Truyện ngắn Giang Trung Học
Theo hẹn, sáng mai ông phải nộp "quyển" rồi. Cho nên buộc
ông phải thức đêm nay. Đêm nay bắt buộc phải xong. Gần một đời cầm
bút, chưa bao giờ ông chật vật như viết cái truyện ngắn này. Nhiều lúc
bế tắc đến nản lòng. Không nhẽ ta đã kiệt sức ư?
Thấy bố vừa qua cơn cảm sốt đã lại thức khuya, anh
con trai chẳng những không động viên mà còn tỏ sự bất bình. Đây không
phải lần đầu anh bất bình. Anh muốn bố buông bút nghỉ ngơi từ lâu
lắm rồi. Bố viết mãi chẳng để làm gì. Những gì làm được, bố đã
làm rồi. Sách của bố mấy chục quyển, xem ra không ít. Có điều chẳng
tác phẩm nào đáng để người đời thực sự ngợi ca. "Sao lại không?
- ông phản ứng. Có lẽ anh không đọc, không nghe thiên hạ đánh giá thế
nào về bố anh. Hay bụt chùa nhà không thiêng?". Văn - con ông im lặng. Anh sợ
nói thẳng băng dễ làm bố sốc. Hơn nữa, nơi đây đâu phải là chốn tranh
luận văn đàn.
Thực ra, văn đàn của chúng ta xưa nay làm gì có
tranh luận. Vì mỗi tác phẩm trước khi in ra đều được thẩm định kỹ càng
rồi. Kỹ càng theo một định hướng bắt buộc, mà các biên tập viên đều
đã nhuần nhuyễn. Nhuần nhuyễn ngay từ khi họ đang ngồi ghế nhà
trường cơ. Với những tác phẩm trượt khỏi định hướng, làm sao có thể
lọt lưới để ra đời được. Vì thế, đó đây ta chỉ bắt gặp đôi câu nhận
xét, đại loại: Nhược điểm không lớn, không làm giảm giá trị tác
phẩm. Vẫn giữ nguyên tác dụng tuyên truyền, hướng dẫn quần chúng...
Tóm lại, cái được của tác phẩm là cơ bản, đáng khen... Thật ra, đấy
không phải phê bình, tranh luận. Mà là lời giới thiệu sách với dụng ý tâng
bốc nhau thôi.
Bố anh Văn - Nhà văn Vương Hy, từng được thiên hạ tâng
bốc quá nhiều. Bởi ông đã rắp tâm uốn mình sáng tác theo cái khuôn
định hướng bắt buộc ấy. Tức ông phải tự giết chết tất cả những gì
vượt khỏi định hướng, chớm hiện
từ trong ý nghĩ sâu thẳm của mình. Để cho ra đời mỗi câu mỗi chữ,
hoàn toàn lọt tai hợp ý người trên. Để đổi lấy chút tiếng tăm. Nên,
tiếng tăm ông rộ lên ngay từ những dòng viết đầu tiên trong đời. Truyện
ngắn đầu tay của ông xuất hiện đúng dịp người ta chủ trương phát
hiện bồi dưỡng những cây bút xuất thân từ giai cấp công nhân, nhằm
góp phần đảm bảo vững chắc sự định hướng trong văn học nghệ thuật.
Lập tức ông được coi là một trong những "hạt giống đỏ",
được hưởng sự quan tâm chăm sóc đặc biệt để phát huy tài năng. Rồi chỉ
sau vài ba truyện ngắn xuất hiện, ông được điều động thẳng lên Liên
hiệp Công đoàn thành phố, phụ trách khối Tuyên huấn - Thi đua - Văn
nghệ. Giữ cương vị quan trọng, lại hoạt động trên phạm vi rộng, ông
thả sức thâm nhập thực tế sản xuất và chiến đấu. Nơi ông trở thành
đầu mối để cánh báo chí - văn nghệ lui tới luôn luôn. Họ tới xin những
gương điển hình - người tốt việc tốt - để tuyên truyền. Và thường
xuyên mời ông viết bài cho báo, cho đài phát thanh. Họ gọi ông là Nhà
báo công nhân, Nhà văn công nhân. Mỗi khi sử dụng bài của ông, họ
thường có lời giới thiệu vắn tắt tiểu sử tác giả, nhằm đề cao cây
bút công nhân. Nhờ "ăn" ở chủ trương chính sách, lại được sự
phò tá đắc lực của anh em làm báo làm văn, chẳng mấy thời gian sau, ông trở thành hội viên Hội Văn nghệ thành phố,
rồi hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Có thêm những cái "mác"
này, ông trở nên to hơn hẳn, oai hơn hẳn mọi tác giả ngang tầm, thậm
chí trên tầm. Sách của ông in ra, dù chỉ là loại "người tốt
việc tốt" cũng rộn rã tiếng tăm.
Rộn rã hơn mọi pho tiểu thuyết hay của những tác giả nổi tiếng. Nó
còn được kê vào loại sách "phải học tập" trong các phong
trào thi đua xây dựng chủ nghĩa xã hội và đấu tranh thống nhất nước
nhà. Do vậy, tên tuổi ông cứ nổi cồn lên như lớp lớp sóng biển không dừng, như hiện tượng kỳ lạ
hiếm hoi xưa nay.
Thế rồi... cho đến
một ngày, Nhà tuyên huấn - Nhà báo công nhân - Nhà văn công nhân ấy
được ném sang nắm giữ trực tiếp Hội Văn nghệ thành phố. Bằng cách
áp đặt này, tại cuộc bầu, ông trúng ghế Chủ tịch Hội là đương
nhiên. Với cái ghế mới của ông, trong nghề viết nó lợi hại vô cùng.
Đúng ra, chỉ có cái lợi cho ông là vô cùng thôi. Người ta bảo: Ông
chưa đặt bút viết, khối nơi tuyên bố nhận in. Tác phẩm chưa phát hành đã có lời
giới thiệu tâng bốc lên mây. Hay, dự định sáng tác trong ông vừa nhen
nhóm, liền được tán tụng là hay, và trở thành hiện thực đến nơi
rồi. Trong khi đó, bản thảo của những tác giả khác phải chịu nằm
chờ mốc meo trong ngăn kéo các nhà xuất bản. Như thế, ông lợi to quá còn gì! Nó
có tác dụng cổ xuý ông, khuyến khích ông càng hăng hái viết. Viết
ngày. Viết đêm. Quên ăn. Quên mệt. Đặc biệt hơn bao giờ hết, nay ông
còn phải sáng tác sao cho chất lượng tốt hơn. Theo ông, một tác phẩm
đạt chất lượng tốt, ngoài sự thể hiện đúng định hướng đường lối
chính sách, còn phải phản ánh cho được đối tượng chủ yếu là công
nông binh. Nhận thức ấy, trước hết được ông thể hiện qua tác phẩm
của mình. Cùng nhận thức ấy, ông chỉ đạo hướng dẫn phong trào sáng tác văn học nghệ
thuật toàn thành phố. Một sự chệch hướng xảy ra, dù rất nhỏ đều
có hại cho cách mạng. Tất nhiên, người chịu lỗi trước tiên phải là
ông. Cho nên, dù đường lối chủ trương còn có điều này ý kia chưa hẳn
được lòng giới văn nghệ sĩ, thì ông vẫn cần đứng hẳn về phía lãnh
đạo, kiên quyết bảo vệ định hướng: Văn nghệ phục vụ chính trị! Phục
vụ chính trị tức phục vụ đại đa số quần chúng nhân dân. Đó không
chỉ là quan niệm, còn là lý tưởng
cao cả, ông một lòng một dạ phụng thờ. Và cũng là để đền đáp công
ơn cách mạng đã gây dựng ông có được chỗ đứng chỗ ngồi như hiện nay.
Không có cách mạng, chắc chắn suốt đời ông chỉ là anh thợ quèn.
"Vì thế - anh Văn
nói - bố tự coi mình như thứ con chiên của Đức Chúa Trời. Nhưng liệu
bố có dám tử vì đạo?". Ông tức nghẹn họng. Nhưng không muốn
dùng lời lẽ gay gắt tống táng vào mặt con. Đành quát: "Mày như
đứa ăn cháo đá bát... Như thằng phản động!". Rồi nghĩ: Đừng cậy
có cái bằng tiến sĩ văn chương bên Tây là ghê gớm hơn người. Tao đã
nhầm vì cho mày đi học Tây. Mà không phải tao cho. Đảng cho mày đấy. Để xem mày
làm được gì trả ơn đời. Hay trở thành kẻ chọc gậy bánh xe, ngăn cản
xã hội phát triển. Nếu vậy thì nhục nhã thay cho cả bố mày. Nay bố
gần chót cuộc đời rồi, ngót tám mươi tuổi rồi, vẫn chưa chịu buông
bút ngơi nghỉ. Đáng ra mày vui mừng mới phải. Ngược lại, còn ngăn
trở chê bai. Nhưng bố cứ viết. Viết đến hơi thở cuối cùng... Bực lòng,
ông buông bút, rời bàn viết. Vừa đứng dậy, ông bị ngã vì hoa mắt chóng
mặt. Anh Văn vội nâng bố đặt vào giường. Rút kinh nghiệm, từ nay mình
đừng có căng với cụ làm gì. Căng thế, chứ căng nữa cũng không lay
chuyển được cụ...
Thế mà không hiểu
tại sao, đêm nay anh lại mở miệng can ngăn. May mà anh biết dừng. Nên
sau mấy câu đối thoại, bố anh lại cặm cụi viết, như con ong chăm chỉ
tìm hoa lấy mật. Biết rõ sức mình viết chậm, vì thế ông từng nói
trước bạn hữu: Cần phải chịu khó gấp mười thời trai trẻ! Đấy là
kinh nghiệm, là bài học cho tuổi già, ông rút ra từ bản thân. Anh Văn không hiểu sao bố lại
lấy con số mười để đo lường so sánh. Với anh, con số mười không biểu
hiện tính chất gì đặc biệt. Bố thuận miệng nói thế, hay là sự bắt
chước? "Thấy người có gì hay thì cố mà bắt chước!" - câu
nói ấy, ông dạy anh Văn từ khi đang học cấp một. Anh đồng ý, nhưng...
Ông mặc thằng Văn.
Nghĩ hay nghĩ dở về bố nó thế nào là quyền của nó. Viết thế nào
là quyền ông. Bởi đã tự nhủ mình thế, nên lúc này ngòi bút ông mới
đủ sức lê từng chữ từng chữ trên trang giấy. Cho tới khi nghe loa thông
tin của phường oang oang bài tập thể dục buổi sáng thì ông cũng hạ
được cái dấu chấm hết xuống truyện ngắn này. Ông thở phào như vừa
qua một đêm hành quân ngược dốc. Vậy là ta chắc chắn không lỡ hẹn
đến lần thứ hai.
Hôm xưa Khanh đến thu
bài, ông lỡ hẹn. Hắn tỏ rõ sự không hài lòng bằng thái độ lạnh
lùng; mất hẳn cái hồ hởi cởi mở của những lần tiếp xúc trước.
Lần đầu tiên đứng trước ông, hắn tươi nét mặt, cúi gập người chào.
Nom chẳng khác tên đày tớ giáp mặt chủ nhà vào những sớm đầu ngày.
Ấy là đày tớ thời xưa thôi. Thời nay còn lâu đày tớ nó sợ chủ. Cãi
chủ như hát. Còn ăn vụng, lấy cắp, bớt xén đủ trò. Y như các vị
"đày tớ" mất nết trong mạng lưới chính quyền vậy. Lần ấy,
hắn tự thưa: "Cháu là cán bộ tuyên truyền văn hoá bên Bộ Thương
mại ạ". "Vậy anh tìm đến tôi có việc gì nào?". "Dạ, cháu mời bác
tham gia viết tập sách của ngành cháu ạ". "Nhưng làm thế
nào anh biết được tôi nhỉ?". Thế là hắn bắt được nhịp để tán
dương ông. Ông là nhà văn lão thành hiếm hoi. Tên tuổi ông, cả thành
phố này, cả nước này ai chẳng nhìn thấy trên tivi, hoặc nghe qua đài
phát thanh. Việc ông tham gia viết tập sách là hết sức quan trọng, là
đem đến tiếng thơm cho ngành, mà không ai thay thế được. Vân vân. Nể
hắn quá, ông đành nhận lời. Chứ thực ra ông còn đang nợ một lô bài.
Nợ không chỉ bằng lời hứa với người ta. Mà đã uống rượu rồi. Quà cáp
nhận rồi. Thậm chí tiền ứng nhuận bút cũng rồi. May thế chứ! - hắn
mừng rơn trong bụng. Vì lôi kéo được ông tham gia, coi như kế hoạch
chiêu quân đạt mức mỹ mãn. Thế là tập sách đủ mặt các thế hệ văn
chương. Hắn hẹn hôm sau đưa xe đón ông dự buổi tiếp xúc với lãnh đạo
Bộ. " Ôtô chỉ đưa đón bác thôi ạ. Vâng, với bác ai lại để tự đi
về thì... bất kính quá ạ". Dọc đường xe gặp sự cố kỹ thuật,
nên khi ông vào phòng họp thì chương trình đã qua phần tuyên bố lý do và giới
thiệu khách mời. Tuy vậy, vị Thứ trưởng Bộ vẫn dừng báo cáo thành
tích của ngành, để đón tiếp trịnh trọng nhà văn lão thành Vương Hy.
Sau động tác bắt tay thân thiết rõ lâu giữa chủ và khách, vị Thứ
trưởng đề nghị mọi người vỗ tay hoan nghênh sự có mặt của nhà văn. "Nhà văn Vương
Hy, đồng thời là nhà báo - lời vị Thứ trưởng - tác giả của hàng
chục cuốn sách cống hiến cho đời. Mấy thế hệ người Việt chúng ta
trên khắp đất nước đều đã biết tiếng tăm nhà văn. Nay tuổi cao sức
giảm, nhà văn vẫn không ngừng làm việc ngày đêm. Mặc dù đang bận trăm công nghìn
việc, nhà văn vẫn dành thời gian và trí tuệ để đóng góp cho ngành
ta. Chúng ta hy vọng và tự hào rằng, chỉ nay mai thôi, nhà văn sẽ có
tác phẩm xứng đáng phản ánh về Ngành Thương mại Việt Nam Xã hội chủ nghĩa.
Một lần nữa, tôi đề nghị nhiệt liệt hoan nghênh nhà văn". Lập
tức cả hội trường lại vang lên tiếng vỗ tay kéo dài.
Đó không phải lần
đầu ông được nghênh đón trịnh trọng. Nhiều lắm. Còn trịnh trọng hơn
thế nữa. Tổng bí thư Đảng, rồi Chủ tịch nước từng mời ông tham gia
góp ý kiến về những vấn đề vĩ mô tầm quốc gia kia. Vẻ vang là thế
chứ. Đâu phải ai cũng nhận được vinh hạnh như vậy.
Thế mà, cái cậu cán
bộ tuyên truyền văn hoá mặt non choẹt kia dám tỏ thái độ lạnh lùng
với ông. Làm cho ông phải mất thì giờ nghĩ ngợi vô ích quá. Hắn
khinh mình? Hẳn là không. Ta có làm gì động chạm hắn đâu. Còn việc
ta giao bài chậm vài ngày, xét ra chẳng đáng là nguyên nhân để hắn
bực tức. Có khi hắn bực chuyện nhà, hoặc chuyện cơ quan. Rồi nhân
chuyện ta lỡ hẹn, hắn bộc ra. Sự đời xưa nay vẫn thế thôi. Không chấp! Không
chấp!
Ông xác định thái độ
không chấp hắn dễ như chơi. Nhưng với anh con trai, ông không dễ gì bỏ
qua những va chạm xảy ra. Thường là va chạm về quan điểm văn chương. Do
con ông khởi sự là chính. Nhiều lần ông bực tới mức thầm nhủ không
thèm rây với nó. Thế rồi, dù không chủ ý, song chính ông lại luôn
luôn tạo cơ hội để nó can dự vào chuyện nọ chuyện kia. Thì nhà chỉ có
hai người, nghề nghiệp cũng gần nhau, nên chuyện văn chương như là cơm
bữa hằng ngày ấy mà!
Sáng nay cũng vậy.
Lúc hai bố con ngồi uống cà phê, ông hỏi: "Con ở nhà hay đi cơ
quan?". "Con đến cơ quan. Có việc gì hả bố?". "Tưởng
ở nhà thì, khi nào anh Khanh bên Thương mại tới, con chuyển cái truyện
của bố cho anh ấy". "Khá không ạ?". "Làm theo đơn
đặt hàng, khó lắm. Hơn nữa lại viết vội vàng. Tuổi bố thì già yếu
rồi. Sức viết sa sút rõ rệt, cả tốc độ lẫn chất lượng". Anh
Văn cười, bảo: "Cả đời bố lúc nào chẳng vội!". Ấy đấy! Nó lại đụng mình rồi - ông nghĩ. Cứ đủng đỉnh, trưa không
vội tối chẳng lo, lấy gì nuôi nó ăn học để được như bây giờ. Có một
thời, chỉ trông vào đồng lương công chức, đổ miệng mình chẳng xong.
Cho nên đêm đêm bố nó cứ phải cắm đầu xuống trang giấy. Ngày thì bận
việc cơ quan. Hở thời giờ là hạ phóng xuống cơ sở để nắm bắt tình hình. Thì mới có tư
liệu viết. Viết văn. Viết báo. Viết từ cái tin vắn dăm ba câu. Mong
nhặt nhạnh từng đồng để duy trì ổn định cuộc sống gia đình. Chứ đâu
dễ dàng êm xuôi như nó tưởng.
Thấy bố im lặng, anh
Văn nói: "Bố cần đi đâu cứ đi. Bản thảo đưa con chuyển tận tay
Khanh cho bố". "Không cần. Bố chờ ở nhà vậy". Chờ nóng
cả ruột, không thấy mặt Khanh. Hắn hẹn giữa sáng nay, thế mà mười một
giờ rồi vẫn biệt tăm. Gọi điện thoại thì chẳng ai nghe. Lúc này mây
đen tối sẫm bốn bề, chắc hắn không đến.
Liền đó, mưa giông
thốc tháo. Cửa kính cửa chớp tầng trên đập rầm rầm. Con với cái, ra
khỏi phòng cấm bao giờ nghĩ đến đóng cửa chu đáo. Chẳng đã một lần
ướt ráo giường chiếu đấy ư. Lần này may có bố ở nhà. Ông vội cài
các cánh cửa, rồi thu nhặt từng tờ giấy bay tung toé khắp gian
phòng. Đặt xấp giấy lên bàn viết, ông bắt gặp cuốn nhật ký của con.
Ông lần giở, đọc lướt một số trang. Không với ý thức tò mò, mà do
sự tình cờ tự nhiên thôi.
Dưới đây là những
dòng anh Văn mới ghi:
"Thế là mình
lại mang lỗi với bố. Đã tự răn: đừng cản bố viết, rồi thỉnh thoảng
cứ mắc. Khiến bố buồn. Và bực nữa. Như thế, tránh sao ảnh hưởng
sức khoẻ tuổi già. Xin bố bỏ qua cho con. Lầm lỗi của con không xuất
phát từ hành vi bất kính. Con chỉ muốn bố nghỉ ngơi để gìn giữ sức
khoẻ thôi. Vậy mà bố cứ cố viết. Cứ tiếp tục trướng tên mình. Để
được tiếng là bền bỉ tận tuỵ hơn người chăng? Sao bố không nghĩ đến
cái hại do chất lượng kém cỏi của tác phẩm gây nên. Lâu nay người
đọc kêu truyện bố lắm. Cũng lâu nay, không một ai tâng bốc bố lên mây. Họ coi thời của bố
đã hết. Còn việc báo này báo nọ, ngành A ngành B nào đấy, luôn luôn
mời bố viết bài, đó chỉ nhằm phục vụ cái mục đích riêng của họ
thôi. Phía người viết thuê, ngoài khoản nhuận bút còm là... chấm
hết! Xưa nay đối với mỗi nhà văn, người đời xếp hạng thấp cao không
hề căn cứ số lượng tác phẩm nhiều hay ít. Nếu được tính bằng số
lượng, con dám chấm bố đạt điểm tối đa: Mười. Còn về chất lượng,
con chưa đủ dũng cảm phê điểm Năm cho bố (cả với số đông nhà văn nước
ta).
Nhiều lần con suy
nghĩ khá căng nhằm giải đáp cho được cái lý do vì sao tác phẩm của
bố mờ nhạt. Không phải bố thiếu chút năng khiếu bẩm sinh. Càng không
thể có sự lười nhác. Vậy nguyên nhân nào? Là bởi bố đã tự nguyện
trói chặt nhận thức của mình vào cái định hướng: Văn học phục vụ
chính trị, Văn học phải làm cái đinh ốc trong guồng máy chính trị...
Sao bố không nghĩ: Văn học là văn học, Văn học có con đường đi riêng
của nó. Văn học gặp chính trị ở mục tiêu: Vì dân! Chưa hết. Bố còn
tự trói mình ở ý nghĩ: Đền đáp công ơn... Bởi thế, không một tác
phẩm nào của bố giành được chỗ đứng cao. Toàn bộ đều nhạt nhờ, pha
chút mang ơn, và đậm màu sắc báo chí một chiều. Hay, có thể gọi nó
là thứ văn học "người tốt việc tốt", văn học minh hoạ chính
sách đương thời...
Rất tiếc, bố đã
không đánh giá đúng tầm cao đích thực của những sản phẩm tinh thần
mình đẻ ra. Nhận định vậy, song con không hề trách cứ bố. Con rất
cảm thông hoàn cảnh bước vào nghề, với cả quá trình bố được nuôi
dưỡng dạy dỗ, được cất nhắc lên ngồi ghế nọ ghế kia. Nên, sản phẩm
của bố không thể khác được. Càng lao vào viết, bố càng tự hại mình
thêm...
Riêng phận làm con,
con vĩnh viễn biết ơn, tự hào và kính trọng bố!"
Gấp lại cuốn nhật
ký, nhà văn Vương Hy không khỏi suy ngẫm về mình. Có phải ông lầm lẫn
đến thế ư? Thằng Văn nói rất tiếc, trong luận văn tốt nghiệp đại học
và lấy bằng tiến sĩ văn chương, nó không thể dùng tác phẩm của bố
để làm dẫn dụ chứng minh. "Mình ước cả đời văn bố có một tác
phẩm đạt tầm cao giai đoạn, để đưa vào luận văn thì sung sướng và tự
hào biết nhường nào. Có dấu ấn người cha trong những cái mốc quan
trọng của cuộc đời mình, đứa con nào chẳng mong, chẳng thèm. Mình đành
ngậm đắng". Thế ra chẳng phải nó nghĩ "bụt chùa nhà không
thiêng". Cứ như ý nó thì lỗi là từ ông. Ông là sản phẩm của
một thời. Tác phẩm của ông cũng là sản phẩm của một thời.
Ông chỉ là con bài... Nhưng chắc đâu thằng Văn đúng tất cả?
Buổi chiều. Trước khi
giao bản thảo truyện ngắn cho Khanh, nhà văn Vương Hy mới cầm bút ghi
tên tác giả vào trang cuối. Ông có lời xin lỗi vì bản viết tay hơi
khó đọc. Khanh nói: "Không sao ạ. Tập sách có tên bác - đại diện
thế hệ bề trên - là quý hoá lắm ạ!". Sau khi ngó lướt bảy trang
viết, hắn hỏi bằng giọng ngạc nhiên: "Sao tên tác giả lại không
phải là bác?". "Không là tôi thì là ai. X, Y, hay Z thì vẫn
là tôi" - ông thủng thẳng đáp. "Đã đành là vậy. Nhưng tập sách cần là cần cái
tên nhà văn Vương Hy, chứ đâu cần ông X, Y, Z lạ hoắc ấy. Nếu không vì
thế... xin lỗi bác, cháu được nói thật thế này: Cháu chỉ hô lên một
tiếng qua điện thoại, cánh nhà văn nhà báo trẻ lập tức trình sách cả nghìn trang
ngay. Nội dung, có khi còn hấp dẫn hơn hẳn. Mà cháu thì chẳng phải
vất vả đi lại nhiều lần như thế này". Hoá là vậy! Khốn khổ
cái thân ta. Lúc này ta muốn tránh phơi mặt mình ra cũng không xong. Thì
ra, ngoài cái vỏ kính trọng, thiên hạ coi ta như là thứ để họ mua
bán, làm ăn. Coi ta là kẻ làm mướn làm thuê, là kẻ bán tên bán
mình. Vậy mà ta cứ tưởng cái giá mình vẫn cao sang. Có phải chỉ giai
đoạn kinh tế thị trường này mới thế, hay đó là chuyện vốn dĩ xưa
nay? Bỗng ông thấy chút xót xa ngầm ngầm. Khiến khuôn mặt gầy
ngoẵng của ông thêm chằng chịt những vết nhăn. Hai cái hố mắt càng sâu hoắm.
Để Khanh khỏi chờ
đợi lâu, nhà văn lão thành Vương Hy đành hạ bút ghi đúng tên mình vào
bản thảo truyện ngắn, như cả đời văn ông đã mang tên này.
(*) - Đăng trên http://newvietart.com/index3.6004.html;
- In trong tập Chuyện đời 3, Nxb Hội Nhà văn, 2014.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét