Ra đi ở tuổi 85 kể
ra cũng không vướng bận gì nữa với nghiệp sân khấu, nhưng hình như đời nghệ sĩ -
những nghệ sĩ lớn, bao giờ cũng đau đáu một nỗi niềm nghề nghiệp…
Vâng, sân khấu từ
thuở ông bước vào, góp phần sáng tạo nên cho đến lúc ông khuất bóng, lúc hưng
lúc suy; nay tìm đâu được nữa những đêm diễn rực lửa, những tình cảm nồng cháy
của nghệ sĩ với quần chúng, khi cùng chung vui vở diễn của ông ra đời. Với hài
kịch Quẫn - vở kịch lừng danh do ông
sáng tác, đã có sức sống hàng nghìn đêm diễn; đã trở thành cụm từ kép: khi nhắc
tới Lộng Chương là nhắc tới Quẫn, nói
tới Quẫn là nói đến Lộng Chương, cũng
đủ để ông trở thành Kịch tác gia nền anh nền chị. Đặc biệt, với Quẫn ông được
coi là người đặt nền móng cho Hài kịch Cách mạng Việt Nam.
Sân khấu là cuộc
đời. Nhiều người đã nói vậy. Cuộc đời cũng lắm lúc khốn quẫn và thăng hoa lắm
chứ, người viết tài năng là người biết nắm bắt cái điển hình, cái tiêu biểu (cả
tốt và xấu) của cuộc đời để biến nó thành hình tượng nghệ thuật điển hình sống
mãi với thời gian. Lộng Chương là một con người như thế - một tài năng lớn của
sân khấu kịch Việt Nam.
Lộng Chương không
chỉ là nhà viết kịch nổi tiếng, ông còn là nhà hoạt động sân khấu cách mạng
giàu tâm huyết. Tên khai sinh của ông là Phạm Văn Hiền, sinh ngày 5-2-1918 ở xã
Thúc Kháng, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương. Hồi nhỏ mới 6-7 tuổi, cậu bé Hiền
đã được bố cho ngồi ở hố nhạc Nhà hát Lớn Hà Nội để xem những vở kịch có bác ruột
mình diễn: Moolie, Trưởng giả học làm sang, TacTuyp… Có lẽ không khí kịch trường
của Hà Nội những năm đầu thế kỷ XX cùng niềm đam mê của các nghệ sĩ đã truyền hứng
khởi cho cậu bé, để rồi những năm sau đó trưởng thành, chàng trai Hiền đã gắn đời
mình với kịch trường. Cũng có lẽ những ấn tượng ban đầu đã nhen lên và hình
thành trong con người Lộng Chương sau này chất trào lộng, hài hước trong sáng
tác.
Cả thời trai trẻ,
Lộng Chương tham gia chơi “kịch tài tử” với những văn nghệ sĩ, trí thức lừng
danh thời ấy ở Ban kịch Hà Nội, Ban kịch Thế Lữ… Dần dần, ông trở thành nhà
biên kịch, vừa là “thày Tuồng”, vừa là nghệ sĩ biểu diễn; và là người thày đào
tạo nhiều thế hệ diễn viên, đạo diễn, sáng tác kịch bản.
Cuộc đời sáng tác
của Lộng Chương thật đa dạng, phong phú. Trải qua từng thời kỳ của lịch sử đấu
tranh cách mạng, ông đều có những đóng góp to lớn cho nền sân khấu Việt Nam.
Không chỉ sáng tác và viết về sân khấu, ở lĩnh vực khác, ông đã để lại 9 tập
thơ và ca dao, 5 tập phóng sự - ký sự kháng chiến. Cũng cần nhắc tới tập tiểu
thuyết phóng sự Hầu thánh dài hơn 200
trang (khổ 13x19cm, Nxb Cộng Lực in năm 1942) là tác phẩm đầu tay của ông, được
dư luận đánh giá cao. Đến nay, Hầu thánh đã tái bản nhiều lần… Khi nghỉ hưu, ông
lại cần mẫn viết hồi ký Sân khấu đời tôi
tới ngàn trang, đó là một tư liệu quý về sự phát triển của sân khấu cách mạng.
Thời kháng chiến
chống Pháp, Lộng Chương đã có nhiều vở diễn nổi tiếng như: Lý Thới (1948), Du kích thôn
Đồi (1952), Chiến đấu trong lòng địch
(1954) - tác phẩm được Giải thưởng Văn học 1954-1955 của Hội Văn nghệ Việt
Nam. Sau này thủ đô Hà Nội được giải phóng, Lộng Chương đã góp công sức không
nhỏ cho việc xây dựng các đoàn nghệ thuật như Đoàn Chèo Cổ Phong (Chèo Hà Tây
ngày nay), Chèo Nam Hà, Kịch Hà Tây, Kịch Thanh Hóa… Đặc biệt, Đoàn Kịch Thanh
Niên và Đoàn Kịch Công Nhân của Hà Nội là cái nôi nuôi dưỡng ban đầu cho các
tên tuổi của ngành Sân khấu sau này như: Trọng Khôi, Doãn Hoàng Giang, Mỹ Dung,
Đoàn Dũng, Hà Văn Trọng, Trần Hạnh, Hoàng Quân Tạo, Dương Quảng, Trịnh Mai, Ngọc
Hiền…
Bộ trưởng Trần Hoàn thăm Nhà viết kịch Lộng Chương tại nhà riêng |
Thời gian kháng
chiến chống Mỹ xâm lược cũng là giai đoạn bộc lộ tài năng rực rỡ của Lộng
Chương. Nhiều vở diễn của ông để lại những ấn tượng sâu sắc như: Chặn tay chúng lại, Dì Mai, Bầu bán, Người nữ
tự vệ áo trắng, Dũng sĩ Rạch Gầm, A Nàng, Tình sử Loa Thành, Đôi ngọc lưu ly,
Cách chim luân lạc…
Với cống hiến xuất
sắc, Lộng Chương được Nhà nước trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Huân chương Độc
lập Hạng ba, Huân chương chống Mỹ cứu nước hạng Nhất.
Vĩnh biệt ông,
sân khấu Việt Nam đã mất đi một Cây đại
thụ!
(*)
Báo Người Hà Nội, thứ sáu, ngày 11/7/2003; Sách “Lộng Chương trong trái tim bè bạn”, Nxb Hội Nhà văn, 2013.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét