Thứ Tư, 15 tháng 10, 2014

NƯỚC MẮT ĐỎ(*)

 Truyện ngắn Phạm Hồng Thắm
         Bà đưa tay lên khóe mắt. Cảm giác nhầy nhầy, ươn ướt, dinh dính, quánh quyện. Soi ngón tay ra trước đèn. Một màu hồng hồng nhờ nhờ. Trời ơi, máu! Bà khóc ra máu. Tiếng nấc phát ra từ cổ họng bà nghẹn lại, không thoát ra được, tạo nên một tiếng ‘hực” đớn đau. Bà ngồi thụp xuống chân ban thờ cha mẹ, tay ôm lấy ngực, bóp mạnh nơi mà nỗi đau buốt đang xuyên từ sâu thẳm phía trong đẩy mạnh ra ngoài. Hồi lâu, cảm giác mệt mỏi, rã rời bao trùm toàn thân, bà níu mép ban thờ, đứng lên, từ từ lần tường đi ra ban công. Trong màn đêm nhàn nhạt của sáng tinh mơ, xung quanh, mọi nhà vẫn đang chìm vào giấc ngủ. Đưa mắt nhìn quanh khoảng tối mênh mông trước mắt, sao bà thấy nỗi cô đơn, lẻ loi của mình mới trơ trọi, tuyệt vọng làm sao… Bà thấy nhớ cha, nhớ mẹ đến cồn cào, đau đớn. Nơi ấy, nơi xa lắm, lúc này, cha mẹ đã thức giấc chưa. Cũng có thể, từ hôm qua, giấc ngủ ngàn thu của cha mẹ bà đã bị đứt đoạn; cõi linh thiêng của cha mẹ không còn được trong lành, thanh thản… Nghĩ đến đây, thái dương bà giật mạnh, nhói buốt…
Hơn mười năm nay, từ khi cha mẹ nằm xuống, giấc ngủ của bà chưa bao giờ trọn. Mỗi ngày, nhìn quanh mình ngồn ngộn những bản thảo cũ nát, những trang nhật ký nhạt nhòa đầy chặt tâm sự ngổn ngang của cha, lòng bà luôn rối bời, dằn vặt. Phải làm sao đây để bảo tồn được di sản một đời của con người từng tâm nguyện hết mình với sự nghiệp sân khấu nước nhà, là cha? Dù chưa thể nhìn thấy tiền đâu để in ấn bảo tồn hàng ngàn trang tư liệu mục nát ấy, vợ chồng bà vẫn cặm cụi, lui cui, ngụp lặn trong đó, để khôi phục, biên tập, sắp xếp và tạm lưu trữ vào máy tính cá nhân. Gần đây, khi những tư liệu đó đã được đưa vào ấn phẩm hoàn chỉnh, đẹp đẽ, vợ chồng bà thở phào nhẹ nhõm trong tâm. Nhưng… một nỗi lo khác, vẫn tiếp tục đè trĩu trên đôi vai gầy yếu của bà.
-      Chúng mày cần tiền à? Tiền! Lúc nào cũng là tiền! Tiền! Bán mẹ nó nhà đi, rồi chúng mày cầm tiền, cút mẹ chúng mày ra khỏi nhà này hết đi! - giọng khàn khàn, khô khỏng của kẻ được gọi là đích tôn của cha mẹ bà, lại đang đeo lon sĩ quan quân đội, gào lên. Nó đứng tựa ở lan can gác lửng, tay cầm lon nước, tay đút túi quần, nhìn xuống sảnh tầng một, nơi hai người em ruột thịt của bố nó đang ngồi. Thi thoảng nó dừng chửi, đưa chiếc lon lên, ngậm ống hút, rít một cái.
Bà ngồi yên lặng, mỉm cười yếu ớt, đau đớn.
-      Mày cười à? Mày cười cái gì? Tao đố chúng mày đưa đứa nào vào đây ở! Thử xem? Tao sẽ báo công an bắt hết - nhìn thấy bà cười, nó tiếp tục cái giọng hung hăng.
Bà vẫn ngồi im. Lặng lẽ. Lạnh tanh. Nhưng… tâm bà đang gào lên: “Anh ơi, dưới suối vàng anh nghe thấy không? Con anh, thằng con hương khói của anh đang chửi các em gái anh đấy, anh ơi! Chắc anh cũng đã biết rồi. Chỉ thời gian ngắn sau khi anh nằm xuống, nó đã đập phá đồ đạc của ông bà nội đẻ ra bố nó. Ngay sau đó, đúng ngày giỗ anh, nó điên cuồng thụi vào ngực em trai anh đấy. Vừa đánh, nó vừa gào lên: “Mày nói gì? Nhà này là của tao!”. Nay, nỗi đau ấy chưa nguôi ngoai, nỗi đau khác đã lại dội đến, đang khoét nát trái tim em. Đau quá, anh ơi!”.
-      Nhà này nhà cháu đang ở. Không có thể lúc thì nói người này đến ở, người kia đến ở. Các cô bắt nạt mẹ cháu - chị gái thằng “đích tôn” loi choi lao đến, với tay lên xỉa vào mặt chị gái bà, to giọng, day diết.
Chị bà hắt tay nó ra, quay về phía cửa, nơi một phụ nữ có cách ăn mặc và son phấn lòe loẹt đang đứng, nói to:
-      Cút mẹ mày đi. Mày đến đây làm gì? Câm mẹ mày đi, mày sủa cái gì?
Hóa ra chị gái bà quay ra chửi nhau với người phụ nữ nọ. Bà ta là mẹ vợ con trai anh bà. Để “chiến đấu” chiếm giữ căn nhà của cha mẹ bà, thằng “đích tôn” đã huy động cả mẹ vợ nó đến. Bà bật cười chua chát. À, hay thật, đưa cả mẹ vợ đến để khẩu chiến. Biết đâu, rất có thể không chỉ là khẩu chiến…
-      Tao đ… ra. Nhà này của con gái tao. Đ… đứa nào đuổi được tao! - mẹ vợ thằng đích tôn gân cổ gào.
-      Chị ơi, em xin chị. Chị đừng như thế nữa. Cứ để chúng nó chửi - bà rền rĩ nói với chị mình.
-      Đ… mẹ mày! Đ… con mẹ mày! - vợ thằng đích tôn nhảy xổ đến, vừa gào vừa tát đánh bốp vào mặt chị gái bà.
Bà ngồi thụp xuống ghế, chết lặng, đau đớn. Cha mẹ ơi! Ới cha mẹ ơi!... Cha mẹ thật “có phúc”. Cha mẹ có vợ chồng thằng cháu “đích tôn” rõ là “Cặp đôi hoàn hảo!” - Chồng đánh chú ruột, vợ đánh cô ruột. Tuyệt vời!”.   
Ban nãy, ngay trước khi dắt xe ra khỏi nhà, mẹ thằng đích tôn đã rít lên chì chiết vào mặt bà:
-      Làm được một tí việc cho ông mà cứ ra vẻ ta đây!
À, thì ra bà ta phỉ nhổ, coi thường hàng ngàn trang sách mà vợ chồng bà vật vã cả chục năm trời với đống bản thảo mục nát để đưa in, nhằm bảo tồn sự nghiệp của cha. Với bà ta, đống bản thảo ấy chỉ là mớ giấy lộn.
Rồi, bà ta dắt xe đi. Bà ta tránh mặt, để lũ con cái “chiến đấu” với các em gái của bố nó! Hay! Ngẫm ra, bà thấy đó là một “chiến thuật” quá chuẩn! Để các bà cô già nua đối mặt với con cái bà ta, dù xảy ra “khẩu chiến” hay “chân tay chiến” thì sự thất bại nghiêng về phía em gái của bố chúng nó là điều khẳng định!
Nhìn theo cái dáng mặc quân phục khỏe mạnh của bà ta, sự ngỡ ngàng bỗng choán hết tâm trí bà. Đâu rồi cái giọng thẽ thọt, khẽ khàng của cô gái trẻ trước kia khi mới bước chân ra khỏi rừng rú, bỡ ngỡ, về làm dâu cha mẹ bà? Đâu rồi cái dáng vẻ ân cần, câu nói tỏ ra rất thảo hiền, những ngày đầu mới bước chân về cùng ở một mái nhà với cha mẹ bà? Đâu rồi một chị dâu cởi mở, ra vẻ quan tâm đến các em chồng những ngày đầu lơ ngơ về Thủ đô?... Đâu rồi?... Đâu rồi?... Sao có sự thay tâm đổi tính nhanh vậy? Mất, mất hết tất cả những điều tưởng như đẹp đẽ ấy rồi! Tất cả đã biến tan như một giấc mơ đầy trăn trở, để khi tỉnh lại, người nằm mơ chỉ thấy hoang mang, bối rối! Chỉ mới vài ngày trước đây, bà ta ngọt nhạt: “Chị vẫn bảo với các cháu, chả ai làm được như cô. Cô là người có tâm, đã giữ được di sản cho ông. Thôi thì, cô hãy cùng với chị, là nơi quy tụ cho các cháu nội ngoại về với nhau”. Thế mà… lúc trước khi đi tránh mặt, bà ta đã nhổ vào mặt bà: “Làm được một tí việc cho ông…” với giọng đầy coi thường bạc bẽo. Lưỡi ai cũng không xương. Nhưng… cái lưỡi của bà ta thì…  khủng khiếp! Còn bà, bảo tồn di sản của cha mẹ là đạo hiếu, đâu có dám kể gì đến công lao. Chỉ hiềm một nỗi, chẳng có tiền để trang trải nợ nần làm sách và tiếp tục nốt những việc còn dang dở của cha.  
Nhiều năm trước, đang trong giai đoạn cơ chế kinh tế chuyển đổi đầy khốn khó, vợ chồng bà vẫn quyết tâm bảo tồn dần những tác phẩm gan ruột của cha. Nhà đông anh chị em đấy, nhưng ai cũng ở tình trạng sống giật gấu vá vai. Với vai trò con trưởng, anh bà đã cố một phần trách nhiệm, góp với bà chút tiền để in (chỉ in thôi) ra tác phẩm. Vậy mà, mồ chồng chưa xanh cỏ, bà ta gân cổ gào vào mặt các em chồng:
-      Trả cho tôi mười hai triệu đồng in sách!
Ôi, tiền ơi! Đồng tiền sao mà quý thế! Nhưng, sao cũng bẩn thế, tiền ơi! Ơi tiền! Một đời cha nạo ruột nạo gan làm nên sự nghiệp đáng tự hào, để chúng con được ngẩng cao đầu với thiên hạ, Sự nghiệp ấy cũng đã đem lại những đồng tiền nuôi nấng cả một lũ một lĩ chúng con lớn lên. Nhưng đau đớn thay, cũng là tiền - mười hai triệu đồng tiền nhỏ nhoi mà anh con trả nghĩa cho cha đã trở thành ác mộng với con. Ác mộng không phải vì nếu muốn, con không thể trả nổi. Ác mộng là bởi, sao cái cách coi trọng đồng tiền của họ đáng sợ thế, cha ơi! Vậy mà, họ đã và đang muốn chiếm giữ ngôi nhà mà cha mẹ để lại cho tất cả chúng con với lời ngụy tạo: Giữ làm nơi để thờ cúng!? Liệu… trong cái không gian nén chặt giả dối, tham lam và bất nghĩa ấy, cha mẹ có thanh thản về thụ hưởng nổi những làn khói hương đầy ám khí? Thờ cúng ư? Vâng, đó là một tập tục đẹp! Nhưng khi thờ cúng, cái tâm vẫn là điều quan trọng nhất. Mâm cao, cỗ đầy mà làm gì, khi rượu vào lời ra, anh em bất đồng bất thuận!? Mâm cao, cỗ đầy để làm gì khi mà họ ngồi với nhau chỉ để xúc xiểm, xúi giục anh em bất hòa!?
          Một làn gió đầu đông ào qua. Trời bắt đầu tang tảng sáng. Bà ớn lạnh. Nhưng chính cái lạnh đã giúp bà bình tâm trở lại. Bà thầm nghĩ, phải cố tĩnh tâm thôi. Bao việc phía trước của cha còn đó. Nếu bà gục, ai sẽ làm nốt đây? Hãy cố, cố lên. Hãy coi những chuyện xảy ra như là ác mộng. Mà thật ra, ác mộng nay cũng đâu có thiếu trong đời thực cơ chứ? Đầy rãy ra đấy. Con đánh cha. Vợ giết chồng. Anh em đâm chém lẫn nhau… Nghĩ đến những điều này, chắc chắn không phải bà ngụy biện cho cái cảnh đã đến hồi suy tàn của đại gia đình từng đáng tự hào một thời. Chỉ là bởi bà hiểu rằng, đó là sự tất yếu của giai đoạn mà đạo đức, nhân phẩm thuộc không ít kẻ trong xã hội đã đến hồi suy thoái toàn diện mà thôi!
          Bà từ từ, chậm chạp đi vào, đến trước ban thờ đạm bạc của cha mẹ. Thắp thêm tuần nhang, bà cúi đầu. Lúc này, giọt lệ máu nơi khóe mắt bà đã khô quánh!

(*) Truyện đăng trên http://newvietart.com/index3.5994.html (16/10/2014)
(*) Đăng Nguyệt san Việt Văn mới số 17 tháng 11 năm 2014, in tại Pháp
(*) Đăng trên báo Người cao tuổi Cuối tuần, số 47 (1364) Thứ sáu, ngày 21-3-2014

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét