oan không, hả mèo?...
          Rồi, bất giác mợ thấy sợ hãi, bởi thoáng liên hệ thân phận mình với con mèo…

(*) - Đăng trên http://newvietart.com/index3.5960.html;
- In trong tập Chuyện đời 3, Nhà xb Hội Nhà văn, 2014.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét