Thứ Hai, 20 tháng 10, 2014

LỘNG CHƯƠNG - NHÀ VIẾT HÀI KỊCH XUẤT SẮC(*)

 Hoài Anh
Ký họa Lộng Chương
Ngồi trước một bàn thống kê những vở kịch đã viết của Lộng Chương, tôi không khỏi kinh ngạc về sức làm việc bền bỉ, dẻo dai, đầy nghị lực của anh. Tôi không khỏi thán phục vì những đóng góp của anh cho sân khấu Việt Nam. Tôi không khỏi giật mình vì một khối lượng đồ sộ những vở viết, những vở dựng trên sân khấu, những vở in trong sách, những vở đã phát trên đài, những vở chỉnh lý sửa chữa cho nhiều anh em viết không chuyên nghiệp, những vở dịch thuật, những tập thơ, ca dao, những phóng sự, ký sự kháng chiến, những tiểu luận - lý luận phê bình sân khấu, những bài báo… và… những vở kịch còn nằm trong ngăn kéo của anh.

            Vài con số về sáng tác sân khấu:
-      Thời kỳ kháng chiến chống Pháp: 17 vở dài và ngắn;
-      Thời kỳ chống Mỹ và xây dựng chủ nghĩa xã hội: 43 vở dài và ngắn;
-      Vở chỉnh lý, sửa chữa cho những anh em viết không chuyên nghiệp theo yêu cầu dàn dựng sân khấu: 21 vở dài và ngắn.
Tổng cộng: 81 vở dài và ngắn. Truyện thơ và ca dao: 9 tập. Phóng sự - ký sự kháng chiến: 5 tập. Tiểu luận - lý luận phê bình sân khấu: 7 bài. Bài báo viết về sân khấu: 29 bài.
             Ai đã làm việc với anh, thân thiết anh, quen anh, đều có thể thấy được sức làm việc của anh - sức làm việc kỳ lạ ẩn chứa trong một cơ thể gầy gầy, xương xương (…) Anh viết liên tục, đều đặn như những công việc cần thiết hàng ngày, viết như đứng trước những đòi hỏi cấp bách của đời sống. Ngay giờ phút này, giờ phút tôi đang ngồi viết những dòng này, có lẽ anh cũng đang ngồi viết.
            Viết như một lẽ sống của anh, như một bữa ăn, một giấc ngủ. Nghĩ về hình dáng của anh là nghĩ về hình dáng của một người đầu luôn nghiêng xuống những trang bản thảo (…)
            (…) hầu hết những tác phẩm của Lộng Chương đều là những kịch vui, kịch hài. Ông cười đả kích bọn xâm lược, bọn tay sai (Bầu bán, Cửa mở hé, Ma túy…). Ông cười châm biếm, phê phán giai cấp tư sản trong cái vòng tính toán luẩn quẩn trước sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội (Quẫn, Quẫy, Đổi đầu heo…). Ông cười chế giễu những thói hư tật xấu ngay trong chúng ta, những người xung quanh chúng ta (Hỏi vợ, Yểm bùa trừ sâu, Hoa giấy…). Tiếng cười của ông khi thì cay độc như một đòn đánh mạnh vào kẻ thù, khi thì độ lượng như một lời khuyên răn nhắc nhủ, khi thì sảng khoái, khi thì rủ rỉ, lúc nghiêm trang, lúc nghịch ngợm. Hình như tính chất trào lộng, châm biếm của sân khấu Chèo cổ đã đặc biệt hấp dẫn ông và cũng là nguồn khai thác chủ yếu mà ông đã áp dụng trong những vở kịch hài. Tính hài hước hầu như đã trở thành phong cách, trở thành sự tìm tòi, đi sâu nghiên cứu của ông (…)
            (…) Ngoài kịch nói, Lộng Chương còn rất sung sức trong kịch hát dân tộc Tuồng, Chèo, Cải lương, với các vở nổi tiếng như A Nàng, Tình sử Loa thành, Đôi ngọc lưu ly (viết lại từ vở Chèo cổ Trương Viên). Những vở này đã được nhiều đoàn dàn dựng và được khán giả rất yêu thích.
            Lộng Chương còn góp phần xây dựng những đơn vị nghệ thuật như Chèo Cổ Phong (1957), Đoàn Chèo Nam Hà (1960), Đoàn Kịch Thanh Hóa (1966), Đoàn Kịch Hà Tây (1968), Đoàn Kịch Thanh niên và Đoàn Kịch Công nhân Hà Nội (từ 1957 đến thời kỳ chống Mỹ cứu nước) (…)
Lộng Chương (đứng trái cùng)
tại Lễ Kỷ niệm 40 năm Nhà hát Kịch Việt Nam
 (*) Trích trong tập “Tác gia kịch nói và kịch thơ”, Nxb Sân khấu, 2002; tr530-579; Sách “Lộng Chương trong trái tim bè bạn”, Nxb Hội Nhà văn, 2013.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét