ĐOẠN BA
Sương mù mỏng dần. Nắng từng tia
vàng nhợt chiếu chếch xuống căn nhà nhỏ dựng lọt vào sườn đồi - nhà ở của ông Thành.
Phía đối diện nhà ông Thành nhô ra một
khoảng hiên thuộc dãy lán - nơi làm việc và
hội họp của Đội cầu.
Khắp đồi có cây và tre um tùm. Trên
khoảng sân giữa hai nhà, từng đống dây cáp và tà vẹt
xếp sát nhau. Bên cạnh là một cái chân tời cũ kỹ, han gỉ.
Một khẩu hiệu treo sát vách đồi: Địch
đánh ta cứ đi!
Ánh sáng trở lại. Vĩnh Khang và Vũ
Thành đang nói chuyện.
Vĩnh
Khang:
Nó cắt bom đúng thôn đặt bệnh xá của công trường cầu.
Vũ
Thành: Thế
mà bệnh xá không việc gì. Nhưng bom lại phạt mất một mảng nóc nhà thờ Chúa. Mấy
người chạy vào đó bị thương. Có cả cậu công nhân cầu nhà mình.
Vĩnh
Khang:
Cậu ta có bị nặng không?
Vũ
Thành: Bị
thương ở cánh tay, do gạch ngói văng phải. Nhẹ thôi. Nhưng cũng mất hồn, bởi nó
vốn rất nhát. (Dừng một chút) Bác đi suốt đêm qua, chắc mệt lắm… hãy cứ nghỉ ngơi
đã.
Vĩnh
Khang: Không
sao đâu. Bác cho làm việc luôn, để tranh thủ
thời gian, bác còn lên đường…
Vũ
Thành: Bác
bảo… tình hình này thì tôi bỏ đi sao được. Trong thời gian bàn giao với bác, ít
nhất tôi cũng muốn hoàn thành việc đưa các đoàn tàu qua sông an toàn, thì mới
yên tâm nghỉ phép.
Vĩnh
Khang:
Các đồng chí ngoài Tổng cục rất hiểu những khó khăn của tuyến cầu trong này. Việc
để bác nghỉ, các đồng chí lãnh đạo cũng đặt ra nhiều biện pháp để giúp đội cầu
hoàn thành nhiệm vụ. Việc cử tôi vào thay bác một thời gian, chỉ là một trong số
biện pháp đã bàn.
Vũ
Thành: Nhà
tôi chắc còn ở ngoài này ít lâu.
Vĩnh
Khang:
Bác gái chỉ ở Hà Nội một hai tuần lễ, rồi còn phải đi vài nước để báo cáo tình
hình đấu tranh của phụ nữ miền Nam.
(Vũ
Thành cầm điều cày. Ngọn lửa đóm trên tay tắt lúc nào ông không để ý. Im lặng hồi
lâu).
Vũ
Thành: (Như nói một
mình)
Mấy năm gần đây tôi không được tin gì về bà ấy và cháu Tráng -
em thằng Thắng. Nỗi lo về vợ, nỗi lo về con… thế mà đã mười tám năm.
(Vĩnh
Khang đi ra phía đường cái, muốn để Vũ Thành có được ít phút nghĩ đến người thân. Vũ Thành lại bật lửa nhưng không hút
thuốc. Ngọn lửa lại tắt. Vĩnh Khang vào. Đến Vũ Thắng vào).
Vũ Thắng: Chào
bác Vĩnh Khang. Con chào ba.
Vĩnh
Khang:
À… kỹ sư Thắng! Anh cũng vừa vào tới đây phải không?
Vũ Thắng:
Vâng
ạ!
Vĩnh
Khang:
Thế anh cũng không gặp được má ở ngoài Hà Nội?
Vũ Thắng:
Thưa
bác không.
Vĩnh
Khang:
Vậy thì… để tôi điện về Tổng cục xin phép cho anh ra Hà Nội với ba, để gặp má
luôn thể.
Vũ
Thành: Việc
đó xin để sau… giải quyết. Bác hãy đi rửa mặt cho tỉnh táo một chút đã.
Vĩnh
Khang:
Được! (Với Thắng) Chuyện phép của
cháu để bàn thêm nhé.
Vũ Thắng:
Vâng.
(Vĩnh Khang đi).
Vũ
Thành: (Với Thắng) Thắng
à… chuẩn bị làm việc luôn, nghe con!
Vũ Thắng: Thư…
ưa… dạ! (Đến bên bố) Thưa ba…
Vũ
Thành:
Gì con?
Vũ
Thành: Thưa
ba… Việc thăm má con, ba đã…
Vũ
Thành: Ừ…
Ba rất mừng… Không ngờ gia đình ta lại được xum họp sớm thế… Giá có cả thằng
Tráng em con nữa thì thật là hạnh phúc quá đó…
Vũ Thắng:
Vâng!
Nhưng hiện giờ… hẳn má con đang nóng lòng gặp ba… gặp con…
Vũ
Thành: Hẳn
con cũng muốn được gặp má?
Vũ Thắng:
Dạ…
Nhưng con mới về công tác… đi ngay e không tiện. Ba ra
gặp má con là được rồi. Hay là, nếu ba xin phép cho Liên cùng đi thì tốt quá.
Vũ
Thành: (Bất ngờ) Sao?
Con Phương Liên… (Vừa lúc Phương Liên tới).
Phương
Liên: Ba!
Vũ
Thành: Phương
Liên đó à! Con muốn đi ra Hà Nội gặp má phải không?
Phương
Liên: (Nhìn Thắng ngập
ngừng) Thưa
ba… nếu hoàn cảnh cho phép thì…
Vũ
Thành: (Thông cảm với
Liên)
Ừ, con mong được gặp má là tốt. Nhưng để coi… xem thế nào…
Phương
Liên: Nhưng
thưa ba… tình hình hiện nay con đi sao được.
Vũ
Thành: Ừ,
má con nhất định thông cảm thôi! Ba biết tính bà ấy. (Xúc động đi nhanh về phía dãy lán).
Phương
Liên: (Với Vũ Thắng) Anh
xin ba cho em ra thăm má à?
Vũ Thắng:
(Gật) Thế
Liên không muốn sao?
Phương
Liên: Muốn
quá ấy chứ. Nhưng tình hình đội cầu đang căng, em đi sao được.
Vũ Thắng:
Như
thế là vừa rồi nó đã đánh vào khu dân cư, nơi trú quân của đơn vị ta.
Phương
Liên:
Không phải là lần đầu bọn Mỹ đánh vào dân đâu.
Vũ Thắng:
Nhưng
địa điểm này có quân ta đóng. Nên nó phải tìm diệt.
Phương
Liên: (Hơi sẵng) Nhưng
nó diệt được hay không, còn tùy thuộc ở phía ta, chứ đâu chỉ nó quyết định. (Thắng nhìn Liên, hơi ngạc nhiên; khiến
Liên thấy cách phản ứng vội vàng của mình. Liên hạ giọng) Thực tế đó, trên
mọi mặt trận đã được chứng minh, anh ạ.
Vũ Thắng:
Đúng
thế! Nhưng ta rất có thể sơ hở… Vì, về kỹ thuật ta không có phương tiện phát hiện
địch từ xa và chính xác… (Chỉ tấm biển khẩu
hiệu) Đấy, Liên xem, khẩu hiệu đề ra là đúng; nhưng thực tế… địch đánh mà
ta cứ đi thì chỉ có thể là đi bằng chân, đi liều. Cho nên, đặt quyết tâm bám trụ
cầu tuy là đúng, song phải linh hoạt; phải nắm được tình hình cụ thể trong mọi
tình huống khác nhau, phải hiểu rõ địch và biết rõ ta, để mà tùy cơ tiến thoái…
(Phương
Liên đứng lặng, ngỡ ngàng với sự bộc lộ tâm tư của người mình yêu) Phương Liên: (Cố gắng nén phản ứng) Thế
theo anh thì nên xử trí thế nào?
Vũ Thắng:
(Lầm tưởng Liên
đã bị thuyết phục) Theo anh thì… nhân dịp má ra Bắc, trên
đã cho ba nghỉ phép, chúng ta nên vận động ba đi, rồi từ đó… ba chuyển công
tác.
Phương
Liên: Thế
còn em?
Vũ Thắng:
Còn
Liên… anh sẽ đề nghị với bác Vĩnh Khang cho Liên đi với ba ra thăm má.
Phương
Liên: (Vẫn nhẹ nhàng
như đồng tình) Và từ đó… cũng chuyển công tác, phải không anh?
Vũ Thắng: Nếu
tình hình thuận lợi. Nhưng trường hợp Liên thì…
nên chuyển qua một đơn vị nào đấy, ở đây… nhưng ít… nguy hiểm hơn.
Phương
Liên:
Ở tuyến phía Nam này thì tìm đâu ra một đơn vị ít nguy hiểm?
Vũ Thắng:
Có
chứ!... Như đơn vị chuyển tải xe đạp thồ chẳng hạn.
Phương
Liên:
Anh thử nói với ba xem.
Vũ Thắng:
Nói
thẳng với ba thì không được. Mà phải là khéo léo tiến hành từng bước.
Phương
Liên:
Em hiểu! Giờ thì em đã hiểu anh. Có điều em cần nhắc anh… anh chớ quên việc Nhà
nước cho anh đi học… từ một kỹ sư, có nhiệt tình cách mạng, trở thành kỹ sư trưởng…
không phải chỉ nhằm khoác cho anh một học vị suông.
Vũ Thắng:
Sao
lại suông. Chính vì với học vị đó mà anh…
Phương
Liên: (Không kìm được
nữa) Anh
Thắng! Anh đừng để mọi người thất vọng. Nghe tin anh về đây công tác, từ ba cho
đến anh chị em công nhân biết anh trước đây đều mừng. Vì ai cũng tin rằng, anh
là một người có nhiệt tình, lại dũng cảm nữa; nay trình độ nghiệp vụ còn được
nâng cao… Chắc chắn anh sẽ có nhiều đóng góp thỏa đáng… Nhưng thực tế lại khác
hẳn. Rõ ràng là anh đã khác hẳn! (Bỏ đi).
Vũ Thắng: (Xô
theo)
Liên!… Phương Liên!
(Vừa
lúc đó Vũ Thành vác một tấm biển khẩu hiệu, đi từ phía lán ra. Khẩu hiệu:
Địch
đánh ngày, ta làm đêm
Địch
đánh đêm, ta làm ngày
Địch
đánh cả ngày cả đêm
Ta
làm cả đêm cả ngày!
Vũ
Thành: (Sững lại) Gì
thế?...
Vũ Thắng: (Quay vào) Không ạ!
Vũ
Thành:
Con Liên đâu?
Vũ Thắng: Thưa
ba, Liên về rồi ạ.
Vũ
Thành: (Mỉm cười) Bay lại
sinh chuyện gì với nhau thế? (Đi luôn về
phía vách đồi để đóng tấm biển khẩu hiệu, bên khẩu hiệu cũ).
Vũ Thắng:
Không!
Không có gì đâu ạ! (Đến bên bố cùng đóng
tấm khẩu hiệu. Đọc lướt nhanh khẩu hiệu) Thưa ba… cho công nhân ra hiện trường
làm ban ngày, có nguy hiểm không ạ?
Vũ
Thành: (Nhìn con) Nguy
hiểm! Nguy hiểm mà sợ à?
Vũ Thắng: Thưa… ba!
Vũ Thành: Thấy nguy hiểm mà sợ
thì không tiến lên được; chớ đừng nói đến đánh Mỹ cứu nước, con ạ.
(Vừa lúc Mạnh Hưng, Lan Thanh, Hoàng, Mừng, Sen, chị Hiền,
Phương Liên, Cầm Long đi cùng Vĩnh Khang tới).
Vĩnh Khang: Bác Thành,
anh chị em đến mừng bác…
Vũ Thành: Mừng tôi?
Mạnh Hưng: (Tiến lên một bước) Vâng! Được tin bác gái mới từ miền Nam ra thăm miền Bắc, chúng tôi đại diện
cho các tổ đội đến mừng bác, với ý nghĩ… Đây không những là sự kiện nói lên
thành quả tất yếu của một gia đình cách mạng, mà còn là chiến thắng chung của
nhân dân ta trong cuộc chiến tranh chống Mỹ này. Chúng tôi xin chúc mừng đồng
chí… và hứa với đồng chí sẽ hoàn thành thật tốt nhiệm vụ trong khi đồng chí vắng
mặt.
Vũ Thành: (Gật đầu) Xin cảm ơn các đồng
chí… toàn thể anh chị em! Nhưng với nhiệt tình quý báu của các đồng chí, của
anh chị em, tôi càng thấy mình phải xử lý trường hợp này như thế nào cho phải.
Nghĩa là… bác cáo với các đồng chí, tôi quyết định ở lại… chưa ra gặp nhà tôi ở
Hà Nội. Việc đặt vấn đề nghỉ phép là do sự quan tâm của lãnh đạo. Nhưng trận
đánh mà tôi có trách nhiệm chỉ huy ở đây chưa kết thúc. Bốn đoàn tàu hàng đặc
biệt chưa qua được sông Cấm, thì tôi chưa thể dời khỏi vị trí chiến đấu. Cho
nên, việc tôi nghỉ phép vào lúc nào, xin để tôi được quyền quyết định. Trước mắt
chúng ta là bốn đoàn tàu phải vượt sông Cấm! Xin các đồng chí
nhất trí cho… (Tất cả im lặng hồi lâu).
Vĩnh
Khang:
Tôi được cử vào đây tạm thay đồng chí Đội trưởng trên tinh thần…
Vũ
Thành: (Nói luôn) Bản
thân tôi và toàn thể gia đình tôi rất biết ơn sự quan tâm của lãnh đạo cấp
trên. Nhưng nhiệm vụ cách mạng là nhiệm vụ cách mạng… Còn đồng chí Phó Ban chỉ
huy tuyến phía Nam đã về đây… tôi đề nghị đồng chí tăng cường chỉ đạo để chúng
tôi hoàn thành tốt nhiệm vụ. Các đồng chí đồng ý không?
Mọi
người: (Bật lên) Đồng
ý!...
Vũ
Thành: Tập
thể đã quyết định. Xin tất cả vào việc ngay. Tình hình không cho phép chúng ta
vượt ra ngoài trọng tâm công tác. Kế hoạch chuẩn bị thi công các tuyến cầu đến
đâu rồi? Yêu cầu các đồng chí lần lượt báo cáo (Với Vĩnh Khang) Đề nghị đồng chí Phó ban theo dõi và cho ý kiến chỉ
đạo kịp thời. (Im lặng) Báo cáo đi!
Tuyến đường?
Mừng: Báo
cáo… Đội 339 và Công ty đường đảm nhiệm các tuyến vào cầu A, cầu C và chủ yếu
là cầu chìm… được Đội 205 cùng Trung đội dân công Tam Nghi hỗ trợ. Riêng Đội
373 chuyên đảm nhiệm sản xuất pa-lê, để nối đường sắt vào các cầu an toàn.
Vũ
Thành: Ngoài
việc phải bảo đảm chất lượng tốt cho hai tuyến cầu A và C, với tuyến Vỏ sò vào
cầu chìm, đêm nay bằng mọi giá phải hoàn thành, để cho tàu đi thử, xem có an
toàn không.
Mừng:
Xin
bảo đảm…
Vũ
Thành:
Phân công cụ thể thế nào?
Mừng:
Báo
cáo… tôi trực tiếp phụ trách hai tuyến A và C. Còn tuyến Vỏ sò vào cầu chìm do
đồng chí Sen Đội phó đảm nhiệm.
Thế
Hoàng: Báo
cáo… Tổ kích kéo ban ngày chỉ có nhiệm vụ chuẩn bị phương tiện; ban đêm xin được
phối hợp với bộ phận 339 làm tuyến đường Vỏ sò. (Có tiếng xì xào, rõ nhất là tiếng Cầm Long).
Tiếng
xì xào:
Nói thẳng ra là đi theo Họa mi rú Riềng…
Vũ
Thành:
Cụ thể phối hợp thế nào?
Thế
Hoàng:
Báo cáo… việc đặt nền đường cho đường sắt nối vào cầu chìm, đoạn này còn nhiều
bom chưa nổ, có cả bom từ trường, nên Tổ kích kéo sẽ phối hợp phá bom mở đường…
Vũ
Thành:
Tổ kích kéo có những ai sang phối hợp với 339…
Thế
Hoàng:
Báo cáo, có tôi… (Tiếng cười rộ lên.
Hoàng quay phắt lại) Tôi thay mặt tổ.
Vũ
Thành: (Giơ tay chặn lại) Thôi
được rồi. Đồng ý!
(Vỗ
tay reo hò. Mấy cậu tinh nghịch đẩy Hoàng xô vào Sen).
Vũ
Thành: (Lại giơ tay
ngăn)
Còn các tổ cầu?
Lan
Thanh: Báo
cáo… Kế hoạch của các tổ cầu làm tập trung bảo đảm an toàn hai cầu A và C. Nghi
trang cầu chính để dử địch, và hoàn thành lắp cầu chìm để đêm nay cho tàu qua
thử. Nếu ổn định thì tất cả bốn đoàn tàu đều cho vượt cầu chìm. Còn các cầu A
và C để dự phòng, hoặc có thể sử dụng nghi trang khi cần thiết.
Vũ
Thành: Đồng
chí Đội phó kỹ thuật có ý kiến gì không?
Mạnh
Hưng:
Kế hoạch đã nhất trí ạ.
Vĩnh
Khang: (Bật lên) Tốt!
Rất tốt! Cần phải phá thế độc tuyến, xử lý linh hoạt theo chiến thuật du kích
như thế là phù hợp thực tế.
Vũ
Thành: (Với Vĩnh
Khang) Đồng
chí có ý kiến chỉ đạo gì nữa không?
Vĩnh
Khang:
Hoàn toàn nhất trí!
Mạnh
Hưng: Báo
cáo… phương châm phá thế độc tuyến là điều chúng tôi quan tâm nhất. Để thực hiện
phương châm đó, Đội cầu Cấm đã phấn đấu thực hiện kế hoạch duy trì hàng loạt cầu
dự phòng, nhằm chuyển tuyến linh hoạt kịp thời và thực hiện nghi trang đánh lừa
địch. Nhưng kinh nghiệm cho hay, phải tiến hành xây dựng một loạt cầu vô hình mới
bảo đảm chiến thuật du kích thành công.
(Thắng
từ nãy đứng lắng nghe, tỏ ra nghiêm túc nhưng không khỏi lộ vẻ thờ ơ; trong khi
Phương Liên luôn theo dõi thái độ của Thắng).
Vũ Thắng: (Lẩm bẩm) Cầu vô hình…
Vĩnh
Khang:
Kỹ sư Mạnh Hưng muốn nói đến phương án cầu chìm… của đồng chí!
Vũ Thắng:
À…
vâng.
Vũ
Thành: Phương
án cầu chìm còn nhiều vấn đề phải bàn thêm, để bổ sung cho kế hoạch thực hiện.
Nhưng xin để lại bàn sau. Giờ thì… nếu các đồng chí không có ý kiến gì nữa thì
giải tán, và khẩn trương triển khai kế hoạch. Từng tổ, từng đội chú ý yêu cầu
phân tán… giải quyết khâu trọng điểm trước… Và, có kế hoạch phòng tránh chu đáo
để bảo đảm an toàn lực lượng.
Mọi
người: Rõ!
Vũ
Thành: Đồng
chí Mạnh Hưng ở lại. Lan Thanh đảm nhiệm đôn đốc chung và luôn luôn báo cáo
tình hình về đây. Nhưng chúng tôi cũng sẽ ra hiện trường.
Lan
Thanh: Rõ!
(Quay ra) Các tổ đội khẩn trương ra
quân!
Mọi
người:
Rõ!... (Họ kéo đi. Phương Liên, chị Hiền
đi bên Lan Thanh).
Cầm
Long: Báo
cáo, cháu ra cầu với đội…
Vũ
Thành: Cậu
ở nhà, có việc!
Cầm
Long:
Rõ!
Vũ
Thành: Đưa
bàn và mấy cái ghế ra đây. Rồi cho tôi nước pha trà… ấm chén…
Cầm
Long: Rõ!
(Đi vào. Mạnh Hưng giúp Long, đưa chiếc
bàn nhỏ cùng ba ghế đẩu ra đặt trước cửa phòng Vũ Thành).
Vũ
Thành: Mời
bác ngồi. (Nhìn Mạnh Hưng và Vũ Thắng) Mọi
người ngồi đi.
Vĩnh
Khang:
Cảm ơn bác.
Cầm
Long: (Xách phích nước
và mấy ca sắt, cùng chiếc điếu cày ra, đặt lên bàn) Báo
cáo…
Vũ
Thành: Ờ…
cảm ơn. Bây giờ cậu về trực điện thoại theo dõi hiện trường, có gì báo cáo
ngay.
Cầm
Long: Rõ!
(Đi về phía lán).
Vũ
Thành: (Với Thắng) Bản đồ
cầu chìm đâu, đưa ba…
Vũ Thắng: (Lấy ở túi xách ra) Thưa
ba, đây ạ…
Vũ
Thành:
Xem chưa?
Vũ Thắng:
(Lửng lơ) Dạ… ạ!
Vũ
Thành: Xin
vào việc!
Vĩnh
Khang:
Vâng!
Vũ
Thành: (Giở sơ đồ đặt
lên bàn)
Đây là sơ đồ thiết kế cầu chìm. Người đẻ ra nó là kỹ sư Hưng… sẽ trình bày.
Mạnh
Hưng: (Đứng lên, chỉ dẫn
sơ đồ, nói sơ lược) Sơ đồ thiết kế này đã có bản sao gửi
lên Bộ và Tổng cục để xin ý kiến…
Vĩnh
Khang:
Có… tôi có được xem.
Vũ
Thành: Cứ
báo cáo đi… Trình bày kỹ, càng tốt.
Mạnh
Hưng:
Vâng. Cơ bản là ta lợi dụng các trụ cầu cũ còn lại để đặt đường giấu chìm dưới
mặt nước. Dầm chữ I được đặt sẵn trên lưng goòng rồi hàn chặt vào nhau. Mặt cầu
được lắp sẵn, đêm lao ra, ngày cất đi… Tinh thần là: che mắt địch…
Vĩnh
Khang: Đúng!
Một loạt cầu kiểu “du kích” này… ngày chìm đêm nổi, rất hay… (Thấy Vũ Thắng im
lặng, hơi nhếch mép, liền hỏi) Kỹ sư Thắng đã xem bản thiết kế cầu chìm rồi thì
phải?
Vũ Thắng:
Thưa
bác… cháu xem chưa kỹ lắm, nhưng cũng thấy…
Vĩnh
Khang:
Kỹ sư thấy thế nào?
Vũ Thắng:
Thưa
bác, trong chiến tranh chống phát xít Đức, Liên xô cũng đã làm cầu chìm, nhưng
người ta không làm kiểu này.
Vũ
Thành: Kiểu
này… theo anh thì thế nào?
Vũ Thắng:
Thưa
ba… kiểu này quá thô sơ, không chịu nổi sức đánh phá của địch, và khó an toàn
tuyệt đối…
Vũ
Thành: (Ngạc nhiên)
A!...
Vĩnh
Khang: (Giơ tay ngăn Vũ
Thành) Kỹ
sư nói tiếp đi!
Vũ Thắng: Nếu
làm theo yêu cầu hiện đại để bảo đảm có đủ sức chịu đựng các loại bom tấn của địch
thì… ở đây không có đủ thiết bị và các loại vật tư… cả trình độ kỹ thuật tay
nghề nữa.
Vĩnh
Khang: (Cười thẳng thắn)
Hà…
hà… đúng đúng lắm! Nếu bom tấn ném trúng thì không chỉ thứ cầu này không chịu đựng
nổi, mà cả những loại cầu chính quy hiện đại trên thế giới cũng gục! (Thắng nhíu mày. Vũ Thành im lặng theo dõi.
Vĩnh Khang đỡ bằng giọng thoải mái) Thế cho nên Tổng cục mới cần đến những
bộ óc chuyên môn của các anh, tìm cách giải quyết những khó khăn ấy.
Vũ
Thành: (Ngạc nhiên trước
thái độ của con, nhưng còn nể nang, cười) Tình hình thực tế
nước ta hiện nay là thế đấy, Thắng ạ! Đến ngay việc phổ cập kỹ thuật thông thường,
thô sơ thôi, cũng phải áp dụng cách phổ biến thuộc lòng… kiểu vè dân gian kia…
Đây này… “Ba bài thuốc quý Lãn Ông” dùng để chữa cầu, đã được phổ biến trong
ngành đường sắt đây… (Cười… đọc) “Ba
bài thuốc quý Lãn Ông: Một là đá hộc. Hai chồng pa-lê. Bài ba ắt phải dầm I.
Giao thông thông suốt, tàu xe đi về…”.
Mạnh
Hưng: (Đột ngột) Báo
cáo đồng chí Đội trưởng, tôi xin phép ra cầu. Hôm nay lệnh của đồng chí là phải
tranh thủ làm ngày. Vấn đề phương án cầu chìm của tôi cũng đã trao đổi với anh
Thắng. Anh Thắng cũng đã nắm được và có rất nhiều ý kiến. Xin để anh Thắng tiếp
tục trình bày.
Vũ
Thành:
Ừ được! Đồng chí cứ ra với anh em
Mạnh
Hưng:
Vâng. (Nói với Thắng) Hôm qua tôi đã
trao đổi với anh rồi. Anh cũng nên trình bày thẳng với hai bác đây, những vấn đề
cần bổ sung, cần tháo gỡ, để phương án hoàn hảo hơn, phù hợp hoàn cảnh cụ thể,
và để việc thi công đêm nay bớt khó khăn. (Với
Vũ Thành, Vĩnh Khang) Báo cáo, tôi đi! (Mạnh
Hưng ra).
Vĩnh
Khang:
Hẳn kỹ sư Thắng có nhiều suy nghĩ mơ ước… khát vọng được đóng góp những công
trình lớn cho đất nước… quê hương…
Vũ Thắng:
Thưa
bác, cháu luôn nghĩ tới điều đó. Chính điều đó đã thôi thúc cháu phải làm gì…
Và cháu đã xin vào đây công tác!
Vũ
Thành: À…
cụ thể là thế nào, anh nói rõ cho tôi nghe.
Vũ Thắng:
Thưa
bác, thưa ba… Yêu cầu là thế, lý thuyết là thế, nhưng đoạn đường sắt này địch tập
trung đánh phá ác liệt nhất, nên khó có thể khẳng định trước điều gì. Bởi đặc
điểm địa hình nơi đây là: Địch đánh đường bộ thì đường sắt cũng bị, đánh đường
sông thì đường sắt cũng trúng. Biết vậy, song chúng ta không thể cải tạo cái địa
thế quá hẹp này cho nó rộng ra. Ta vẫn phải chấp nhận ba tuyến đường sắt, đường
bộ và đường sông sát sạt nhau, có chỗ lại chồng lên nhau thành tuyến độc nhất.
Cho nên, nếu ta cố bám trụ giữ cầu trong tình thế từng lặp đi lặp lại là, chữa
được cầu thì đường ô tô bị đánh hỏng, chữa được đường ô tô thì cầu hỏng, thì liệu
có nên tiếp tục mãi không? (Hạ giọng)
Cứ loanh quanh luẩn quẩn, chỉ tốn công tốn của, mà hàng hóa vẫn không đưa được
vào phía trong…
Vũ
Thành: Ờ… Tóm lại là, anh muốn ngừng hoạt động đường
sắt… để tập trung lực lượng cho các tuyến vận tải khác… như xe thồ chẳng hạn.
Đúng chứ?
Vũ Thắng:
(Dứt khoát) Thưa
ba, vâng!
Vũ
Thành: (Đang cầm cái điếu
cày, tức quá đập mạnh lên bàn) Vâng à? Hử? Trước đây… trước
đây… cũng đã có những người chủ trương như thế! Nhưng những người đó không phải
là kỹ sư cầu! Anh là kỹ sư trưởng về cầu, lại được đi học nước ngoài, mà cũng
muốn dùng xe thồ thay vận tải đường sắt? Lạ thật! Hãy mở mắt ra mà nhìn tuyến
đường sắt phía Nam này… mấy năm nay nó đã tồn tại và luôn luôn hoàn thành vượt
mức kế hoạch vận tải. Đó là thực tế!
(Cầm
Long vội vã xuất hiện, với Khang).
Cầm
Long:
Báo cáo, đồng chí có điện gọi!
Vĩnh
Khang:
Thế à? (Với Thành) Xin lỗi mấy phút. (Cầm Long trông thấy cái điếu cày vỡ).
Cầm
Long: Ơ…
cái điếu… (Nhìn nhanh hai cha con Vũ
Thành, nhặt cái điếu đi ra. Thấy Phương Liên tới, Cầm Long nói nhỏ để Liên tạm
đứng lại bên ngoài nhà. Chào rồi đi).
Vũ Thắng:
(Một giây lâu) Thưa
ba, con hiểu chủ trương của Bộ hiện nay là, phải chi viện nhanh nhiều cho tiền
tuyến. Và con biết Tổng cục cũng đặt vấn đề tăng cường lực lượng xe thồ cho tuyến
giao thông này…
Vũ
Thành:
Đúng! Tổng cục đã tăng cường cho tuyến giao thông này một đội xe thồ hàng trăm
chiếc, cả mấy chục chiếc thuyền nan nữa. Chắc chắn Tổng cục còn tiếp tục đầu tư
phương tiện vận tải thô sơ nhiều hơn nữa cho kế hoạch vận chuyển ở đây. Nhưng
như thế không phải là để bỏ đoạn đường sắt này. Ngược lại, đường sắt càng phải
bảo đảm bằng được việc vận chuyển thông suốt. Phải kiên trì giữ vững đường sắt
phía Nam, mở rộng và phát triển đường sắt phía Bắc… đó là nghị quyết, là quyết
tâm của cấp trên. Chúng ta phải nghiêm chỉnh thực hiện, cho dù khó khăn gian khổ
đến đâu… không thể chùn bước.
Vũ Thắng:
Thưa
ba… (Vĩnh Khang trở lại).
Vũ
Thành: (Đang đà, tiếp
tục với con) Như vậy, không phải là ngành đường sắt bảo thủ, con
hiểu không? Một chuyến tàu trọng tải gấp bao lần một đoàn xe đạp thồ, một đoàn
thuyền nan…
Vĩnh
Khang: (Tiếp luôn) Phải…
phải… Mà xe đạp thì thồ pháo và thồ xe tăng thế nào được… Bác Thành ạ, Tư lệnh
Quân khu vừa gọi điện hỏi tình hình…
Vũ
Thành: (Bật lên) Đồng
chí báo cáo thế nào?
Vĩnh
Khang:
Đêm nay, bằng mọi giá tàu chở “voi” phải qua được sông.
Vũ
Thành: Vâng…
Đúng thế! Ta ra hiện trường (Như nói cho
Thắng) Bác Khang ạ, tôi không muốn mọi người phải bận tâm về việc riêng của
vợ chồng tôi. Chẳng lẽ ý nghĩa của vấn đề Nam - Bắc chỉ gói gọn trong việc gia
đình tôi. Chẳng lẽ nhà tôi ra đây gặp tôi thì tôi hết nghĩ đến chuyện thông đường…
Tôi nghĩ… khi cuộc chiến này kết thúc, nhất định vợ chồng con cái tôi sẽ được
đoàn tụ, cũng như hàng triệu bà con mình trên đất nước này. Đấy mới là vấn đề
tôi, cũng như bác, và mọi người đã và đang theo đuổi.
(Chị
Hiền gánh nước đi cùng Trịnh Cương, thấy Phương Liên đứng bên ngoài, gọi với).
Chị
Hiền: Kìa
chị Liên, lãnh đạo có cả trong nhà, đến đề nghị gì thì vào mà đề nghị đi! Thôi,
chị đi hiện trường đây, chào chú Cương.
(Cương
mặt mày xây sát, một tay bị thương nặng treo lên cổ, đi đến bên Liên).
Trịnh
Cương:
Báo cáo đồng chí y sĩ, trong đầu em nó cứ lọc sọc… có lẽ em bị long óc…
Phương
Liên: Sao
anh không nằm nghỉ, lại ra đây? Mà cái gáo dừa bên trong đó có lọc sọc nhưng vẫn
còn nguyên vẹn là phúc đức đấy, anh phó hàn ạ… Ai bảo anh chạy vào nhà thờ. Tưởng
nhà thờ được bom nó nể à?
Trịnh
Cương: Nào
ai ngờ chúng nó lại cắt bom phá nhà thờ… Dã man quá!
Vĩnh
Khang: (Từ trong nhà tiến
ra)
A, cậu Cương, cậu bị thương vì bom Mỹ đánh sập nóc nhà thờ đấy hở?
Trịnh
Cương:
Báo cáo… em bị chấn thương não, óc bị long lọc sọc… lọc sọc… Em đề nghị được đi
an dưỡng… (Im lặng. Vĩnh Khang đến bên Trịnh
Cương, đặt tay lên vai anh).
Vĩnh
Khang: (Giọng thân mật)
Cương này, cậu còn nhớ ngày nào ở cầu Ninh Bình không? Hôm ấy cậu ngồi hàn trên
cầu cao mà bom Mỹ không hất được cậu xuống sông. Thật đáng nể. Cậu còn nhớ chứ?
Thoáng cái mà đã hai năm rồi đấy nhỉ!
Trịnh
Cương: (Như bàng
hoàng) Có
tôi… tôi có nhớ… (Im lặng suy nghĩ. Vũ Thắng
ra).
Vĩnh
Khang: (Với Vũ Thắng) Chiến
tranh mỗi lúc một ác liệt thêm, vậy thì tuyến cầu này rất cần đến những người
thợ cầu dũng cảm. Phải không anh Thắng?
(Ngoài
hiện trường có tiếng nổ lớn, không có máy bay. Qua một giây, Long hấp tấp chạy
vào).
Cầm
Long: Báo
cáo… đồng chí Hoàng bị bom ngoài hiện trường. (Phương Liên vội chạy đi. Vũ Thành nghe tin, bước vội từ trong nhà ra.
Vĩnh Khang và Vũ Thắng sững người).
Đèn
chuyển
Ánh
sáng tụ quang. Thế Hoàng cùng Sen mỗi người đứng ở một mô đất cao, cầm một số
biển để đánh dấu bom chưa nổ.
Sen: Chị
Lý ơi, khoan đưa “rầy” lại đây… Còn đang tìm phá từ trường nhé.
Tiếng
Lý: Biết
rồi!
Sen: Tranh
thủ chuyển tà-vẹt lại đi, kiểm tra nếu có đanh sắt thì bẻ lại…
Tiếng
Lý:
Biết rồi!
(Lúc
Sen đứng lại nói thì thấy Hoàng cứ đi. Liền đó, Sen phát hiện một hố bom sâu
ngay bên lối đi).
Sen: Ối… hố
bom nổ chậm. (Lùi lại vài bước thì Hoàng
đã đến bên) Ơ… sao anh quay lại?
Thế
Hoàng: Tại
anh không thấy O. Mà ghê thật, đến được bên O thì đúng là… đứng bên cạnh hố
bom!
Sen: (Nhìn thẳng Hoàng, tỉnh như không) Phải…
hố bom đây!
Thế
Hoàng:
Bom nổ chậm?
Sen: Có thể
nổ ngay bây giờ! Anh hãy lùi lại để em xem… (Tiến
đến bên miệng hố nằm xoài ra, thò tay xuống) Nó ở sâu lắm. (Ngồi lên, thò chân xuống) Vẫn không đến!
Thế
Hoàng:
Anh cao, chân dài. O để anh xem.
Sen: (Đứng lên) Anh xem đi… Cẩn
thận nhé! Nếu…
Thế
Hoàng: (Ngồi xuống,
rút chiếc dép lốp ở chân ra) Nếu có sao cũng là được “đi” bên cạnh O…
Sen: Từ
nãy anh tuyên bố nhiều thứ với em quá đấy…
Thế
Hoàng: (Đang thò chân
xuống hố bom) Anh đã tuyên bố gì với O đâu. Đấy mới chỉ là những cảm
nghĩ… Ái chà, hình như chỉ còn cách một tí là tới bom… O Sen ơi, sau này O có định
xin đi học thanh nhạc không?
Sen: Học
thanh nhạc làm gì?
Thế
Hoàng: Học
để hát cho hay hơn.
Sen: Tưởng
gì… Không, em sẽ xin đi học kỹ thuật cầu đường…
Thế
Hoàng: À…
thế thì anh cũng xin đi học cầu đường. Tưởng O đi học thanh nhạc thì anh cũng
đi học nhạc…
Sen: (Nhìn thẳng vào Hoàng, nghịch ngợm) Kỹ
thuật mở tuyến đường tim của anh Hoàng còn yếu đấy!
Thế
Hoàng:
Mở tuyến đường tim bằng kỹ thuật làm sao được… (Chân đã chạm vào bom, sửng sốt).
Sen: (Rất nhanh) Nóng
rồi phải không? Anh rút chân nhanh lên!...
(Hoàng
rút chân lên khỏi hố bom. Vừa đẩy được Sen ra xa, Hoàng chưa kịp lăn theo thì
bom nổ. Khói đất mù mịt. Im lặng… Tiếng sáo của Hoàng vút cao cùng tiếng hát của
Sen: “Người ơi người ở đừng về”).
Đèn
chuyển
Khi
ánh sáng trở lại, sân khấu trở về cảnh trước, trên sườn đồi đã thay khẩu hiệu mới:
Ngày đêm bám sát cầu đường
Sống kiên cường, chết dũng cảm
Tất cả vì miền Nam ruột thịt!
Vũ
Thành, Vĩnh Khang, Vũ Thắng xuất hiện. Cầm Long xách điếu cày theo sau.
Vũ
Thành:
Cậu Long đi tìm bằng được mấy đứa chạy máy bay địch mất tăm mất tích về đây…
Báo các tổ trưởng đến nhận nhiệm vụ ngay!
Cầm
Long: Rõ!
(Đưa điếu cho Vũ Thành) Điếu của bác ạ!
Vũ
Thành: (Chưa vội cầm
điếu. Nhìn Cầm Long. Lại nhìn Thắng) Hả? Mày đai lại
cái điếu cày này đấy à?
Cầm
Long: Báo
cáo… để bác có điếu dùng ạ. Với lại… cái điếu này là kỷ niệm…
Vũ
Thành: (Đỡ lấy điếu) Đưa
đây! Thôi đi đi!
(Cầm
Long đi, vừa lúc Vũ Minh tới).
Vũ
Minh:
Chào hai bác ạ… Chào anh Thắng.
Vũ
Thành:
Minh, mày lại đến đòi thông cầu hả?
Vũ
Minh: Thưa
bác… chúng cháu được tin đồng chí Hoàng hy sinh…
Vũ
Thành:
Đám tang thằng Hoàng vừa đưa xong. Vong hồn nó như thế cũng đã êm ả… Bây giờ là
công việc của những người sống đây… Đêm nay, tàu hàng phải qua sông Cấm… Không
thể chậm được nữa!... Không được phép chậm nữa!... (Vừa lúc, Cầm Long dẫn Dung, Mỹ đến. Vũ Thành nhìn thấy, dừng mấy giây,
nói tiếp) À… mấy đứa bay mất tinh thần… Thằng Hoàng hy sinh… mấy đứa bay phải
khóc bật máu mắt ra mới phải chứ! Thế nào… một tấc không đi, một ly không rời. (Chỉ bảng khẩu hiệu) Đọc đi… đọc đi… Đấy
là lời nói của một đồng chí lái tàu thời trước đấy. Một đồng chí đảng viên Đảng
Cộng sản ngày đó… Đồng chí ấy là người dẫn tôi đến với Đảng. Đồng chí ấy chính
là bố đẻ ra anh Minh đây. (Chỉ Minh) Đồng
chí ấy đã hy sinh khi điều khiển bằng được đoàn tàu đi ẩn nấp, dưới làn mưa bom
của máy bay Pháp. Đó!... Ngay từ khi hệ thống đường sắt về ta, cũng đã có những
tấm gương hy sinh oanh liệt bất khuất và dũng cảm như vậy. Truyền thống đó ta
phải duy trì và phát triển lên cao mãi… (Mọi
người tới đông, Vũ Thành tiếp) Các đồng chí!... Tôi còn là Đội trưởng, còn
là Bí thư Đảng bộ Đội cầu, tôi kêu gọi toàn thể các đồng chí: “Một tấc không
đi, một ly không rời!”… Tinh thần của tất cả chúng ta là: Tiến lên! Bằng mọi
giá, phải đưa bằng được các đoàn tàu qua sông!...
Tất cả:
Rõ!
(Trịnh
Cương từ phía bệnh xá chạy tới. Thấy mọi người đều hối hả tiến về phía hiện trường,
anh sững lại nhìn theo, rồi cắm đầu vụt chạy theo họ).
Màn
hạ
(Còn nữa)
(*) Sách “Lộng Chương - Để đến… Nơi đến”, Nxb Sân khấu,
2013.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét