Thứ Hai, 6 tháng 10, 2014

CỬA MỞ HÉ(*)

(Đoàn kịch Hải Phòng diễn)
Lê Hoàng   
      …Cửa mở hé là vở hài kịch thứ hai của Lộng Chương (sau Quẫn, đã gây được tiếng vang một thời). Với sở trường sẵn có, Lộng Chương đã dùng tiếng cười để chích vào cái ung nhọt ngụy quyền miền Nam, cố gắng phơi trần sự thối rữa của nó. Không giống cái cười trong Quẫn, cái cười ở đây không phải là cười sặc sụa, cười “liên hồi” mà chỉ rộ lên từng cơn rồi lại chìm vào sự chua chát, mỉa mai. Thông qua một gia đình miền Bắc di cư sống giữa đô thành Sài Gòn đang phân hóa kịch liệt, tác giả có ý muốn miêu tả sự bế tắc, suy sụp của xã hội miền Nam và xu thế đi lên của lịch sử, ưu thắng của chân lý.
        Giáo sư Tòng, một trí thức có danh vọng, vốn theo chủ nghĩa quốc gia hẹp hòi, một mặt không tán thành cách mạng, một mặt cũng không công nhận sự  thâm nhập trắng trợn của đế quốc Mỹ vào miền Nam. Theo ông, sự thâm nhập đó đã phá hoại mọi giá trị tinh thần, đã gây vết nhơ trên tâm hồn dân tộc.
           Nhưng ông không biết làm cách nào để tự giải phóng ngoài cách đóng kín cửa, rút lui vào vỏ ốc, theo cái kiểu trùm chăn. Ông từ chối sự hợp tác với chính quyền bù nhìn, cố gắng giữ gìn đốm lửa lương tâm đang le lói trong lòng mình như giữ ngọn đèn nhỏ trong cơn bão táp điên cuồng. Vợ ông - Tòng phu nhân, một bà già cổ hủ, suốt ngày chỉ biết lấy tiếng mõ cầu kinh làm bài thuốc an thần, muốn thoát ly khỏi nơi tục lụy bằng con đường Nát bàn thiết lập tại gia. Con trai cả ông, đại tá tỉnh trưởng Nguyễn Thế Bách, một sĩ quan đã từng hợp tác với Pháp, nay lại cam tâm nhìn nhận Mỹ là bố nuôi, đã nhoi lên trên bậc thang hoạn lộ bằng cái “tài” của vợ y - Bách phu nhân, một người đàn bà hấp dẫn về thể xác, giỏi ngón ngoại giao với các thượng cấp và tài xoay xở trong các vụ áp-phe. Con trai thứ của ông, trung úy Nguyễn Thế Kỷ, cũng là đệ tử trung thành của chủ nghĩa quốc gia, nhưng lòng tràn đầy u uất vì thực tế quá đen tối, ngột ngạt của cái xã hội Mỹ hóa, tha hóa đến cùng cực - người sĩ quan trẻ tuổi này muốn phá phách, muốn tìm một lối thoát, nhưng dường như bất lực.
      Chính quyền bù nhìn do Thiệu cầm đầu, thông qua tên  đặc phái viên Việt Mỹ Kỳ Lang, mời giáo sư  Tòng tham gia nội các. Đại tá Bách - con trai cả, và Bách phu nhân - con dâu ông, đều muốn ông nhận lời với những mưu toan cá nhân. Bách thì muốn nhoi lên nữa, vì theo y, những chức sắc cỡ bự cũng chẳng tài cán gì hơn y, cái quan trọng là biết nắm lấy thời cơ. Bách phu nhân thì muốn phất to hơn nữa trong các vụ áp-phe lớn sau này nhờ thế bố chồng mà có. Cái cửa đã mở hé… đón giáo sư Tòng, chỉ cần ông gật đầu. Nhưng ông đã nhất định xua tay, bất chấp sự đe dọa của Việt Mỹ Kỳ Lang và sức ép của con trai, con dâu. Cho đến lúc cái cửa được mở toang, ánh sáng cách mạng ùa vào chói lọi, tiếng súng Mùa Xuân Mậu Thân như hồi kèn báo thức làm cho giáo sư tỉnh giấc…
      Chung quanh Cửa mở hé, dư luận khen chê không nhất trí. Người khen cho rằng Lộng Chương đã biết dùng sở trường của mình, biết dùng cái cười làm vũ khí và đã mang tới sân khấu một tiếng cười khỏe và chua. Người chê cho rằng vở kịch này không nhất quán về phong cách: trong hài kịch mà lẫn cả chính kịch và bi kịch: tâm trạng của trung úy Kỷ là tâm trạng bi kịch; nhân vật giáo sư Tòng, vấn đề của ông ta là vấn đề của chính kịch; Tòng phu nhân, Bách phu nhân, cô bé Ly Ly… lại thuộc về hài kịch từ tính cách đến diễn xuất. Sự thiếu nhất quán này đã hạn chế mức hấp dẫn của vở kịch.
      Theo sự suy nghĩ của chúng tôi, trong nghệ thuật mà gây được sự tranh cãi như vậy là  thành công ở khía cạnh nào đó. Có lẽ  ngay từ khi đặt bút viết, tác giả đã bị cái “tính thời sự” của loại đề tài này làm cho lúng túng, không dứt khoát chăng? Tuy không thành công như Quẫn, nhưng ở chừng mực nào đó Cửa mở hé cũng được nhiều người yêu thích vì cái hóm hỉnh, đậm đà vốn có của Lộng Chương và đạo diễn Trần Hoạt.
      Trong Cửa mở hé, các diễn viên Bích Lân (vai Tòng phu nhân); Lệ Dung (vai Bách phu nhân), Lê Chức (vai trung úy Kỷ), Lưu Thao (vai đại tá Bách) đã hoàn thành nhiệm vụ của mình và được công chúng khen ngợi.
Tiếp Đoàn Kịch nói Hải Phòng tại Hội NSSK VN (1/1966)
Lộng Chương đứng thứ hai từ phải vào




(*) Trích bài “Xem Cửa mở hé của Đoàn kịch Hải Phòng” - Đã đăng Báo Hànộimới, tên bài do BT đặt; Sách “Lộng Chương trong trái tim bè bạn”, Nxb Hội Nhà văn, 2013.






Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét