Thứ Sáu, 10 tháng 10, 2014

NHỚ MỘT NGƯỜI THÀY ĐÃ "ĐI XA"...

Nguyên Bí thư Đảng ủy Trường ĐHBK Hà Nội
Bùi Nguyên Cát cùng tác giả bài báo
Thưa Thày!
Giờ Thày đã “đi xa”. Rất xa. Chẳng bao giờ con còn được đến để sà vào vòng tay ấm áp, chở che; chẳng còn được áp má vào lồng ngực, nơi có tiếng đập con tim luôn thổn thức, đau đáu với những ngổn ngang nhân tình thế thái của Thày nữa, Thày ơi!
Còn nhớ một lần, trước khoảng một năm ngày Thày “đi xa”, con đến thăm Thày. Con thực sự ngỡ ngàng trước sắc mặt tái xạm của Thày. Trong con trào lên nỗi đau khó tả. Cha con - nhà viết kịch Lộng Chương, khi đó vừa “khuất núi”.
        Nay lại thấy Thày trong thể trạng như vậy, trong con xuất hiện một nỗi lo lắng mơ hồ. Một ngày nào đó, có thể rất gần thôi, Thày cũng sẽ “đi xa”; sẽ gặp lại cha con nơi chín suối…
Nỗi lo lắng mơ hồ ấy, nay đã thành hiện thực. Vậy là, chỉ trong một khoảng thời gian thật ngắn, con đã mất đi vĩnh viễn một người cha. Giờ con lại không còn được có Thày!
Con đã được nghe nhiều lần Thày nhắc về những kỷ niệm cùng cha con. Ngay thuở thiếu thời, khi Thày và cha con còn học trường Bưởi (trường Chu Văn An bây giờ), hai người đã “tập tọe” viết và diễn kịch. Rồi có cả lần, Thày với cha con cùng nhạc sĩ Văn Cao rủ nhau mang cơm nắm, muối vừng ra ngoại thành. Cả ba ngồi bệt dưới một gốc đa, hỉ hả đọc to cho nhau nghe những trang sáng tác mới. Cái duyên với nghệ thuật kịch đến với Thày sớm là thế. Vậy mà, Thày đã nghe theo tiếng gọi “sơn hà nguy biến”, đem theo nhiệt huyết tuổi trẻ, dấn thân vào cuộc trường chinh chống Pháp của dân tộc cả chục năm trời.
“Tuy vậy, Thày nói, trong khoảng thời gian dài kháng chiến ấy, và cả mấy chục năm ở cương vị Bí thư Đảng ủy một trường đại học lớn nhất nước vừa qua, ta luôn thèm sáng tác được nhiều tác phẩm hơn nữa. Vừa là để thỏa niềm mơ ước cả đời người; vừa là để góp phần làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn, con ạ”. “Trời đất, một con người với cái “nghề” chính là làm chính trị, nhưng vẫn sáng tác được những tác phẩm mang dấu ấn của một thời như thày, mà đến cái tuổi ngoại bát tuần này, vẫn đang đau đáu với ước mơ cầm bút thì thật… con phải cúi lạy Thày nhiều nhiều lần”. Con đùa vui với Thày vậy. Và, tận sâu trong tâm, con vô cùng kính nể, ngưỡng mộ tấm lòng luôn nhiệt thành với đời với người của Thày. Thế hệ chúng con, cho dù cũng phải trải qua một giai đoạn khốn khó của đất nước, nhưng so với thế hệ đi trước của Thày và của cha con, chúng con vẫn còn may mắn được thụ hưởng nhiều điều tốt đẹp hơn. Vậy mà, có những khi chỉ một chút trắc trở, một chút gập ghềnh, là con đã có ý định buông xuôi, đã muốn ngã lòng…
Với văn nghiệp, con biết, cả cuộc đời Thày, trong bất kể giai đoạn nào, ở bất kỳ cương vị gì, Thày chưa từng ngơi nghỉ sáng tác. Mang trong mình tài năng văn chương bẩm sinh, suốt thời gian dài của cuộc kháng chiến, Thày thường tranh thủ dùng ngòi bút, tự biên, tự diễn nhiều vở kịch ngắn, động viên anh em bộ đội chiến đấu. Sau này, về lãnh đạo một trường đại học lớn, gánh bao lo toan chồng chất, mà Thày đâu có phút giây xao lãng nghiệp văn chương. Cái nghiệp mà, nói theo cách quá khiêm nhường của Thày: Chỉ là viết nghiệp dư! Nhưng con dám chắc, nhìn vào khối lượng kịch bản không nhỏ của Thày, so với quỹ thời gian thực sự hiếm hoi mà Thày đầu tư vào đó, nhiều người viết chuyên khó sánh cùng!
Con vẫn nhớ, khi còn là sinh viên Đại học Bách khoa, lũ chúng con đã ríu rít rủ nhau đến Hội trường C2 để xem những vở rối của Thày. Cái vở rối: “Nàng luyện kim” sao mà ngộ nghĩnh thế. Rồi có những tối cuối tuần, chúng con kéo nhau ra rạp Đại Nam xem vở: “Hà Nội đầu năm 46”, do Đoàn kịch Hà Nội biểu diễn. Tấm màn sân khấu đã khép lại mà cả lũ còn suýt xoa thích thú, khâm phục người Thày chính trị của mình. Con cũng biết, dư luận lúc đó đánh giá: "Hà Nội đầu năm 46" một vở kịch có “sức nặng” cả về nội dung và hình thức. “Sức nặng” ấy đã góp phần xây đắp thêm tình yêu với đất nước, với Thủ đô yêu dấu trong chúng con; và, chúng con càng kính phục hơn thế hệ cha anh mình. Tuy vậy, cái nết vô tâm của tuổi trẻ hồi đó chưa từng làm con bị ám ảnh, day dứt về đời người, về nghiệp văn chương. Nay, khi đã trở thành người sống bằng nghề cầm bút, con mới hiểu rằng, để có được một sáng tác “đứng” được, thật khó biết bao. Điều ấy lại càng chẳng dễ dàng gì khi “nghiệp” chính của Thày là làm chính trị, với ngổn ngang trọng trách đêm ngày! Thế mà Thày đã viết được. Viết được rất nhiều. Kịch nói. Kịch truyền thanh. Chèo. Và, cả truyện ngắn. Gần đây nhất, ở tuổi trên tám mươi, Thày vẫn cặm cụi trên trang giấy trắng, để cho ra đời các truyện vừa: “Trả giᔓMột truyện tình trên mạng”. Cầm tác phẩm của Thày trên tay con càng cảm nhận tình yêu Thày dành cho nghiệp văn chương mới sâu nặng và bền bỉ làm sao!
Thưa Thày! Con còn nhớ lắm những lần Thày đến thăm cha con. Cha con thật mừng. Tuy không “ghiền” rượu như cha con, nhưng Thày vẫn nhận ly của mình, rồi nâng lên đặt xuống cùng cha con, thưởng thức đĩa đậu rán nóng mẹ con đặt giữa hai người. Mỗi khi nhắc đến kỷ niệm này, Thày lại rưng rưng: “Hồi đó, chỉ đĩa đậu rán thôi cũng là đồ nhắm xa xỉ. Nhưng không riêng gì ta, với những bạn bè khác của cha con, mẹ con bao giờ cũng tận tụy và rất rộng lòng”. Con nghe giọng Thày thật buồn. Con biết, Thày đang nhớ vô cùng lần cùng cha con cụng ly rượu làng Vân trong vắt, cùng cất lên một tiếng “khà” sau lúc nghiêng giọt rượu ướt môi.
Thày ơi! Giờ thì, tất cả những kỷ niệm giản dị ấy đã lùi vào dĩ vãng. Thày đã để lại tất cả để về cõi cửu tuyền…
Nhưng Thày biết không, tất cả những gì Thày để lại cho thế hệ chúng con thật vô giá. Hàng ngàn, hàng ngàn học trò thuộc các thế hệ Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, được sự dìu dắt bảo ban của Thày, đang ngày đêm cống hiến tri thức xây dựng non sông đất nước. Đó thực sự là công trình vĩ đại mà Thày đã tâm nguyện cả đời mình để tạo nên. Cùng với đó, một tập sách gồm nhiều tác phẩm trong cả cuộc đời sáng tác của Thày, cũng đang chuẩn bị được xuất bản. Cho dù chưa đầy đủ, bởi còn thiếu khá nhiều sáng tác của Thày bị thất lạc do những nguyên nhân khác nhau, thì đó cũng là một nén tâm hương lớn mà gia đình, bạn bè và học trò tận tâm tận lòng dâng lên hương hồn Thày. Đặc biệt sâu nặng trong cuốn sách, là tình yêu lớn mà người vợ hiền của Thày đêm ngày cặm cụi sắp xếp, gửi gắm vào đó. Nơi cõi hư huyền, nếu Thày có linh, chắc chắn Thày sẽ cảm nhận được tình cảm thiêng liêng của nghĩa phu thê; như những ngày còn trên dương thế, Thày cũng luôn được chăm sóc, sẻ chia, vỗ về bởi bàn tay dịu hiền, âu yếm, tận tụy và vô cùng chu đáo của bà.
Thưa Thày! Vậy là giờ đây Thày đã có thể yên lòng nơi chín suối. Với sự ra đời của tập sách, thành quả của mơ ước sáng tạo nghệ thuật cả cuộc đời Thày sẽ được gia đình, bạn bè và thế hệ học trò chúng con trân trọng giữ gìn dài lâu.
Phần con, với vài lời giản dị trong bài viết nhỏ này, xin được kính dâng hương hồn Thày tình cảm sâu nặng nhất của đạo làm trò.
                                                                                    Một người trò của Thày
                   Báo Người Hà Nội 12/8/2005
                       


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét