Ảnh minh họa |
Đến giờ khai mạc, những vị lãnh đạo cấp cao của Trung ương và Hà Nội có mặt, lần lượt lên phát biểu theo chương trình đã định. Lúc này, tôi thấy trong dãy nhà khung mênh mông tôi ngồi vẫn còn rất nhiều ghế trống. Chợt tôi ngoái ra phía ngoài sân chói nắng. Trước mắt tôi là mấy chục công nhân trong bộ đồng phục xanh, mũ bảo hộ vàng, người ngồi xổm, kẻ bệt đít xuống đất, nhấp nha nhấp nhổm theo hàng ngang, mặt quay vào phía trong dãy nhà khung mênh mang, lộng lẫy, nơi tôi ngồi. Tiếp phía xa, là mấy trăm bà con nông dân, già trẻ, trai gái, kẻ đi dép, người chân không đang chen chúc đứng ngồi phía ngoài bờ ruộng. Lòng tôi bỗng quặn thắt.
Tôi nhớ, trong nhiều chỉ thị của lãnh đạo Trung ương và Hà Nội, việc tổ chức các ngày lễ kỷ niệm, các cuộc khởi công xây dựng, các lễ khánh thành công trình... phải làm sao cho trang trọng mà tiết kiệm. Nhưng theo một thông tin bị rò rỉ, để chi phí cho một lễ động thổ như hôm tôi đi dự, đã tốn kém mấy trăm triệu đồng cho khoảng 30 phút của buổi lễ. Trong khi đó, nếu không thể lo hết chỗ ngồi cho bà con nông dân, vì đó là số đại biểu có thể coi là “khách không mời”, là những người ngay tại địa phương do háo hức với những điều mới lạ mà tự đến, thì Ban tổ chức cũng nên sắp xếp đủ số ghế ngồi (chỉ cần những cái ghế nhựa), cho mấy chục công nhân đang ngồi bệt dưới đất ngoài nắng kia. Chi phí mấy chục chiếc ghế nhựa cho những người công nhân là quá nhỏ nhoi, không đáng gì so với mấy trăm triệu đồng được dùng cho buổi lễ. Mà thực ra, ghế trống, ghế thừa trong khu vực dành cho quan khách còn rất nhiều. Đội ngũ công nhân mới đích thực là những con người có vai trò quan trọng cho sự thành công của công trình trọng điểm. Chẳng nên để lại trong mắt những người có mặt ở buổi lễ ngày hôm nay những hình ảnh phản cảm. Được vậy, sự trang trọng và không khí tưng bừng ngày lễ khởi công sẽ trọn vẹn hơn.
Báo KH&ĐS, 8/8/2005
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét