Tản văn
Còn đối với lũ trẻ con bé xíu, những ngày vào hè không có nỗi lo âu như thế; cũng không có sự chia tay bạn bè để làm cho lòng se se buồn.
Vào
hè với tôi thuở còn bé xíu, khi còn là cậu học trò lớp tư, khi hoa gạo và hoa
xoan tây càng nở đỏ bao nhiêu, thì sự vui mừng, khấp khởi trong lòng càng rộn
rã bấy nhiêu. Những ngày dài được nghỉ học, được tự do nhảy nhót, và có thể còn
được đi chơi xa, đã hiện lên trong tâm trí tôi bao điều sung sướng.
Ngay
từ những buổi học cuối kỳ, tôi đã thấy sao mà thích thế. Gần như chả phải học
hành gì cả.
Có
lần, thày giáo tôi mê mải nói những chuyện gì đó với thày giáo nhất ở ngoài
hiên. Trong lớp, chúng tôi tha hồ nghịch ngợm, cấu chí nhau, nhảy chồm chồm lên
bàn, tranh nhau con ve sầu chết, gấp tàu bay giấy lao lên không trung cho nó lượn
vòng khắp lớp, và còn thi chọi cỏ gà nữa.
Tôi
có con cỏ gà vô địch. Nó đã hạ được rất nhiều con khác, mà cổ nó mới chỉ bị xơ
ra một tí. Một lần, đương lúc tôi thách đấu thì thày giáo đi vào lớp. Cả lũ học
trò xô nhau ngồi vào chỗ mình. Khi tất cả đã đâu vào đấy, thày tủm tỉm cười hỏi:
Ai biết cổ tích gì, đứng lên kể cho anh em nghe!
Một
anh mạnh bạo đứng lên kể chuyện Thằng bé
Tí hon. Nghe kể xong, nhiều anh khác rì rầm những câu pha trò và cười nhỏ. Còn
thày, thày về bàn ngồi làm “classement”. Tôi thì lơ đãng nhìn con chim vành
khuyên. Nó đang nhảy nhót trên những tàu lá chuối tây ngay sát cửa sổ tôi ngồi.
Con
chim mới đẹp làm sao, lông mượt óng ánh. Nó vừa nhảy vừa hót ríu ran. Rồi tôi
thấy nó đậu vào buồng chuối, rỉa những quả chín vàng ươm. Tôi thầm ước, giá mà
bẫy được con chim vành khuyên này để nuôi thì thích quá.
Nó
vẫn mê mải rỉa quả chuối. Tôi nghĩ, nếu mình rón rén vồ, may ra thì trúng đấy.
Nhưng làm thế nào bây giờ. Tôi nhấp nhổm. Còn con chim cứ thản nhiên rỉa chuối;
thi thoảng cất tiếng hót, nghe thật thích.
Rồi,
tôi cậy một cục vôi ở tường, lén mở cửa kính, vung tay ném nó. Cục vôi rơi bộp
một cái trên tàu chuối cạnh con chim. Nó giật mình bay mất. Tôi tiếc ngẩn ngơ.
Chợt, tôi thấy một con ruồi đâm nháo nhào vào cửa kính như một thằng điên. Và,
tiếng ve sầu râm ran tứ phía.
Quên
cả các bạn xung quanh, tôi ngồi đưa mắt ra tận cánh đồng xa. Ánh nắng chói
chang đổ xuống trắng xóa cảnh vật trên đồng. Nổi lên là mấy con trâu, như những
đốm đen di động, cần mẫn gặm cỏ nơi bờ ruộng. Và theo gió nhè nhẹ thổi về, tôi
nghe thấy tiếng hát véo von của những đứa trẻ chăn trâu. Chúng đang ngồi trên đồi
thông trốn nắng. Tôi còn nghe rõ cả tiếng sáo diều vi vu trong không trung.
Tất
cả như ru tôi ngủ. Mí mắt tôi trĩu nặng. Tôi ước, giá được nằm dưới bóng mát cây
đa mà đánh một giấc nhỉ! Ờ, nhưng cũng không thích bằng đốt chẩy một đoạn cao
su, quết vào đầu cây sào dài rồi đi dính chuồn chuồn. Như thế còn thích hơn!
Nghĩ
thế, tự nhiên trong đầu tôi hiện ra những buổi ngao du khắp cánh đồng, dưới bầu
trời yên ả của làng quê. Có thể còn nghe thấy tiếng chầy giã gạo thình thịch mà
uể oải ở đâu đó; hay tiếng sè sè đánh ống suốt của mấy cụ già ngồi nơi thềm hè
mát mẻ, tại một làng dệt thủ công.
Cũng
có khi không làm gì cả. Tôi sẽ lang thang một mình. Tha hồ đi hết chỗ này sang chỗ khác. Đến thăm nhà những
bạn cùng học, có vườn cây quả sai trĩu cành.
Nghĩ
vậy, lòng tôi lâng lâng như đương đứng giữa một trưa hè, bên cánh đồng lúa vàng
rộm mênh mông, chan hòa ánh nắng, trải dài tít tắp phía chân trời.
Bỗng
tiếng trống vang lên. Những hồi trống của buổi học cuối cùng. Tôi nhẩy cẫng ra
khỏi lớp, chạy một mạch từ trường về nhà, trong lòng vui như một con chim xổ lồng…
(*) Đông pháp, Thứ tư, ngày 4 Juin 1941. Bút danh: Lộng
Chương; Sách “Lộng Chương - Để đến… Nơi đến”, Nxb Sân khấu,
2013.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét