Cầu Đông Trù - một trong những hạng mục chính của Dự án Đường 5 kéo dài, vừa được khánh thành chào mừng 60 năm giải phóng Thủ đô -10/10/2014 (chậm gần 10 năm khi bài báo này ra mắt) |
Tại Quyết định số 108/1998/QĐ-TTg
ngày 20/6/1998, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung thủ
đô Hà Nội đến năm 2020. Trong đó, đặc biệt nhấn mạnh "Trước mắt mở rộng
Thành phố về phía bắc, tây bắc và tây nam. Ưu tiên phát triển khu vực phía bắc
sông Hồng". Thực hiện Quyết định này, qua một thời gian chuẩn bị, Dự án
đường 5 kéo dài được khởi công xây dựng ngày 17/5/2005, nhằm kỷ niệm 115 năm
ngày sinh Bác Hồ.
Đường 5 kéo dài tới khu đô thị mới
Bắc Thăng Long - Vân Trì là một trong những dự án trọng điểm ở phía bắc Thủ đô.
Đây là công trình quan trọng trong mạng lưới giao thông, tạo trục lõi để phát
triển khu vực phía bắc sông Hồng, với việc hình thành hệ thống tuyến đường vành
đai II từ Sài Đồng đến Vĩnh Ngọc (nối về cầu Nhật Tân); đồng thời đảm bảo các
điều kiện về hạ tầng giao thông vận tải, phục vụ chuỗi công nghiệp - đô thị:
Bắc Thăng Long - Vân Trì, Đông Anh - Cổ Loa, Gia Lâm - Sài Đồng - Yên Viên.
Mặt
khác, khi chưa hình thành đường vành đai III, thì đoạn đường 5 kéo dài đóng vai
trò như đường vành đai III phía đông bắc Hà Nội; góp phần giải toả lưu lượng
giao thông liên tỉnh và nội thành Hà Nội theo hướng Quảng Ninh, Hải Phòng đi
các tỉnh phía Tây và Tây Bắc; tạo nên hướng giao thông ngoại vi phía Bắc, đối
trọng với hướng phía Nam qua cầu Thanh Trì, đặc biệt là hướng giao thông từ QL5
đi QL3 và QL2.
Đường 5 kéo dài được thiết kế theo tiêu chuẩn kỹ
thuật đường phố chính cấp I, tốc độ thiết kế từ 60-80Km/h, chiều rộng một làn
xe B = 3,75m. Tuyến có điểm đầu trùng với điểm cuối tuyến đường B2 (Km3+720)
trong khu đô thị Bắc Thăng Long - Vân Trì, đi dọc theo các xã Kim Nỗ, Vĩnh
Ngọc, Xuân Canh. Tiếp đó giao với Quốc lộ 3 tại Km9+900 rồi vượt kênh Ngũ Huyện
Khê và sông Đuống tại bến phà Đông Trù. Sau khi vượt sông Đuống, tuyến vượt qua
xã Thượng Cát và giao bằng với nút Cầu Chui (Km17+046). Tổng chiều dài toàn
tuyến khoảng 13,32Km.
Toàn tuyến chia làm 2 đoạn. Đoạn 1
từ điểm đầu nói trên, đến điểm kết thúc (Km 13+105) thuộc khu đô thị Xuân
Trạch. Chiều rộng nền đường giai đoạn một B = 68,5m. Đoạn 2 từ Km13+105 tới nút
giao cầu Chui, nối vào Quốc lộ 5. Đoạn này có chiều rộng nền đường giai đoạn
một B = 65,0m.
Trên toàn tuyến sẽ có 3 cầu: Đông
Hội, cầu vượt kênh Ngũ Huyên Khê và Phương Trạch. Ông Phạm Hữu Sơn, Phó tổng
giám đốc Tổng công ty Tư vấn Thiết kế GTVT (Bộ GTVT) cho biết, cầu Đông Hội sẽ
là cầu có chiều rộng nhất Việt Nam hiện nay với 6 làn xe cơ giới và nằm trong
vùng chịu ảnh hưởng của động đất cấp 8. Cầu Đông Hội sẽ là công trình tạo điểm
nhấn kiến trúc hiện đại, với kết cấu cầu chính có vòm ống thép nhồi bê tông và
là cầu đẹp nhất Đông Nam á. Cũng theo ông Phạm Hữu Sơn, việc thiết đường 5 kéo
dài có tính đến sự phát triển đồng bộ sau này của các lĩnh vực: bưu chính viễn thông,
điện, nước... nên hạ tầng kỹ thuật của tuyến đã đủ các hạng mục: đường ống nước
thải, nước mưa, cửa xả; hào kỹ thuật dọc tuyến; hầm bộ hành và tuy nen kỹ thuật
ngang tuyến; hệ thống cây xanh, chiếu sáng, vỉa hè đi bộ, bến xe buýt, trạm
dừng xe, bến đỗ...
Theo ông Nguyễn Quốc Hùng - Giám đốc
Ban Quản lý Dự án hạ tầng Tả ngạn (đơn vị được UBND TP Hà Nội giao làm chủ đầu
tư), việc thi công Dự án đường 5 kéo dài đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận
sử dụng vốn bằng nguồn đấu thầu quyền sử dụng đất. Tuy nhiên, kinh nghiệm cho
thấy, việc tạo vốn từ đất sẽ rất chậm so với các dự án sử dụng các nguồn vốn
khác. Vì thế, đây cũng là một khó khăn của Ban Quản lý trong quá trình triển
khai thi công. Hơn nữa, một trong những dự án phục vụ cho việc triển khai đường
5 kéo dài là phải di chuyển một nghĩa trang có gần 500 mộ. Với tâm lý của người
Việt Nam, di chuyển "người âm" sẽ nảy sinh nhiều phức tạp trong quá
trình thực hiện. Nhưng ông khẳng định, với sự hỗ trợ của các cấp các ngành, Dự
án đường 5 kéo dài sẽ cố gắng hoàn thành đúng kế hoạch đề ra và đảm bảo chất
lượng yêu cầu của công trình.
Dự án đường 5 kéo dài hoàn thành sẽ
là trục đường chính, liên thông nhiều khu đô thị đã và đang hình thành dọc hai
bên tuyến, tạo sự giao lưu chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội… cho toàn bộ khu
vực phía bắc sông Hồng, tạo thuận lợi cho thông thương giữa cảng biển Hải Phòng
và cảng hàng không quốc tế Nội Bài; góp phần quan trọng thu hút đầu tư của các
thành phần kinh tế, không những ở trong nước mà cả đầu tư nước ngoài, vào chương
trình phát triển khu vực phía bắc sông Hồng; làm cho khu vực này trở thành bàn
đạp chiến lược của Hà Nội và vùng đồng bằng Bắc bộ.
Báo
KH&ĐS, 30/5/2005
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét