ĐOẠN HAI
Một rẻo đồi cây, xa đường lớn, nơi Đội cầu
đóng quân.
Tại Bệnh xá của Đội cầu Cấm:
Một đầu nhà dựng khoét sâu vào sườn đồi. Bên sườn đồi có mấy hầm trú ẩn hàm ếch.
Thời gian: Trời gần sáng,
có sương mù.
Tiếng máy bay tuần thám
qua lại bất thường. Đèn dù địch thả, sáng xanh lè, lấp loáng cả bầu trời đêm.
Pháo địch từ ngoài biển bắn
vào từng chập, như cầm canh.
Mỹ: (Nhớn nhác
trông theo những đốm đèn dù) Đúng là nó đánh hủy
diệt cậu ạ.
Dung: (Vẻ bàng hoàng thất thần) Ừ… ừ…
Mỹ: Chắc hôm nay lại ác liệt đây!
Dung: Ừ… ừ…
Mỹ: Căng thật! (Một đợt
pháo kích từ xa. Cả hai đều né mình, sẵn sàng chui vào hầm).
Mỹ: (Qua tiếng
rền đạn pháo) Hôm nay cậu định sao, vào nhà thờ hay ra bờ biển?
Dung: Ừ… ừ…
Dung: Ừ… ừ…
Mỹ: Hả, ừ cái gì mới được chứ?
Dung: (Ngơ ngác nhìn Mỹ) Cậu nói gì thế?
Mỹ: Ơ… thế ra từ nãy cậu không nghe tớ nói gì à?
Dung: (Khoa hai tay lên tai) Trong tai tớ cứ ù ù như sấm rền
í. Nói to lên.
Mỹ: (Ghé sát tai Dung, nói như quát) Hôm nay nó đánh ác
liệt đấy!
Dung: Hả, ai bảo cậu thế?
Mỹ: Mấy ngày đêm rồi, nó chẳng đánh liên tục đấy thôi. Đêm
qua, nhịp cầu C chưa kịp đưa lên trụ đã bị bom xé tước ra. Tuyến đường sắt chưa
kịp đặt lại, đã bị bóc thêm gần hết. Tàu vẫn nghẽn. Bố Thành cũng bị bom vùi,
may mà không bị thương nặng đấy. (Trịnh
Cương lò dò ra. Ngồi vào một chỗ nghe chuyện Mỹ và Dung, chân đá đưa).
Trịnh Cương: Ra đây là ngửi thấy mùi “cáy”. Gớm, hôi khiếp! Tớ thì
không bao giờ biết sợ là gì. Bao năm làm cái nghề hàn này, ngày nào chả ngồi
trên cầu, mặc nó ném bom. Rốc két cũng chẳng hất nổi tớ ngã. (Vừa lúc, một chiếc máy bay địch vụt qua)
Ối… nó bắn đấy! (Trịnh Cương nhảy vọt qua
hai người, chui vội vào hầm. Dung và Mỹ bị hất lăn ra đất, cũng vội lồm cồm
chui vào hầm. Máy bay qua, cả ba lò dò ra).
Mỹ: (Với Cương) Thằng này cũng vào loại khá hôi đấy. Nó đã bắn đâu mà vội
chạy làm cho chúng ông hoảng.
Dung: Cậu đang ốm nằm bệnh xá, đi đâu mà cuống lên thế?
Trịnh Cương: Ối… bệnh xá đêm qua ùn lên toàn quân bà Mừng, bà Lý. Bà
Mừng cũng bị hắt xuống kênh. Thế mà vừa tỉnh lại, mẹ trẻ đã đề nghị Ban chỉ huy
cho làm ban ngày.
Mỹ: Làm ban ngày thế nào?
Trịnh Cương: Ờ… làm ban ngày là làm ban ngày, chứ còn thế nào!
Mỹ: Ôi, đêm nó còn đánh cho tơi bời, nữa là ban ngày…
Trịnh Cương: Thế đấy!
Mỹ: Thế bố Thành có ý kiến gì không?
Trịnh Cương: Tất nhiên là đồng ý. Đội trưởng đã ra lệnh cho các tổ tập
hợp chờ Đội phó và Bí thư thanh niên ngoài hiện trường về là ra quân ngay.
Mỹ: (Với Dung) Này, không vào nhà thờ được nữa đâu. Ông Tổ trưởng kích
kéo Thủ đô nhà cậu và ông Tổ trưởng Lê Lâm nhà tôi thế nào cũng ngoi ra hiện
trường hết. Ta phải ra bờ biển thôi. Ra ngoài đó mới tránh được mục tiêu đánh
bom và pháo kích của nó là ở đây. (Với
Cương) cậu có đi với bọn mình không?
Trịnh Cương: Tớ đang là bệnh nhân, bỏ đi sao được. Đành lặn vào nhà thờ
tìm “chữ thọ” thôi. (Vừa lúc chị Hiền đi qua).
Chị Hiền: Những ai ở đây đấy, về ăn sáng đi. Ăn sáng xong còn ra cầu
làm việc… A,
cậu Dung, Hoàng nó đang tìm đấy. Cậu Mỹ nữa kìa, anh Lâm cũng đang gọi ầm lên
kia kìa. (Trông thấy Cương) Ơ kìa… ốm
sao lại ra đây? Về bệnh xá ngay đi. Ốm mà lang thang sương gió như thế, thuốc
nào chữa cho khỏi được. Về, về đi.
Trịnh
Cương: (Né tranh)
Vâng, chị Cả về trước, em về sau. Em còn tập thở khí công cái đã.
Chị
Hiền: Ừ,
tập thể dục buổi sáng là tốt lắm đấy. Xong rồi về ngay nhé. Còn hai cậu kia
cũng về tổ ngay đi. (Cả ba “Vâng” mỗi người
một kiểu. Chị Hiền hối hả đi khuất. Mỹ và Dung đi theo. Còn lại Cương, Thắng
vào).
Trịnh
Cương:
Chào anh ạ!
Vũ Thắng:
(Đứng lại) Chào
anh!
Trịnh
Cương:
Anh mới về ạ? Tôi nghe anh em nói…
Vũ Thắng:
Vâng,
tôi mới về.
Trịnh
Cương: (Thấy Thắng
nhìn chăm chú, nói luôn) Tôi là Cương, Trịnh Cương, công nhân
hàn.
Vũ Thắng: Hình
như đồng chí đang ốm?
Trịnh
Cương:
Dạ, vâng. Tôi bị suy nhược thần kinh tim. Anh bảo bom Mỹ nó dập như thế thì còn
gì nữa!
Vũ Thắng:
Đồng
chí mệt mà sáng sớm đã đi đâu thế này?
Trịnh
Cương:
Báo cáo anh, em định đến xin gặp Ban chỉ huy… (Vũ Thắng chằm chằm nhìn Cương, như có ý phát hiện mưu đồ của Cương
trong cuộc gặp gỡ này) Dạ vâng, chả là em nghe nói Tổng cục có lệnh cho anh
em công nhân ốm yếu ra an dưỡng ngoài rừng Thông.
Vũ Thắng: À…
à… đồng chí định xin đi an dưỡng?
Trịnh
Cương:
Vâng ạ!
Vũ Thắng:
Nếu
đồng chí có bệnh cần an dưỡng thì y sĩ công trường sẽ đưa đồng chí đi… cần gì
phải gặp Ban chỉ huy.
Trịnh
Cương:
Báo cáo anh, y sĩ Liên một mình cai quản cả bệnh xá, làm sao mà để ý hết từng bệnh
nhân. Em được biết anh và chị Phương Liên là… đối tượng ạ. Hì… hì… Em đề nghị
anh giúp, nói đỡ cho em với y sĩ Liên một tiếng ạ. (Thắng nhíu mày
cố kìm sự khó chịu. Vừa lúc máy bay địch xẹt qua. Cương “Ối” một tiếng rồi lao
vào hầm) Nó
đột kích, vào hầm đi anh! (Cương lò dò
chui ra khi máy bay đã qua. Thắng định bỏ đi thì Cương tiến lại).
Trịnh
Cương: Báo
cáo anh, bom đạn thằng Mỹ nó dội xuống đây như xối nước, khó thi thố được tài
năng với nó lắm. Anh ạ, mà công lao anh đi học nước ngoài về, trình độ khoa học
hiện đại của anh… vào đây thật không có đất múa võ. Uổng quá anh ạ. Sao anh
không nhận một công tác nghiên cứu lâu dài ở ngoài Hà Nội có hơn không. À, mà
anh lại có cả tiêu chuẩn con em miền Nam…
Vũ Thắng:
(Không ghìm nổi
bực tức)
Theo anh, tiêu chuẩn con em miền Nam là việc được quyền ẩn náu ở những nơi bình
yên để chờ đợi đất nước thống nhất trên xương máu của người khác à? Bỏ cái luận
điệu ươn hèn ấy đi. Anh không chỉ suy nhược thần kinh tim đâu, mà là suy nhược
tư tưởng nặng đấy. (Định đi).
Trịnh
Cương: (Hấp tấp chạy
theo)
Ấy, ấy… báo cáo anh… (Lẩm bẩm) Lên
gân!
(Cương
ra, Hoàng Thái dắt xe đạp qua).
Hoàng
Thái: Kỹ
sư ở lại nhé. Chúc kỹ sư may mắn!
Vũ Thắng:
Anh
đi ạ?
Hoàng
Thái:
Tôi phải tranh thủ đến địa điểm đóng quân ngay.
Vũ Thắng:
Chắc
anh cũng còn qua đây luôn?
Hoàng
Thái:
Luôn chứ! Phân đội xe thồ của tôi được tăng cường cho tuyến phía Nam, tất nhiên
là tôi phải gắn chặt với cái lòng chảo cầu Cấm này rồi.
Vũ Thắng:
Anh
không ở lại gặp ba tôi để bàn kế hoạch phối hợp à?
Hoàng
Thái:
Để chờ đồng chí Đội trưởng mới về, cùng bàn nhân thể. Sao? Anh đã thấy tuyến đường
sắt cầu Cấm khó mần chưa? Khoa học kỹ thuật hiện đại ở đây rõ ràng là phải nhường
bước cho thô sơ thôi. (Nửa đùa, nửa tự
mãn) Nếu anh thấy cần chuyển đổi công tác qua đơn vị xe đạp thồ, tôi xin sẵn
sàng đón tiếp. Này, qua mình sẽ bổ sung cậu vào Ban chỉ huy chờ thời đắc dụng. (Thắng đứng lặng. Thái tiếp) Tinh thần
là tất cả cho tiền tuyến mà. (Thấy Thắng
vẫn đứng im) Thôi, tạm biệt nhé!
Vũ Thắng:
(Bắt tay) Anh
đi! (Thái dắt xe ra nhanh. Thắng bần thần,
quay về phía bệnh xá. Phương Liên vào).
Phương
Liên: Anh
Thắng, hãy ra ngoài này để ba ngủ yên một lát, anh ạ. (Vũ Thắng lặng lẽ đi bên Liên. Liên tiếp) Anh đi đường có mệt lắm
không?
Vũ Thắng:
Không,
không mệt lắm.
Phương
Liên:
Anh đi rửa mặt hay đi tắm cho thoải mái nhé. Em đưa ra giếng.
Vũ Thắng:
Để
anh chờ ba tỉnh lại xem sao đã. Lại cả mấy đồng chí Đội TNXP và Đội cầu nữa.
Phương
Liên:
Anh yên tâm, không sao đâu. Trường hợp bị bom nó vùi như thế, ở đây là chuyện
thường anh ạ.
Vũ Thắng: Là thường à?
Phương Liên: Vâng. Tỉnh
lại là các đồng chí ấy lại lao ra hiện trường ngay ấy mà!
Vũ Thắng: Lại thế?
Phương Liên: Thế đấy, anh ạ.
Vũ Thắng: Cả ba cũng thế?
Phương Liên: Vâng. Ba
còn khí thế hơn nữa kia. Bị bom vùi, ba vùng lên là chỉ huy liền.
Vũ Thắng: Ba có bị bom vùi
như thế nhiểu lần không, Liên?
Phương Liên: Ai mà nhớ hết
được!
Vũ Thắng:
Căng
thật. May mà không thương vong.
Phương
Liên:
Trường hợp bị thương ít thôi anh ạ.
Vũ Thắng:
Ngày
anh còn công tác ở nhà, tình hình không ác liệt như thế này.
Phương
Liên:
Mấy năm trước, thằng Mỹ còn chủ quan, đánh ra miền Bắc tưởng áp đảo được ta.
Nào ngờ, chẳng những không làm gì nổi ta, lại bị ta đánh trả cho liểng xiểng,
nên điên cuồng dốc lực ra mong hủy diệt ta mà. (Liên thấy Thắng nhìn chằm chằm, ánh mắt có chút cười cợt, thì im bặt.
Và cười để lấp sự giải thích vừa rồi của mình).
Vũ Thắng:
(Vẫn theo đuổi ý
nghĩ riêng) Mới có mấy năm mà trông ba già hẳn đi. Chắc ba yếu
đi nhiều, Liên nhỉ?
Phương
Liên: Công
tác như thế, anh bảo làm gì ba không già đi. Nhưng được cái ba không ốm bao giờ.
Vũ Thắng:
Có
ốm đau ba cũng không nói ra đâu. Tính ba thế. (Nhìn Liên) Cả Liên nữa, Liên cũng…
Phương
Liên: (Cười) Già
đi nhiều, phải không anh?
Vũ Thắng:
Không,
gầy đi thôi…
Phương
Liên:
Gầy và xấu…
Vũ Thắng:
Sao
lại xấu? Rắn rỏi chứ!
Phương
Liên: (Nhìn nhanh Thắng,
chuyển chuyện) Anh về đây công tác là ba mừng lắm đấy!
Vũ Thắng:
Còn
Liên?
Phương
Liên:
Em… nói chuyện công tác cơ.
Vũ Thắng:
Chuyện
công tác… tình hình như thế…
Phương
Liên:
Như thế nào?
Vũ Thắng:
Địch
nó đánh khốc liệt như thế, tiềm lực nó còn mạnh… Tuyến đường sắt cầu Cấm này rất
khó duy trì. Ba thì tuổi cao, sức đã yếu, rất cần nghỉ ít lâu.
Phương
Liên: (Chợt nhớ) Ấy, Tổng
cục cũng vừa báo, sẽ cử đồng chí Vĩnh Khang vào thay ba, để ba nghỉ đấy anh ạ.
Vũ Thắng: Thế
à… Thế thì tốt quá… Cả Liên nữa. Liên cũng cần được nghỉ. Trông Liên yếu lắm.
Phương
Liên:
Không, em nghỉ sao được! Em trông thế nhưng khỏe lắm.
Vũ Thắng:
Liên
ạ, ngay từ trước khi anh đi học nước ngoài, anh đã vận động giới thiệu Liên đi
học bổ túc; cũng là vì thấy Liên yếu, nên muốn tạo điều kiện để…
Phương
Liên:
Để học xong sẽ được nhận công tác ở nơi khác chứ gì?
Vũ Thắng:
(Lấn đi) Nhưng
tốt nghiệp rồi, Liên lại xin về đây công tác. Anh biết là… có phần nào vì anh.
Liên muốn được gần ba, để chăm sóc ba thay anh. Nhưng bây giờ đã có anh, đã đến
lượt anh gánh vác công việc thay ba, thay Liên.
Phương
Liên:
Còn mơ ước của em là được tiến theo tuyến đường sắt này vào Nam, vào quê hương
anh nữa. Chẳng lẽ anh lại không muốn cho em thực hiện ước mơ ấy hay sao?
Vũ Thắng:
Có
chứ! Anh rất thiết tha mong mỏi điều đó. Nhưng đó là
chuyện mai sau. Mai sau, những con tàu thống nhất sẽ chạy qua những nhịp cầu vững
chắc nguy nga. Liên ạ, anh đã mang theo về nước những bản sơ đồ thiết kế những nhịp cầu hiện đại nhất
trên thế giới hiện nay. Chúng ta nhất định sẽ đi qua những chiếc cầu đó tiến về
phía Nam, Liên ạ.
(Vừa lúc đó Cầm Long hấp tấp từ trong bệnh xá đi ra).
Cầm Long: Anh ạ, chị ạ. Anh
chị ra đây ngắm cảnh sương mù à?
(Thắng
trầm ngâm nhìn Long).
Phương
Liên: (Với Thắng) Đây
là anh Long.
Cầm
Long: Cầm
Long chứ ạ… Báo cáo anh…
Phương
Liên: (Chặn luôn) Anh
Long đi đâu bây giờ đấy?
Cầm
Long: Báo
cáo chị, Thủ trưởng lệnh cho đi gọi kỹ sư Hưng - Đội
phó, và đồng chí Lan Thanh về họp, để ra quân làm ngày luôn ạ.
Phương
Liên: Bác
Thành đã tỉnh rồi à?
Cầm
Long: Dạ,
bác Thành và tất cả các đồng chí bị bom vùi đều đã tỉnh và đang hội ý.
Phương
Liên:
Thế à, để tôi vào… (Với Thắng) Vào
đây anh!
Vũ Thắng:
(Với Long) Anh
vừa nói ra quân làm ngày là thế nào?
Cầm
Long: Báo
cáo, làm ngày là làm ban ngày ạ.
Vũ Thắng: Làm
ban ngày?
Cầm
Long: Vâng.
Báo cáo anh, o Mừng - Đội trưởng TNXP đã đề nghị nhiều lần thế.
(Cầm
Long ra. Thắng đi vào bệnh xá. Sân khấu vắng người. Tiếng Cầm Long hú dài).
Tiếng
Sen:
Ối… anh Long đùa kiểu gì thế?
Tiếng
Cầm Long:
Tình yêu trong chiến đấu mà mới quát một tiếng đã sợ à?
Tiếng
Sen: Yêu
cầu anh phát ngôn thận trọng nhá!
Tiếng
Hoàng:
Này anh bạn, đứng đắn một chút đi!
Tiếng
Cầm Long:
Xin lỗi! Nói đứng đắn nhá: Tôi nhận lệnh mời hai anh chị tới họp với Thủ trưởng
ở bệnh xá. Thủ trưởng đã khỏe, triệu tập các đồng chí tới giao nhiệm vụ mới.
Tôi còn phải đi gặp anh Mừng và chị Lan Thanh nữa. Chào nhé!
(Im lặng.
Sen và Thế Hoàng vào. Hai người vẫn tiếp tục câu
chuyện đang nói).
Sen: Đã
lâu anh có về Hà Nội không?
Thế
Hoàng: Về
làm gì… chán lắm!
Sen:
Thích chứ! Anh không nhớ Hà Nội à?
Thế
Hoàng: Chả
nhớ. Nhớ mà làm gì!
Sen: Hà Nội
đẹp lắm chứ. À, chúng mình hãy ngồi xuống đây, phải đợi các anh ấy tới mới họp
cơ mà. Anh chẳng có gì là người Hà Nội cả.
Thế
Hoàng: Sao
không phải là người Hà Nội?
Sen: Úi,
người ta cứ bảo con trai Hà Nội là quỷ quái lắm. Anh thì…
Thế
Hoàng: Xoàng
lắm phải không?
Sen: Xoàng
gì, chiến đấu mấy năm anh có xoàng đâu, có kém ai đâu. Thế nhưng em rất lạ. Lần
đầu nghe người ta nói, anh là người Hà Nội, em không thể ngờ. Hà Nội thì chẳng
như thế, chỉ ăn chơi thôi. (Đột ngột)
Hà Nội đẹp lắm, anh thì…
Thế
Hoàng: Cũng
còn phải xây dựng nhiều.
Sen: Ui,
em cứ ước ao bao giờ được lên Hà Nội. Vào xem công viên Thống Nhất này, hồ Gươm
này, Hàng Ngang - Hàng Đào này, xem chớp bóng,
xem cải lương… Thích thật! Còn anh ở đâu nhỉ?
Thế
Hoàng: (Giọng trầm lại) Bãi
Phúc Tân. Anh sống cũng không vui lắm. Mỗi mùa nước lên là một lần phải chạy. (Cười) Đêm thì đập muỗi mỏi tay. Anh
không thích Hà Nội lắm, mà chỉ thích ở… ở đây thôi. Ở đây rộng rãi thoải mái. Ừ,
Hà Nội cũng có cái đẹp của nó… Vào những mùa như
mùa này, đường đầy lá vàng ươm. Hôm
nào nắng lên thì phố bờ sông và phố chợ Đồng
Xuân cũng rực rỡ, đẹp lắm.
Sen: Nghe
anh nói em chẳng hiểu anh thế nào cả… À, các cô gái Hà Nội đẹp lắm, phải không
anh?
Thế
Hoàng: Xấu
và điệu lắm. Xấu mà lại điệu thì chẳng thể bằng những O
ở đây. Ở đây đẹp lắm!
Sen: (Sen đu đưa chân, rồi cúi xuống như muốn
ngắt cái lá cỏ) Anh thích sống ở vùng này à? (Quay lại phía sau) Kìa, các anh ấy đến kia kìa. Ta vào họp thôi. (Lan Thanh vào).
Lan
Thanh:
Họp ở đâu đấy các đồng chí? (Vừa lúc Vũ
Thắng cùng Vũ Thành vào).
Tất cả: (Reo lên) Anh Thắng!
Vũ
Thành: (Giọng còn yếu) Mời
các đồng chí đến đây, kể cũng có phần bất tiện. Mong sự thông cảm… vì sức khỏe
của tôi. Ở đây, có báo động thì chạy ra hầm bên sườn đồi. Bệnh xá chật lắm, nên
tôi chỉ phổ biến nhanh mấy nhiệm vụ mới; nhân thể giới thiệu chỉ huy mới của
các đồng chí. (Chỉ Thắng) Đấy là người
cũ của Đội ta.
Thế
Hoàng: Không
chỉ là người cũ, mà còn là người nhà.
Vũ
Thành: Kỹ
sư Thắng là con tôi, là cán bộ của Đội ta được cử đi học, nay tốt nghiệp lại về
đây công tác với chúng ta. Trước mắt và việc vô cùng quan trọng của đơn vị ta
là, gấp rút thực hiện phương án cầu chìm. Nội đêm nay chúng ta phải xong cầu, để
đưa bằng được các đoàn tàu qua sông. Thế cho nên, toàn đơn vị phải đồng lòng dốc
sức vào công việc chung. Và cần “tiếp sức” cho kỹ sư Hưng -
người “chủ trò” của phương án cầu chìm… Các đồng chí thấy thế nào?
Lan
Thanh: Báo
cáo bác, anh Hưng đang ở ngoài hiện trường, sẽ đến sau.
Vũ
Thành: Tranh
thủ trời mù, ta phải khẩn trương giải quyết mọi việc cần thiết trước đêm nay.
Đêm nay thực hiện xong phương án cầu chìm, tức là mở thêm tuyến cầu mới, để đưa
được các đoàn tàu qua sông. Đó được xem như là: Mệnh lệnh của Tổ quốc giao cho
chúng ta!
Tất cả:
Rõ!
Vũ Thành: Về nhân lực,
chúng ta đang thiếu, nên các tổ cần động viên số anh em nhút nhát cùng ra hiện
trường đêm nay.
Thế
Hoàng: Báo
cáo Thủ trưởng, mấy tay “cáy” ấy tìm được họ cũng mất thì giờ lắm!
Vũ
Thành:
Nhưng vẫn phải tìm. Chúng ta không thể để họ làm việc một cách tùy tiện mãi như
vậy. Cần củng cố tư tưởng cho những người đó, không sợ chết, không sợ khó khăn
gian khổ. Riêng Đội TNXP 339, Ban chỉ huy đã lệnh cho Đội trưởng Mừng phải ở lại
bệnh xá, cùng mười mấy đội viên chưa lại sức sau trận bom đêm qua. O Sen thay Đội
trưởng Mừng, phải đảm đương hoàn thành bằng được đoạn nền vỏ sò. O Lý chú ý huy
động lực lượng Đội thuyền hỗ trợ cho tốt.
Sen
và Lý: Rõ!
Vũ
Thành: Phương
pháp làm cầu đã được sáng tác thành vè để phổ biến đến từng đội viên, với yêu cầu
mọi người phải nắm vững phần việc mình làm. Bài vè này coi như “bài thuốc quý
Lãn Ông” của ngành đường sắt. Các đồng chí đã thuộc lòng cả rồi chứ?
Tất cả:
Rồi
ạ!
Vũ
Thành:
Các đơn vị thu quân ngay, sẵn sàng chờ lệnh. Còn gì, Đội phó Hưng sẽ phổ biến
sau.
Tất cả:
Rõ!
(Thắng,
từ lúc ra vẫn đứng lặng, không có một phản ứng nào).
Vũ
Thành: Còn
gì nữa không?
Tất cả:
Không
ạ!
Vũ
Thành:
Giải tán. Và cần chuẩn bị khẩn trương để vào việc đêm nay.
Tất cả:
Rõ!
(Và họ tản ra các phía. Còn lại 2 cha
con. Vũ Thành tiến đến nắm vai Vũ Thắng, ngắm nghía).
Vũ
Thành: Ừ
tốt! Đi học nước ngoài về mà mang được cái đầu to chứa nặng kiến thức là tốt!
Chứ mà lại mang cái bụng to về nước thì… khó theo kịp thực tế, con ạ!
Vũ Thắng:
(Bị động) Vâng
ạ!
Vũ
Thành: (Cười) Ừ, tốt
nghiệp xong về công tác tại đây là đúng. Nhưng con cần chú ý: Phải tranh thủ nắm
ngay và nắm cụ thể tình hình mọi mặt, để có được phương hướng hoạt động đúng đắn.
Con hiểu chứ?
Vũ Thắng:
Vâng,
con hiểu.
Vũ
Thành: Từ
hôm về nước, và nhất là từ hôm lên đường vào đây, con có suy nghĩ gì không?
Vũ Thắng:
Con
suy nghĩ nhiều lắm, ba ạ.
Vũ
Thành: Tốt.
Dần dần con sẽ trao đổi với ba những suy nghĩ đó. À, từ Hà Nội vào đây, hành
trình thế nào mà con đi lâu thế?
Vũ Thắng:
Thưa
ba, con đi theo đường 158.
Vũ
Thành: (Nhìn nhanh con)
Ra
thế!
Vũ Thắng:
Mấy
cậu bạn cũ đã công tác trong này, mách
con nên đi theo đường đó. Và con lại cùng đi với đồng chí Chấp hành Thanh niên
Tổng cục. Đồng chí ấy được cử vào đây phụ trách Đội xe đạp thồ tăng cường…
Vũ
Thành: (Nhìn thẳng con)
Đi
đường đó an toàn hơn đường ngoài?
Vũ Thắng: Vâng!
Vũ Thành: An toàn hơn, nên con đã bỏ lỡ cơ hội tiếp xúc với con đường
mà con sẽ phải có trách nhiệm với nó. Vậy, có nhất thiết phải chọn con đường
vòng để tránh những nguy hiểm không?
Vũ Thắng: (Cúi đầu, giọng thấp hẳn) Vâng…
Vũ Thành: Ba nói vậy thôi. Sau này còn phải rút kinh nghiệm nhiều,
nhiều lắm. Giờ con hãy coi trước cái phương án cầu chìm này, để lát nữa cùng
bàn. (Thắng cầm tờ sơ đồ, ngập ngừng).
Vũ Thắng: Thưa ba…
Vũ
Thành: Con
muốn gì?
Vũ Thắng:
Thưa
ba, hiện nay con thấy ba đã già yếu…
Vũ
Thành: (Cười) Người
nào tuổi cao mà chẳng già đi! Đó là quy luật tất nhiên thôi. Nhưng yếu thì ba
không yếu đâu. Rồi anh xem, anh có đuổi kịp tôi trong quá trình công tác không.
Vũ Thắng:
Thưa
ba, đó là hiện tượng thuộc phạm vi tinh thần. Còn về thể lực, ba sẽ không thể
chịu nổi những trận bom có tính chất hủy diệt của giặc Mỹ.
Vũ
Thành: (Sững người) Dựa
trên cơ sở nào anh phát biểu thế nhỉ?
Vũ Thắng:
(Không trả lời
vào câu hỏi) Thưa ba, đã nhiều năm ba phải đương đầu với những
tình huống khốc liệt của hai cuộc chiến tranh…
Vũ
Thành: (Hiểu được ý
nghĩ của con) Thắng, trước nay, và cả vừa rồi, ba đã nói với những
đồng chí phụ trách các đơn vị về tinh thần trách nhiệm. Để ba nói thêm với con:
Trước mọi công việc, nhất là trong chiến đấu, không được đem tình cảm gia đình
ra để giải quyết vấn đề. Ba biết là con thương ba, cũng như các đồng chí lãnh đạo
ngành đã thương ba. À, ba nói cho con biết, Bộ và Tổng cục cũng vừa quyết định (Lấy tờ công văn trong túi ra) cho ba
nghỉ phép đấy.
Vũ Thắng:
(Chớp luôn cơ hội)
Đấy
ba xem, cấp trên cũng đã quan tâm đến ba, huống chi con. (Rứt khoát) Đã đến lúc con phải gánh vác công việc thay ba… (Ông Thành nhìn con, xúc động).
Vũ
Thành:
Thắng, đúng là người ta phải sống bằng tình cảm. Con người đâu phải là gỗ đá.
Nhưng tình cảm phải hài hòa với lý trí, con ạ.
Vũ Thắng:
Về
lý trí thì ba cũng đã đứng vững trên mọi cương vị công
tác mà mình đảm nhiệm. Công lao ba đóng góp… thế là tạm ổn.
Vũ
Thành: Đừng
kể công với cách mạng, con ạ. Mà công lênh ba đóng góp đáng gì so với thành
tích vô cùng lớn lao của bao nhiêu đồng chí khác. Có những đồng chí bằng tuổi
ba, hơn tuổi ba, hiện nay vẫn đang vẫy vùng trên trận
địa chống Mỹ cứu nước kia. (Im lặng một
giây, Vũ Thành tiếp) Mà, nếu so sánh thì ba con ta còn được hưởng nhiều may
mắn hơn mọi người… Trong cuộc chiến tranh khốc liệt mà cha con vẫn được gần
nhau… dù ở tại “điểm lửa”… thế vẫn là hơn… (Mạnh
Hưng vào).
Mạnh
Hưng: Báo
cáo Thủ trưởng, tôi có mặt. (Nhìn thấy Thắng)
A, anh Thắng, chúng tôi mong anh quá!
Vũ Thắng:
Anh
Mạnh Hưng! (Hai người bắt tay nhau).
Vũ
Thành: Hai
anh phải làm việc ngay với nhau đi. Tranh thủ ngày hôm nay sương mù, tôi đã
phân công Lan Thanh điều hành công việc chung rồi. Hai người cần bàn kỹ việc
thi công lắp cầu chìm đêm nay.
Mạnh
Hưng: (Với Vũ Thành) Để
anh Thắng sang chỗ tôi làm việc cho tiện, bác nhỉ? (Với Thắng) Anh Thắng ạ, tôi rất mong được trao đổi kỹ với anh về
phương án này. Tôi nghĩ, qua làm việc với anh, sẽ giúp tôi bổ túc thêm về nghiệp
vụ…
(Vũ
Thắng lúng túng, giở bản đồ ra) .
Mạnh
Hưng: Tưởng
anh đã xem rồi. Tôi có gửi lên Bộ và Tổng cục mấy bản mà!
Vũ Thắng: (Càng lúng túng) Có…
có… Tôi đã xem qua… Thôi, ta sang bên anh làm việc nhé. (Hai người đi ra. Cùng lúc, từ phía bệnh xá, Phương Liên đưa O Mừng vào).
Mừng: Báo
cáo… bác…
Vũ
Thành: (Quay lại) Mừng…
Đến đây làm gì. Khỏi hẳn chưa?
Mừng:
Báo
cáo…
Phương
Liên:
Báo cáo… đồng chí Mừng đòi đến gặp bác để đề nghị được ra hiện trường…
Vũ
Thành:
Ồ…
Phương
Liên:
Nhưng mà sức khỏe O Mừng chưa ổn định ạ.
Mừng: (Nhìn Phương Liên) Chị!...
Phương
Liên:
Ô hay… còn yếu thì phải nghỉ. Khỏe hẳn mới làm việc chứ… Cứ liều mạng là không
được đâu!
Mừng:
(Với Liên) Em khỏe
hẳn rồi mà. Đã bao lần em bị bom ép… có sao đâu. Hôm nay… lại là ngày cực kỳ
quan trọng… phải bắc xong cầu chìm để đưa tàu qua sông… (Với Vũ Thành) Báo cáo bác, tuy kế hoạch làm ban ngày cháu đã có ý
kiến bố trí cụ thể… nhưng nếu chỉ đạo không sát, e rằng…
Vũ
Thành: Yên
tâm! Bác cũng đã nắm được cụ thể kế hoạch của O. Cứ
nghỉ, lúc nào thật khỏe thì ra hiện trường. Còn việc chỉ đạo, bác đã và sẽ trực
tiếp đến Đội…
Phương
Liên:
Đấy, Thủ trưởng đã trực tiếp chỉ đạo thay O rồi
nhé! Lo gì nào?... (Đứng lên, với Vũ
Thành) Xin phép bác, cháu có việc cần phải về giải quyết.
Mừng:
Báo
cáo, còn khâu nhân lực… Đội 339 hôm nay thiếu nhiều, cần phải có sự hỗ trợ của
Đội thuyền…
Vũ
Thành:
Đội thuyền cũng là một đơn vị của Đội cầu, xa lạ gì mà lo… (Vừa lúc, cố Vui xồng xộc đi tới).
Cố
Vui: (Cười sảng
khoái) Ha…
ha… Chào ông Ba!
Vũ
Thành:
Chôi cha! Cố Vui! Cố đi đâu mà lặn lội đến đây vậy?
Cố Vui: Đi đâu à? Về đầu
quân dưới trướng ông đây! Hà… hà… Chả là… tôi đem trung đội dân công xã Tam
Nghi đi phục vụ chuyển tải… mờ sáng giao hàng xong, nghe nói Đội cầu ta đêm qua
thất thu… mà hôm nay thì lại phải giải quyết gấp hàng loạt công việc để cho tàu
vượt sông… Nên tôi đến xin Ban chỉ huy cho Trung đội dân công được phối hợp sửa
đường, sửa cầu, khuân vác, lấp hố bom… Nghĩa là, cần việc gì làm việc ấy. Tinh
thần đánh giặc Mỹ là phải như thế, có đúng không nào?
Vũ Thành: Cố nói sao? Cố đi dân công thực à?
Cố Vui: Thực chứ sao!
Mừng: (Vẫn đứng nghe. Ngạc nhiên) Ông à, ông đi dân
công thực răng?
Cố Vui: Ha... ha... Cả ông Đội trưởng, cả lớp con cháu đều thấy
cái chuyện tôi đi dân công là kỳ cục sao? Hẳn các người cho rằng tôi già rồi
thì cứ việc “lão giả an chi”, cứ việc ngồi yên cho giặc Mỹ nó ném bom lên đầu
mình à?
Vũ Thành: Cố già rồi, con cháu đánh giặc thay cố là đúng quá còn
gì!
Cố Vui: Ha... ha... (Cao giọng)
Già tôi già tóc già râu. Tinh thần đánh Mỹ tôi đâu có già!... Tôi xin hỏi:
Thủ trưởng chấp nhận đơn vị chúng tôi chứ ạ?
Vũ Thành: Vâng, xin hoan nghênh tinh thần cố và bà con dân công.
Cố Vui: Hà hà… Tôi cũng xin hoan nghênh Thủ trưởng. (Vừa lúc Cầm Long chạy tới, vai đeo ba lô).
Cầm Long: Báo cáo… Đồng chí Phó Ban chỉ huy tuyến phía Nam đã đến ạ!
(Đứng gọn sang một bên).
Vũ Thành: Thế hả? (Đứng lên
thì Vĩnh Khang đi tới).
Cố Vui: Để ông tiếp khách. Tôi xin phép rút… và gặp lại sau…
ngay sáng nay.
Mừng: (Cũng đứng lên) Cháu cũng xin phép bác. Và chờ quyết định của bác cho
cháu ra hiện trường (Đi nhanh ra).
Vũ Thành: (Bắt tay Vĩnh Khang) Chào đồng chí Phó Ban! Nghe
tin anh vào, mong quá. Trong này đang cho tiến hành việc lắp cầu chìm… mà anh lại
có nhiều kinh nghiệm.
Vĩnh
Khang: Chào
bác Thành! Xin lỗi, tôi vào hơi chậm vì đường khó đi quá.
Vũ
Thành: Chúng
tôi cũng mới nhận được tin anh vào thay tôi.
Vĩnh
Khang:
Thế ạ! Vâng, tôi được trên cử về tạm thay bác ít ngày, để bác nghỉ phép.
Vũ
Thành: (Mỉm cười) Nghỉ
phép… nhưng tôi có xin đâu. Mà thôi, không nói chuyện ấy nữa. Có điều, chúng
tôi rất cần đến anh… về mọi mặt, nhất là về việc thi công bắc cầu mới.
Vĩnh
Khang: (Nét mặt vui
tươi)
Không hẳn như thế đâu.
Vũ
Thành:
Rồi tôi sẽ báo cáo cho anh biết rõ những nhược điểm đang tồn tại, mà đơn vị cần
phải có biện pháp sớm khắc phục. Trước khi nghỉ phép, dù bận thế nào, tôi cũng
phải sắp xếp để trao đổi với anh những vấn đề này. Được như vậy thì tôi mới thật
yên tâm. (Dừng một chút) Dẫu sao thì
trình độ và sức khỏe của tôi cũng bị hạn chế đối với yêu cầu công tác khẩn
trương lúc này. Lúc này rất cần những người có nhiều kinh nghiệm, cả sức khỏe nữa.
Tôi tự thấy như vậy đấy!
Vĩnh
Khang: (Cười ngắt lời) Bác
hiểu lầm rồi. Và có thể bác nghĩ không hẳn như đã nói. Việc trên cử tôi về đây
xuất phát từ một tin mừng: Bác gái đã ra miền Bắc.
Vũ
Thành: (Sửng sốt) Sao…
nhà tôi…
Vĩnh
Khang: Vâng,
bác gái nhà đi cùng phái đoàn nhân dân miền Nam ra thăm miền Bắc đã hai tuần
nay. Nên trên Bộ và Tổng cục quyết định để bác nghỉ phép về thăm bác gái.
Vũ Thành: (Cười) À, ra thế. Nhưng
nghỉ ngay thế nào được.
Cầm Long: (Vẻ mặt hân hoan, vùng chạy đi reo lớn) Các đồng chí ơi! Tin mới… tin mới!...
Vĩnh Khang: (Nhìn theo Cầm Long, nói nhỏ) Nơi đây… xem ra quân mến tướng thật!
Vũ Thành: Tôi còn nợ buổi
làm việc với anh. Bây giờ mời anh cùng ra gặp anh em công nhân ngoài hiện trường
đã. (Hai người ra. Liền đó Trịnh Cương đi
tới cửa phòng, lấp ló nhìn theo).
Trịnh Cương: (Một mình) Mình cũng phải
tút ngay vào nhà thờ cho sớm.
Vũ Minh: (Vội vã xuất hiện. Nhìn vào nhà, rồi nhìn quanh bốn phía) Nhà nào cũng vắng vẻ cả thế này. (Thấy Trịnh Cương) Anh bạn ơi, tất cả đi đâu rồi?
Trịnh Cương: Ra hiện trường.
Vũ Minh: Thế còn bác Thành?
Trịnh Cương: Ra hiện trường.
Vũ Minh: Thế tình hình cầu
ra sao?
Trịnh Cương: (Gắt) Đã bảo ra hiện trường thì khắc biết
mà!
Vũ Minh: Tôi hỏi cụ thể là,
có thể chữa được cầu qua sông không?
Trịnh Cương: Đến Tết!
Vũ Minh: Vớ vẩn!
Trịnh Cương: (Đến gần Minh) À, anh bạn
này, tôi có thể cho anh biết tình hình, để anh liệu trước mà chuồn nhé!
Vũ Minh: Sao lại chuồn?
Trịnh Cương: Anh cứ tin
các bố ấy hẹn lần hẹn lữa mà nằm chờ đấy… vài ngày… rồi vài tháng nữa… rồi đói
to, rồi ăn bom… Tôi biết hết tình hình diễn ra nhé!
Vũ Minh: Tình hình ra sao?
Trịnh Cương: Chỉ có thể
là… dỡ hàng xuống để thồ bằng xe đạp, bằng sức người thôi.
Vũ Minh: Còn đại bác thì thồ
thế mẹ nào được!
Trịnh Cương: Thì vác!
Vũ Minh: Vác thế mẹ nào được.
Lại còn xe tăng thiết giáp nữa…
Trịnh Cương: (Nhún vai) Thì cứ theo
truyền thống Điện Biên mà làm. (Ghé tai
Minh) Tình hình khó lắm, khó lắm. Này nhé, quân bị bom vùi còn chưa lại sức.
Bố Thành cũng bị bom vùi chưa lại sức… lại sắp sửa đi nghỉ để… thăm bà ấy ở
trong Nam mới ra. Còn tinh thần đâu nữa mà làm. Ông Vĩnh Khang mới về thay, còn
lâu mới nắm nổi quân. Mà quân số lại đang thiếu to. Cứ lung ta lung tung tất cả.
Quân kích kéo thì tút ra bãi biển bảo mạng. Cứ còn là rối như canh hẹ. Lại cái
anh con trai bố Thành mới về, anh Thắng ấy mà… cứ tưởng ghê gớm lắm đấy! Ấy,
tôi vừa gặp mặt đã biết ngay hình dong. Cũng vào loại biết nhiều sách vở. Cũng
biết “bài vở” sống… như “bài vở” bọn tôi thôi. Tôi vừa nghe hai nhà kỹ sư tranh
luận nhau. (Vũ Minh có vẻ sốt ruột, định
đi) Kỹ sư Thắng đưa ra đủ thứ danh từ chuyên môn… cứ như cố ý lòe anh Hưng
nhà ta…
Vũ Minh: (Bực mình) Anh nghe trộm
à?
Trịnh Cương: Là bệnh nhân
nên… tai rỗi cả ngày. Thế nên, cái gì xảy ra cũng đủ sức nghe… và cả nhìn ngó nữa.
Thôi thì đủ mọi chuyện trên cái đời này. Cứ bằng giọng điệu của ông Thắng thì…
tớ đoán ra ngay. Cũng thuộc loại họ “nhà cáy” cả thôi. Chả là cậu ấy vừa ở nước
ngoài về, lại bằng to chức to, mới ngửi một trận bom đêm qua, đủ thấy mùi cầu Cấm
rồi.
Vũ Minh: Cậu nói cái gì mà
tớ chả hiểu?
Trịnh Cương: Chuyện về
cái cầu chìm ấy mà!
Vũ Minh: Cầu chìm nào?
Trịnh Cương: Ô kìa… thì
cầu để cho tàu xe các cậu có lối đi mà!
Vũ
Minh: Bao
giờ xong?
Trịnh
Cương: Bàn
còn chưa xong… thì chìm mới nổi cái gì.
(Lẩm bẩm) Cũng họ nhà “cáy” thôi!
Vũ
Minh:
Anh nói ai đấy?
Trịnh
Cương:
À… về cái anh kỹ sư Thắng ấy mà.
Vũ
Minh: (Vẻ sốt ruột) Thôi
không nghe anh nói nữa. Tôi chỉ cần biết bao giờ thì tàu của tôi có thể qua
sông được. Bao giờ? Anh hiểu chưa? (Bỏ
đi).
Trịnh
Cương: (Nói với theo) Thôi
anh bạn ơi! Quay tàu lại thôi! Chờ cầu có mà đến Tết cũng không thông!
Màn
hạ
(Còn nữa)
(*) Sách “Lộng Chương - Để đến… Nơi đến”, Nxb Sân khấu,
2013.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét