Thứ Tư, 1 tháng 10, 2014

Bác tôi

Ảnh minh họa
         Định cư ở nước ngoài, lâu lắm tôi mới có dịp về thăm nhà. Nghỉ ngơi ít ngày, một hôm đến thăm người bác ruột. Khi con trai cả bác ra mở cửa, bước chân vào nhà, tôi cảm nhận không khí lạnh lẽo, cô quạnh. Đồ đạc trong gian phòng khách bày đặt lộn xộn. Mặt bàn ngồi uống nước loang lổ bụi. Góc bàn, một bát phở đang ăn dở, một đĩa khoai lang luộc để lẫn với vỏ. Có con ruồi bay vo ve phía trên hai đồ ăn đó.
Không thấy bác đâu, tôi hỏi, người anh trả lời: “Ông đạp xe đi loanh quanh. Hay ra chỗ bảng tin phường xem báo”. “Trời đất, ông vẫn đi xe đạp ư?”. Tôi ngạc nhiên thốt lên, vì bác tôi năm nay cũng ở tuổi quá cao, trên chín mươi rồi, vậy mà vẫn đi xe đạp được là quá mừng. Anh em hàn huyên một lúc lâu thì bác tôi về. Gặp tôi bác mừng lắm, nhưng cũng không nói chuyện được nhiều. Lâu nay, tai bác đã không còn nghe được nữa. Ai nói gì với bác, phải viết vào giấy. Trò chuyện được một lúc, bác bảo mệt phải đi nằm. 


Thấy đã muộn, lại không nghe anh nhắc nhở chuyện ăn uống cho bố, tôi mời cả hai cùng đi ăn trưa. Bác tôi lắc đầu. Còn anh tôi giải thích: “Ông ăn rồi. Ông đặt tiền ở một quán cơm. Hàng ngày ra đó ăn”. Thấy tôi có vẻ băn khoăn, anh tôi nói: “Ông ăn thế cho tự do. Ra đó, ông muốn ăn gì thì gọi theo ý mình”. Tôi im lặng, cố không gặng hỏi anh thêm, nhưng trong lòng không khỏi có chút gờn gợn… Trong lúc ngồi ăn trưa cùng anh con bác, tôi biết thêm rằng, tiền nong với gia đình anh lâu nay không còn là chuyện đáng phải bàn. Con cái anh trưởng thành, có nhà riêng cả. Anh lại có nhà mặt tiền cho thuê, mỗi tháng gần một ngàn đô la. Anh lại có đến mấy mảnh đất mua ở Sóc Sơn làm của để dành… Thi thoảng, hai anh chị rủ nhau đi du lịch trong, ngoài nước. Vậy là kinh tế nhà anh khá quá còn gì!
Rồi, qua một vài người trong họ, tôi được biết: Gần chục năm trước bác gái tôi mất. Ngay sau đó, bác trai tôi quyết định ăn riêng cho đến giờ. Nguyên do cũng là bởi, tranh chấp chuyện tiền nong của bác gái tôi để lại, giữa bác trai tôi và người dâu cả. Mà có nhiều nhặn gì cho cam, chỉ vài chục triệu! Ngoài chuyện đó ra, còn rất nhiều chuyện “khúc mắc” giữa bố chồng nàng dâu, giữa nàng dâu với gia đình chồng, dẫn tới “cuộc chiến” âm thầm dai dẳng này. Nghe mà thật buồn. Tôi chợt nhớ lại cái ngày xưa ấy…
Nhà bác tôi nghèo, nhưng không khí gia đình thật đầm ấm, hòa thuận. Gian nhà nhỏ xíu chưa tới mười lăm mét vuông của bác với sáu nhân khẩu, luôn gọn gàng, sạch sẽ. Hai bác tôi hiền lành, ít nói và đều là những người rộng lòng. Bác trai tôi có dáng người gầy, nói năng nhỏ nhẹ. Lúc nào tôi cũng thấy bác cặm cụi, chăm chỉ làm việc. Tôi cũng chưa từng nghe hai bác nặng lời với nhau, mặc dù thời đó cuộc sống khó khăn vô cùng.
Người như bác tôi mà giờ đây ở tuổi ngót trăm lại đang phải cô đơn, câm lặng giữa chính đàn con mình đã vất vả nuôi dạy khôn lớn trong những điều kiện hết sức ngặt nghèo, thiếu thốn của thời chiến cũng như thời bình giai đoạn bao cấp. Đau làm sao!
Còn anh tôi, gia thế giờ khác hẳn. Tiền nhiều. Nhà cửa đất đai cũng không ít. Lại chỉ còn một mình bố. Vậy mà, nơi ở tuềnh toàng, lộn xộn, có phần bẩn thỉu. Cư xử với bố lúc gần đất xa trời thì nhạt nhẽo, thiếu tình người…
         Chẳng nhẽ, cái câu tổng kết của cổ nhân: “Một mẹ nuôi được mười con, nhưng mười con không nuổi nổi một mẹ”, lúc nào cũng đúng vậy ư?
                                                                                    Báo Người Cao tuổi, 29/4/2011


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét