Thứ Sáu, 10 tháng 10, 2014

TÔI NHỚ(*)

                                                                                                   Hà Khang
Viết những kỉ niệm về chặng đường hoạt động của Nhà nghệ sĩ lão thành Lộng Chương ở Thanh Hóa này thì biết viết sao cho hết, cho đủ. Vì ông đã để lại cho sân khấu Thanh Hóa bao nhiêu là việc tốt điều lành. Cánh nghệ sĩ địa phương chúng tôi đã tôn ông là một người anh lớn, người anh vừa có uy rộng lại có tình sâu.
Lộng Chương (đứng giữa, cạnh cô gái tết tóc đuôi sam)
dịp Đoàn Kịch nói Thanh Hóa ra mắt

Tôi cũng vậy, nhiều kỉ niệm về ông rất đáng nhớ, nhưng đành khoanh lại trong một vài mốc thời gian nhất định: 30 năm trước ấy, 15 năm trước ấy, mà ông để lại trong tôi cái nhớ đậm đà nhất.

Tôi nhớ:

30 năm trước ấy, kịch sĩ Lộng Chương xông pha bom đạn vô Thanh Hóa
Bấy giờ là đầu năm l966, Thanh Hóa ngày đêm mù mịt đạn bom của không lực Mĩ bắn phá, ác liệt nhất là suốt dọc quốc lộ 1; đoạn từ Dốc Xây, Đò Lèn, Hàm Rồng, Thị xã đến phà Ghép… Vậy mà ông đã từ Hà Nội cưỡi xe đạp vào đây với chúng tôi để thành lập đoàn kịch nói Thanh Hóa.
Ai ra lệnh cho ông đi?
Chẳng ai có quyền ấy, mà chính ông ra lệnh cho ông, nói đúng hơn là cái tình sân khấu trong ông đã ra lệnh cho ông.
Sự thể việc cầu hiền này ra sao, thì trong bài viết của ông Mai Bình, Huy Lý đã nói rồi. Riêng tôi, tôi xin liệt nó vào thiên giai thoại người hùng. Và thần kì sao: với cái uy cái tình sẵn có của ông, ông đã mượn được ở Đoàn kịch nói Trung ương một số diễn viên tài ba trẻ tuổi cùng vượt qua chặng đường nguy hiếm chết người ấy, cùng vào trợ lực cho ông: Nguyệt Ánh, Minh Ngọc, Nguyễn Thành...
Đến Thanh Hóa, len lỏi vào một làng quê hạt Đông Sơn cách thị xã hơn l0km, tôi nhớ: vừa cạn xong chén rượu tẩy trần là ông "đùng đùng gió giật mây vần" lao ngay vào việc, vào đủ mọi thứ việc cần kíp để khai sinh nhanh chóng Đoàn kịch nói Thanh Hóa.
Ngày thì ông chủ trì việc tuyển chọn diễn viên, đêm thì dưới vòng tròn nhỏ xíu của ánh đèn dầu phòng không, ông soạn giáo án, lên kế hoạch hành động, bận tối mắt tối mũi đến nỗi không còn biết mình là đã uống rượu hay chưa! Tôi rất khoái cách tuyển diễn viên của ông, dịu dàng mà sâu sắc, cười đùa mà nghiêm túc, nên những người được tuyển đợt này đều trở thành diễn viên đứng vững vàng trên sân khấu. Những diễn viên này đều coi buổi gặp gỡ ban đầu ấy với ông là một kỉ niệm quý giá, hơn thế, là một bài học nhớ đời. Ông thì quên rồi, chắc thế, nhưng họ thì rất nhớ. Trong tập "Gương mặt nghệ sĩ sân khấu Thanh Hóa" do Hội Văn nghệ Thanh Hóa - Nhà xuất bản Sân khấu biên soạn, Mạnh Hùng - một trong số học trò thành đạt của ông đã ghi cặn kẽ cái buổi ban đầu ấy:
“Thí sinh số 7! Hùng giật thót người bước ra sân trước những con mắt nghi hoặc của Ban giám khảo. Nhìn đến bộ quấn áo chưa sạch dầu của mình, Hùng định vùng chạy  nhưng từ trên bục giám khảo, ông Chủ tịch hội đồng Lộng Chương bước xuống, thân mật vỗ vai Hùng, ân cần trò chuyện: Em tên gì? Vợ con chưa? Hùng có thật yêu sân khấu không?... Rồi ông trịnh trọng quay về phía Ban giám khảo đề nghị cho Hùng tuyển. Được ông khích lệ nồng nàn như thế, Hùng làm trọn vẹn đề thi tiểu phẩm và ông Lộng Chương đã vỗ tay khen ngợi đầu tiên... Từ đó đến nay, Mạnh Hùng xác định nguyên nhân chủ yếu chắp cánh cho Hùng bay tới đích thành công của nghệ sĩ là: Bao giờ cũng thế, cứ mỗi lần bước lên sân khấu thì bên tai Hùng vang vang lời dặn dò chí tình của thày Lộng Chương...".
Lộng Chương (trái cùng ảnh) và Trần Hoạt (người đang đi)
với Đoàn Kịch nói Thanh Hóa
Từ buổi ấy đến nay, vậy mà đã ba mươi năm rồi đấy. Tôi trở lại "cái buổi ấy", khi tuyển diễn viên đã màn màn, theo thông lệ của địa phương là tổ chức buổi họp rút kinh nghiệm. Tối ấy, phía Ghép ùng ùng bom nổ, buổi họp diễn ra giữa sân và kết thúc nhanh chóng bằng câu lẩy Kiều của ông Mai Bình, rằng:
Khen cho con mắt tinh đời
Diễn viên tuyển dưới bom rơi mới già.
Không ai có ý kiến gì hay hơn, nên buổi họp lập tức chuyển sang vấn đề mới: rượu, rượu mừng nhớ buổi hôm nay... Tôi nhớ: bữa rượu đó, người uống ít nhất lại là ông Lộng Chương. Vì ông đương say... việc. Chờ bữa rượu tà tà, ông rành rẽ phân công kế hoạch tiến hành. Tôi nhớ đại ý là, ông đề ra phương châm "già du kích, non chính quy" trong việc đào tạo. Ông giao cho Nguyệt Ánh, Minh Ngọc, Nguyễn Thành chia học viên ra các tổ, dựa vào một số kịch ngắn đã có như Tòng quân, Ngọn lửa, Đâu có giặc là ta cứ đi, dạy vỡ lòng sân khấu cho họ bằng chuyện trò, thị phạm... Ông lại giao cho ông Mai Bình và tôi phải gấp viết những truyện chiến đấu ở nhà máy điện, bến phà, Nam Ngạn, Hàm Rồng, các xã có trận địa... với khẩu hiệu tấn công là nhanh, chắc, thiết thực, và rất Thanh Hóa...
Trong những ngày này, tôi nhớ đầy đủ về dáng vẻ của ông, tất bật như người làm việc nhà mình. Cả ngày cứ thấy "tít mù ông chạy vòng quanh" hết tổ diễn viên này đến tổ diễn viên khác, khích lệ, dặn dò, bảo ban rồi lại đến chỗ chúng tôi cười vui cởi mở: "Này các cậu đừng cầu toàn mà kẻo rê việc của tớ, cứ có "tí tỉnh drame" là được, trước làm tiểu phẩm cho các cháu nó tập diễn, rồi từ diễn ta nâng lên thành kịch ngắn. Mà dứt khoát phải là kịch ngắn mới phục vụ trận địa được, chứ dài ấy à, bom Mĩ nó xẻo đi đấy!”
Ấy vậy mà chưa đầy ba tháng, Đoàn Kịch nói non trẻ này đã có đủ kịch ngắn diễn vài ba đêm. Trong kịch mục, ngoài những kịch nói trên còn có các vở viết về đề tài Thanh Hóa: Nhiệt điện, Cô gái bến phà của Mai Bình, Người thôn Nam, Hạt giống, Vẫn giữ đường cày của tôi… Và, trình độ diễn xuất thì chững chạc đáo để.
Chúng tôi lên đường với ba lô trên vai, phục trang của ai người ấy mang, cùng hai đèn măng-sông có chụp phòng không. Đoàn Kịch non trẻ này đi suốt chiều dài từ Hàm Rồng đến Ghép để biểu diễn trên các trận địa pháo, trên các chốt cao xạ, có năm ăn tết với bộ đội như anh em một nhà... Rồi cứ thế, Đoàn Kịch rong ruổi gần ba năm trời.
Hãy nghe Thế Dương, học trò của ông buổi ấy (sau là Đoàn trưởng, hội viên Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam) viết về chặng đường này trong tập sách nói trên: "Đây là thời kì sôi nổi, đẹp đẽ nhất của đời người, thời kì Thế Dương học hỏi được nhiều điều ở ngay thực tế và từng bước trưởng thành…”. Có thể nói rằng Đoàn Kịch nói Thanh Hóa được sinh ra trong khí thế cuộc chiến, được đào tạo theo cách học và hành phù hợp với thời chiến, dám lao ngay vào khói lửa cuộc chiến, và nó lớn lên rất nhanh.
Đến cuối năm 1968, ông lại trở vào cùng nghệ sĩ Trần Hoạt nâng đoàn lên chính quy. Lúc đó bom đạn đã thưa, đoàn vững vàng dựng các vở dài : "Cửa mở hé" của ông, "Lẽ sống" của Mai Bình... Và đến năm 1970, chưa đầy bốn tuổi, Đoàn kịch nói Thanh Hóa đã đàng hoàng đi dự Hội diễn sân khấu toàn quốc với các đoàn đàn anh, đàn chị... Hai học trò ông Mạnh Phúc, Thanh Xuân đã được tặng thưởng Huy chương Bạc.
Tôi nhớ: cái đận ông vào dựng vở “Ức Trai" cho Đoàn Chèo Thanh Hóa đúng vào dịp ông tròn sáu mươi tuổi. Cánh sân khấu trong này, mà chủ lực là hai đoàn Kịch nói và  Chèo, tự động đứng ra tổ chức "lục tuần đại khánh" mừng ông. Chật ních sân nhà trưởng đoàn Chèo, hoa tặng pháo ran, họ vây lấy ông, ríu rít chúc thầy, mừng bố, kính ông, rồi thì rượu... rượu... Ai cũng muốn ông nghe được câu tỏ lòng biết ơn ông của họ. Cứ thế, cứ thế tới lúc người nói, rượu nói mà chưa vãn. Tôi thấy ông vui đến mệt nhoài. Tôi nhớ một câu "hát vỉa cải tiến" ở mâm bên rằng: "Nếu không có bố Lộng Chương, thì Đoàn Kịch nói tắc đường khai sinh!".
  
15 năm trước ấy, ông Lộng Chương gửi cho tôi một bức thư...
… Dài 7 trang khổ giấy lớn, một lá thư "rất bạn". Tôi nói "rất bạn" để tránh sự lạm dụng ý nghĩa của từ bạn. Bởi lẽ, so tuổi đời thì tôi thua ông gần chục tuổi; so tuổi nghề thì khi tôi đang cắp sách đi học, ông đã nổi danh trong giới văn chương Bắc Hà. Vậy mà ông vẫn liệt tôi vào hàng bạn. Có thể vì hồi năm 1966 ông vào Thanh xây dựng Đoàn Kịch nói Thanh Hóa, đã thông cảm với cánh Văn nghệ địa phương chúng tôi, làm việc thì đầu chầy đít thớt nhưng vẫn giữ gìn nghiêm túc tư thế của kẻ sĩ chân phương... (Đó là tôi nghĩ thế!).
Lá thư ấy đề ngày 11.11.1981, mở đầu như thông lệ: "Gửi ông Hà Khang quý mến". Nhưng tiếp theo là những dòng, những dòng trách cứ rất thẳng thừng... Tuy vậy tôi rất quý nó và giữ gìn cho đến hôm nay: 15 năm rồi đấy!
Vào thư, ông đốp ngay: (những câu trong ngoặc kép là tôi trích từ lá thư ấy).
“Huy Lý đưa vở "Đảo hoang thuở ấy" của ông cho tôi xem và đặt vấn đề góp ý kiến để Đoàn dựng. Nếu đây là một tác phẩm của ông đóng góp vào sân khấu địa phương trong lúc tàn cục thì riêng tôi nghĩ cần phải suy nghĩ. Bởi, nói đến Thanh Hóa thì người ta đều nhắc đến Mai Bình, Hà Khang... Tôi, với tâm tình chí cốt nói: nếu Hà quân bằng lòng với “Đảo hoang thuở ấy”, thì tôi thấy ông vô tình đã xóa đi cả một "cuộc đời" văn nghệ đã qua!".
Rồi ông khuyên:
“Với tinh thần tôn trọng bè bạn sĩ phu muôn thuở xin đặt vấn đề với ông: có nên không? Mà tôi thì không dám liều mạng, lạm dụng tình bạn dúng vào khi chưa rõ ý ông ra sao?... Tôi nghĩ: phải sửa ông ạ. Tình thật nếu để y nguyên "Đảo hoang thuở ấy" thì không có loại hình sân khấu nào hiện nay có thể dựng nổi để doanh thu. Mà không doanh thu thì thật "chết ráo”!... Chưa nói đến chết luôn cả uy tín của người viết!".
Tiếp đó là những ý kiến của ông "cuốc vào, cào ra" cái được cái hỏng của vở kịch.
Đọc đi đọc lại bức thư, tôi có nhiều suy ngẫm, càng suy ngẫm càng thấy ông rất chân tình với mình, hết lòng hết dạ với mình. Tôi muốn ra ngay Hà Nội gặp ông, nhưng tiếc là sau đó ít ngày, ông phải đi công tác ở miền Nam. Xem xét những ý kiến ông góp cho vở kịch, tôi đã phá tung ra và mải mê sửa chữa. Khi sắp xong việc thì, vừa được tin ông ở Sài Gòn về đã thấy ông vào Thanh Hóa tìm Huy Lý và tôi bàn cách dàn dựng vở này. Ông nói: vì tình nghĩa bạn bè ông nhận đạo diễn vở với tuyên bố: “Giốc toàn lực vào trận đánh này, và quyết là không thể đánh kiểu Cao Biền dạy non được". Và ông chia việc cho trưởng đoàn, tác giả, đạo diễn, người nào việc nấy chuẩn bị dàn dựng. Nhất thiết vở diễn phải bám chắc vào cái thème bằng hai câu thơ mà đột nhiên ông đọc ra:
“Sao cứ ép mình trong vỏ hến
Khi ngoài kia trời rộng bao la..."
Rồi ông về Hà Nội. Đúng hẹn, ông trở vào với kịch bản đạo diễn dày gấp hai lần kịch bản văn học. Kịch bản của ông làm rất kĩ. Mở đầu bằng những trang nghiên cứu tư liệu thời cuối Hùng Vương chuyển qua thời An Dương Vương, để quy định hoàn cảnh lịch sử, vừa có cơ sở thực tế về thời đại đồ đồng, sơ kì đồ sắt, kết hợp địa phương hóa tích truyện, là thời kì cực thịnh đồ đồng, đánh dấu bằng thời đại Đông Sơn... trống đồng đã được đúc hàng loạt để trao đổi trâu bò với rợ Hồ Tôn. Từ đó: Kịch xảy ra. Do vậy, diễn viên tiếp thu được bài học lịch sử bổ ích, hiểu chu đáo hoàn cảnh vở diễn, rồi vào vai đỡ lúng túng...
Không lâu sau, vở chèo ra mắt với cái tên “Đày ra hoang đảo" chứ không phải "Đảo hoang thuở ấy". Nó được công chúng Thanh Hóa tiếp nhận khá nồng nhiệt. Và tất nhiên là anh chị em diễn viên Đoàn Chèo Thanh Hóa đã lưu giữ trong lòng họ những kỉ niệm quý báu về ông: người nghệ sĩ lão thành đã làm việc cho họ với một tinh thần đầy ắp trách nhiệm, hòa cùng một tình cảm thân thương...

Riêng tôi, tôi muốn nói với ông điều này:
“Anh Lộng Chương ạ, anh biết đấy, từ năm 1974, từ Ty Văn hóa tôi chuyển sang Hội Văn nghệ làm việc mà người ta gọi là "quản lí". Được tiếp xúc với nhiều anh em sáng tác các thể loại văn nghệ (trong đó có cả sân khấu), tôi thường đem chuyện anh nói với họ. Người thân tình thì tôi đưa cả thư của anh cho họ xem, những mong sao trong anh em văn nghệ nhà mình có được nhiều người như anh, hết lòng hết dạ, lao tâm khổ tứ đầu tư cho công trình của bạn mình, ắt rằng các tác phẩm của họ ra đời sẽ hay, chí ít là khá... Nhưng cho đến nay, sau nhiều năm nhìn ngang nhìn dọc, trông lên trông xuống, tôi ngẫm ra thì... "có lẽ rằng là hiếm!".
Cuối tháng 11/1996
 
Lộng Chương (thứ hai từ trái sang), Trần Hoạt bên phải cùng),
Hà Văn Cầu (đứng thứ ba từ phải sang) trong một chuyến đi Thanh Hóa
  _______________________________
(*) Sách “Kịch Lộng Chương” - Nxb Văn học, 1997; Sách “Lộng Chương trong trái tim bè bạn”, Nxb Hội Nhà văn, 2013.












Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét