Truyện ngắn
(Để
kỷ niệm một ngày Tết, thời còn nhỏ)
Sáng mồng một Tết, chúng tôi nóng
ruột quá, mong mãi người đến xông nhà để được ra cửa; và, cốt nhất là đi khoe
với thằng Thìn rằng, đầu tôi đã ép xuống được.
Tôi cứ quanh quẩn ở nhà ngoài, chỉ chực có người réo gọi cửa là mở. Thỉnh
thoảng tôi lại bỏ cái mũ dạ ra khỏi đầu - cái mũ mà cậu tôi đã đem hấp, và mới
lấy về hôm qua - để vuốt hai bên đầu. Tôi chỉ sợ xức “bidăngtin” không đủ giữ
chặt những cái tóc quá ngắn và cứng của tôi, nó dựng lên thì khốn.
Mỗi khi mở
mũ và trịnh trọng vuốt tóc, tôi lại gập cổ, cúi đầu xuống hỏi cô Oanh, em gái
tôi:
-
Đầu tao tóc có đứng không?
Rồi
tôi chờ nó trả nhời, trong lòng thấp thỏm. Hễ nó nói “không” là tôi sung sướng
lắm, khẽ đặt cái mũ lên đầu và từ từ ấn xuống.
Chờ
mãi chả có ai xông đất, tôi bồn chồn quá. Mà cậu mợ tôi vẫn chưa mặc quần áo
mới. Thế mới dầy dà chứ, lỡ có ai vào thì làm sao? Mợ tôi vừa vấn khăn, vừa nói
chuyện với cậu tôi. Cậu đang ngồi xổm trên ghế salon, lưng quàng cái
“ba-đờ-suy” và cắn hạt dưa:
-
Vợ chồng anh giáo mãi không đến nhỉ?
Cậu
tôi mỉm cười:
-
Vừa mới bảnh mắt ra đã đến gì. Người ta
còn phải trang điểm chứ. Mợ từ sáng đến giờ vấn có cái khăn còn chưa nên thân,
lại cứ mong người ta. Đầu năm thế này, không chừng mợ sẽ bận bịu cái việc vấn
khăn cả năm ấy à?
-
Rõ khéo! Mình còn ngồi chồm chỗm đấy mà
cứ kỳ kèo người ta vấn khăn lâu.
-
Tôi mặc áo chỉ cho ấm. Nhưng này, lỡ anh
ấy quên thì làm sao? Chả lẽ chờ cho đến tối, không lại anh cả lễ tổ hay sao?
-
Gớm, dễ nghe nhỉ. Đầu năm đã thất tín thế
nào được với tôi!
-
Nhưng lỡ anh ấy quên thì giết anh ấy à?
-
Thế còn chị ấy chứ, chả lẽ lại quên nốt.
-
Biết đâu!... Đấy, như năm ngoái cả hai
vợ chồng anh ấy chẳng quên là gì.
-
Ấy thế, thành thử để cho bố Lâm lù lù
dẫn xác đến. Người đâu mà cay nghiệt, cắn răng dằn con mắt, nom thật khó coi.
Cái bố ấy xông nhà khiến mình làm ăn loanh quanh luẩn quẩn cả năm chả ra đâu
vào đâu cả.
Tôi
đứng nghe, lo ngay ngáy, lỡ bác giáo quên mất thì chết. Còn thằng Thìn, làm sao
nó biết đầu mình đã chải được mượt như thế này. Nó sẽ nghĩ mình nói khuyếch
khoách.
Bỗng
con Oanh chạy ra kéo áo tôi:
-
Anh vào đốt pháo cho em xem đi.
Nó
kéo mạnh quá làm tôi hoảng, đâm cáu:
-
Khỉ. Không đốt. Làm hỏng đầu người ta…
Tôi
chưa nói hết câu đã nghe thấy mợ tôi mắng:
-
Ấy kìa thằng Hân, năm mới đã nói bậy
nào!
Tôi
ngạc nhiên cãi lại:
-
Con có nói bậy gì đâu?
Lần
này mợ tôi gắt:
-
Thế mày vừa réo cái gì ra thế? Lại sợ
không nhăn nhó cả năm ấy à?
Tôi
chả hiểu gì sốt, nhưng rồi cũng phải im vì sợ mợ tôi mắng tiếp.
Vừa
lúc đó tôi thấy hình như có người thấp thoáng ở ngoài cửa. Và, có tiếng gõ cửa
khe khẽ. Tôi sướng quá, hấp tấp chạy ra, vừa rút then vừa reo lên:
-
A, ông giáo đã đến!
Cửa
mở. Hóa ra không phải ông giáo, mà là người chồng của vú Cậu. Ông ta đi đạo Gia
tô, chẳng nói chẳng rằng, nở một nụ cười ngớ ngẩn hết sức, rồi từ từ bước vào nhà.
Ông mặc áo chùng thâm ngắn cũn cỡn, với cái đầu tóc bờm lên như bàn chải, thật
khó coi. Thêm nữa, hai đứa con đi theo lôi thôi lốc thốc nom như ăn mày.
Tôi
lúc đó không mấy để ý tới những cái đó, thấy có người xông nhà rồi, vội vàng
chạy ra cửa. Thoáng nghe thấy tiếng mợ tôi tức tối:
-
Ồ, con khỉ…
Và
tiếng cậu tôi bỡn cợt:
-
À… năm mới… Anh vào chơi…
Tiếng
mợ át tiếng cậu tôi:
-
Anh vào nhà trong, đi đi…
Tôi
ngơ ngác tìm thằng Thìn. Nhà nó cũng vừa có người đến xông, lời chúc tụng và
tiếng pháo ầm ĩ. Tôi đành quay về.
Vào
đến sân, câu hỏi của mợ làm tôi giật mình:
-
Ai mở cửa?
Và
tiếng con Oanh mách lẻo:
-
Thưa mợ, anh Hân đấy ạ.
Tôi biết sẽ xảy ra một sự không
lành, vội tháo thân rảo bước ra đường. Chưa kịp chạy sang tới cửa nhà thằng
Thìn thì con Oanh đã gọi giật lại:
-
Anh Hân!
Tôi
mặc kệ cứ cắm cổ đi. Nó vẫn gọi:
-
Anh Hân. Anh Hân. Đi về… mợ mở hàng cho.
Tôi
ngờ vực, quay đầu lại. Nó giơ tay ra cho tôi thấy đồng hào mới tinh, để chứng
thực lời nó nói.
Tôi
vẫn không tin nên trù chừ. Nó nói với sang:
-
Thật đấy mà… đi về mau lên!
Tôi
quả quyết quay về. Ở nhà trong, mợ tôi đang đi bít tất. Cậu thì đang đứng trước
gương thắt cravat. Tôi chắc chắn mình không việc gì. Lại gần mợ, tôi chìa tay:
-
Mợ mở hàng cho con!
Thì
ngay lập tức ăn cái củng lên đầu như trời giáng:
-
Mở hàng này… Mở hàng này… Mở hàng…
Tôi
đau quá, suýt xoa rối rít, phụng phịu chạy ra nhà ngoài, nước mắt chảy quanh.
Vừa
lúc đó thằng Thìn ngấp nghé gọi tôi ở ngoài cửa.
Tôi
chợt nhớ đến cái đầu, vội quay vào soi gương. Tóc tôi đã lại dựng đứng cả lên
và rối beng, nom rất bẩn. Tôi ức quá, òa lên khóc…
(*)
Báo Đông Pháp, Thứ bảy, ngày 25, Janvier 1941 - Phụ trương đặc biệt. Bút danh:
Lộng Chương; Sách “Lộng Chương - Để đến… Nơi đến”, Nxb Sân khấu,
2013.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét