Thứ Tư, 1 tháng 10, 2014

TỐI BA MƯƠI TẾT(*)

(Tiếp theo và hết)
(Ông Tích đi nhanh ra, bước từng bước dài, lưng khom khom, tay ôm ngực ho khục khục. Bà Tồn đứng lặng nhìn theo, vẻ mặt bồn chồn, lo lắng).
Bà Tồn: (Một giây suy nghĩ, nói một mình) Mới ngoài bốn chục tuổi đầu mà quá ông lão. Vợ con thì quen nết, ăn trắng mặc trơn… (Tiếng ông Tích tại nhà mình).
Tiếng ông Tích: Được, chị để đấy cho chú…
Bà Tồn: (Nói một mình) Những tưởng chú ấy về đây anh em gần gũi, điều hơn lẽ thiệt, chú ấy giúp đỡ thày con Tỉnh… Nào hay, cây đã lặng, gió lại rung…

Tỉnh: (Vào nhà) Bu!... Nếu ai thoát ly cơ sở đi công tác, lúc về cũng như chú Tích thì chán ốm. Ngày còn thanh niên chú ấy có thế không bu?
Bà Tồn: Hồi kháng chiến chống Pháp, giặc nó o ép nhưng chú ấy và thày mày vẫn cùng xông xáo hoạt động. Đang công tác đường dây thì thấy nói cấp trên điều chú ấy ra nhận công tác tiếp liệu. Ngày đó thày mày cũng kèo nhèo đòi theo…
Tỉnh: Bây giờ thày không những theo chú ấy, mà còn theo cả thím ấy nữa kia!
Bà Tồn: Nói cho cùng thì ở thím ấy cả. Chú Tích mà như thế cũng do thím ấy lôi cuốn. Mà bây giờ cũng do thím ấy thúc đẩy chú ấy lôi kéo thày mày theo… Từ ngày ở tỉnh kia, chú ấy đã buông trôi… mặc thím ấy xin thôi việc để ra ngoài chạy chợ. Quen nết mất rồi!
Tỉnh: Chạy chợ kiếm ra tiền mà! Con đã nói với bu là, phải giữ thày, không để thày bị ảnh hưởng… nhưng bu lại cứ hữu khuynh, để đến hôm nay thày theo thím ấy đi thồ chuối xanh lên thị xã bán.
Bà Tồn: Bu vẫn đề phòng, bu vẫn rỉ rả nói với thày con, chứ có không đâu. Không dè, đùng một cái sáng sớm nay thày con bảo đi tỉnh sắm tết, rồi đi luôn. Xe đạp của chú ấy, rồi mọi thứ đều chuẩn bị sẵn ở bên chú ấy; kín đáo đến nỗi bu đã sang đấy mà không biết tí gì.
Tỉnh: Sao bu lại để thày hạ mấy buồng chuối đem đi bán?
Bà Tồn: Thím ấy sang hỏi mua để đem đi biếu tết bà con quen thuộc trên tỉnh.
Tỉnh: Biếu tết cả hai sọt chuối?... Bán tết thì có!
Bà Tồn: Thế! Đến sáng nay thấy thày mày thồ đi. Bu mới vỡ lẽ ra…
Tỉnh: Con đề nghị… lần này đã rồi phải chịu; nhưng không thể tiếp tục mãi như thế, bu ạ. Nhất định không để thày con bám theo thím ấy nữa!
Bà Tồn: Có mà điên mới để thày mày tiếp tục đi vào con đường làm ăn kiểu ấy.
Tỉnh: Đến giờ này mà thày con vẫn chưa về, khéo không lại xảy chuyện lôi thôi gì đấy, chứ chẳng không!
Bà Tồn: Nếu xảy ra chuyện gì thì… bây giờ cũng chẳng biết tính thế nào… Để bu chạy đi nhắc thêm mấy bà đến họp Đội cấy đã.
Tỉnh: Vâng! Chả lẽ lại để chuyện này ngăn trở mọi việc. Con treo cái tranh xong cũng phải chạy qua trại xem mấy con nái thí nghiệm lai giống thế nào. Đêm nay có thể là cả mấy con đều đẻ. Xong rồi con sẽ ra họp với Đội cấy.
Bà Tồn: Ừ! (Chít lại chiếc khăn vuông) Còn chỗ thịt với mớ cá cũng chưa nấu nướng được…
Tỉnh: Họp xong về con sẽ làm cho bu.
Bà Tồn: Ừ… (Đi ra).
Tỉnh: (Nhặt cuộn tranh ở bàn. Nhìn theo) Bu ơi! Bu đem theo cái áo bông, kẻo chốc về lạnh!
Bà Tồn: (Từ ngoài) Thôi… Không lạnh đâu! (Đi khuất).
Tỉnh: Khổ… Mải nói chuyện, để nhà tối mò mò. (Tìm cái đèn bão châm lửa. Ánh sáng bừng lên khắp nhà. Ngoài khung cửa sổ, bóng Tích đi qua. Tỉnh nhanh nhẹn giở cuộn tranh và đôi câu đối treo lên trên và hai bên cửa sổ. Vừa lúc đó thì có tiếng vợ Tích).
Tiếng vợ Tích: Ấy kìa… sao thế?... Ngã em, bác!
(Ông Tồn loạng choạng đẩy xe đạp. Đằng sau xe hai chiếc sọt lớn buộc chềnh ềnh ra hai bên. Vợ Tích chít khăn vuông mỏ quạ, mặc áo len màu đỏ thẫm bên trong cái áo bông sa tanh hoa khoác ngoài, ngồi trên đèo hàng, hai chân bắt chéo trong một bên sọt, tay dênh mấy cành hoa giấy. Bên kia sọt đựng một gói nilon, một chiếc làn, bó hoa thược dược và cành đào nhỏ. Ông Tồn áo cổ lọ dệt kim, quần nâu, giày vải, mũ biên phòng xanh tím, hai tai mũ kéo vểnh ngược. Áo bông xanh tím vắt trên tay lái).
Ông Tồn: (Nặng nhọc đẩy xe hổn hển không ra hơi, trong khi vợ Tích vẫn bảnh chọe ngồi yên) Xuống đi chứ… thím!
Vợ Tích: Bác đỗ lại, em mới xuống được chứ!
Ông Tồn: (Đứng lại, thở một cái dài) Phu… ù!
(Vợ Tích vừa ghếch một chân lên vành sọt định xuống, chiếc xe nghiêng đi, nhưng không đổ. Một bên sọt đã giữ cho xe đứng nghiêng).
Vợ Tích: (Bị chao đi, vội ôm chầm lấy Ông Tồn) Oái!...
Ông Tồn: Ấy… kì…ìa!
Vợ Tích: (Cười khanh khách) Khỉ… suýt ngã! (Vợ Tích cứ bám lấy ông Tồn để trèo ra khỏi sọt. Ông Tồn né nghiêng hẳn người, hai tay ghìm chặt lấy chiếc xe cho khỏi đổ).
Ông Tồn: Ầy… ầy!
Vợ Tích: (Còn chùng chình) Ái chà… Mỏi!
(Tỉnh treo xong tranh, quay ra trông thấy bố. Ngớ người một giây, tiến ra).
Tỉnh: Thày!... Bây giờ thày mới về?
Ông Tồn: (Dáng mệt mỏi, mặt lộ vẻ ngẩn ngơ lẫn bực dọc, buông sõng).
Ông Tồn: Ừ!
Vợ Tích: (Tươi cười) Chị Tỉnh đấy à? Chuẩn bị tết xong rồi hả? Chị gọi em Lũy cho thím một tiếng!
Tỉnh: (Trả lời miễn cưỡng) Vâ…âng! (Quay vào, đến bên cửa sổ gọi qua nhà ông Tích) Lũy ơi! Mẹ về đấy!
Ông Tồn: (Nói nhỏ với vợ Tích) Thím này… thím chớ nói cho nhà tôi biết chuyện tôi mất…
Vợ Tích: (Không để ông Tồn nói hết, miệng dẻo như kẹo) Gớm! Bác cứ làm như em ngốc lắm đấy. Dặn mãi… (Dúi mấy cành hoa giấy vào tay ông Tồn) Hoa của bác đây!
Tiếng Lũy: (Reo) A… mẹ đã về! (Chạy xộc vào) Mẹ ơi… Pháo của con đâu?
Vợ Tích: Đây… trong túi… Nhưng để về nhà đã. (Lũy xô lại bên chiếc sọt. Vợ Tích một tay giữ Lũy, một tay kéo bọc nilon ra) Ôm bọc này về… (Lũy ôm bọc trước ngực, mắt vẫn ngó nghiêng vào chiếc túi mẹ nó vừa nhấc trong sọt ra. Vợ Tích với bó hoa bọc lá xung quanh, đẩy Lũy) Về đã… về đã! (Thấy Tỉnh lại quay ra) Thím về qua nhà đã, chị Tỉnh nhá!
Tỉnh: (Khẽ) Vâng!
Vợ Tích: (Líu ríu cùng Lũy đi qua lối ngách về nhà, vừa khuất đã nghe tiếng) Bố thằng Lũy ra dắt giúp chiếc xe về đi!
(Ông Tồn chưng hửng, cầm mấy cành hoa giấy đứng cạnh chiếc xe, bứt rứt, không muốn vào nhà).
Tỉnh: (Tiến ra gần, nhìn bố vừa tức vừa thương) Thày phải thồ thím Tích về?
Ông Tồn: (Ngập ngừng) Khô… ông. Lai…
Tỉnh: Sao thày không bảo thím ấy lai cho? Thím ấy đi xe đạp thạo cơ mà…
Ông Tồn: Xe buộc hai sọt, thím ấy không quen!
Tỉnh: Thày cũng có quen đạp xe buộc sọt cồng kềnh như thế đâu!
Ông Tồn: Vậy! (Vừa lúc ông Tích lò dò đi ra).
Ông Tích: Bác đã về đấy à? Sắm tết được những gì thế?
Ông Tồn: (Giơ mấy cành hoa giấy) Đây…
Ông Tích: Hoa giấy… à? (Định chê, nhưng chuyển rất nhanh) Ừ… đẹp quá nhỉ! Hoa giả mà đẹp hơn hoa thật, mà lại chơi được lâu. Hàng năm không tàn… được! (Đỡ xe đạp).
Tỉnh: (Thấy thái độ của bố, lại thấy hai cái sọt rỗng không, như đoán được có sự gì xảy ra) Chú bảo hoa giả đẹp hơn hoa thật thế nào được. Giả là giả, thật là thật, lẫn lộn làm sao được ạ!
Ông Tích: Ờ, đúng thế! Nhưng nhiều cái giả vẫn đẹp hơn cái thật đấy cháu ạ!
Tỉnh: Thưa chú, cái giả nhiều khi có thể lẫn lộn với cái thật, nhưng cũng khó giấu được mãi…
Ông Tồn: Ầy… (Định bỏ đi).
Ông Tích: Cháu nói có lý. (Gỡ chiếc áo bông của ông Tồn ở tay lái xe) Áo của bác.
Tỉnh: (Đỡ lấy) Chú cho cháu xin.
(Ông Tồn lững thững đi vào nhà. Ông Tích dắt xe đi khuất. Tỉnh bước vào nhà, chằm chằm nhìn bố, im lặng. Ông Tồn đặt mấy cành hoa giấy xuống bàn, đứng nhìn với hai mắt thẫn thờ…).
Tỉnh: (Ôn tồn hỏi) Có mua được gì về ăn tết không… ạ?
(Ông Tồn không trả lời, cũng không nhìn con, lẳng lặng kéo ấm nước rót. Ấm hết nước).
Tỉnh: Trong phích có nước sôi đấy, thày ạ! (Ông Tồn đẩy ấm sang bên, không uống nước mà lại kéo điếu, tra thuốc. Tỉnh vẫn ôn tồn) Thày đi tỉnh cả ngày chỉ mua được mấy cành hoa giấy thôi ạ?...
Ông Tồn: (Tay giữ bát điếu, không trả lời con mà lại hỏi) Bu mày đâu?
Tỉnh: Bu còn đi triệu tập họp.
Ông Tồn: Đêm ba mươi tết, họp gì?
Tỉnh: Họp để chuẩn bị mai cấy rứt điểm ạ.
Ông Tồn: (Quay phắt lại) Gì? Mùng một tết… cũng cấy?
Tỉnh: Vâng ạ! Để cho kịp thời vụ.
Ông Tồn: Thời vụ!… Thời… vụ!... Tao cầm cái cày cả đời… lòng bàn tay đi cày đây này… Đừng có mà voi đú ngựa cũng đú!
Tỉnh: (Lặng đi một giây) Thày đi tỉnh về… thày… thày làm sao thế?
Ông Tồn: Sao? Không sao cả! Bây giờ có còn đói rạc ra nữa đâu mà phải đâm sấp dập ngửa, đâm đầu đổ đuôi, đâm xuôi đổ ngược như thế?
Tỉnh: Thày cho là đời sống bây giờ đã quá no đủ rồi hay sao, mà thôi không cần đẩy mạnh sản xuất nữa ạ?
Ông Tồn: Không phải lục vấn tao. Đi gọi bu mày về… giao thừa đến nơi rồi!
Tỉnh: Con không đi gọi được… Con cũng phải ra trại lợn bây giờ!
Ông Tồn: Đêm ba mươi tết, mẹ đi họp, con ra trại lợn… Thế tết nhất thế nào?
Tỉnh: Mọi thứ ăn tết thông thường ở nhà chuẩn bị xong cả rồi. Chỉ còn thày đi tỉnh, sắm thêm được gì thì thêm, thế thôi…
Ông Tồn: Tao không sắm gì cả…
Tỉnh: Ơ hay! Thế thày đi tỉnh làm gì cả một ngày thế ạ? Chả lẽ thày mất cả một ngày giời chỉ để mua mấy cành hoa… giấy…
Ông Tồn: Mày… (Vừa lúc Lũy tay xách một bánh pháo, xồng xộc chạy sang).
Lũy: Chị Tỉnh ơi! (Giơ bánh pháo) Bánh pháo mới mẹ em mua… Mê không? Mẹ em mua vô khối là thứ… mứt, kẹo, thuốc lá, chè, măng, miến, cả bánh đa làm nem đấy. Tất cả bọc nilon trong suốt… (Trông thấy mấy cành hoa) Ê… hoa giấy… mèng ghê! Mẹ em mua hoa thật cơ… Cả cành đào nữa…
Tiếng ông Tích: (Gọi) Lũy ơi!...
Lũy: (Chợt nhớ) Bác ơi! Bố cháu bảo bác sang uống nước. Chè ngon lắm. Mẹ cháu mua… (Chạy vòng ra cửa sổ, nói to) Con bảo bác rồi!
(Ông Tồn và Tỉnh cùng im lặng. Lũy chạy lại kéo tay ông Tồn) Đi… bác sang uống nước…
Ông Tồn: (Gắt) Đi về!
Lũy: Ơ…
Tỉnh: (Kéo Lũy, đưa ra sân) Em cứ về đi, rồi bác sang.
Lũy: (Quay lại nhìn ông Tồn, bỗng chợt nhớ, kiễng chân nói vào tai Tỉnh, nhưng nói lại to) Em biết rồi đấy…
Tỉnh: Em biết gì?
Lũy: Bác Tồn mất hết tiền…
Ông Tồn: (Đang ngồi lặng, bật lên) Thằng Lũy!... (Lũy vùng chạy biến. Tỉnh sững người, nhìn bố).
Ông Tồn: (Gặp cái nhìn đó, hậm hực… lại ngồi xuống) Nó nói láo… Tiền nào mất… (Cúi mặt. Tỉnh bỏ đi khuất. Ông Tồn thấy yên ắng, ngẩng lên. Bỗng vùng đứng dậy) Chết rồi! (Chạy ra sân gọi với theo) Tỉnh! Ớ Tỉnh! (Không có tiếng thưa, ông vò đầu vò tai) Nó đi nói với mẹ nó… Mẹ nó mà biết… (Xoay tròn như đèn cù, khổ sở).
Ông Tích: (Lò dò sang, tay cầm gói nhỏ) Bác Tồn!
Ông Tồn: (Giật mình) Ớ… ờ!
Ông Tích: Nhà tôi đã nói chuyện với tôi…
Ông Tồn: Nói… nói… Thím ấy giết tôi…
Ông Tích: Ấy, sao bác lại nói thế?
Ông Tồn: Tôi đã dặn đi dặn lại, bảo thím ấy đừng nói hở ra cái chuyện tôi mất tiền… Thím ấy lại vẫn cứ nói…
Ông Tích: Nhà tôi nói với tôi chứ nói với ai mà bác sợ.
Ông Tồn: Khổ lắm! Thằng cháu Lũy nó nghe… nó đi nói với con cháu Tỉnh.
Ông Tích: (Cũng giật mình) Ấy, cái thằng thế thì thôi…. Bác để tôi đánh cho nó một trận, cho nó chừa cái tội bép xép…
Ông Tồn: Thôi chú ơi! Nó là trẻ con… Đến người lớn còn chả ra sao nữa là trẻ con! (Đi lắc lư vào trong nhà).
Ông Tích: (Theo vào, giơ gói chè) Tôi xẻ sang ít chè Tân Cương, ngon lắm, để bác uống tết.
Ông Tồn: (Quay lại, lừ lừ nhìn Tích) Chú đền bù cho tôi đấy phỏng?
Ông Tích: (Không trả lời, mà lại kể lể) Bởi nghĩ đến tình cảm anh em trong nhà, thấy bác vẫn cứ vất vả mãi… Mà bác cũng có cống hiến chứ không đâu. Đấy, chừng ấy năm chống Pháp, bác cũng nằm hầm chui hố, cũng có phen hút chết… Chỉ tiếc là ngày đó bác lại không dứt khoát… thoát ly. Nếu bác quyết đi thì bây giờ cũng chả kém gì tôi, tuy rằng bác không thiếu thốn gì…
Ông Tồn: Chú lại định bàn tính gì với tôi nữa đấy? Nghe chú để đi theo thím ấy, nên mới đến nông nỗi này…
Ông Tích: Thì cũng bởi tình cảm anh em… nên tôi mới bàn với bác, thỉnh thoảng tranh thủ làm một chuyến để nâng cao mức sống cho đỡ vất vả… Nào hay cái tay bác không chuyển sang tay ngai được, số bác không phát về mặt đó, cho nên mới chuyến thí điểm đã bị thất thu cả vốn lẫn lãi. Nên nhà tôi bảo tôi nói với bác… thôi thì cũng là của đi thay người, còn mấy giờ nữa là hết năm, để cho nó sạch sẽ trơn tru hết dây mơ rễ má cái vận hạn của năm nay… Bác thanh toán cho cái khoản tiền bác vay nóng, để trả bác gái tiền chuối…
Ông Tồn: Hở?... Chú sang đòi nợ tôi?...
Ông Tích: Không… bác có nợ đâu, đấy là bác gái giật lửa…
(Vợ Tích thấp thoáng ngoài cửa sổ).
Ông Tồn: Thím ấy cho chú sang đòi tôi ngay cái khoản đó thì tôi lần đâu ra để trả bây giờ. Cả vỗn lẫn lãi mất hết đấy! (Vợ Tích tiến lại cửa sổ nói vào).
Vợ Tích: Năm chục bạc… chỉ vài thúng thóc, đối với bác thấm vào đâu. Bác không sẵn tiền, bác cho nhà em thóc cũng được. Đằng nào em cũng phải đong gạo ngoài…
Ông Tích: Vâng… đúng là như thế.
Ông Tồn: Thóc ở đâu mà đổ ra như thế! Bỗng dưng mất không mấy thúng thóc… vợ con tôi đâu dễ nó chịu?
Vợ Tích: Lạ chưa… Bác gái không chịu, dễ tôi chịu nước lép? Đưa đường dẫn lối cho bác, cũng tôi. Chuối vườn nhà bác, bác phải mua… tiền cũng tôi. Tránh tiếng cho bác để giấu bác gái, cũng tôi. Còn lãi thì bác ăn…
Ông Tích: Ấy cứ từ từ…
Ông Tồn: Mất hết tiền… mà còn tính đến lãi nữa?
Vợ Tích: Lạ chưa… thế ra bác đánh mất tiền, tôi cũng lại phải chịu nữa?
Ông Tích: Ấy cứ từ từ…
Ông Tồn: Thím chỉ nghĩ về phần mình, còn cái sự mệt nhọc của tôi
sao thím không nhắc… Hai sọt chuối thì một của thím, tôi phải thồ cả…
Ông Tích: Thồ bằng xe đạp riêng của tôi, không phải xe của công ty tay đôi.
Vợ Tích: Còn khoản hao mòn săm lốp phụ tùng chiếc xe, tôi chưa tính!
Ông Tồn: Chuối của thím bán đồng loạt ba đồng rưỡi một nải. Chuối tôi bằng chuối thím, nhờ thím bán… thím chỉ trả có ba đồng hai… một nải…
Vợ Tích: Lạ chưa, buôn bán là phải có hoa hồng chứ!
Ông Tích: Vâng, đúng là như thế!
Ông Tồn: Lần trở về tôi phải đèo thím suốt từ tỉnh…
Vợ Tích: Vì bác đánh mất tiền, tôi phải chạy vạy trình báo, lùng hỏi mấy tiếng đồng hồ, nên tối mịt mới ra về được…
Ông Tồn: Thím bỏ tôi ngồi một chỗ, thím đi sắm tết… Tôi chỉ mua được mấy cành hoa giấy; mất tiền, không còn một xu ăn cơm, đói rũ ra. Khi về, đạp xe không nổi, thím lại khuyên tôi về nhà ăn cơm luôn thể… Thế đấy! Vậy mà chú ấy nói những là cống hiến, tình cảm anh em… đối với tôi cơ đấy.
Ông Tích: Ấy, tình cảm anh em trai…
Vợ Tích: Đúng thế đấy! Hai anh em bác tình cảm với nhau, chứ tôi tình cảm với bác thì chết bỏ mẹ tôi! Thôi không phải cãi vã. Cái lý nó sờ sờ ra đấy… Bác không vỗ tuột được nợ của tôi đâu. Tôi chỉ nói một lời cuối cùng: Nội đêm ba mươi tết này, nếu không thanh toán, ngày mai mùng một tết, nhà này sẽ không yên với tôi! (Bỏ đi).
Ông Tích: (Vội thò đầu ra cửa sổ gọi rối rít) Ới, ới… từ từ chứ… Lại đây một tí đã… mình ơi!
Ông Tồn: (Lồng lên) Đồ… đồ phản phúc!
Ông Tích: Thôi thì… bác cũng thông cảm… nhân lúc bác gái chưa về…
Ông Tồn: Tôi không tiếc gì mấy yến gạo… tôi chỉ tiếc là đã hiểu nhầm về chú… (Đi sang buồng bên).
Ông Tích: Bác nói thế nào ấy chứ… Em trước sau vẫn… là em… (Vợ Tích đã quay lại, đứng ngoài cửa sổ. Tích đi theo Tồn được mấy bước, nghe tiếng vợ “e hèm”, quay lại, gật đầu ra hiệu là ổn. Vừa lúc đó thì bà Tồn với Tỉnh về, chợt thấy trong nhà có sự không bình thường).
Bà Tồn: Chú làm gì thế?
(Tích giật mình. Vợ Tích lẩn mất).
Ông Tích: Ấy, bác… em… em đang đọc đôi câu đối, hay thật… Đôi câu đối thật rất là… là…
(Tỉnh đi nhanh đến bên cửa sổ, nhìn theo ra ngoài, biết có vợ Tích, cười mỉm; quay vào ngồi bên bàn, lặng im theo dõi. Vừa lúc đó, ông Tồn khệ nệ bưng thúng gạo ra. Chợt thấy vợ và con gái, sững người).
Ông Tồn: Ơ… (Còng lưng bưng thúng gạo, đứng lặng).
Bà Tồn: Ông đem gạo đi đâu… thế?
Ông Tồn: (Ấp úng) Tôi… tôi… trả…ả…
Bà Tồn: Gạo tôi xay để ăn tết… Ông nợ ai mà đem trả… (Ông Tồn từ từ đặt thúng gạo xuống, đứng thưỡn người im lặng).
Ông Tích: (Tranh thủ) Thưa bác… chả là… khoản tiền chuối…
Bà Tồn: (Dứt khoát) Nhà tôi vay tiền thím ấy mua chuối của tôi, thồ đi chợ bán phải không?
Ông Tích: Vâ… âng! Đú… úng là thế…ế! Bác đã biết!...
Bà Tồn: Lẽ ra tiền tôi bán chuối, tôi không phải trả ai cả… Nhưng vì giữ tiếng cho hai anh em chú… tôi đưa cho thím ấy. Còn gạo của tôi để ăn, không phải để gán nợ… (Lấy trong túi số tiền chuối đưa cho Tích) Chú cầm lấy đưa hộ tôi cho thím ấy… Vẫn nguyên năm mươi hai đồng.
Ông Tích: (Rụt rè cầm) Vâ… âng! Thưa bác…. Đây là tiền của nhà em… Nhà em là… nhà em…
Bà Tồn: Không phải là của thím ấy, mà là của tôi đưa cho thím ấy.
Ông Tích: (Lật đật quay đi, sực nhớ quay lại) Em chào bác… hai bác… em về.
Bà Tồn: (Cùng Tỉnh) Chú lại nhà.
(Ông Tích bước đi với dáng lò dò chậm chạp).
Bà Tồn: (Với ông Tồn, nhẹ nhàng như không) Có đúng năm mươi hai đồng không ông?
Ông Tồn: (Ấp úng) Phả… ải! (Khẽ thở dài).
Tỉnh: (Ngồi bên bàn, cầm mấy cành hoa giấy giơ lên trước đèn như soi xét, thủng thẳng nói) Hoa giấy… Trông xa tưởng là hoa thật. Ngắm gần mới thấy… đúng là hoa giả!
Ông Tồn: (Thủng thẳng) Hoa giả còn dùng được… chứ người giả thì…
Tỉnh: Thì thật đáng sợ, phải không thày?
Bà Tồn: Thôi… thôi… Biết người biết ta, thế là may cho bố chị rồi!
Ông Tồn: (Vừa bực vừa sượng) May may cái gì? Tết… tết… giao thừa sắp… rồi đấy!

                                                             MÀN HẠ
1962

 (*) Sách “Lộng Chương - Để đến… Nơi đến”, Nxb Sân khấu, 2013.










Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét