Ảnh chụp ngày 10-10-2014 |
Trong thực tế,
các ngành hữu quan đã có rất nhiều cố gắng thực hiện nhiệm vụ của mình trong
việc bảo vệ môi trường và bảo vệ trật tự an toàn xã hội. Tuy nhiên, bên cạnh
những kết quả không thể phủ nhận, sẽ không khó khăn gì mà không nhận ra những
tồn tại, yếu kém vẫn xuất hiện, như một sự thách thức công khai đối với công
luận xã hội.
Một số địa điểm, nhất là các bến đỗ xe buýt, mặc dù đã có nhà vệ
sinh công cộng mà sau lưng nhà chờ, nhiều người vẫn vô tư “cho đầu ra” một cách
thoải mái tới mức, nhức mũi khách đợi xe. Đó là các bến ở Long Biên, những
khoảng trống giữa các xe đỗ ở vỉa hè phố Trần Nhật Duật, hay ngay sát chỗ dốc
lên xuống cầu Long Biên; thậm chí, vỉa hè phố Lê Lai sát tường Thành uỷ Hà Nội,
nhiều gốc cây thường xuyên đọng sũng nước thải vàng ố… Không ít các bức tường
ngoài đường phố, trong các khu tập thể chi chít những số điện thoại quảng cáo,
mà nhiều năm nay, hầu như các cơ quan chức năng bất lực. Theo đại diện Sở Văn
hoá cho biết, Sở Bưu điện đã trả lời về vấn đề này rằng: việc đơn phương cắt
những số điện thoại này không có quy định trong hợp đồng!?
Nước thải sinh hoạt, sản xuất, bệnh viện… cũng
là vấn đề đáng lo ngại. Được biết, chỉ 5% lượng nước thải toàn Thành phố được
xử lý; còn lại lượng nước thải công nghiệp độc hại và bệnh viện hầu như vẫn
được đổ thẳng ra cống chung của toàn Thành phố. Vậy nên, các con sông Lừ, Sét,
Kim Ngưu và Tô Lịch vừa được nạo vét mà nước vẫn đen ngòm và bốc mùi hôi thối.
Trong những
tháng đầu năm trở lại đây, công an Hà Nội đã liên tục phát hiện những tụ điểm
khách sạn, nhà hàng karaoke… ăn chơi truỵ lạc, gây mất trật tự trị an với hàng
trăm thanh thiếu niên hư hỏng, sa sút về
đạo đức, lối sống. Theo số liệu từ UBND thành phố Hà Nội, trong tuần từ
16-22/9/2005, bắt được 27 vụ phạm tội mua bán, tàng trữ, tổ chức sử dụng trái
phép chất ma tuý; phát hiện 112 vụ phạm pháp hình sự (có 11 vụ trọng án), phát
hiện 6.489 vụ vi phạm Luật giao thông đường bộ và xảy ra 23 vụ tai nạn giao
thông đường bộ, làm 13 người chết… Đơn cử những con số liên quan đến trật tự xã
hội, an toàn giao thông và tệ nạn xã hội đó cho thấy, còn nhiều vấn đề nổi cộm
trong việc thực hiện Đề án 31- ĐA/TU của Thành uỷ, mà ngày một ngày hai chưa
thể giải quyết được. Vừa qua, Thành uỷ Hà Nội tiếp tục ra Thông tri 22-TT/TU,
phổ biến đến từng chi bộ, “Về tăng cường công tác bảo vệ môi trường Thủ đô
trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước”; trong đó đặt ra
nhiệm vụ thứ 6: Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội Thành phố
tích cực phối hợp với các cơ quan quản lý Nhà nước, chủ động xây dựng chương
trình hành động, động viên toàn thể hội viên, đoàn viên tích cực tham gia công
tác đảm bảo vệ sinh môi trường”.
Đúng là, nhiều
phong trào xã hội từ xưa đến nay, một trong những nguyên nhân tạo ra sự thành
công là do huy động được sức mạnh tổng hợp của các tầng lớp nhân dân. Nhưng tại
sao giờ đây, ở những nơi công cộng vẫn tồn tại những yếu kém như đã nêu ở trên.
Điều đó cho thấy, quá trình vận động của cuộc sống, nhận thức và trách nhiệm
của mọi người đã có sự thay đổi tách biệt và khác xa nhau. Hơn nữa, ở một số
địa điểm công cộng, hàng ngày có rất nhiều lực lượng tham gia bảo vệ: công an,
bảo vệ bến xe, giao thông công chính, ban quản lý chợ… tại sao vẫn ngang nhiên
tồn tại những hiện tượng rạch túi ăn cắp, đái bậy, vứt rác bừa bãi, đánh chửi
nhau…
Muốn xây dựng
một xã hội văn minh, cần thiết và nhất thiết phải xây dựng được một nếp sống
tôn trọng pháp luật và tôn trọng lẫn nhau. Hô hào, động viên tinh thần là đúng.
Nhưng những vấn đề có tính “sống còn của nhân loại”, như Nghị quyết Bộ Chính
trị nêu, chắc chắn hàm lượng các giải pháp mang tính hô hào động viên phải giảm
bớt; cùng với đó là những quy định cụ thể của pháp luật để đưa mọi hoạt động
của con người nghiêm túc đi vào quỹ đạo chung của xã hội, mới mong đạt hiệu quả
cao trong việc phát triển môi trường bền vững.
Báo KH&ĐS, 17/10/2005
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét