Mai Bình(**)
Ông Mai Bình (đứng thứ hai từ phải sang) - một lãnh đạo ngành Văn hóa Thanh Hóa, ông Huy Lý (ngoài cùng bên phải) Đoàn trưởng Đoàn Chèo Thanh Hóa |
Tôi và anh có quan hệ với nhau trong tình nghệ sĩ, là bạn bè tâm đắc nhưng
lại cũng như anh em trong một gia đình. Nói là bạn, nhưng thực ra, anh coi tôi
là bạn tri kỉ vong niên, mặc dù tôi kém anh gần chục tuổi đời và anh đã là người
nghệ sĩ sáng danh trước khi tôi nhập hội. Trình độ nghề nghiệp và kiến thức ở
một số mặt anh vượt hơn tôi. Nói như anh em trong một gia đình vì niềm vui nỗi
buồn trong gia đình, chúng tôi thường thông báo, chia sẻ, tâm sự cùng nhau.
Chúng tôi thường ăn ý nhau trong việc đối nhân xử thế hay nhận xét những nhân vật
sống quanh mình. Có cái nguyên cớ để tôi nhắc lại một đôi điều về nghệ sĩ Lộng Chương
với cái nghiệp sân khấu trên một quãng đường ở cái xứ Thanh này. Chuyện thì
nhiều nhưng hôm nay, sự nhớ của tôi đâu còn tươi tỉnh minh mẫn như cái lúc đang
xoan?
Sau hai ngày 3 và 4 tháng 4 năm 1965, giặc Mĩ điên cuồng đánh phá Hàm Rồng.
Từ đó, Thanh Hóa liên tục chịu những trận mưa bom. Từng người dân Thanh Hóa
hừng hực căm thù, xối xả nhìn thẳng quân thù mà bắn. Nơi nơi, đạn bom rang nóng
từng hạt cát, soi bỏng từng đường cày, sùng sục từng ngọn sóng. Đất và trời đỏ
lửa.
Ngay sau những ngày đêm giao chiến ác liệt giữa địch và ta thì bỗng có
một tốp “thanh niên cụ”, xông xáo đến nhà tôi vào lúc hai giờ sáng. Gọi là nhà
nhưng đó là cái lều được che đắp lại sau
các trận bom bằng lá dừa, bằng cót, bằng những mảnh giấy dầu chắp vá. Đấy là
điểm chốt của tôi trong bom đạn, để tôi kịp nhanh chân đến các trận địa. Tốp người này xông vào gọi đúng tên tôi. Họ ăn
mặc trang bị thật kì dị, đủ kiểu tây - ta! Té ra họ là mấy ông mãnh hồ từ đất
Thăng Long đã mở đường máu vào đất Ái Châu! Cầm đầu cái băng nhóm này là chàng Lộng
Chương rồi Lưu Quang Thuận, rồi Hà Văn Cầu, Trần Bảng và mấy anh nghệ sĩ choai
choai. Họ lại đèo bòng dắt díu thêm cậu nhỏ: Lưu Quang Vũ. Họ vào để đi chiến
trận!
Đêm ấy, chúng tôi thi rượu! Rượu làng Tạnh nổi tiếng vùng thị xã, mà
rượu làng Vân thì nồng nàn đất Bắc. Thức nhắm là ổi xanh. Sau trận bom, cứ tha
hồ ra vườn mà lượm. Đang lúc các anh hùng hảo hớn cuồng rượu tại Mai Gia Trang sặc
sụa hơi bom này thì máy bay địch ào qua như xé đêm đen. Rồi từng loạt tên lửa
xiết qua trước mặt. Chúng tôi kẻo nhau chạy xuống hầm. Nhìn đi nhìn lại… Thiếu
người! Thiếu mất Lộng Chương! Tôi nhào vào căn lều thì trời ơi, Lộng Chương
đang hì hục buộc đai lưng như anh lính sắp sửa công đồn. Nhưng có phải anh cân
đai để công đồn phá bốt gì đâu. Mà anh ta đang cột buộc cái bi đông rượu thật chắc
vào quanh hông. Tôi xẵng giọng với anh về việc ấy, thì anh khịt mũi rồi cười
khẩy: "Vật phải tùy thân chứ cậu! Đây là năng lượng, chất đốt duy nhất ở chiến
trường. Này, mà còn là tinh chất của đất trời, là men say của sáng tạo đấy.
Mình phải bảo vệ bảo bối này cẩn trọng hơn bảo vệ cái tú hũ mình đấy…". Trời,
lí luận lưu linh với ông này thì tôi chịu…
Đêm đã chuyển về sáng.
Mỗi người vội lên đường, đi theo hướng sáng tác của mình. Lộng Chương cứ nhót
nhảy để thử coi cái lồ hô năm lít đã chắc chưa. Rồi anh tiến về mặt trận Hàm
Rồng. Ngày đi, đêm anh ngủ rất ít, ăn thì đại khái qua loa. Thường khi anh lặng
lẽ ghi chép hoặc sáng tác thì bà mẹ tôi lại buộc giỏ xuống ao mò ốc để cải thiện miếng ăn cho anh. Độ ấy anh viết mấy kịch
ngắn và một kịch dài: “Chim rừng tung cánh”.
Hòa bình trở lại, anh để mất vở dài đó, tiếc ngẩn ngơ, lại phải đánh
đường vào Thanh tìm kiếm. May sao, vợ tôi đã tặng lại anh bản thảo. Số là nàng
đã nhặt nhạnh thu gom lại những sổ sách, những trang ghi chép của mọi người để
vương vãi trong chiến tranh và đem bó lại mà buộc lên cao.
Ngày ấy, Lộng Chương trai trẻ lắm. Cứ phăng phăng xe đạp từ Hà Nội vào
Thanh, rồi bon bon đi Hoằng Trường, Hoa lộc…
Tháng 2/66, qua yêu cầu khẩn thiết trước tình hình trong tỉnh, Ty Văn
hóa Thanh Hóa được quyết định của UBND tỉnh về việc thành lập đoàn kịch nói với
số lượng 27 người. Tôi được giao nhiệm vụ xây dựng kế hoạch toàn diện để thực
hiện quyết định trên. Tôi mở cờ tiến ra Hà Nội để tìm thầy giầu kinh nghiệm. Hăm
hở đến Vụ Nghệ thuật sân khấu thì bị thoái thác, tìm đến lão sư Thế Lữ thì được
lời nhiệt liệt hoan nghênh và chào mừng một đoàn kịch nói sắp ra đời. Ông bận,
đang đạo diễn đến màn chót cho Nhà hát kịch Trung ương. Lão sư mách nhỏ tôi là,
đến xin cầu viện ở anh Lộng Chương. Trời! Thế là tôi đi vòng từ anh Lộng Chương
để... đến anh Lộng Chương! Việc này anh Lộng Chương không lạ, vì trước thời
gian đó, chúng tôi đã rỉ rả với nhau để có những nước cờ vận động thành lập
đoàn kịch nói Thanh Hóa. Đọc xong tờ quyết định, động tác kịch đầu tiên của anh
là đằng hắng cao giọng ngôn ngữ khai từ... Rằng chúng mình hãy cạn hết rượu
trong cái chai nút lá chuối kia để ăn mừng đại thắng... Lúc này, đại thắng của
tôi là được anh nhận lời vào Thanh giúp sức. Trời gần sáng, có sự bốc men, tôi tranh
thủ đạp xe về Thanh để chuẩn bị kế hoạch đi tuyển và sơ tuyển diễn viên, để kịp
ngày các anh vào phúc tuyển và dựng kịch ngay. Như thế là chúng tôi vừa kí tắt
một hiệp định vô văn bản! Thế rồi, tại làng Thanh Huy (Đông Sơn) nơi cơ quan sơ
tán, anh Lộng Chương đã tìm đến chúng tôi. Hồi đó, anh mới độ tuổi năm mươi,
tóc còn xanh, làm thị phạm còn vững vàng nhanh nhẹn lắm. Thật đáng quý biết bao
cái tâm cái tình của người nghệ sĩ, cái hồn cái máu nghề nghiệp của người nghệ
sĩ. Nếu không có những cái đó thì hỏi người ta còn có nét đẹp gì khác hơn khi
nhân danh nghệ sĩ? Đi cùng anh chuyến này còn có: Minh Ngọc, Nguyệt Ánh,
Nguyễn Thành, Khắc Tâm, Hoàng Minh. Tiếp sau nữa là Đào Mộng Long, Ngọc Quốc,
Nguyễn Phúc, Doãn Hoàng Giang.v.v.
Vào việc chúng tôi có bộ phận chỉ đạo ba người rất ăn ý. Tôi đảm nhiệm
phần tổ chức nhân sự và chính trị. Hà Khang đảm nhiệm phần lí luận văn nghệ. Lộng
Chương, phần chuyên môn nghiệp vụ. Ba mũi giáp công, chúng tôi đánh trận nào,
vui trận ấy. Cần nhanh, gọn, đẹp để sớm đi phục vụ những điểm nóng. Rất mừng là
chúng tôi đã tuyển chọn được một số diễn viên tài năng, có trình độ văn hóa khá
và có đạo đức tốt: Mạnh Phúc, Đỗ Hoàng Thanh, Hoàng Minh Hùng, Lê Thế Dương, Đỗ
Minh Quang, Lê Thị Nhan, Lê Thị Thư, Nguyễn Thị Dung.v.v... Rất hay là chúng
tôi vớ được Lê Phúc làm Trưởng đoàn. Lúc đoàn túng đói và thiếu phương tiện làm
nghề, anh bán béng cả cái xe đạp khung tây để xây dựng đoàn mau cứng cáp... Bởi
trên dưới một lòng, thầy trò một chí nên sau hai tháng, đoàn kịch đã có một
chương trình khá đẹp và dũng mãnh lên đường. Trong đói khổ nguy nan mà anh chị
em đoàn kịch cứ vui như tết. Lúc này, Lộng Chương đáng được xả hơi và tự
thưởng... Khà! Cái rượu Thanh Huy thế mà ngon đáo để! Chỉ trong hai tháng đầu,
vừa học vừa dựng, đoàn kịch nói đã có: "Người thôn Nam", “Vẫn giữ
đường cày" của Hà Khang; "Cùng chung trận tuyến" và "Nhiệt
điện" của Mai Bình; “Mùa xuân", "Đâu có giặc là ta cứ đi",
"Đường phố dậy lửa" của Nguyễn Vũ, "Đất đầu cầu” của Kính Dân.
Cứ thế mà lên…
Sổ tay Lộng Chương ghi chép về những chuyến đi Thanh Hóa trong chiến tranh ác liệt - 1966 |
Phần lớn, phần nặng cân trong thành quả trên đây là nhờ công lao và sự
hi sinh nhiều mặt của ông thầy Lộng Chương. Ngoài đoàn kịch, ông cũng không kém
công lao bồi dưỡng nghệ thuật và dàn dựng tiết mục cho đoàn chèo. Có thể nói,
mười năm giặc Mĩ dội bom đạn xuống Thanh Hóa thì cũng mười năm ấy Lộng Chương
xuất hiện nhiều nhất. Lại đến quãng năm 1979, ông còn trở vào dựng “Ức
Trai" ở làng Tạnh, cái "lọ rượu” lớn nhất tỉnh Thanh. Độ ấy đúng dịp
kỉ niệm sinh nhật 60 tuổi thầy Lộng Chương. Ôi! Không biết có ai có cái lễ vui
mừng như thế hay không? Chỉ tính anh chị em diễn viên ở các đoàn văn công thôi,
cũng đã tới gần hai trăm anh chị em đến với anh rồi. Tất cả chen vai trong sân,
trong hè, trong nhà Trưởng đoàn chèo Huy Lý. Chiều hôm ấy, thôi thì ai có lòng
dạ nào thì mở hết!... Lòng thì là lời thành tâm chúc tụng; còn dạ thì rượu, thì
bánh đa lạc rang và nem chua Tân An - thứ nem nổi tiếng. Tha hồ mà nghiêng ngả.
Chỉ thế, người nghệ sĩ cũng đủ nhớ đời rồi. Hạnh phúc, đẹp đẽ lắm thay!
Hôm nay tôi đang nằm bệnh, nghĩ đến người tri kỉ, cố nhớ viết lại đôi
điều nhỏ nhặt về nghệ sĩ - đạo diễn - tác giả Lộng Chương trên đất Thanh này.
Thanh Hóa, ngày 5/11/1996
_____________________________
(*) Sách “Kịch Lộng
Chương” - Nxb Văn học, 1997; “Lộng Chương trong trái tim bè bạn”, Nxb Hội Nhà văn, 2013;
(**) Lãnh đạo ngành Văn hóa (Thanh Hóa)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét