Chủ Nhật, 5 tháng 10, 2014

NHỮNG TRỤ CẦU VỮNG CHẮC(*)

Nhân vật

Vũ Thành - Đội trưởng Đội cầu, ngoài 50 tuổi
Trần Mạnh Hưng - Kỹ sư cầu, Đội phó, trên 35 tuổi
Vũ Thắng - Kỹ sư trưởng mới ở nước ngoài về, trên 30 tuổi
Vũ Minh - Lái tàu, ngoài 30 tuổi
Cầm Long - Công nhân, ngoài 20 tuổi
Trịnh Cương - Công nhân hàn, trên dưới 25 tuổi
Nguyễn Thế Hoàng - Công nhân kích kéo, ngoài 20 tuổi
Vĩnh Khang - Phó ban chỉ huy tuyến phía Nam, ngoài 45 tuổi
Hoàng Thái - Chỉ huy xe thồ, ngoài 30 tuổi
Phương Liên - Y sĩ đội cầu, dưới 30 tuổi
Lan Thanh - Trung cấp kỹ thuật, Bí thư Đoàn Thanh niên Lao động, 25 tuổi
Sen - Còn gọi là Họa mi rú Riềng, thanh niên xung phong (TNXP), trên dưới 20 tuổi
Mừng - Đội trưởng TNXP 339, 25 tuổi
Lý - Đội trưởng thuyền nan, trên 25 tuổi
Chị Hiền - Được gọi là chị Cả, cấp dưỡng Đội
Mỹ
Dung
Cố Vui
Và khối quần chúng trường diễn: Công nhân cầu, thanh niên xung phong, xe thồ…
KHAI TRƯỜNG TỪ
 Nhạc khai trường, tiếp lời xướng trầm hùng

HỢP XƯỚNG I

Xướng                                    Những người con của đất nước anh hùng
                                                Vì Tự do - Độc lập, vì Thống nhất non sông
                                                Bám trụ giữ đường, đội trời bão lửa
                                                Đưa những đoàn tàu tình nghĩa vào Nam…
Hợp xướng    (Bão lửa)
                                                Bắc - Nam một dải
                                                Sừng sững thành đồng
                                                Sắt thép quân thù khôn chặn lối
                                                Tàu ta vượt núi băng sông              
                                                Cầu ta vững nhịp tiến công quân thù…


            Nền cảnh cố định: Dải Trường Sơn trùng điệp tím sẫm, án ngữ chân trời. Cận cảnh: Dãy Rú Riềng uốn khúc, với những triền núi nham nhở hố bom, và những vạt cây cháy đen xám.
            Những triền rú cao thấp tự nhiên, bị bom địch đánh phá thành những cấp khối như xếp bậc (Cũng là những tầng lớp cấp khối dùng cho đội hình diễn xuất, có thể bố trí di động theo yêu cầu kiến trúc trang trí).
            Quang cảnh trong địa bàn kịch xảy ra: Những khoang cầu sắt bị bom cắt nát; cùng những đoạn ray đường sắt bị vặn cong queo bên mấy khung toa xe cháy nằm ngả ngốn chơi vơi, gây ấn tượng tàn phá khốc liệt.
            Và, cây đa đò Cấm bị chém cụt gần hết tán lá, sừng sững một phía.

ĐOẠN MỘT

            Trong dư âm nhạc khai trường từ…

Màn mở

            Trời sập tối. Chân trời phía tây như đọng máu, cùng với khói bom cuồn cuộn, làm cho cảnh vật quằn quại u uất.
            Ánh sáng tụ vào điểm ngoài diện một sân khấu - nơi hầm điện thoại, cũng là hầm bám trụ ngay bên đầu cầu của Ban chỉ huy Đội cầu.
            Vũ Thành đội mũ sắt, hai mắt quầng sâu nhưng rất sáng, râu ria lởm chởm, một tay cầm ống đàm thoại đang nghe, tay kia cầm điếu cày. Ánh sáng chạng vạng từ ngoài hắt vào tạo ảo giác thần bí.

Vũ Thành: (Vẻ bồn chồn. Im lặng một khắc. Nói như quát) Phải, Vũ Thành Đội trưởng 373 đây. Nói đi! Tình hình như lửa đổ lên dầu mà gọi điện lại bỏ đi đâu, để phải chờ là thế nào? Các cậu tưởng bọn này chỉ ngồi chơi, đợi nghe các cậu gọi điện đến thôi à? Hả… đang ở đâu à? Ở chân mố cầu Cấm. Coi, các cậu cho là bọn này mất tinh thần bám trụ rồi hả? Nói rỡn! Bỏ ngay cái lối nói rỡn đó đi nghe không. Được, tôi sẽ báo cáo cụ thể… (Đặt ống đàm thoại, lấy thuốc nhồi điếu thì Cầm Long đeo túi dết luồn cửa hầm đi vào).
Cầm Long: (Th phù phù) Ui… Ui… Báo cáo…
Vũ Thành: Thằng Long! Gì mà như ma đuổi thế? Thở đi đã, rồi hãy nói. (Dúi ống điếu vào hốc hầm, hút thuốc).
Cầm Long: Báo cáo… có mấy cái thư và công văn, tuyền đóng dấu khẩn. Cháu phải chạy vội… về… đưa bác. (Dỡ túi dết bên hông, lấy ra bánh thuốc lào đưa nhanh).
Vũ Thành: (Chừng mắt) Công văn khẩn đây à, thằng ôn dịch!
Cầm Long: Hì… Cháu tưởng cái khoản này đối với bác là khẩn bậc nhất! Báo cáo, chính cống Tiên Lãng đấy ạ!
Vũ Thành: Thôi, đừng có róc. Cất đi! Thư và công văn đâu?
Cầm Long: (Nhét vội bánh thuốc lào vào túi dết, lấy ra mấy bì thư) Dạ, đây ạ!
(Vừa lúc chuông điện gọi, Vũ Thành cầm ống nghe).
Vũ Thành: (Đỡ mấy bì thư, nhưng lại chìa cho Long) Xem cái nào khẩn, xé bì ra đọc tao nghe… (Nói vào ống đàm thoại) Báo cáo đồng chí… đến giờ này trong ngày hôm nay, nó đánh mười trận… Tập trung cao độ vào khu vực lòng chảo cầu Cấm này… Chắc chắn đêm nay nó vẫn tiếp tục…
Cầm Long: (Xé một bì thư) Báo cáo, công văn của Tổng…
Vũ Thành: (Gật) Đọc… (Vội nói vào ống đàm thoại) À, không… tôi nói với người bên này… (Cầm Long định đọc, Vũ Thành giơ tay chặn lại, nói tiếp vào ống đàm thoại) Báo cáo tình hình cụ thể ạ? (Vừa lúc Lan Thanh và Mừng vào. Cả hai bụi đất đầy người. Lan Thanh khoác tấm vải dù, hất gọn qua một vai, tay cầm chiếc mũ sắt. Mừng: mũ sắt lật ra sau lưng, quần áo “phăng” màu dã chiến. Thấy Thành đang nói điện thoại, họ dừng lại cách xa mấy bước. Vũ Thành nhìn thấy, gật - có ý bảo chờ. Vẫn tiếp tục đàm thoại).
Vũ Thành: Nó vẫn tập trung đánh vào cầu A… (Đưa mắt như trao đổi với Thanh và Mừng. Hai người gật đầu. Thành tiếp) Còn cầu C… các trụ vẫn tốt. Nhịp chính cầu C có bị xô đi chút xíu, nhưng không quan trọng. Kích và chèn lại là tàu sang được… Còn phương án cầu chìm ạ? Vâng, kỹ sư Hưng vẫn tiếp tục tiến hành công tác khảo sát… có triển vọng ạ. Báo cáo, tôi biết rõ ạ. Vâng… bốn hôm rồi, nó đánh không ngớt. Đoàn tàu hàng đặc biệt phải đưa gấp vào trong kia. Vâng, bọn tôi rõ lắm. Rõ lắm ạ. Còn tuyến đường… (Bịt vội ống nói, quay ra với Mừng) O Mừng…
Mừng: (Nhanh nhẹn tiến lên) Báo cáo…
Vũ Thành: (Nói luôn vào ống đàm thoại) Đồng chí nghe báo cáo trực tiếp nhé. Vâng, O Đội trưởng TNXP sẽ báo cáo (Đưa ống đàm thoại cho Mừng) Báo cáo đi, tôi nghe luôn thể.
Mừng: (Đỡ ống nói) Báo cáo Ban chỉ huy… Vâng, cháu Mừng đây ạ… Về tuyến đường sắt thì, từ cây số 292 về đến cầu C, có tới mười lăm chỗ bị đánh phá…
Vũ Thành: Hả? Mười lăm chỗ à?
Mừng: (Vẫn tiếp) Nhiều chỗ bọn nó cắt lấp cả kênh nhà Lê, đường ray bay cả lên đường bộ, có hố bom rộng trên hai mươi thước.
Vũ Thành: Phải lấp ngay những hố bom đó… đặt lại đường sắt cho tàu vượt qua.
Mừng: (Nhìn Thành, như trả lời đúng ý của đầu bên kia dây nói) Vâng. Nhưng để bảo đảm cho tàu qua được ngay thì sợ lấp hố bom không kịp, chưa kể đêm nó còn đánh nữa…
Vũ Thành: Nó đánh mặc nó! Tuyến đường sắt phải đặt lại gấp…
Mừng: (Vẫn nói trong điện thoại) Vâng. Tinh thần là phải đưa tàu vượt sông bằng được… Phải thông đường trong đêm nay…
Vũ Thành: Đúng!
Mừng: Chúng cháu dự kiến làm những chiếc cầu cạn để vượt hố bom ạ. (Nhìn Lan Thanh).
Vũ Thành: (Đang mồi thuốc, dừng lại) Cầu cạn à?
Mừng: (Vẫn đàm thoại) Vâng ạ. Tạm gọi là cầu cạn ạ. (Cười) Đồng chí nắm được rồi ạ. Chúng cháu chưa kịp báo cáo với bác Thành và xin ý kiến kỹ sư Hưng. Dạ, cháu mới bàn với chị Lan Thanh, để cùng phối hợp với đơn vị làm  Đường. Vâng, chị Lan Thanh đang đứng cạnh cháu. Vâng. (Bịt ống nói, đưa Lan Thanh) Ban chỉ huy Tiền phương hỏi.
Lan Thanh: Mừng báo cáo nốt đi!
Mừng: (Định nói vào ống đàm thoại, nhưng tiếng đầu dây bên kia ngừng, chị đặt ống nghe xuống).
Vũ Thành: (Hít liền mấy hơi thuốc lào, rồi quay ra) Phải, tình hình khẩn trương lắm. Đêm nay đoàn tàu chở pháo và xe tăng phải vượt cầu bằng được. Kế hoạch của các đồng chí thế nào, hãy báo cáo đi! (Lan Thanh và Mừng chưa kịp trả lời thì Long đã chìa một tờ công văn ra).
Cầm Long: Báo cáo bố…
Vũ Thành: (Xua tay chặn) Khoan đã (Hỏi Lan Thanh) Đội phó Hưng và tổ hàn vẫn trụ ngoài cầu hả?
Lan Thanh: Vâng ạ. Tổ hàn còn chờ kỹ sư Hưng kiểm tra lại các mối hàn nhịp 2 cầu C.
Vũ Thành: Được! Tao ra ngay… (Vừa quay  qua Mừng thì…).
Cầm Long: Báo cáo bố, công văn này báo…
Vũ Thành: (Lại chặn) Hãy để công văn công võ đấy. Vấn đề sinh tử lúc này là tàu vượt sông đã. Mừng báo cáo đi!
Mừng: Tuyến đường sắt sẽ vượt các hố bom…
Vũ Thành: (Nói luôn) Bằng cầu cạn. Biết rồi. Đó là sáng kiến mới của Đội đường… nhưng công việc này lại cần quân cầu giúp sức. Cấp bách nhất là vấn đề điều động quân và vật tư. Vậy kế hoạch thế nào?
Mừng: Hôm nay, cả ba tuyến đường giao thông đều bị đánh phá…
Vũ Thành: Đó! Đó… Đường bộ vượt đèo Phương Tích cũng bị dính bom địch, cần giải phóng gấp cho ô tô và xe đạp thồ chuyển tải. Kênh nhà Lê bị lấp một chỗ… Bom nổ chậm, bom từ trường chưa phá hết… Còn lực lượng công nhân cầu, thanh niên xung phong, đội thuyền chuyển tải, phân bố ra sao?
(Một đợt pháo kích dồn dập từ ngoài biển phóng tới, nổ rền như tiếng trống thúc trận. Vũ Thành và mọi người lặng đi).
Mừng: (Trao đổi với Lan Thanh - qua Vũ Thành) Báo cáo bác, việc chống “pa-lê” làm cầu cạn vượt hố bom thì khâu chính là chuẩn bị vật liệu. Nếu phối hợp được với Đội thuyền, chuyển vật liệu ra hiện trường nhanh thì…
Vũ Thành: Đúng! Thế O đã gặp Lý chưa?
Mừng: Cháu còn chờ ý kiến bác.
Vũ Thành: Được rồi. Cháu cứ bàn với Lý, và điều quân gấp theo yêu cầu. (Mừng ra).
Vũ Thành: (Với Lan Thanh) Ta ra cầu…
Cầm Long: (Vẫn chờ, vẻ bồn chồn đưa tờ công văn ra) Báo cáo bố, tờ công văn này…
Vũ Thành: Còn công văn gì nữa? (Giơ tờ công văn ở tay) Đây, Tổng cục báo đã cho tăng cường vào đây một đội trên một trăm xe đạp và người thồ, do Đoàn TNLĐ Đường sắt đảm nhiệm. Và bổ sung thêm mười sáu thuyền cho Đội thuyền chuyển tải. Hừ… tăng cường, bổ sung, hay gọi là chi viện gì gì nữa, cũng là một sự khiển trách đối với Đội cầu Cấm. Cầu Cấm bị cắt đứt, không đưa được những đoàn tàu hàng qua sông; nay phải giải quyết bằng thuyền, bằng xe thồ thay thế!
Cầm Long: Báo cáo… công văn này lại báo tin khác cơ ạ!
Vũ Thành: Tin gì nữa? (Giật tờ công văn ở tay Long).
Cầm Long: Báo cáo… công văn báo anh Thắng được bố trí về đây công tác ạ.
Vũ Thành: Hả? Thằng Thắng về công tác ở cầu Cấm này à? (Rút kính đọc công văn, lộ vẻ khoan khoái) Tốt. Tốt lắm. Đội được tăng cường cán bộ kỹ thuật… là tốt lắm!
Cầm Long: Úi… Đồng chí Thằng là chúa gan nhá. Bom, mặc. Pháo, mặc. Chỉ có tiến lên…
Vũ Thành: Ờ… ờ… ngày nó về nước, nó đã viết thư báo và hỏi ý kiến tao… Tao bận quá, cũng chưa trả lời nó được. Ờ, nó về đây công tác thì khâu kỹ thuật của Đội được tăng cường thêm.
Cầm Long: (Nhân khi Thành vui, lém lỉnh) À, báo cáo bác, cháu lên Ban chỉ huy nghe được tin… tin… (Chợt lúng túng không nói được tiếp).
Vũ Thành: Tin gì?
Cầm Long: Báo cáo… có tin đồng chí Phó ban chỉ huy tuyến phía Nam về thay bác, để bác nghỉ…
Vũ Thành: (Cau mặt) Cái gì… hả? Phó ban chỉ huy phía Nam về thay tao à? Có đúng không?
Cầm Long: Trên Ban, ai cũng nói thế ạ. Thay bác để bác nghỉ phép…
Vũ Thành: Tao nghỉ phép… Ai bảo thế? Tao làm sao mà nghỉ phép? Mày… mày nhặt tin bậy bạ đem về đây là chết với tao đấy!
Cầm Long: Không ạ! Báo cáo bố, trên Ban còn bảo cho liên lạc dẫn đường, đưa bố về…
 Vũ Thành: (Nhìn chéo Cầm Long, nói riêng) Lạ thật! Thế là thế nào?
Lan Thanh: Bác ạ, hẳn Tổng cục quan tâm đến sức khỏe của bác, nên muốn bác nghỉ dưỡng ít lâu…
Vũ Thành: (Trừng trừng nhìn Lan Thanh) Sức khỏe tao làm sao? Chỉ có là trên nhận xét tao bất lực… Được! Muốn nhận xét gì thì tàu cũng phải vượt cầu Cấm đã. (Với Long) Báo cho các tổ đội cầu đưa quân ra ngay. Ra ngay, nghe không?
Cầm Long: Rõ…õ! (Đi nhanh ra).
Vũ Thành: (Với Lan Thanh) Ra cầu thôi! (Vũ Thành đi ra phía cầu, Lan Thanh ra theo sau. Ánh sáng chuyển. Phía trong đường men rú và lên đèo, tiếng đại xa ầm ì khởi động. Những binh chủng chuyển tải thô sơ cũng khẩn trường chuẩn bị: Một vài xe đạp thồ từ nơi trú ẩn đẩy ra nối tiếp nhau;Đội thuyền nan với mái chèo, sào đẩy, thừng neo hối hả xuất kích).
Tiếng hò: (Hò từ sau sườn rú Riềng)
                        Ai xuôi ai ngược
                        Ai lập chiến công
                        Ai về Hà Nội
                        Ai vào Cửu Long
                        Cũng qua những đoạn đường vòng
                        Do tay ta đắp, do lòng ta thương…
            (Có tiếng hoan hô bốn phía).
Tiếng hoan hô: A… a… Họa mi rú Riềng đã lên tiếng. Xe thồ lên đường được rồi đây! O Sen ơi…
            (Sen từ một phía rú đá đi tới, dáng nhanh nhẹn).
Sen: (Đứng trên một sườn rú cao, gọi ra phía ngoài) Các bác, các anh xe thồ ơi!...
Tiếng đông người: Có…ó xe thồ đây…ây!
Sen: Tranh thủ thời gian giữa hai trận nó đánh, hãy thồ nhanh qua đèo Phương Tích nhá!
Tiếng một người: Tranh thủ đi, anh em ơi!
Sen: Đường qua đèo có bom giặc phá… xe thồ cứ men sườn núi theo hướng cọc tiêu chúng tôi đã cắm mà vượt lên.
Tiếng đông người: Rõ…õ… Tạm biệt O Sen nhá!
Sen: (Vui vẻ với mọi người) Tạ… ạm bi… iệt đến mai. Nào, hãy hò lên nào (Bắt hò luôn) Ơ… xe thô vượt đỉnh đèo cao/ Đánh cho Mỹ cút ngụy nhào mới nghe… này. Dô hò là hò dô ta…
(Tiếng hò vang dội. Không khí sôi động. Và một hồi còi thu quân rộn lên).
Lý: (Cùng 2 nữ đội viên thuyền chuyển tải xuất hiện ở phía cây đa đò Cấm) Đưa thuyền ra bến, chuẩn bị xuất phát. Khẩn trương đi!
Hai đội viên gái: Khúc kênh trên ngã ba bị bom lấp, đã khơi lại chưa?
Lý: Dòng kênh không bị lấp hết, vẫn còn luồng đi lại được. Cứ đến đấy, nếu cần ta sẽ mở rộng luồng mà đi.
Hai đội viên: Rõ! (Đi nhanh xuống bến).
Sen: (Tiến lại) Chị Lý!
Lý: Sen đấy à?
Sen: Ngã ba kênh nhà Lê đổ vào sông cửa Lò có bom từ trường đấy. Đội thuyền đi qua, nhớ “khai trừ” mọi đồ lề bằng sắt.
Lý: Rõ! (Vừa lúc Mừng từ phía cầu đi nhanh tới).
Mừng: Chị Lý, có yêu cầu phối hợp đây!
Lý: Gì thế?
Mừng: Đội thuyền ngược lên điểm nhận hàng, chị hãy kết hợp chuyển một số vật liệu cho tuyến đường sắt vừa bị đánh phá.
Lý: Được! Cho xếp ngay xuống thuyền đi!
Mừng: Vâng… chị chờ em một tí. (Quay qua Sen) Thế nào Sen?
Sen: Báo cáo Đội trưởng, đoạn dốc gần đèo Phương Tích có một quả bom cỡ 500 bảng Anh dính giữa tim đường. Hố bom phá rộng, xe lớn không qua được. Còn xe thồ men sườn núi có thể vượt lên. Em đã cho cắm tiêu chỉ hướng.
Mừng: Sen điều một B lên mặt đường, lấp hố bom gấp cho thông xe. Còn hai B cho ra tuyến đường sắt. Đường đèo thông rồi thì tiếp tục đưa quân tăng cường cho tuyến đường sắt nhé. Đêm nay thực hiện kế hoạch chồng “Pa-lê” làm cầu cạn đấy!
Sen: Rõ!
Mừng: (Với Lý) Ra đi chị… (Mừng quay vào, thổi còi tập hợp đơn vị. Sen cũng đứng lên trườn rú thổi còi. Từng tốp TNXP rầm rập triển khai về phía cầu và đường đèo. Cầm Long xồng xộc chạy tới ).
Cầm Long: O Sen! O Sen!
Sen: Anh cần gì thế?
Cầm Long: O có thấy cậu Hoàng kích kéo đâu không?
Sen: Ơ… sao anh lại hỏi tôi?
Cầm Long: Tôi muốn tìm bóng thì phải hỏi hình, chứ còn gì nữa…
Sen: Này… anh đừng có mà… (Tiếng sáo từ một phía vút cao. Sen im bặt).
Cầm Long: (Reo lên như thắng cuộc) Đó… đúng quá phải không, O Họa mi… rú Riềng? (Ví von) Hình kia bóng ấy gắn liền…
                        Có Hoàng thì phải có Sen đi kề…
Sen: (Ngoắt bỏ đi) Vớ vẩn!
Cầm Long: (Vội chặn đường) Ấy… ấy…
(Hát liền vào điệu quan họ, theo tiếng sáo) Người ơi người ở đừng về…
(Sen đứng lại, dáng ngang ngạnh. Thế Hoàng xuất hiện, sáo còn trên môi nhưng không thổi tiếp. Hoàng quần áo lao động nhưng chỉnh tề, đội mũ sắt đàng hoàng).
Thế Hoàng: (Nghiêng đầu chào kiểu cách) Chào… (Sen gạt Cầm Long, bỏ đi thẳng).
Cầm Long: (Vội chạy theo) Ấy… ấy… Cậu Hoàng đây, sao lại bỏ đi? (Đứng lại cười) Hay thật. Con gái, cô nào hờn dỗi trông cũng duyên dáng tệ…
Thế Hoàng: (Vẫn đứng im, tỉnh như không) Còn cậu… trông sao mà… vô duyên… tệ!
Cầm Long: (Cười trừ) Hì… Trông cậu diện bảnh như đi dự dạ hội ấy!
Thế Hoàng: À… đối với mình… mỗi đêm ra hiện trường là một lần đi dạ hội… dạ hội hoa lửa. Xin lỗi nhá! (Định đi về phía Sen).
Cầm Long: Ấy… ấy… Hãy tạm biệt em một tý để nhận lệnh đã. (Hoàng dừng lại tỉnh như không. Long tiếp luôn) Bố Thành cho tớ về điều các cậu ra cầu ngay… Lệnh bố Thành là phải ra ngay.
Thế Hoàng: (Thái độ khẩn trương) Ờ… còn mấy đứa tổ mình hốt quá, chúng nó lủi đâu, mình đang lùng chưa ra…
Cầm Long: Cậu sang tìm chúng nó bên nhà thờ Long Nha chưa? Tớ thấy mấy đứa bàn mảnh với nhau là ở đấy “chữ thọ” vững nhất!
Thế Hoàng: Úi trời, những thằng của nợ! Chả thấy bao  nhiêu nhà thờ đã bị tụi Mỹ thả bom nát nhừ ra hay sao? (Chợt trông ra một phía) Kia rồi, mấy ông tướng cáy… (Xô ra) Vắt chân lên cổ một tí các tướng ơi! (Vào khuất) Tổ kích kéo tập trung mau. Hướng cầu… nhanh lên nào!
(Cầm Long vừa định đi thì chị Hiền chợt tới. Chị Hiền đội mũ rơm, gánh một bên thùng men nước uống, một bên mấy cặp lồng cơm; đòn gánh đeo thêm một bi đông bọc vải bạt).
Chị Hiền: Ơ… cậu Long…
Cầm Long: A chị Cả. Chị gánh nước uống ra cầu cho anh em đấy à?
Chị Hiền: Cả mấy xuất cơm của bác Thành và các đồng chí trụ ở ngoài đó nữa đấy. Này, có ai việc gì không?
Cầm Long: Không đâu…
Chị Hiền: Thế hả? Chắc các đồng chí ấy cũng đói rồi đấy. (Tiếng máy bay địch ầm ì xa xa) Đấy, cái m thằng Zôn… Zôn lại sắp giở quẻ. Cậu cũng ra cầu chứ? Đi! (Hai người định ra thì Vũ Minh vào).
Vũ Minh: (Hớt hải) Có thấy ông Thành đâu không?
Chị Hiền: Anh hỏi gì thế?
Vũ Minh: Tôi hỏi ông Thành.
Chị Hiền: Mà cứ thấy anh là sôi lên xùng xục: Bác Thành đâu? Để cho người ta làm việc chứ!
Vũ Minh: À, à… thưa chị, xin lỗi chị, tôi cần gặp ông Thành, xem cầu phà ra sao, để cho tàu qua đêm nay. Khổ quá, bao giờ thì tàu mới đi được? Đêm nay có qua được không?
Chị Hiền: Tôi cũng tìm ông ấy đây. Anh đi theo tôi. (Ba người ra. Bóng tối đã dày đặc. Địch lại mở đợt pháo kích liên hồi. Đạn pháo vun vút xé không gian. Ánh sáng tụ quang về phía hầm chỉ huy. Từ phía cầu, Mạnh Hưng, Lan Thanh đi tới, vừa đi vừa theo dõi đường đạn địch. Lan Thanh và Mạnh Hưng đứng lại ngoài hầm, nép bên nền ta-luy).
Lan Thanh: Anh Hưng ạ… đêm nay có thể nó lại đánh mạnh nữa…
Mạnh Hưng: (Vẻ trầm lặng, suy nghĩ) Có thể!
Lan Thanh: Mấy đoàn tàu bị nghẽn bốn hôm rồi. Từ hôm nó phải rút bớt diện đánh phá đến nay, nó càng tập trung đánh vào điểm cầu Cấm này. Ngày đêm không ngớt. Không đưa được một đoàn tàu nào qua sông, gay go thật!
Mạnh Hưng: (Như lơ đãng nghĩ một chuyện khác) Trong kia đang chuẩn bị đánh lớn… mà không có tiềm lực tầm cỡ thì không đánh được. Bỏ mất thời cơ thắng địch là không thể chấp nhận được. Đối với sự chậm trễ có phương hại lớn như thế, cần xử trí thế nào bây giờ?
Lan Thanh: Liệu đêm nay có khả năng đưa tàu qua sông được không anh? Tư lệnh tiền phương lại vừa gọi điện hỏi bác Thành.
Mạnh Hưng: Phải tạo khả năng đưa bằng được tàu qua sông. Nhiệm vụ này không hoàn thành được, trách nhiệm không phải chỉ riêng ở bác Thành, Lan Thanh ạ!
Lan Thanh: Anh có tin là vì cầu bị nghẽn mà bác Thành phải chuyển công tác không?
Mạnh Hưng: Không! Nếu bác Thành bị kỷ luật thì phần trách nhiệm chính thuộc về chúng ta - những người cán bộ kỹ thuật phải gánh lấy phần lớn hơn… Nhưng tôi cũng nghĩ như Lan Thanh, tôi không tin là bác Thành phải chuyển công tác vì bị kỷ luật, vì thiếu tinh thần trách nhiệm.
(Địch lại pháo kích. Lần này, vành cung pháo kích đã sát ngay bên cầu. Vũ Thành vừa từ ngoài cầu về).
Vũ Thành: Nó pháo kích sát mục tiêu rồi đó… Hưng à, Thanh à… vào đây! (Cùng hai người vào hầm, Thành tiếp) Cái lối nó pháo kích kiểu này là máy bay nó tập kích liền đó!
Mạnh Hưng: (Ngồi lên thanh tà vẹt bị bom cắt, kê làm ghế) Vâng! (Lan Thanh đứng gần cửa hầm. Thành vơ điếu dúi vào hốc tường hút thuốc, quay ra thở khói).
Vũ Thành: Thanh, Hưng… hai đứa thấy… liệu đêm nay mấy đoàn tàu có qua được sông bằng cầu C không?
Lan Thanh: Qua những trận địch đánh phá ta đã thấy, cầu chính nghi trang dử cho nó đánh, thì nó không hề đụng đến, tỏ ra nó đã biết; nên nó tập trung đánh phá cầu A và một phần cầu B đã bị phá hỏng nặng từ trước. Còn cầu C…
Vũ Thành: Nó chưa phát hiện ra đấy thôi.
Lan Thanh: Vâng. Nhịp cầu 1 ta đem cất giấu đi, nhịp 3 thì chưa kích lên, có thể nó vẫn cho là cầu hỏng. Giờ chỉ còn chờ tuyến đường sắt đặt xong, nhịp cầu hỏng kích lên trụ, và lắp lại nhịp 1 là tàu qua được ngay…
Mạnh Hưng: Đó mới là theo tính toán chủ quan của ta, còn đối với thằng địch quỷ quyệt gian ác, lại có trình độ khoa học kỹ thuật chiến tranh hiện đại như đế quốc Mỹ, tôi nghĩ ta cần phải hết sức cảnh giác. (Im lặng hồi lâu. Tiếng máy bay địch đã chờn vờn, và pháo của chúng cũng đã xòe cánh cung ra xa) Cần chú ý đến lối đánh mấy hôm nay của địch, tôi thấy nên đặt một giả thuyết: Ta nghi trang dử nó, thì nó cũng có thể nghi binh dử ta…
Vũ Thành: (Như reo lên) Đúng. Cần phải đặt vấn đề như thế. Nghĩa là thằng địch có thể đã phát hiện ra cầu C rồi!
Mạnh Hưng: Vâng. Những trụ cầu C vẫn lù lù trên mặt nước, dầm chưa cắt hết… nó không thể bỏ qua.
Lan Thanh: Như vậy thì…
Vũ Thành: Phải đề phòng nó đánh cầu C đêm nay.
Mạnh Hưng: Cầu A bị đánh ác liệt, đêm nay ta phải cho lắp cầu C để đưa các đoàn tàu qua sông.
Vũ Thành: Đúng! Đúng!...
Mạnh Hưng: Tôi cũng đã kiểm tra kỹ cầu A. Và đã có phương án sửa gấp những trụ cầu bị hư hỏng.
Vũ Thành: Tốt! Rất tốt! Cần phải thực hiện ngay. Tôi sẽ phụ trách cầu C, điều khiển đưa nhịp lên trụ và dẫn tàu qua. Đội phó Hưng chỉ đạo sửa gấp cầu A. Lan Thanh xuống đội TNXP cùng Mừng, giải quyết kịp thời việc sửa đường và chuyển tuyến… (Mải nói, Vũ Thành không để ý đến sự xuất hiện của chị Hiền và Vũ Minh) Ta hạ quyết tâm phải đưa bằng được mấy đoàn tàu vượt cầu C đêm nay. Và vẫn phải xúc tiến khảo sát hoàn chỉnh phương án cầu chìm.
Vũ Minh: (Vũ Minh phấn khởi, tiến sát đến bên Vũ Thành) Ngay đêm nay… thưa bác?
Vũ Thành: Phải! (Hơi ngạc nhiên) Mà cậu đến đây có việc gì?
Vũ Minh: Dạ… cháu muốn hỏi… điều bác nói vừa rồi ạ… Chào bác, cháu đi ạ!... Xin chào tất cả. (Chạy vụt đi. Phương Liên vào).
Phương Liên: Thưa ba…
Vũ Thành: Sao, ở bệnh xá có việc gì đấy con?
Phương Liên: Dạ không ạ. Con nghe tin…
Vũ Thành: (Cười) Tin thằng Thắng về đây hả?
Phương Liên: Dạ… tin… tin ba sắp đi nghỉ phép ạ.
Vũ Thành: Nghỉ thế nào được. Con biết tin thằng Thắng rồi hả. Ờ, nó về đây thì cũng vui đấy. Chúng ta đang gấp thi công cầu chìm, nó có thể giúp Mạnh Hưng một tay.
Phương Liên: (Rót ca nước đưa cho Vũ Thành) Ba uống nước cho đỡ mệt.
Vũ Thành: (Đỡ ca nước uống một tợp) Chôi cha! Lại cái chè tăng lực… Cái này dành cho bọn bay. Tao là phải cái thứ giảm lực kia. (Thấy Vũ Thành mải thuyết trình trao đổi công việc, nghe ông nói vậy, chị Hiền gỡ bi đông treo ở đầu gánh, rót ra ca).
Chị Hiền: Đây… đây… Thủ trưởng là phải cái thứ chè pha thật đặc cơ.
Vũ Thành: (Đỡ ca nước) Cảm ơn… Chị Hiền thật là người chị cả trong đơn vị đó!
Chị Hiền: Thủ trưởng quá khen. Giá thủ trưởng ăn bát cơm lúc này thì…
Vũ Thành: (Đưa tay ngăn chị Hiền, quay sang nói với Mạnh Hưng và Lan Thanh) Theo kế hoạch đã phân công, đồng chí Mạnh Hưng và đồng chí Lan Thanh nhận nhiệm vụ ngay. Tôi còn ở đây công tác với các đồng chí cho đến khi nào thông được cầu chìm. Đồng chí Vĩnh Khang có lẽ sẽ vào thay tôi. Chúng ta đang cần thêm người… thêm kinh nghiệm…
Mạnh Hưng: Chúng cháu cũng đang bàn nhau về chuyện bác nghỉ vào lúc này. (Ngưng lại) Có lẽ bác cũng nên nghỉ một thời gian cho lại sức. Hồi này bác mệt đấy. Chúng cháu sẽ quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ để bác yên tâm.
Vũ Thành: (Như theo đuổi một thắc mắc riêng) Yên tâm… Yên tâm thế nào được. (Đứng dậy) Thôi, tất cả ra hiện trường!
Mạnh Hưng: (Cùng Lan Thanh) Rõ!
(Tất cả cùng ra. Ánh sáng chuyển vào tuyến rú Riềng. Vũ Thắng cùng Hoàng Thái, mỗi người đẩy một xe đạp xuất hiện. Thắng đi xe của Liên Xô, kiểu mà các lưu học sinh thường đem theo về nước. Xe còn mới nhưng cuộn kín vải dù. Xe của Hoàng Thái cũ hơn, kiểu nội địa. Cả hai đều thồ những đồ đạc thiết dụng. Lên đến giữa đường sống voi, hai người cùng dừng lại).
Hoàng Thái: Rú Riềng đây rồi. Chẳng biết sang bên kia đò Cấm hay phải đi ngược qua đèo Phương Tích đây?
Vũ Thắng: (Dáng mệt mỏi, dựa xe đạp vào hốc đường rú, đứng nhìn quanh) Nó đánh khiếp thật. Trước kia, rõ ràng quanh đây là cảnh làng mạc sầm uất… bây giờ điêu tàn quá. Trống trải mênh mông…
Hoàng Thái: Anh đã thấy đấy, (Im lặng một giây) cái lòng chảo rú Riềng, cầu Cấm ở đây không những trống trải, mà lại hẹp nữa. Ba tuyến giao thông; thủy - bộ - đường sắt, có đoạn như chập làm một. Địch đánh một tuyến là chạm cả ba. Nên vấn đề duy trì tuyến đường sắt ở đây thật không đơn giản. Nếu không sử dụng những phương tiện vận tải thô sơ, thì nhiệm vụ chi viện tiền tuyến thật khó có thể hoàn thành.
Vũ Thắng: (Như đuổi theo ý nghĩ riêng) Tăng cường phương tiện vận tải cho tuyến đường này, Tổng cục chỉ đạo thật sát và kịp thời. Nhưng mà, nó đánh dồn dập, ác liệt như thế, khó đảm bảo cho tàu qua thật an toàn.
Hoàng Thái: Mà thời gian này nó còn tập trung đánh mạnh ở đây ác liệt hơn nữa. Nó rút diện đánh phá xuống vĩ tuyến 20, thì số bom mọi khi nó rải ra đánh cả miền Bắc, nay sẽ dồn hết vào đây chứ sao. Như vậy có phải là ước mơ làm những cầu hiện đại mà ông đã say sưa trình bày khi chúng ta mới gặp nhau ở Bộ trước lúc lên đường vào đây, đến nay hẳn ông đã thấy khá mong manh rồi chứ?
Vũ Thắng: Không! Tôi vẫn tin là sẽ thực hiện được.
Hoàng Thái: Sẽ à?... Đợi khi bọn Mỹ rút về nước nó, ông sẽ thực hiện được thôi! (Một tiếng nổ inh tai, làm Thắng vội nép người vào hốc núi. Một giây im lặng, Thắng đi ra).
Vũ Thắng: Bom à?
Hoàng Thái: (Tỏ ra am hiểu) Bom nổ chậm đấy! (Vừa lúc đó, tiếng Sen véo von).
Tiếng Sen: Dốc núi chon von
                        Giữ đường nguyên vẹn
                        Ngân vang câu hò
                        Ai về ngoài ấy Thủ đô
                        Nhắn cùng Hà Nội đừng lo trong này…
Hoàng Thái: Đúng rú Riềng chưa! Nghe thấy tiếng hát mà không hề thấy người… Lời đồn có đúng không ông?
Vũ Thắng: (Vô tình lộ thoáng tâm tư) Rợn nhỉ!
Hoàng Thái: Rợn là thế nào? Thần thoại chứ!
Vũ Thắng: (Bần thần) Trên đường về nước thật quả tôi không tưởng tượng nổi những cảnh thực tế lạ kỳ như thế này.
Hoàng Thái: Đó là điều tất nhiên thôi. Qua những năm tiếp xúc với cuộc sống đầy đủ tiện nghi… người ta thường quên mất cái gian khổ, thô sơ… nhưng rất vinh quang của dân tộc mình đấy!
Vũ Thắng: Chỉ nghe ông nói, cũng biết ngay ông là người chỉ huy… (Có ý xem thường) được giao trách nhiệm cai quản cả một lực lượng xe đạp thồ…
Hoàng Thái: Xin chớ coi thường cái xe đạp Việt Nam, ông nhé! Tôi không cục bộ chủ nghĩa đâu. Nhưng rõ ràng cái xe đạp vào tay người Việt nam đã được vạn năng hóa; và nó đã từng ghi những chiến công lẫy lừng trong quá trình hai cuộc kháng chiến của dân tộc ta, mà đỉnh cao là chiến thắng lịch sử Điện Biên. Truyền thống xe thồ góp sức vào chiến thắng Điện Biên đã làm cho thế giới từ ngạc nhiên đến thán phục. Đúng không nào? (Vũ Thắng im, Thái càng cao giọng) Cho nên tất cả vì miền Nam ruột thịt, lúc này lại càng phải đặt xe đạp thồ vào vị trí chủ lực…
Vũ Thắng: (Như nói một mình) Cũng cần nghiên cứu xem thế nào…
(Sen cùng một số TNXP từ phía đèo Phương Tích tiến ra, hướng về cầu Cấm. Vừa lúc này, máy bay địch ào ạt đánh bom xuống cầu. Tiếng bom nổ và ánh lửa rung chuyển. Thắng và Thái vội nấp vào trườn rú. Sen và đội quân nữ sững lại).
Sen: (Chạy lên một trườn rú cao, theo dõi) Nó đánh cầu C rồi. Nó còn cắt bom dọc tuyến đường bắc cầu Cấm nữa. (Máy bay địch đã đi xa) Các đồng chí TNXP, tất cả tiến về phía cầu! (Họ rầm rập kéo quân đi. Hợp xướng nổi lên. Thắng và Thái từ chỗ ẩn nấp nhô ra. Và từ hiện trường, những người bị bom đạn được chuyển về gấp, trong đó có cả ông Vũ Thành. Đi bên cáng Vũ Thành có Phương Liên).
Vũ Thắng: (Gọi to) Phương Liên!
Phương Liên: Anh Thắng! Ba Thành…
Vũ Thắng: (Nhận ra ông Thành trên cáng) Ối… ba làm sao vậy?
Phương Liên: Ba bị sức ép hơi bom… (Thắng xô tới. Đèn tắt).

 Màn hạ

(Còn nữa)
 (*) Sách “Lộng Chương - Để đến… Nơi đến”, Nxb Sân khấu, 2013.












Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét