Cha Mẹ (2001) |
Đã qua giỗ hết mẹ. Lại sắp đến giỗ cha. Cũng là
ngày giỗ hết.
Kể từ phút giây cha nằm xuống, còn chưa đầy ba
ngày nữa là tròn hai năm. Hai năm là bảy trăm ba mươi ngày trôi qua
trong nỗi nhớ cha nhớ mẹ triền miên day dứt bám riết nơi con. Nỗi nhớ
cha nhớ mẹ là một phần trong giấc ngủ, mỗi khi con ăn, mỗi lúc con
uống, ở mỗi công việc hằng ngày con trải. Cha nhắm mắt với niềm đau
thắt ruột. Mẹ nằm xuống trong nỗi buồn mênh mang. Nỗi buồn, niềm đau
qua ngày dường chẳng vơi đi, mà lại trào dâng quay quắt dày vò trong
con. "Cha đưa mẹ đón" liên tiếp chưa đầy năm làm con chơi vơi
đau đớn, luôn phải tìm về quãng sống xưa để hoài niệm một thời còn
cha còn mẹ, mong khoả lấp khoảng trống chông chênh khi vĩnh viễn chẳng
còn được "non cao nước nguồn" che chở.
Con nhớ lắm những ngày còn cha còn mẹ, còn tràn
trề hạnh phúc của một đại gia đình trong ấm ngoài êm. Cha, mái tóc
trắng dài vuốt ngược, ngồi nhâm nhi ly rượu trong vắt làng Vân mẹ
rót. Đó là những khi cha dừng bút viết, tìm phút thảnh thơi bên
người vợ hiền. Mẹ, dáng nhỏ vai gầy, tảo tần mưa nắng, lo cho cha
từng bữa ăn, chăm cho cha mỗi giấc ngủ, giấu mọi xáo động do nỗi lo
cơm áo gạo tiền để cha dồn tâm sức lên trang viết. Trong yên tĩnh,
trán hằn sâu nếp nhăn, cha lật xuôi lật ngược những ngang trái cuộc
đời, tìm ý tứ đưa vào tác phẩm. Cả đời cha, đã bao lần như thế? Đã
bao lần cha thanh thản bên mẹ của con, để bất chợt bật ra hướng thoát
cho một tình huống trong vở kịch đang còn dang dở? Nhiều lắm phải
không cha? Chẳng vậy mà, khối lượng sáng tác của cha khổng lồ đến
vậy! Còn mẹ, có bao giờ mẹ nghĩ, đời mình nào có khác con tằm cần
mẫn rút ruột nhả tơ tận tới lúc sức tàn lực kiệt, dâng hiến bao
"sợi vàng" ngõ hầu giúp cha "dệt" nên những trang văn
để đời của kẻ sĩ. Chắc chắn cha biết, bao đêm dài cha ngồi sáng
tác, cũng bằng ngần ấy đêm mẹ con thao thức không yên. Trời khuya tĩnh
lặng, bên ánh đèn vàng, cha nghiêng nghiêng đầu trên trang bản thảo. Mẹ
đi lại sẽ sàng, khi rót chén rượu nhạt, lúc pha ly sữa nóng, giúp
cha dẻo dai mài bút trắng đêm. Mẹ thương cha nhiều lắm khi ngắm Người
vật vã khôn nguôi trong cơn "vượt cạn", mong cho ra đời những
đứa con tinh thần hữu ích. Cha còn nhớ, có những khi bất luận cơn
cớ, cha trút giận lên người vợ hiền suốt đời tận tâm tận lực cùng
Người - là mẹ của con. Vậy mà, mẹ nhẫn nhịn cha qua lần nóng giận.
Cơn nước lửa qua rồi, tình cảm giữa cha và mẹ càng quấn quýt hơn.
Nếp ứng xử văn hoá trong tình nghĩa vợ chồng của cha của mẹ, chẳng
bao giờ chúng con theo nổi, dù được đọc rất nhiều sách vở.
Con chẳng thể quên, mỗi lần cha đi xa về gần, cha
luôn có quà riêng cho mẹ. Một chiếc khăn quàng. Một manh áo ấm. Một
chiếc lược ngà. Một lọ nước hoa... Mẹ nhận quà, mắt sáng ngời hạnh
phúc. Mẹ trân trọng mỗi lời cha nói, mỗi việc cha làm. Mẹ nâng niu
từng trang bản thảo. Mẹ xếp giữ cẩn thận mọi tác phẩm của cha.
Bởi, mỗi tác phẩm ấy là một kết hợp hài hoà, bền chặt khối óc
tinh hoa của cha cùng tấm lòng nhân hậu bao la của mẹ. Cuộc đời của
cha không thể thiếu mẹ. Và, cuộc đời của mẹ sống để vì cha. Cũng
có nghĩa, tự thuở ông bà nội ngoại sinh ra cha ra mẹ, nhân duyên của
cha mẹ đã được tiền định rồi! Bao lần con băn khoăn tự hỏi, trải hơn
sáu chục năm cuộc đời nhân duyên của cha và mẹ, chưa một lần con cảm
nhận về sự mệt mỏi, nhàm chán trong cuộc sống lứa đôi. Thế mà, với
thế hệ chúng con sao khó đến vậy... Xưa nay người đời thường nghĩ,
kiếp nghệ sĩ là phận bèo bọt phù du, là bạn song hành cùng nghèo
đói. Và theo cổ nhân, nghèo thì hèn!? Nhưng trước cuộc đời nghệ sĩ
của cha, chúng con hoàn toàn có quyền ngẩng cao đầu kiêu hãnh! Với
cha là vậy. Mà cạnh cha là mẹ - điểm tựa cuộc đời cha; điều đó có
nghĩa là, chúng con cũng rất tự hào về mẹ! Vậy cổ nhân ơi, Người vô
cùng đáng kính. Song, về cha mẹ chúng tôi, Người đã sai rồi!
Sự nghiệp của cha - Nhà viết kịch Lộng Chương, có
rất nhiều sách đã xuất bản, bao vở kịch từng được công diễn nhiều
năm. Nhưng, trong khối di cảo của Người mà vợ chồng con đang lưu giữ,
còn vô số tác phẩm chưa hề công bố. Cuộc đời cha gắn liền với một
thời đoạn túng bấn nghèo đói, vậy mà cha vẫn dẻo dai tay bút, làm
nên khối tác phẩm khổng lồ. Và như thế, tưởng suốt đời cha chỉ biết
cầm cây bút viết. Nhưng không phải! Chẳng việc gì trong nhà cần đến
bàn tay người đàn ông mà cha không làm được. Đóng chiếc bàn học cho
con. Dọi lại mái nhà thay viên ngói vỡ. Cân vành xe đạp. Sửa chiếc
bugi xe máy... Cha là một người đàn ông đích thực! Vì vậy, Cha cũng
chính là điểm tựa vững chắc của cuộc đời mẹ con!
Giờ, cha mẹ đã ở nơi chín suối. Nơi cõi hư huyền,
con tin rằng, cha mẹ mãi mãi là điểm tựa của nhau. Trước, nhớ cha
nhớ mẹ, chỉ tích tắc con trở về để được ủ ấm trong tình cha nghĩa
mẹ. Nay, nước mắt chảy tràn, con thắp ba nén nhang nhờ làn khói mỏng,
đem tình con quấn quyện với hương hồn của mẹ cùng cha.
Trước ngày giỗ hết Cha (27/5 âm lịch năm Ất Dậu-2005)
(*) Đã đăng
Báo Phụ nữ Việt Nam; Sách “Lộng Chương trong trái tim bè bạn”, Nxb Hội Nhà văn, 2013.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét