Truyện ngắn Giang Trung Học
Họ Phan to
nhất làng Văn. Là một trong hai họ có công khai phá lập làng cách đây
hơn hai trăm năm. Ấy nhưng, dễ đã ba đời nay, họ Phan bị lép vế trước
họ Trần nhỏ bé. Thành thử trong tâm trí người họ Phan luôn luôn có
sự ấm ức.
Từ hôm
anh Khai lên giữ chân trưởng tộc họ Phan, xem ra rất máu me tìm mưu
tính kế để dần dần giành thế thắng cho họ. Anh còn rất trẻ. Tuổi
chưa đầy ba mươi. Cao to. Trường sức. Trình độ không được đại học thì
cũng có cái bằng phổ thông trung học, và từng đi khắp đó đây. Lại thêm
ưu điểm nổi bật là nhậy bén trước thời thế, với tính quyết đoán
cao. Nên mọi người đều đặt niềm hy vọng và ra sức ủng hộ anh, để đưa
họ Phan vượt lên.
Việc đầu
tiên mà vị Tân trưởng tộc định trình họ là vấn đề xây mộ tổ. Chả
là, mấy ngày vừa rồi người họ Trần đã tôn tạo mộ tổ của họ hoành
tráng uy nghi nhất làng. Đã vậy, nghĩa trang hai họ lại liền kề, một bên
xuất hiện ngôi mộ như thế, khác gì giở trò trêu ngươi thách thức
nhau. Rồi hằng ngày người qua kẻ lại nườm nượp trên con đường liên xã
nhìn vào, họ dễ có sự so sánh chứ lỵ. Tự dưng họ Phan bị xuống
thế, hạ cấp thêm. Giá như nghĩa trang hai họ đừng quây rào chắn, không
trương biển danh xưng thì còn đỡ bực mình.
Bởi nghĩ
ngợi căng đầu nên đã quá nửa đêm anh Khai không tài nào chợp mắt nổi,
thỉnh thoảng lại rít thuốc lào sòng sọc. Rồi chẳng thèm vào giường
nữa, ngả người ngủ luôn trên cái trường kỷ tại gian giữa nhà. Lúc sau
vợ anh - chị Nhưng mò ra: "Sao mình không ngủ. Mai sức đâu đi
cày?". Đáp lại giọng nhỏ nhẹ dịu dàng là câu nói gọn lỏn, thô
thô: "Ai cho ra đây?". Chị chưa kịp phản ứng đã bị anh kéo
xuống nằm áp bên cạnh: "Lo gì. Cày đêm cày ngày xong hết!".
"Khỉ ạ, con nó thức dậy đòi bú thì sao?". "Thì bố nó
trả". Mọi bận, sau khi vợ chồng "ấy" nhau rồi, anh khò
khò ngủ tức thì. Nay mắt cứ trơ trơ. Chị Nhưng hỏi: "Anh nghĩ gì
vậy?". "Tớ nghĩ phải cấp tốc xây mộ tổ họ Phan thôi".
"Anh nói thật hay đùa?". Chị Nhưng hỏi thế là vì xưa nay họ
Phan làm gì có mộ tổ.
Theo các
cụ kể lại, hôm đưa linh cữu cụ tổ họ Phan ra đồng, trời vẫn mưa sầm
sập. Mưa tầm tã triền miên từ mấy ngày trước, làm trắng băng đồng.
Rồi bất ngờ, lại thêm nước lụt cuồn cuộn tràn về. Chỉ trong chốc
lát nước ngập đến ngang người. Không thể rước linh cữu trở lại nhà,
vì cụ tổ mất đã gần ba ngày, đành phải bằng mọi cách an táng cho
kỳ được. Tuy nhiên, chỉ có thể đắp điếm mộ cụ qua loa. Sau nước rút
sẽ sửa sang lại vậy. Nhưng thật ngạc nhiên, ngày con cháu kéo nhau ra đắp
mộ, không thấy linh cữu cụ đâu. Tìm nguyên cớ thấy rằng, nơi đây nằm
trong dòng lũ xoáy quá mạnh. Nước lũ chính là thủ phạm. Nó đã huỷ
hoại và cuốn theo tất cả những gì có thể được.
Vậy mà
nay anh Khai dám nghĩ xây mộ tổ. Anh trả lời vợ gọn lỏn nhưng đầy
quyết tâm: "Thật!". Chị Nhưng: "Em không hiểu ý anh”. Anh
Khai: "Phải xây. Chẳng những xây mà còn xây to xây đẹp hơn
người". "Thế tức là xây nhà tưởng niệm, chứ đâu phải xây
mộ". "Xây mộ hẳn hoi". Biết vợ chưa thể hiểu, anh liền
rủ rỉ nói ý định mình. Dù sao hắn cũng là "bà trưởng tộc",
nên rất cần thông suốt chủ trương. Có thông, hắn mới góp sức vận
động họ hàng ủng hộ mình. Mình nói, hắn nghe ngay ấy mà. Còn anh
Khai thì phải vật lộn mãi mới hình thành ý định này. Khởi nguồn từ
nỗi ấm ức của cả dòng họ Phan. Nó như món nợ dồn nén chất chồng mấy đời
nay. Giờ anh gánh vai trưởng tộc, nhất thiết phải tìm cách thanh toán từng
bước cho xong. Tuy vậy, không dễ dàng gì. Dễ thì các thế hệ bề trên
anh đã làm. Với việc xây mộ tổ, cách đây ít ngày anh còn chưa hề nghĩ
đến. Nó chỉ bật ra khi người họ Trần tôn tạo mộ tổ của họ hoành
tráng cao to. Nhưng, nên thực hiện thế nào? Lúc đầu anh nghĩ như ý vợ
mình, tức là xây nhà tưởng niệm. Nhưng, xây nhà tưởng niệm chẳng khác
gì sự tự thú trước thiên hạ rằng: họ Phan không có mộ tổ. Đó không
chỉ là lời tự thú trước thế hệ đương thời, mà còn là điều khẳng
định để lại mãi mãi sau này. Nên không thể làm thế được. Đang băn khoăn,
bỗng trong đầu anh bật ra ý tưởng xây mộ tổ. Rành rành họ Phan có
tổ hẳn hoi. Năm đời trước họ còn có cả quan Tổng đốc - thuộc hàng
hiếm trong thiên hạ xưa nay. Đến đời anh là thập đại đồng đường. Và
thời nào họ Phan cũng đứng hạng đa đinh, chiếm gần nửa làng. Nên cần
phải xây mộ tổ, cho dù hài cốt cụ không còn. Thì mộ tổ họ Trần
cũng chỉ là nắm đất chứa trong cái tiểu sành vỡ, chứ có gì đâu.
Mà ai dám chắc cái tiểu vỡ ấy từng chứa cụ tổ mười đời của họ.
Mấy năm trước họ chẳng nháo lên về việc đào bới không ra hài cốt tổ
tiên đấy ư?
Nghĩ khi còn
ở bộ đội, chính anh Khai từng đi tìm mộ đồng đội dòng dã cả năm trời. Anh biết
nhiều bộ hài cốt được ghi tên liệt sĩ hẳn hoi, nhưng không ai tin chắc đúng.
Còn cả hiện tượng, người ta xẻ những bộ hài cốt cho khớp số lượng liệt sĩ cần
tìm; khiến bộ mất đầu, bộ thiếu chân tay. Tất nhiên họ đổ tất tật cho bom đạn
quân thù tàn phá huỷ hoại.
Sau hồi
chuyện nọ chuyện kia, anh Khai hỏi vợ: “Mình nhất trí xây mộ tổ không?”. “Nhất
trí thôi. Nhưng em vẫn thấy nó thế nào ấy" - chị Nhưng nói. "Thế
nào là thế nào?". "Là có cái sự không thật trong việc anh
định làm". Anh Khai bật cười: "Mình bảo thủ bỏ mẹ. Ở đời đâu
phải chuyện gì cũng thật trăm phần trăm. Ngay như em chẳng suýt chết vì
quan niệm hư hư thực thực đấy thôi". Là anh muốn gợi lại chuyện
khi chị Nhưng còn làm ở Uỷ ban nhân
dân xã. Chị bị thôi việc chỉ vì phản đối ban lãnh đạo vống lên
nhiều số liệu sai sự thật, trong báo cáo thành tích xin danh hiệu đơn
vị Anh hùng Lao động. Chị định kiện lên cấp trên nhưng anh ngăn. Cấp
trên với cấp dưới khác gì nhau. Họ luôn bảo vệ nhau, để cùng tồn tại. Bởi họ có
chung lợi ích mà. Nên, kiện khó thắng nổi, lại hứng thêm thù oán trù
dập. Vả lại, nếu có thắng thì vợ chồng anh cũng chẳng coi đó là sự vẻ
vang. Rút cục, toi thêm công sức mình.
Để chị
Nhưng hoàn toàn thanh thản với việc xây mộ tổ, anh Khai lôi cả chuyện Thành
hoàng làng ra kể: "Em biết sự tích Thành hoàng làng ta thế nào
không?". "Em không để ý. Là thế nào ấy nhỉ?". "Ông
ta chỉ là anh gắp cứt. Đích thực gắp cứt!". "Thế sao làng
lại thờ. Hẳn có công to?". "Công khỉ gì đâu!". Rít xong
điếu thuốc lào, anh kể tiếp. Chả là... Có thể vì đói vì rét nên
cái anh gắp cứt mang tên Đồng Văn Ba, quê đẩu đâu không ai biết, chết
cóng ở chân đống rạ bên cổng đình. Thời gian sau chỗ ấy có tổ mối
đùn lên. Mọi người cho rằng anh ta thiêng. Ai đó liền đem cái bát hương đến
thờ. Thế là ngày ngày người qua kẻ lại thường nhặt cục đất ném
vào đấy. Mô đất mỗi lúc một to cao hơn. Dần dần được gọi là ông
Đống. Ông Đống càng trở nên thiêng, khi người ta thấy cây đa liền kề lớn lên một cách khác thường. Không
ai nghĩ tháng ba năm ấy mưa thuận gió hoà khiến cây cối, lúa má xanh
tốt bời bời. Cứ nhất định rằng, nhờ ông Đống thiêng.
Rồi chuyện đám
trai làng lên rừng mua gỗ làm đình, đến việc vận chuyển bè mảng trên
sông êm xuôi thuận lợi, người ta đều nghĩ ông Đống phù hộ độ trì.
Không có ông Đống che chở, sơ sơ cũng vài ba đứa què quặt dặt dẹo chứ
lỵ! Và, hôm khánh thành đình, từ cụ Chánh cụ Lý, đến các quan viên
cùng dân làng, ai ai cũng vui mừng hể hả ra mặt. Bỗng cụ Lý kiến
nghị: “Ta có đình tử tế rồi, cũng phải chính thức tôn thờ Thành
hoàng làng cho đúng lề luật thiên hạ chứ! Mọi làng có, vô lý sao ta
không?”. Thế là, sau một hồi bàn định, các vị chức sắc quan viên
nhất tề tôn anh gắp cứt làm Thành hoàng làng. Với sự tôn vinh ấy, đương
nhiên anh ta được thờ cúng ở nơi trang trọng nhất ngôi đình. Sau đó
người ta lại nghĩ đến việc tìm kiếm hài cốt Thành hoàng làng. Nhưng
mộ anh gắp cứt ở ngoài đê sông cái đã bị sóng nước cuốn phăng từ tám
hoánh nảo nao rồi. Dân làng đành dựa chỗ anh ta chết cóng - được gọi
là ông Đống - xây thành ngôi mộ tròn rõ to, rõ cao. Coi đấy là mộ
Thành hoàng làng. Và nó tồn tại đến tận bây giờ. Vẫn linh thiêng, uy
nghi, ngạo nghễ. Nào có thấy ai xì xào chuyện thực hư đâu!
Im lặng giây
lát, anh Khai buông lời bình: "Cuộc sống thật lạ, từ thượng cổ
đến giờ con người luôn tin vào những điều thần bí, những cái không
hề có thật trên cõi đời này!". Liền đó, một tay anh quắp ngang lưng
vợ, tay kia se sẽ mân mê lần sờ. Bỗng có tiếng gà đua nhau gáy vang
rền. Lúc ấy đã là ba giờ sáng, mà vợ chồng nhà họ còn chưa định
ngủ. Sức trẻ dẻo dai đến là ghê!
* * *
Suốt mấy
tuần lễ vợ chồng anh Khai cất công đi khắp họ, làm cuộc vận động xây
mộ tổ họ Phan. Mọi người đều ủng hộ chủ trương này. Chỉ còn chút
vướng mắc ở phía các bậc thượng lão, mà cụ giáo Hoan là "boong
ke". Thuyết phục nổi cụ, tức gỡ được cái vướng ấy. Bởi cụ
giáo Hoan đứng bậc bề trên, lại có chữ nghĩa, nên trước nay mọi người đều
kính nể và nghe theo. Vì vậy, vợ chồng anh Khai phải thay nhau thưa
chuyện với cụ đến ba lần. Cụ nhất định rằng: "Đừng nên biến không
thành có làm gì!". Cụ còn nói: "Nếu chỉ vì việc này, xin
anh chị đừng qua đây nữa!".
Thế rồi,
chính cụ lại lọc cọc gậy đến nhà anh Khai, bảo: "Thôi thì, việc
xây mộ tổ thế nào là tuỳ ở lớp trẻ các anh. Kẻo rồi chúng tôi mang
tiếng bảo thủ cản trở". Anh Khai vui như phất cờ trong bụng.
Chẳng hiểu sao cụ chuyển biến bất ngờ đến thế.
Về phía
cụ giáo Hoan, tuy miệng khăng khăng chống chủ trương xây mộ tổ, song
trong lòng bứt rứt lắm. Chống mà chúng nó cứ làm thì sao. Mình
không đủ sức cản. Cả cánh già cũng không đủ sức. Hoá ra bẽ mặt một
lũ bề trên. Đang lúc nằm vắt tay lên trán nghĩ ngợi thì, từ bên hàng
xóm có tiếng ngân nga cất lên: "Hỏi
hỏi con Tiên với cháu Rồng, Biết đâu có có với không không, Nếu hai
mươi triệu cùng cha mẹ, Sao nỡ cưới nhau dám vợ chồng?".
Những câu thơ gợi trí nhớ cụ giáo Hoan về một thời quá vãng xa xôi.
Đó là thơ của Tiên sinh Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu. Chẳng hay kẻ xướng
thơ có hẳn đúng nguyên tác không. Cụ thích bài thơ này từ trẻ, khi
đang học chữ nho Thày đồ làng. Thích bởi cái chất chơi chơi đùa đùa,
cái hóm hỉnh và sâu sắc trong thơ. Chơi chơi đùa đùa cốt để vui, hẳn
nhà thơ không hề có ý nhạo báng gì. Nhận thức đó chính từ Thày đồ
nho truyền cho học trò lớp tuổi cụ. Thày lại nói: "Bất kể cái
gì, muốn biết đều cần phải học. Nhất là thơ văn, không học thì rất dễ
hiểu sai lạc đi. Hiểu sai rồi phán xét truy chụp lung tung, gây nên nguy
hại khôn lường. Chính vì vậy, đòi hỏi kẻ cầm cân nảy mực cần học cao
hiểu rộng, mới bớt gây oan sai cho dân chúng". Song thật tiếc thay,
xưa nay thực đời chẳng mấy khi đạt như mong muốn. Không ít nhà văn nhà
thơ từng bị đày ải khốn cùng. Sau một tiếng thở dài, cụ lại nghĩ về
bài thơ, về cái tính lịch sử của nó. Có phải xưa nay lịch sử
thường là thực thực hư hư? Âu Cơ đẻ ra trăm trứng. Thánh Gióng đang từ
cậu bé, bỗng vươn mình trở thành không lồ. Lê Lợi trả gươm thần sau
khi thắng giặc. Và còn nhiều nữa. Liệu có đúng như vậy. Hay do con
người đã thần thánh hoá các đấng siêu nhân, cốt để dốc lòng thờ
kính. Hay chỉ là những câu chuyện do con người tạo ra, nhằm lấy đó răn
dạy nhau. Dù là thế nào thì nó vẫn gắn chặt với tâm linh người
Việt mình qua hàng nghìn năm. Đến cả cụ Tổng đốc người họ Phan đây
(ông nội cụ giáo Hoan) đương thời còn được thiên hạ thêu dệt cho bao
điều tốt đẹp lạ thường kia. Thế nên hà cớ gì ta quá khắt khe trước việc
xây mộ tổ họ?
Với tâm
trạng ấy, cụ đem bộc bạch cùng lớp thượng lão trong họ. Như lần đầu
nghe anh Khai thuyết trình chủ trương xây mộ tổ, cụ cũng tìm đến anh em
già công khai bày tỏ sự phản kháng. Lần này, đương nhiên cụ phải dẫn giải
nguồn cơn đưa đến sự đổi ý ở mình. Gần thì chuyện làng. Xa là
chuyện nước. Xưa và nay, xem ra thời nào cũng thế cả. Cái hư hư thực
thực ở thời xưa, đổ tại trình độ con người thấp kém mê muội tạo ra.
Nên đâu đâu cũng đầy rẫy những thần thánh, ma tà, quỷ dữ… có khả năng chi phối
mạnh mẽ đời sống con người. Vì thế nó có tác dụng góp phần giữ gìn kỷ cương
phép nước, góp phần tạo dựng nếp ăn ở tôn ty trật tự trong mỗi nhà. Rõ ràng là
rất tốt. Còn như thời nay, con người am hiểu mọi mặt hơn hẳn ngày xưa. Đời
sống cơm áo cũng hơn xưa rất nhiều. Mà sao người ta sống lại thấp kém tệ hại. Trộm
cắp, đĩ điếm xảy ra khắp nơi khắp chốn. Rồi lừa lọc, đánh đá nhau. Thậm chí cả
giết nhau… Nguyên
nhân từ đâu? Có phải từ người trên đã không gương mẫu giữ gìn đạo đức phẩm chất
sống. Người trên đã phá phách trước, thì kẻ dưới tất a dua. Thế nên xã hội bất
yên mà không thể dẹp. Há miệng mắc quai mất rồi! Vậy là ma tà, thần thánh - những cái
dùng để chế ngự con người phá phách làm bừa không còn; cái mới lại chưa có,
hoặc có nhưng không đủ sức cản ngăn, nên thời nay con
người phạm tội
quá nhiều. "Nhưng việc xây mộ tổ mà anh Khai
đề xuất, xét ra thì có phạm tội gì đâu?" - một cụ nói xen vào.
Cụ giáo Hoan: "Không không... Tôi không có ý kết tội đổ lỗi cho anh
Khai. Anh ấy không có tội lỗi gì. Tôi cũng như các cụ, chỉ ái ngại
một điều là, hài cốt cụ tổ không có thì sao xây mộ? Anh ấy trả lời
rằng: Trên đời này thiếu gì chuyện không biến thành có, có bảo là
không. Không, nói có... mãi cũng hoá có. Có, nói không... mãi phải
thành không. Cho nên, nếu các cụ quyết cản trở, sớm muộn lớp trẻ
chúng cháu cứ xây. Đối chiếu pháp luật, việc này không phạm gì hết.
Cũng chẳng phiền toái đến làng xóm điều gì".
Cụ khác
nói: “Tôi cũng nghe anh Khai phát biểu thế này: Việc xây mộ tổ là
thể hiện lòng thành kính biết ơn của các thế hệ con cháu đối với
bậc sáng lập họ Phan; còn là vấn đề danh dự dòng họ cần được tiếp
tục khẳng định, nhằm đả phá miệng lưỡi những kẻ dè bỉu xiên xẹo
họ Phan ta. Bởi thế, nghĩa trang họ Phan phải có mộ tổ họ Phan. Như
họ Trần, họ Nguyễn, họ Phạm đã làm. Biết rằng trước mắt không thể
tránh khỏi điều nọ tiếng kia. Nhưng rồi tất cả sẽ qua đi. Cũng như
mộ Thành hoàng làng này chỉ là đám đất không, nào ai dám công khai
báng nhạo. Xét rộng ra trên khắp đất nước, thiếu gì mộ các thánh
tướng, danh nhân, không hề có hài cốt. Sao người đời cứ xì xụp khấn
vái cầu xin. Anh ấy còn nói: Ông Thích Ca chắc có đâu. Ông Giêsu chắc có
đâu. Chẳng biết anh ấy nói có đúng không?". Cụ giáo Hoan:
"Thôi thì, đến nước này cánh già chúng mình phải nhượng bộ
thôi. Các cụ thấy thế nào?". "Cụ bằng lòng thì chúng tôi
cũng nghe!".
Thế là
sau lúc đàm đạo, cụ giáo Hoan đến ngay nhà anh Khai để thông báo việc
các cụ tán thành chủ trương xây mộ tổ.
Anh Khai
cảm ơn các cụ. Rồi hỏi: "Chúng cháu định xây mộ tổ họ Phan to
hơn bên họ Trần, cụ thấy thế nào?". Cụ giáo Hoan chưa kịp đáp,
anh lại nói luôn: "Nhưng... như vậy là to hơn cả mộ cụ Tổng đốc
nữa đấy. Như thế có ổn không ạ". Cụ giáo Hoan: "Không sao.
Không sao... Nghĩa trang họ thì mộ cụ tổ phải to hơn hết, dù cụ chỉ
là thường dân. Còn cụ Tổng đốc là hàng hậu duệ, sao dám so với cụ
tổ được. Cũng như người đang giữ quyền cao chức trọng trong bộ máy nhà
nước, khi đứng trước làng trước họ, cần phải biết mình thuộc thứ
bậc nào để mà nói năng cư xử chứ. Không thể tôi tôi với hàng cha chú
như cái ông Tướng họ Trần về làng hôm xưa". Anh Khai chẳng lạ ông
ta. Hồi ở quê, học không hết cấp hai. Đi bộ đội vào ngay chiến
trường. Năm năm sau chiến tranh kết
thúc, do gặp may được phong chức Trung đoàn trưởng. Sau đó, trên ném đi
học trường quân sự. Nhờ tiêu chuẩn hoá bằng cấp mà bò dần lên.
Chẳng biết nghề quân sự có giỏi giang không. Còn những vấn đề khác
thì hơi bị dốt. Vậy chẳng nên trách ông ta làm gì!. Nghe anh Khai bộc
bạch, cụ giáo Hoan vội phân bua: "Là thuận chuyện thì tôi nói
thế!". Anh Khai: “Suy cho cùng, dù thuận chuyện hay thực tâm chê trách,
đều là quá phải, ông ạ!”. Anh đứng bề trên, gặp trường hợp ấy, không
tha đâu. Phải dạy cho ông ta bài học về phép tắc sống. Thói đời, hễ
có chức quyền là hay vênh mặt, huyênh hoang. Để xem cái chức to của
ông ta làm gì được cho họ Trần. Không khéo có lúc cả họ xấu mặt lây.
Dễ như bỡn, nếu không biết kiềm chế cái lòng tham trước tiền và gái.
Diễn biến hoà bình trong hàng ngũ cán bộ chẳng đang là vấn đề bức
xúc cần ngăn chặn đấy ư?... Còn ta, ta biết phải làm gì cho họ Phan
ta. Từng việc. Từng việc một... Đầu xuôi rồi, đuôi sẽ phải lọt!
Anh Khai
vừa tiễn cụ giáo Hoan thì chị Nhưng ở đồng về. Anh hý hửng khoe: "Mình
biết không, việc xây mộ tổ coi thế là xong. Các bậc thượng lão đồng
ý hết rồi!". "Thật à?". "Thật!". "Thế anh
định bao giờ khởi công?". "Trong tháng này". "Em thấy
chuẩn bị không kịp". "Nhất định kịp!".
Cơm tối
xong, anh Khai tức tốc phóng xe đạp đến mấy ông trưởng chi để bàn kế
hoạch thực hiện. Các bố đều hăng máu lắm rồi. Đều coi việc xây mộ tổ
là sự khởi đầu thời phục hưng họ Phan. Xưa kia, họ Phan từng có quan Tổng
đốc, cả quan Tri huyện. Rồi Thày đồ nho, Hương sư, Chánh tổng, Tiên
chỉ, Lý trưởng, Trương tuần... Suốt bảy thế hệ trước, thời nào cũng
có. Thế mà mấy đời nay, họ Phan cam tâm chìm đắm. Chỉ bởi thời thế
đổi thay. Cho nên người họ Phan sống ở làng tuyệt nhiên không ai được
giao giữ quyền hành gì. Có cả giai đoạn dài người ta còn coi người
họ Phan như vật trở ngại cho sự phát triển. Nay quan niệm sống đã có
chiều cởi mở hơn xưa. Anh Khai muốn nắm cơ hội này thúc đẩy mọi người
cùng vượt lên. Phương châm anh đưa ra là, người họ Phan ở làng hay đi đâu,
làm gì, đều phải đề cao ý thức phát huy truyền thống tổ tiên. Để trong
vòng mươi năm sau, họ phải có nhiều người học hành đỗ đạt, có nhiều gia đình
kinh tế khá giả hơn nay. Được vậy thì chủ trương phục hưng dòng họ mới thực
hiện nổi. Nếu không xóa dần cái dốt và nghèo thì đừng có mơ thay đổi gì. Như
hiện tại, muốn xây mộ tổ cũng phải bàn tính chi ly từng đồng.
Nhưng, cho
dù khó khăn tiền bạc thì việc xây mộ tổ vẫn phải thực hiện càng nhanh càng tốt.
Đó là quyết tâm của vị Tân trưởng tộc họ Phan. Và nó đã biến thành quyết tâm
chung của cả họ. Thế nên việc khởi công xây dựng không hề gặp trở ngại. Non
tháng sau, tại nghĩa trang họ Phan nổi lên ngôi mộ to đẹp, uy nghi, át
hẳn mộ tổ họ Trần. Mà mọi việc diễn ra không chút ồn ào. Không cả những
bữa tụ tập đánh chén như thói thường trong thiên hạ. Đánh chén đâu
chỉ là tục cổ. Thời nay quá nhiều những cuộc đánh chén nhậu nhẹt thật
đáng sợ. Ngày xưa một cỗ bốn cụ ngồi, có mỗi nậm rượu ngang con con
với vài món nhắm sơ sài, thế cũng đủ vui vẻ đến nửa ngày. Bởi, các cụ
coi rượu chỉ là con đò chở tâm tình giữa những người ngồi uống với
nhau. Nay người ta đánh chén bằng rượu ngoại thượng hạng, bia lon
ngoại. Đồ nhắm phải là những đặc sản chất đầy bàn. Đánh chén phải
cho thật đã, để nhớ đời. Đánh chén thế thì kinh tế lụn bại! "Nên
anh em mình bỏ qua, các vị tán đồng không?" - anh Khai trưng cầu,
được mọi người nhất trí.
Ngay hôm
khánh thành mộ tổ, họ Phan cũng nhất trí tổ chức lễ thật đơn giản, gọn
nhẹ. Phô trương ầm ĩ đâm tốn kém tiền của, lại là cái cớ để thiên hạ chọc ngoáy
bình phẩm. Nên chỉ có mươi người đại diện bưng hương hoa ra mộ lễ, với
tấm lòng thành kính của lớp lớp con cháu hướng về cội nguồn. Lễ bái
cần nhất là ở cái tâm.
Cũng xuất
phát từ cái tâm biết đồng cảm với cảnh nghèo khó của mọi nhà, nên anh Khai đã
quyết định mức đóng góp thấp nhất. Song, khi xem ngắm công trình thì ai nấy đều
mãn nguyện hả hê. Nhìn từ xa, mộ tổ họ Phan mang kết cấu rất gần với nhà
tưởng niệm. Có mái che cong cong, phủ ngói men màu mận chín; với đôi
rồng chầu vầng nhật nguyệt long lanh trên đỉnh nóc. Bốn cột tròn chống
mái nạm đá hoa cương xám, cùng loại đá bia mộ. Trước bia là lư hương
tạc bằng đá khối. Mọi sản phẩm đá đều được thửa đặt từ vùng Non Nước - Hải
Vân, do một hậu duệ dòng họ Phan đang làm việc tại nơi ấy đảm nhiệm. Tuy nhiên,
khi ngắm gần, người ta vẫn thấy đó là ngôi mộ hẳn hoi. Đâu phải chỉ căn cứ
những hàng chữ khắc trên bia. Mà, ngay sau bia là phần mộ được xây gọn trong
nhà, bốn mặt ốp đá hoa cương đen bóng. Mộ không choáng ngợp, nhưng chẳng hề bị
chìm đi so với toàn cảnh công trình.
Lại nói về
những hàng chữ trên bia. Đây cũng là vấn đề mà anh Khai phải nghĩ đi nghĩ
lại. Đề bia sao cho người đương thời thông tỏ nguồn gốc họ Phan khó gây ồn
chuyện. Đành rằng không cố tránh, nhưng hạn chế được dư luận trêu chọc thì hay
hơn. Tránh voi chẳng xấu mặt ai. Cuối cùng anh quyết định đề như sau: “Cụ
tổ Phan Văn Tại... Sinh năm… Mất năm...”. Cách đề đơn giản này, vào cái
thời lính tráng bôn ba, anh bắt gặp ở nhiều nghĩa trang trên mọi miền
đất nước. Đề thế, ai nói là mộ
tổ họ Phan cũng đúng; bảo nhà tưởng niệm, có sao đâu. Chỉ cần, từ nay
trong lòng mỗi người họ Phan nhất nhất coi đây là mộ tổ của mình.
Vậy là họ
Phan đã có mộ tổ. Người vui nhất họ chính là anh Khai. Chả thế, hôm lễ khánh
thành mộ, khi mọi người đã quay về nhà, riêng anh vẫn đứng chắp tay lặng lẽ
nhìn ngắm công trình với niềm tự hào trào dâng. Rồi mai sau - vị Tân trưởng tộc
quả quyết - có thể là năm mươi năm, một trăm năm, hay đến mấy trăm năm,…
chắc chắn dân làng đều nhất loạt bảo rằng: Đây là mộ tổ họ Phan -
người sáng lập làng Văn!
(*) - Đăng trên http://newvietart.com/index3.5981.html
- In trong tập "Chuyện đời 3", Nxb Hội Nhà văn, 2014.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét