Thủ
tướng Chính phủ vừa có Chỉ thị: “Các bộ trưởng, chủ tịch UBND tỉnh phải hạn chế
đi công tác nước ngoài để tập trung thời gian cho công tác chỉ đạo, điều hành
các nhiệm vụ KT-XH”.
Chỉ
thị của Thủ tướng đã nêu rõ những cán bộ lãnh đạo ở vị trí “bộ trưởng, chủ tịch
UBND tỉnh”. Bởi những cán bộ ở vị trí đầu ngành, đầu tỉnh là những “tư lệnh”,
có trách nhiệm hàng đầu về nhiều vấn đề hệ trọng trước mắt cũng như lâu dài của
một địa phương, một ngành kinh tế của cả nước. Chỉ thị cũng chỉ mới đề cập đến
chuyện “hạn chế đi công tác nước ngoài” của họ. Vậy thì, các cuộc hội nghị, hội
họp mang tính lễ lạt, xã giao ở trong nước, lãnh đạo các cấp khác nữa, có cần
phải nhìn lại để xét xem, liệu có tốn kém thời gian, công sức và tiền của
không, khi không ít trong số họ đang tồn tại nếp tư duy và hành động chưa hợp
lý?
Chẳng
là lâu nay, sự coi trọng hình thức đã trở thành căn bệnh trầm kha, cố hữu của
lãnh đạo các cấp. Thử tính xem trong một năm, ở một tỉnh, có bao nhiêu cuộc
khánh thành, lễ khai trương động thổ, lễ tổng kết công tác thi đua, lễ đón nhận
các loại danh hiệu… Để làm sang cho đơn vị mình, nhiều nơi khi tổ chức các cuộc
lễ đó phải cất công níu kéo bằng được những vị đứng đầu tỉnh, đầu ngành … đến
dự cho “buổi lễ thêm phần long trọng”. Còn có chuyện, nhiều vị lãnh đạo cơ sở
điều hành cơ quan theo kiểu “con gà tức nhau tiếng gáy”. Họ cho rằng: “thằng”
cơ sở A, cơ sở B,… khi tổ chức kỷ niệm này nọ, mời được ông C, bà D (bộ trưởng,
chủ tịch tỉnh, bí thư tỉnh, trưởng một đơn vị gì đó) có mặt. Chẳng nhẽ đơn vị
mình lại kém à? Mà “nó” thì có hơn gì mình! Khổ nỗi, không ít các vị đầu ngành,
đầu tỉnh hoặc trưởng một đơn vị nào đó, cũng luôn cho rằng, sự có mặt của mình
đem lại vinh dự cho cơ sở. Và, chính mình cũng phải có mặt ở những buổi lễ đó
để giải quyết khâu “oai”. Xuất phát từ sự “nô lệ” cho những nếp nghĩ cố hữu đó
mà họ sẵn sàng đem tiền của Nhà nước vung vãi trong những chuyến đi. Hơn nữa,
mỗi chuyến đi là một dịp xả hơi, được chiêu đãi tiệc tùng ban ngày. Nếu ở lại
tối, có thể còn được giải trí Karaoke từ A đến Z. Khi ra về, còn được gia chủ
tiễn khách bằng những phong bì hạng “nặng”, thì tội gì mà không... hưởng? Được
biết, có tỉnh tổ chức lễ đón nhận Huân chương Độc lập hạng Ba đã lót tay cho
khách “quan trọng” cả chục triệu đồng, khi tiễn họ ra về!? Thử hỏi, tiền đó ở
đâu ra nếu “gia chủ” không tìm mọi cách thanh toán vào tiền của Nhà nước. Liệu
có gia chủ nào rộng bụng tới mức, bỏ tiền của riêng mình ra “tiễn khách”. Mặt
khác đặt giả thiết, nếu những “thượng khách” phải bỏ tiền túi cho mỗi chuyến đi
như vậy, đến dự lễ xong rồi phải ra về ngay và không có “phong bao”, liệu sẽ có
mấy ai dám quyết... tham dự? Như vậy
thì, tính đi tính lại, mọi khoản mà “gia chủ” và “thượng khách” sử dụng để
tương ngộ cho các “buổi lễ thêm phần long trọng” chẳng qua đều từ cái vú bao
cấp của Nhà nước mà tuôn ra. Thế nên, có mấy ai xót? Hơn nữa, còn có những
“thượng khách” khi đi “công tác” kéo theo cả một đoàn tùy tùng. Rồi thì chi phí
xăng xe, thanh toán tiền công tác phí khi trở về đơn vị nữa chứ?
Chỉ
thị vừa qua của Thủ tướng là nhằm chấn chỉnh lại phong cách điều hành của các
vị đứng đầu các tỉnh, các ngành, trước tình hình nước sôi lửa bỏng khi mức tăng
trưởng GDP 6 tháng đầu năm 2005 còn cách xa so với chỉ tiêu đặt ra. Nhưng thiết
tưởng, chẳng riêng gì các “tư lệnh” mà mỗi cán bộ Nhà nước dù ở vị trí lãnh đạo
nào cũng cần phải nhìn lại và chấn chỉnh chính mình, hạn chế tối đa những hoạt
động không thiết thực để góp phần nâng cao hiệu quả công tác chung cho đơn vị,
cho ngành mình.
Báo
KH&ĐS,26/8/2005
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét