NSƯT - Đạo diễn Lê Chức, |
NSƯT - Đạo diễn Lê Chức,
Phó chủ tịch Thường trực
Hội NSSK Việt Nam
Đối với gia đình Sân khấu họ Lê chúng tôi, thì Kịch tác gia Lộng Chương
như một “người nhà”. Nhiều năm ông cùng làm việc với cha chúng tôi là
Nhà thơ, Kịch sĩ Lê Đại Thanh. Ông là một tác nhân, tạo đà cho anh tôi từ một
diễn viên Chèo trở thành Nhạc sĩ Lê Đại Chương, nhiều năm sáng tác và chỉ huy
dàn nhạc của Đoàn chèo Cổ Phong (Đoàn chèo Hà Tây bây giờ). Và với chị gái tôi
- nghệ sĩ Lê Mai - ở những ngày đầu, ông như người dẫn dắt.
Năm tôi học lớp 11 (1963), biết là ông Lộng Chương xuống Hải Phòng
tuyển người cho Đoàn Văn công Đường sắt, tôi đến xin ông cho dự tuyển, nhưng
ông khuyên: "Học nốt đi đã, còn nếu định tiếp bước cha anh thì còn
dịp". Năm 1965, tôi học xong phổ thông, sau đó trúng tuyển vào học tại Đoàn
Kịch Hải Phòng.
Và cái dịp mà ông nói trước kia là lúc tôi được làm việc với đạo
diễn Trần Hoạt và ông - tác giả của kịch bản Cửa mở hé.
Tôi được nhận vai Nguyễn Thế Kỷ, trung úy của chế độ Sài gòn. Vở được
dựng và diễn ở những năm cuối của thập kỷ 60 (thế kỷ XX) và có một số lượng
buổi biểu diễn lớn tại Hải Phòng, Hà Nội, Nam Định và các tỉnh miền Bắc khi đó.
Cửa mở hé như là bước giữa của bộ 3 vở hài kịch của tác giả Lộng Chương
- giữa Quẫn và Quẫy.
Chất liệu văn học của Cửa mở hé
là sự đan xen giữa chính kịch và hài kịch trong sự phân hoá của một gia đình
trí thức ở Sài Gòn khi đó, để đi tới sự nhận thức và hướng đến lời kêu gọi tập
hợp các lực lượng xã hội của Mật trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam.
Đến 1975 thì chiến thắng đã chứng minh cho các ý tưởng - còn ở trước
1970 thì ý tưởng trong Cửa mở hé và ở nhiều tác phẩm khác mới như đề dẫn
của một niềm tin vào thắng lợi cuối cùng của cách mạng.
Cấu trúc kịch, tình huống, tính cách các nhân vật, lời kịch... được đặt
trong những tuyến xung đột trực diện và nội tâm từng vai kịch của một gia đình
họ Nguyễn Thế.
Và ba chữ tên vở Cửa mở hé như hình tượng nghệ thuật của
kịch bản và vở diễn chỉ Hé được ra
thôi, đã đạt đến một mức độ nào đó của ý định tư tưởng rồi - đó là bước đầu mở
ra của nhận thức quay về với dân tộc.
Nhân vật của tôi mang theo nỗi u trầm của kẻ sinh lầm thế kỷ, một
tính cách như quậy phá trong sự tù túng của một sĩ quan lầm đường, thậm
chí là đặt tình yêu vào sự trong trắng còn thấy được ở cô Vỵ - người ở gái.
Sự chán chường đi đến cay độc trong ngôn ngữ, trong sự ngông nghênh của
tác phong, trong chất men bất phục tùng với thời cuộc: Trung uý Nguyễn
Thế Kỷ như tự hé ra sớm bản ngã hướng thiện của mình.
Có nhiều kỷ niệm của những ngày dựng vở và công diễn sau đó.
Cặp đạo diễn Trần Hoạt và tác giả Lộng Chương bộc lộ sự ăn ý và hiếu
biết lẫn nhau, biết làm thăng hoa giá trị chất liệu của kịch bản văn học và chi
tiết của công tác dàn cảnh.
Nhóm nghệ sỹ là những người có nghề như: Thăng Long, Bích Lân, Lưu
Thao, Ngọc Hiền, Lệ Dung, Phùng Gia Thành, Nguyên Hải, Hoài Thu, Hương Giang, Hồng
Thắng... đã làm nên một vở diễn hấp dẫn và chinh phục người xem.
Chúng tôi đã diễn Cửa mở hé nhiều đêm ở Hải Phòng,
nhiều đêm ở Nhà hát Nhân dân Hà Nội (Cung Văn hoá Hữu nghị bây giờ), và ở Nam
Định (1972)…
Ngoài tên gọi Đoàn Ma sa (vở diễn cùng thời gian), Đoàn Kịch Hải Phòng
còn được gọi là Đoàn Cửa mở hé của một giai đoạn sân khấu. Vé ngày ấy
của hai vở diễn này rất khó mua. Diễn viên cũng chỉ được thay nhau mua từ 1 đến
2 vé mỗi đêm. Và tất cả cứ hào hứng, rạng rỡ sống và làm nghệ thuật. Khi diễn
tại Nam Định, anh em thương
binh miền Nam ở thành phố
ngày ấy cứ kéo chúng tôi đi nhậu hoài vì qua Cửa mở hé họ thấy
lại trong tâm thức một chút miền Nam !
Diễn xong ở Nam
Định về, Hải Phòng bị B52 Mỹ đánh. Có tin tôi chết bom được đưa ra Nam định, anh em thương binh miền Nam
tìm đến một người anh họ tôi ở thành phố Dệt mà ngậm ngùi: "Thằng Nguyễn
Thế Kỷ chết rồi!".
Từ yêu vai kịch đến thương cho nghệ sĩ là vậy!
Tôi đã có 30 năm nghề, đã có thêm công việc của người đạo diễn và quản
lí, với số thời gian đó tôi đã có cả hàng trăm vai diễn trên sân khấu, màn ảnh
vô tuyến, nhưng Trung úy Nguyễn Thế Kỷ là một trong hiếm hoi các vai diễn đọng
lại, được đồng nghiệp nhớ đến.
Để thay cho lời của một người cha và anh tôi đã mất, thay cho nghệ sĩ
Lê Mai đến hôm nay vẫn còn đang cùng thằng em út là tôi, đi tiếp trên nẻo đường
sân khấu, tôi trân trọng ghi nhận những gì mà Kịch tác gia Lộng Chương đã dành
cho gia đình nghệ sĩ họ Lê chúng tôi.
Cuối năm 1996
Một số hình cảnh trong Hài kịch "Cửa mở hé" |
(*) Sách “Kịch Lộng Chương”,
Nxb Văn học, 1997; Sách “Lộng Chương trong trái tim bè bạn”, Nxb Hội Nhà văn, 2013.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét