Thứ Tư, 1 tháng 10, 2014

NHÀ VIẾT KỊCH LỘNG CHƯƠNG ĐÃ ĐI XA(*)

Trần Ngô Khánh Linh

        Trong ký ức của nhiều thế hệ công chúng và lứa diễn viên sân khấu trẻ hôm nay, ấn tượng sâu đậm về tác phẩm Quẫn do Nhà hát kịch Việt Nam dàn dựng từ mấy chục năm trước, dường như vẫn còn nguyên vẹn. Nhất là, ở bối cảnh hiện tại, khi sân khấu hài chưa làm hài lòng công chúng, khiến những người nặng lòng với nghề với nghiệp, lại mơ về thời xa vắng, cái thời mà hài kịch Quẫn “làm mưa làm gió” trên hàng loạt điểm diễn. Hóm hỉnh, đáo để, sâu sắc, giễu cợt cái xấu đúng phong cách của mình, Nhà viết kịch Lộng Chương đã tạo cho người xem tiếng cười sảng khoái sâu cay trước những đại diện đầy lố bịch, kệch cỡm của một lớp người những năm 60 (thế kỷ XX).
Quẫn với những nhân vật giàu sức chứa chở nội tâm như cụ Đại Lợi, bà Đại Cát, ông Đại Cát… còn góp phần khẳng định tài năng biểu diễn của những tên tuổi nghệ sĩ đã thành danh từ trước: NSND Song Kim và các NSND Trần Tiến, NS Chu Xuân Hoan, Thu Hà… cùng đạo diễn - NSND Trần Hoạt…
            Suốt hành trình hơn nửa thế kỷ đằng đẵng theo đuổi sân khấu, bên cạnh Quẫn, còn một tập hợp đầy đặn những kịch bản hài xuất sắc của tác giả Lộng Chương như: Cửa mở hé, Trở nồm… để tạo nên danh tiếng Cây bút hài kịch số 1. Sinh năm 1918 trong một gia đình phong kiến đang tư sản hóa tại phố Hàng Bạc - Hà Nội, chàng trai có tên cha mẹ đặt Phạm Văn Hiền từng lấy được bằng kỹ sư hóa học từ thời trẻ. Nhưng, cả đại gia đình rất đông đảo của Lộng Chương đã sớm đi theo Cách mạng. Hồn nhiên, như thế hệ của mình, Lộng Chương nhiệt tình, hăm hở đem vốn kiến thức kỹ thuật và kiến thức văn hóa nền được học, được tích lũy từ nhỏ, phục vụ cho họat động Văn hóa cứu quốc. 17 vở kịch dài - ngắn viết trong kháng chiến chống Thực dân Pháp, 43 tác phẩm ra đời trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội(**), cùng một khối lượng đồ sộ những phóng sự, ký sự, những bài bình luận sân khấu, chứng tỏ sức làm việc năng nổ, luôn tràn đầy nhiệt huyết của ông. Sáng tác của ông, vốn gần gũi với nhân dân, giản dị, trong sáng, luôn đi cùng hiện thực đời sống, hiện thực cách mạng. Bởi thế, luôn đáp ứng kịp thời những vấn đề mà xã hội đang bức thiết đặt ra. Tuy vậy, những thành quả sáng tạo ấy mới là góc nhỏ trong hành trang sân khấu mà trọn cuộc đời Lộng Chương đã gắn bó. Cùng với nhiều đồng nghiệp, cũng là những người bạn thân thiết, như Trần Huyền Trân, Hà Văn Cầu… ông tham gia sáng lập Đoàn chèo Cổ Phong, chèo Nam Hà, Đoàn kịch Hà Nội, Đoàn kịch Thanh Niên Hà Nội, Đoàn kịch Công Nhân Hà Nội… Dấu ấn của Lộng Chương trong nền sân khấu cách mạng đã được ghi nhận bằng Giải thưởng Hồ Chí Minh cao quý.
Lộng Chương dự Hội nghị về sân khấu
 tại Liên Xô (1975)
            Sau mấy mươi năm lao động nhọc nhằn, chiu chắt từng phút cho sáng tạo nghệ thuật nhằm phục vụ quảng đại quần chúng, vào buổi chiều ngày 26 tháng 6 năm 2003, người anh lớn của sân khấu, trán cao, tóc bạc phơ, luôn thường trực nụ cười sảng khoái, đã lặng lẽ chia tay cuộc đời này. Rất nhiều tác giả, đạo diễn, diễn viên sân khấu, đã hoặc chưa từng được gặp ông, đều nhất mực coi ông là thày dạy của mình. Đó quả là một trường hợp hiếm trước nay. Với Lộng Chương, thủ pháp viết hài kịch, cả cốt cách văn hóa phương Đông trong con người ông luôn là điều bí ẩn, khó nắm bắt, để những người làm sân khấu trẻ hướng tới, noi theo.
            Những năm cuối đời, dù tuổi cao và bệnh tật lẵng nhẵng đeo bám, ông không thể cầm bút sáng tác, song vẫn trĩu nặng tâm tư về một giai đoạn “hoàng kim” của sân khấu; vẫn đau đáu dõi theo những người bạn nghề cùng thời có thể xoay chuyển được gì hơn… Và, ông phấp phỏng trước thực trạng sân khấu đang đánh mất công chúng; ái ngại, lo lắng, cảm thông với những người làm sân khấu đang phải đương đầu trước sự cạnh tranh gay gắt của truyền hình cùng các loại hình nghệ thuật khác.
            Sự ra đi của Lộng Chương là một khoảng trống thật khó bù đắp cho Ngôi nhà sân khấu Việt Nam!
Học trò Trọng Kỳ (người cầm cặp) và
Công Quý (diễn viên Đoàn kịch Công Nhân Hà Nội)
tiễn thày Lộng Chương đi Liên Xô (1975)


________________________
­­­­­­(*) Báo Nhân dân - 2.7.2003; Sách “Lộng Chương trong trái tim bè bạn”, Nxb Hội Nhà văn, 2013.
(**) Số lượng kịch bản tác giả còn lưu giữ được (BT)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét