Kịch hoạt kê một
cảnh
Những
người trong kịch
Ông Tồn
Ông Tích - Em trai ông Tồn, nhân viên
tài vụ một nhà máy, mới nghỉ mất sức.
Tỉnh - Con gái ông Tồn, 19 tuổi
Bà Tồn
Bà Tích
Em Lũy - Con ông Tích, 13 tuổi
(Một vài ba em bé trạc tuổi Lũy, cả trai
và gái)
Nhà ông Tồn tại một thôn cách thị xã
khoảng mười cây số. Cuối chiều ba mươi tết.
Hai phần ba sân khấu về phía phải là
gian nhà gạch nông hẹp, mới xây theo một kiểu táp nham. Tường trước mặt đắp cột
giả xẻ rãnh dọc bó trụ, với đủ các hình phù điêu, bát quái, bôi màu xanh đỏ ngũ
sắc, có cả làn mây vờn. Lòng nhà nông, tường hậu trổ cửa sổ tròn, phía trên có
lưỡng long chầu nguyệt, cũng bôi màu lòe loẹt theo khái niệm: rồng, mây, mặt trời
mọc…
Bên cửa sổ, kê một bộ bàn ghế cọc cạch:
bàn kiểu cũ, mặt bàn cóc gặm, chân bàn chạy con tiện; bốn chiếc ghế dựa mới,
đóng theo kiểu phổ biến hiện nay, gỗ sơn quang dầu đỏ quạch, chỗ bóng chỗ mờ.
Trên bàn bày bộ khay men chén sứ, ấm
tích có giỏ, và phích nước vỏ sắt in hoa. Còn cả một cục san hô nổi gai, xòe
nan quạt nhấp nhô, đặt cạnh bàn phía sát cửa sổ.
Phần ba sân khấu phía trái là sân,
có bể cảnh bên cây cau thấp, với giàn trầu không phủ trên. Phía này cũng là lối
tắt sang nhà ông Tích. Qua khung cửa sổ tròn trong nhà có thể nói chuyện trực
tiếp với bên nhà ông Tích.
Ngoài tiền diện sân khấu là đường đi
thông xóm.
Tiếng lợn bị trói chân để chọc tiết
eng éc xa gần, nghe đến chói tai.
Một chùm pháo chuột nổ ba tiếng ròn
tan.
MỞ MÀN
Trời
mờ tối.
Lũy, quần áo bảnh chọe kiểu học sinh
tỉnh lẻ, tay cầm nén hương cháy, đứng giữa sân khấu, ngay sát màn. Cậu ta vừa đốt
chùm pháo chuột, một tay còn đang bịt tai.
Lũy: (Cười một mình thích thú) Hi… hi… Kêu
ghê! (Bỗng vẫy vẫy tay hương) Ê… các
cậu, lại đây chơi. (Móc túi xòe ra một nắm
pháo) Đốt đây!...
(Hai
em, trai áo đông xuân đỏ, gái áo bông hoa đi tới).
Em
trai: (Nhìn nắm pháo
trong tay Lũy) Nhiều pháo nhỉ?
Lũy: (Hãnh diện, vỗ túi quần tây) Còn ối
nhớ!
Em
gái:
Sao bạn không để đến mai… tết hãy đốt?
Lũy: Mai
có nữa! Tớ đã dặn mẹ tớ về tỉnh mua cho tớ bánh to nữa. Mẹ tớ sắp ở tỉnh về…
Em
gái:
Mẹ bạn đi tỉnh từ sớm tinh mơ với bác Tồn trai, thồ hai sọt chuối đi bán chứ
gì… tớ biết thừa!
Lũy: Ừ!...
Mẹ tớ đi sắm tết… Tết ở đây chả có gì cả. Buồn ghê!
Em
trai:
Ơ! Cửa hàng hợp tác mua bán ối thứ… có cả pháo đấy!
Lũy: Pháo cũng có à? Ề…
nhưng chắc pháo ở đây mèng!
Em gái: Cùng một thứ pháo
trên tỉnh phân phối về cả… Mèng là mèng thế nào? Thôi đi, kẻo các bạn ấy chờ… (Kéo em trai).
Em trai: (Như muốn ở lại chơi pháo với Lũy, chần chừ) Ừ… ừ… để xem đã!
(Lũy ra vẻ oai, gí một quả pháo vào que hương. Quả pháo
xòe ngòi, Lũy tung vội ra xa. Pháo tịt).
Em gái: (Cười khúc khích) Pháo tỉnh không mèng đâu! (Kéo em trai đi, cậu này vừa chạy theo vừa
ngoái cổ lại).
Em
trai: Tớ
họp đội, chuẩn bị tiết mục liên hoan văn nghệ xong tớ quay lại nhá!...
Lũy: (Vừa bị cụt hứng, lúng búng) Quay
lại đốt pháo ghẹ à… (Xăm xăm đi đến chỗ
quả pháo tịt, tức bực dậm chân lên mấy cái liền) Tịt này! Tịt này!...
(Bà Tồn
đội thúng bánh chưng mới luộc đi tới).
Bà Tồn:
Gì
thế Lũy?
Lũy:
Không… A bánh chưng… Bánh chưng… Luộc xong rồi hở bác?
Bà Tồn: Ừ,
xong rồi… (Đi vào nhà. Lũy bám theo).
Lũy: (Xuýt xoa) Thơm ghê!...
Bà Tồn:
Chạy
về bảo thày cháu sang lấy bánh đi.
Lũy: (Thích mê) Vâng! (Vừa chạy vừa réo) Bố ơi! Sang bác Tồn lấy
bánh chưng, bố ơi!
Bà Tồn: (Hạ thúng bánh đặt trên ghế, trông quanh) Thày
con Tỉnh vẫn chưa về. Sắm với sửa những gì mà đến giờ vẫn mất tăm mất dạng.
Công việc thì còn bộn lên… (Sang gian bên
châm đèn. Ánh sáng đèn le lói, hắt bóng bà Tồn lên tường to xù và lay động theo
ánh sáng. Tiếng bà vẫn ca cẩm. Bóng ông Tích lấp ló ngoài cửa sổ; mũ cát-két có
tai thõng hai bên; cổ áo bông đen, đính lông thỏ khoang, chỗ xám chỗ trắng, kéo
lên sát gáy. Ông ghé tai nghe một chút, rồi lùi ra xa, đằng hắng như có đờm
trong cổ).
Tiếng
ông Tích: (Ngoài cửa sổ) Hư…
ư… ừm! (Và ho) Hục… hục…
(Lũy
đã vọt sang từ trước, nép vào mép tường. Nó đặt một quả pháo ở gờ tường rồi đốt.
Pháo xòe lửa, nó vội lùi lại bịt tai. Ông Tích đi lò dò như con cò bợ, hai tay
thu trong bọc; vừa nhô tới lối trái thì pháo nổ).
Ông
Tích: (Giật bắn người,
lùi bật lại) Úi trời!...
(Lũy
tóe lên cười. Bà Tồn từ gian bên đi nhanh ra).
Bà Tồn:
Cái
gì thế nhẩy?
Ông
Tích: (Chưa định thần,
lên cơn ho) Thà…ằng… thằng Lũy hả? Con cái nhà!
Bà Tồn:
Sao
lại đốt pháo trong nhà thế cháu?
Lũy: Không!
Cháu đốt ngoài sân… dọa bố cháu… (Lại cười).
Ông
Tích: (Lò dò đi vào,
lừ mắt với Lũy) Li… ệu! Li… ệu! Về đây không… vô tổ chức được đâu đấy!
(Tiến lại) Bánh luộc xong rồi kia à
bác? (Ấn ấn mấy ngón tay lên mấy chiếc
bánh) Có vẻ dền đây. (Lũy đã xán lại,
cũng ấn ấn ngón tay xem bánh).
Lũy: Dền!
Dền!... (Bà Tồn lẳng lặng nhặt bánh xếp
lên bàn).
Ông
Tích: (Quát Lũy) Có xê
ra không! Cái gì cũng nghịch được!
Lũy: (Lùi lại) Con xem…
Ông
Tích: (Với bà Tồn. Giọng
nói vừa tranh thủ lại vừa kẻ cả) Ờ… ờ… Nhanh đấy nhỉ!
Bà Tồn: Lửa
đều, nước sôi dền thì mấy tí chứ?
Ông
Tích:
Phải! Mấy cái lò chế biến lửa cứ rừng rực cả ngày như thế, làm gì mà chả dền.
Giỏi đấy! Sáng kiến thật!... Tranh thủ sử dụng sức nóng thừa của lò chế biến thức
ăn cho lợn để luộc bánh cho bà con thì quả là giỏi. Giỏi! Sáng kiến của cháu Tỉnh
phải không bác? Nó ở trong Ban phụ trách trại mà lại…
Bà Tồn:
Không chú ạ! Đấy là ý kiến anh Thường - Phó chủ nhiệm kiêm Đội trưởng Đội chăn
nuôi… tích cực đảm nhiệm đấy thôi…
Ông Tích: À phải, phải… Phải
có ý kiến lãnh đạo… mới được chứ. Anh Thường giỏi thật đấy. Thấy bảo từ ngày đồng
chí ấy ở bộ đội chiến đấu bị thương trở về, lãnh đạo Hợp tác xã vững lắm phải
không bác?
Bà Tồn: Lãnh đạo Hợp tác xã
là tập thể Đảng ủy, chứ đâu phải cá nhân.
Ông Tích: À phải, phải. Ở
đâu cũng thế. Ở cơ quan chỗ tôi công tác cũng thế thôi. Cá nhân chỉ là một
thành viên trong lãnh đạo… lãnh đạo tập thể…
Bà Tồn: Nhưng cũng phải nói
là đồng chí Thường thật là đầu tàu trong mọi công tác, miệng nói tay làm, động
viên được tinh thần mọi người phát huy khả năng…
Ông Tích: Đấy! Đấy mới thật
là cơ bản… Mà cũng phải thấy là… bà con ta ở đây cũng tiến bộ vượt bậc kia! Như
bác đấy… lãnh đạo, à quên, phụ trách một Đội cấy phức tạp như thế mà cứ…
Bà Tồn: Không! Đội cấy có
gì mà gọi là phức tạp…
Ông Tích: Ấy không, không phải
phức tạp. Ý tôi muốn nói là đông đảo, lại nhiều lứa tuổi… Hề… giá nhà tôi mà được
trở lại tham gia sản xuất với bác thì…
Bà Tồn: Sao lại sản xuất với
tôi? (Hơi mỉm cười).
Ông
Tích: À
vâng, với tập thể…
Bà Tồn: Mấy
lần tôi đã nói chuyện với thím ấy rồi…
Ông
Tích:
Thế ạ… Thế mà nhà tôi không nói gì với tôi cả. Cứ như tôi… sau mấy chục năm cống
hiến… ốm đau… trở về quê, không còn sức tham gia lao động được nữa, thì chẳng nói
làm gì…
Bà Tồn:
Thím
ấy lại bảo là có trao đổi với chú rồi.
Ông
Tích:
À, có trao đổi, nhưng chưa bàn cụ thể…
Bà Tồn:
Vâng,
chú cũng nên bàn cụ thể để thím ấy nghe ra…
Ông
Tích:
Có chứ! Phải nói cho nhà tôi thấy rõ vấn đề sản xuất là… là cơ bản …
Bà Tồn:
(Xếp xong số
bánh của ông Tích lên bàn) Bánh của chú đấy… hai chục…
Ông
Tích: Vâng,
xin bác! (Quay ra gọi Lũy. Nó đã bỏ đi
đâu từ trước) Ơ… cái thằng Lũy, lại biến rồi! (Quay lại cầm chiếc bánh xem) Ấy, bánh của nhà tôi có đánh dấu kia,
bác ạ!
Bà Tồn: Bánh
của chú có đánh dấu à?
Ông
Tích:
À, nhà tôi là bà ấy sợ lẫn! Chả là nhà còn ít hạt tiêu, ướp thịt nhân… (Chọn một cái giơ lên) Đây, góc bánh mỗi
cái đều thít một dây nilon màu lá…
Bà Tồn: (Thản
nhiên)
Dấu cùng màu với lá nên tôi sơ ý. Chú lại không dặn… (Chọn, đổi lại những tấm bánh lẫn).
Ông
Tích:
Ấy, lúc cháu Tỉnh sang lấy bánh nhờ bác luộc, nhà tôi lại đi vắng, tôi lại cũng
quên. Thật… thật phiền bác và cháu quá. Đã mất công giúp… lại… À, thế tiền than
lửa phải thanh toán bao nhiêu… bác?
Bà Tồn:
Tiền
thì tôi chưa rõ tính toán thế nào… Đối với xã viên chúng tôi thì gọn gàng thôi.
Nhưng với gia đình chú…
Ông
Tích:
Vâng, hiện gia đình tôi là hộ phi nông nghiệp…
Bà Tồn:
Tôi
cũng nể lời chú thím, mới nói với cháu Tỉnh đề nghị Đội luộc giúp…
Ông
Tích:
Vâng! Dù sao đối với một cán bộ thoát ly đã có vài chục năm cống hiến… Hợp tác
xã cũng chả hẹp gì.
(Vừa
lúc Tỉnh dẫn Lũy về. Đằng sau, cách một quãng, mấy em kéo theo. Lũy mặt bầu bậu. Tỉnh thản
nhiên, tươi tắn; mặc áo len đan màu hoa cà; khăn len vuông thắt chéo ra sau gáy;
cầm cuộn câu đối).
Tỉnh: (Chào ông Tích) Chú ạ!
Ông
Tích: (Quay ra) À... chị Tỉnh! (Chỉ chồng bánh) Cảm
ơn chị nhá! (Với Lũy) Đem bánh về... (Lũy đứng lặng, vẻ bực tức. Ông Tích nhìn trừng
trừng) Lại sao rồi?
Tỉnh: (Dắt tay Lũy vào) Em mới về quê ở, nên em cần phải
đoàn kết với các bạn ở đây chứ. Các bạn ấy đã để em vào xem tập văn nghệ, sao
em lại đốt pháo quăng vào người các bạn ấy?
Ông Tích: Chết thật, vô tổ chức quá!
Lũy: Em quăng đâu. Nó bắn vào đấy chứ...
(Tỉnh cười chưa nói gì, thì một em gái từ ngoài đường tiến vào sân).
Ông Tích: Hứ!
Em gái: (Đứng nghiêm) Báo cáo chị, bạn ấy châm hương đốt pháo hẳn hoi. Khi
ngòi pháo xì xì, bạn ấy hất tay thế này, tung quả pháo vào giữa đội hình múa. Rồi
bạn ấy cười...
Lũy: Người ta cười bao giờ?
Ông Tích: (Quát Lũy) Còn cãi! Tao không lạ gì mày đâu. Khuân bánh về!
(Lũy phụng phịu vất mẩu hương đã tắt ngấm trên tay, đến ôm một cọc 4 chiếc
bánh mang đi).
Ông Tích: (Cũng ôm một cọc bánh) Xin bác! (Đi theo con).
Tỉnh: (Đặt cuộn giấy lên bàn, ra sân nói với mấy em) Thôi các em cứ về đi. Chị sẽ phân tích cho bạn Lũy nhận ra khuyết điểm của
mình. Về phần các em cũng nên gần gũi giúp đỡ bạn Lũy nhé. Không nên thành kiến...
Các em: Rõ!
Tỉnh: À... Tập văn nghệ xong rồi chứ?
Em gái: Báo cáo chị... hay lắm ạ!
Các em khác: Báo cáo, bạn ấy chủ quan đấy ạ. Còn lúng túng lắm, chưa
hay đâu ạ.
Em gái: (Quay lại với các
bạn) Còn lúng túng sao các bạn đồng ý đêm nay biểu diễn đón giao thừa?
Mấy em: (Lao nhao) Hay rồi. Thế là hay rồi. Yêu cầu tương đối thôi.
Tỉnh: (Mỉm cười) Tại các em tập ít đấy mà.
Em trai: Tại chị hướng dẫn ít...
Tỉnh: Mấy hôm nay... chị bận quá!
Em gái: Em biết, chị đang tập trung theo dõi mấy con nái lai giống
thí nghiệm sắp đẻ... (Tỉnh cười). Với
lại, Đội chúng em cũng nhiều công tác lắm ạ. Tối nay biểu diễn văn nghệ phối hợp
với các anh các chị thanh niên. Mai lại còn kế hoạch trồng cây với các cụ phụ
lão ạ.
Em trai: Từ hôm qua lại đi giúp đỡ, dọn dẹp nhà cửa các gia đình
thương binh, bộ đội nữa!
Tỉnh: Đúng rồi. Chị có phê bình gì các em đâu.
Các em: Chúng em về ạ... (Các
em đứng nghiêm chào. Ríu rít kéo đi. Vừa lúc ông Tích từ bên nhà sang lối
ngách; đứng lại, trông theo, vẻ mặt tần ngần. Lũy cúi gằm mặt, lững thững đi
sau, không để ý, đâm sầm vào bố).
Lũy: Ối!
Ông Tích: (Suýt ngã nhào) Ối! (Loạng choạng đứng
lại được, trợn mắt) Thằng vô phúc! Mày đấm tao hả? (Xô lại).
Tỉnh: (Vừa đi tới, giữ lại) Chú... đừng đánh!...
Lũy: (Lùi, giơ tay che đầu) Tại bố đứng chặn lối!
Ông Tích: Hả!... Tao chặn lối thì mày thụi tao hả?
Lũy: Con thụi đâu. Con không trông thấy, con húc phải...
Ông Tích: Không trông thấy. Mắt mày để đâu?
(Tỉnh kéo ông Tích vào nhà. Bà Tồn cũng đã cất thúng bánh vào trong buồng,
quay ra, đứng lặng nhìn xót sa).
Bà Tồn: Thôi chú ạ! Để bảo cháu dần dần...
Ông Tích: Những năm ở trên tỉnh, cứ đi học về là thoắt một cái lại
biến, không sao quản lý nó được. Mẹ nó lại chiều...
Bà Tồn: Cháu nó cũng chưa đến nỗi nào. Để rồi chị Tỉnh dìu dắt
em, cho nó sinh hoạt...
Ông Tích: À, vâng vâng... Trông thấy lũ trẻ vừa rồi mà cay đắng với
con mình. (Quay ra quát con) Có vào
mà khuân nốt về không?
Tỉnh: Thôi chú ạ, để cháu mang nốt sang bên nhà cho. Một cắp
tay là hết thôi...
Ông Tích: (Thở dốc) Trời đất!... Vác mấy cái bánh từ đây về đến nhà đã thở...
Bà Tồn: Chú ngồi xuống ghế nghỉ một tí... Uống chén nước đã.
Ông Tích: Vâng, cảm ơn bác. (Đấm
lưng) Cứ thay đổi thời tiết là y như rằng. (Bà Tồn rót nước. Tỉnh lấy chiếc thúng xếp bánh chưng vào, hỏi mẹ).
Tỉnh: Sao đến giờ mà thày vẫn chưa về, bu nhỉ?
Bà Tồn: Bu nào biết được. Mà thím Tích cũng đã về đâu.
Ông Tích: Thế đấy! Nhà tôi vẫn có cái tính làm gì cũng dằng dai,
đi đâu cũng la cà! Ngày còn ở trên tỉnh, nhiều bữa ở cơ quan về tôi phải đâm đầu
đi thổi cơm đấy!
Bà Tồn: Thế ạ? (Đặt chén
nước trước mặt ông Tích) Chú uống chén nước nóng.
Ông Tích: Vâng.
Tỉnh: (Cười) Chú coi thường việc thổi cơm lắm hả chú?
Ông Tích: Không!
Tỉnh: Anh nuôi trong quân đội có nhiều đồng chí cũng được bầu
là Anh hùng đấy chú ạ!
Ông Tích: Đúng thế! Công tác gì cũng là phục vụ Cách mạng. Mọi lao
động đều vinh quang cả.
Tỉnh: (Đã xếp hết bánh vào thúng định cắp đi... Cười) Thế thì hẳn chú phải đả thông thím trở lại lao động sản xuất rồi. Và chú
chắc cũng sẽ nhận công tác với Hợp tác...
Ông Tích: Chú ấy à?
Tỉnh: Vâng... Dù chú đã có lương hưu trí thì cũng...
Ông Tích: Úi... Lương hưu có được bao nhiêu. Mà dù có đủ bảo đảm cho
cả gia đình đi nữa thì cũng phải cống hiến…
Tỉnh: Vâng, đúng thế ạ.
Ông Tích: Có điều chú ốm yếu thế này…
Tỉnh: Yếu thì nhận việc nhẹ… Kế toán ban quản
trị chẳng hạn.
Ông Tích: Kế toán à?
Tỉnh: Vâng! Vì đấy là
nghề của chú mà… (Cắp thúng bánh vào sườn,
với mẹ) Lát nữa Đội cấy họp phải không bu?
Bà Tồn: Ừ, họp chuẩn bị để
mai tranh thủ cấy dứt điểm.
Tỉnh: Chúng con cũng đi họp
với Đội cấy đấy.
Bà Tồn: Thế hả? Tăng cường
phỏng?
Tỉnh: Vâng! Chi đoàn quyết
nghị cử một số thanh niên Đội chăn nuôi sang hỗ trợ Đội cấy ngày mai. (Cắp thúng đi đến lối ngách, thấy Lũy vẫn ngồi
xổm lấy que vạch đất, Tỉnh kéo Lũy đứng lên) Ơ kìa, Lũy còn ngồi đấy à? Về
đi em. Về cất bánh đi. (Lũy lủi thủi theo
Tỉnh).
Ông Tích: (Ra vẻ kinh ngạc) Mai… mùng một tết mà vẫn cấy à bác?
Bà Tồn: Vâng, phải khẩn
trương cho kịp thời vụ. Trời đang ấm… Đài báo đợt nồm này còn dài, thời tiết
thuận vụ.
Ông Tích: Nhưng lại gặp đúng
dịp tết. Bà con mất tết…
Bà Tồn: Mất tết là thế nào
chú? Ta vẫn ăn tết đàng hoàng chứ. Nhà nào cũng bánh trái, thịt thà cá mú đủ cả…
Ông Tích: Tục lệ dân ta, mấy
ngày tết là ăn chơi. Làm thế tôi e…
Bà Tồn: Chú e sao kia?
Ông Tích: Cưỡng bức quá!
Bà Tồn: Cưỡng bức là thế
nào nhẩy? Sản xuất ra nhiều của, lợi cho ai mà lại là cưỡng bức hở chú? Bà con
đang còn bàn vui là, ngày mai đi sản xuất đầu năm lấy may, để sang năm tăng
công điểm lên kia. Ngay Đội trồng cây các cụ, ngày mai cũng phát động mở hội Tết
trồng cây. Các cháu thiếu niên cũng tham gia trồng cây và múa hát nữa. (Vừa lúc, Lũy ngó đầu qua cửa sổ).
Lũy: Bố!
Ông Tích: Ờ… cái gì đấy?
Lũy: Bố về cất bánh
chưng ở đâu thì cất! Chị Tỉnh hỏi, con chả biết cất đâu.
Ông Tích: Hứ!... Chả biết cất
đâu… Cất vào mồm ấy! (Gắt thế, nhưng ông
cũng mượn dịp rút lui. Với bà Tồn) Con cái nhà, hư quá! Tôi về bác ạ.
Bà Tồn: Vâng, chú về!
(Còn nữa)
(*) Sách “Lộng Chương - Để đến… Nơi đến”, Nxb Sân khấu,
2013.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét