• NHÀ NGHIÊN CỨU CHÈO - GS HÀ VĂN CẦU
Sách: “Kịch Lộng Chương", Nxb Văn học, 1977; “Lộng Chương trong trái
tim bè bạn”, Nxb Hội Nhà văn, 2013):
- “… Nhà viết kịch Lộng Chương được tặng thưởng Huân chương Độc Lập hạng Ba và Giải thưởng Hồ Chí Minh cao quý chính là do những cống hiến cho sân khấu Việt Nam và sự nghiệp trồng người của anh”.
- “… con người có thể qua đi, tác phẩm có thể mòn mỏi, song Anh vẫn còn mãi. Cái còn của Anh thuộc về nhân cách, về đạo đức, về ứng xử, về thái độ đối với lịch sử và xã hội”.
• NHÀ THƠ HỮU THỈNH - Chủ tịch Liên hiệp các hội VHNT Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam khẳng định tại Lễ tưởng niệm 10 năm mất Nhà viết kịch Lộng Chương (3/72013):
“Một nhà văn bước vào nghề văn bút mà bắt tay ngay vào viết tiểu thuyết, thì đấy là một tài năng đặc biệt. (…) Nhà văn Lộng Chương đã bắt đầu ngay sự nghiệp văn chương của mình bằng tiểu thuyết Hầu Thánh xuất bản năm 1942. Đó là một kỳ tài, một sản phẩm tinh hoa của một nhân kiệt…”.
“Kỷ niệm 10 năm ngày mất của Nhà văn - Kịch tác gia Lộng Chương, chúng ta có thể rút ra nhiều bài học về một tài năng lớn, một nhân cách cao cả.
- Bài học thứ nhất là, Nhà văn - Kịch tác gia Lộng Chương hết sức gắn bó với truyền thống yêu nước của dân tộc, với tinh hoa văn hóa của dân tộc. Một người được đào tạo ở trường Tây, tiếp thu khoa học tự nhiên của Tây, nói tiếng Tây rất giỏi… lại hết sức gắn bó với dân tộc, gắn bó với cội nguồn văn hóa của dân tộc; thì phải có một nhân cách, một quan điểm sống đúng đắn (…) mới xác định cho mình rất sớm con đường đi đúng đắn như vậy, trước khi gặp ánh sáng của Đảng…
- Bài học thứ hai về Nhà văn Lộng Chương là vô cùng gắn bó với nghệ thuật Chèo của dân tộc, hiện đại hóa vốn cổ của dân tộc để tác phẩm có sức sống lâu dài; vừa phục vụ kịp thời nhiệm vụ của kháng chiến (…) đồng thời lại là tinh hoa lâu dài để lại cho đất nước.
- Bài học thứ ba, Nhà văn - Kịch tác gia Lộng Chương là bậc thày lớn đào tạo nên rất nhiều kịch tác gia (…) trong đó có nhiều nhà hoạt động nổi tiếng của nền sân khấu nước nhà.
- Bài học thứ tư, đó là nhân cách. Bác Lộng Chương có một nhân cách văn hóa cao đẹp, khoan dung độ lượng và trong sáng. Nhân cách của người Nghệ sĩ Lộng Chương mãi mãi là tấm gương cao quý, tốt đẹp cho mọi thế hệ các nghệ sĩ noi theo.
- Thứ năm là, tên tuổi của Lộng Chương đã làm giàu cho nền văn hóa của dân tộc chúng ta (…)
Nhân dịp này (…) tôi xin trân trọng đề nghị:
(…) Tỉnh ủy và UBND tỉnh Hải Dương, MTTQ tỉnh Hải Dương nghiên cứu đặt một tên đường - đường Lộng Chương ở thành phố Hải Dương (…) Việc đặt tên đường này không chỉ có ý nghĩa tôn vinh đánh giá cống hiến của Lộng Chương, mà đồng thời đó là bài học lớn nhắc nhở những thế hệ sau tiếp tục noi gương, đi theo con đường của những bậc tiền bối (…)”.
• NSND LÊ TIẾN THỌ - Chủ tịch Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam phát biểu tại Lễ Tưởng niệm 10 năm mất Nhà viết kịch Lộng Chương (3/7/2013):
“Ta luyến tiếc và trân trọng ông khi ông ra đi (…) vào ngày 26 tháng 6 năm 2003. Nhưng sự tôn kính ông thì không hề đứt đoạn trong tâm trí của chúng ta - điều đó khẳng định ông là cây đại thụ của nền sân khấu cách mạng Việt Nam. 10 năm qua cây đại thụ này vẫn che bóng mát để cho lớp Nghệ sĩ trẻ Sân khấu Việt Nam coi đó là tấm gương lao động nghệ thuật, coi đó là nhân cách của người Nghệ sĩ chân chính. Chân dung ông vẫn được kính cẩn treo tại phòng họp của Hội để mỗi người chúng ta (những nghệ sĩ sân khấu) vẫn như có ông luôn bên mình nhắc nhở, khích lệ mọi sáng tạo để đưa sân khấu nước nhà vượt qua những khó khăn trong cơ chế thị trường (…) sáng tạo nhiều tác phẩm (…) xây dựng và phát triển văn học nghệ thuật trong thời kỳ mới, trong hội nhập văn hóa xã hội”.
• NSND TRỌNG KHÔI - Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam khẳng định (Sách:“Lộng Chương trong trái tim bè bạn”, Nxb Hội Nhà văn, 2013):
“… Đối với Nhà hát Kịch Việt Nam, vở hài kịch Quẫn của Thày Lộng Chương đã đặt dấu ấn mạnh nhất, kể từ khi Nhà hát ra đời. Quẫn là vở diễn có tuổi thọ dài nhất, hơn 20 năm trời, với hơn 2.000 đêm diễn từ Bắc đến Nam”.
• NSND DOÃN HOÀNG GIANG - Chủ tịch Hội đồng Nghệ thuật Hội NSSK VN (Sách “Kịch Lộng Chương”, Nxb Văn học, 1977; “Lộng Chương trong trái tim bè bạn, Nxb Hội Nhà văn, 2013):
“Hồi Mỹ - ngụy gây vụ thảm sát Phú Lợi, giới sân khấu chủ trương xuống đường vạch mặt, tố cáo bọn sát nhân bằng những tác phẩm kịp thời của mình. Một buổi chiều, Anh Lộng Chương bảo tôi: - Tập hợp anh chị em lại, ngày mai tập một vở kịch. - Kịch bản đâu ạ? - Đêm nay sẽ có. Và ngay đêm hôm đó, một nhóm trong Đoàn Kịch Thanh niên Hà Nội chúng tôi bên anh, với một chiếc máy chữ, một chiếc máy quay rô-nê-ô, Anh viết trang nào, chúng tôi in luôn trang đó. 5 giờ sáng kịch bản hoàn thành. Ngay ngày hôm đó, dưới sự chỉ đạo của Anh, chúng tôi đã tập vở kịch ấy bằng tất cả lòng say mê và sự căm thù, đau xót của mình. Chúng tôi vừa tập vừa khóc, vừa như thét lên những tiếng kêu phẫn nộ trước kẻ thù. 5 giờ chiều vở kịch tập xong. 7 giờ 30 tối, xuống đường công diễn giữa phố Tràng Tiền - Hà Nội, trong không khí sôi sục của cả miền Bắc trước đau thương của đồng bào, đồng chí miền Nam. Vở kịch “Chặn tay chúnglại” của anh đã ra đời như vậy. Đó là vở kịch đầu tiên, tiếng nói phẫn nộ đầu tiên của giới sân khấu trong những ngày đấu tranh đó”. - Nhận định về Hài kịch Quẫn: “… chưa vở nào bước qua được sự tác động xã hội mạnh mẽ như Quẫn, mà Nghệ sĩ Lộng Chương đã làm cho sân khấu Việt Nam!”; - “… hầu hết văn nghệ sĩ ngành Sân khấu Việt Nam đều coi Nghệ sĩ Lộng Chương là người Thày lớn của mình. Các tác giả thì coi ông là người Thày lớn về nghề viết. Các nhà đạo diễn thì coi ông là người Thày về nghề đạo diễn. Anh chị em diễn viên cũng coi ông là người Thày về nghề diễn. Như thế có nghĩa là, trong con người của Nghệ sĩ Lộng Chương được coi là sự tổng hợp của rất nhiều yếu tố hợp thành”. Học trò của Lộng Chương nay nhiều người đã trở thành Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú, nhà nghiên cứu… Thành công của họ đều có sự hướng dẫn của thày Lộng Chương, về nghề và cả ý chí nữa”.
• TS PHAN TRỌNG THƯỞNG (Sách: “Kịch Lộng Chương”, Nxb Văn học, 1977; “Lộng Chương trong trái tim bè bạn”, Nxb Hội Nhà văn, 2013):
- “Trong 9 năm chống Pháp, Lộng Chương sáng tác 17 vở kịch, trong đó có những vở ghi đậm dấu ấn lên quá trình sáng tác của ông, được nhiều người biết đến như: Lí Thới (1948), Du kích thôn Đồi (1952), Chiến đấu trong lòng địch (1954), Đoàn quân tóc trắng (1954), Giữa đường (1954), Ma hiện (1955).v.v… Giá trị của những vở kịch này trước hết thể hiện ở tinh thần công dân, ý thức của một nghệ sĩ nhập cuộc một cách tích cực vào sự nghiệp chung của dân tộc”.
- (Về Hài kịch “Quẫn”): Sẽ không cường điệu khi gọi ông là Danh thủ Hài kịch. Và vì thế mà trong giới viết kịch cũng như giới hoạt động sân khấu nói chung vẫn coi ông là người có đóng góp hàng đầu cho thể Hài kịch Việt Nam hiện đại”.
- Về mảng nghiên cứu, sáng tác và bảo tồn môn nghệ thuật Chèo của Lộng Chương (cùng bạn hữu): “Sẽ là không đầy đủ nếu viết về Lộng Chương mà lại bỏ sót phần công lao, tâm huyết của ông đối với nghệ thuật Chèo… Các ông đã tiến hành khôi phục lại các làn điệu, hình thức, các miếng chèo, trở thành mẫu mực nghệ thuật, để truyền thụ cho các thế hệ đi sau. Sự am hiểu sâu sắc của ông… là trách nhiệm nghệ sĩ, là ý thức trân trọng những di sản văn hóa nghệ thuật đẹp đẽ kết tinh từ hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc…”.
• TS TÔN THẢO MIÊN (Sách: “Tác gia kịch hiện đại Việt Nam”, Nxb Sân khấu; “Kịch Lộng Chương”, Nxb Văn học, 1977; “Lộng Chương trong trái tim bè bạn”, Nxb Hội Nhà văn, 2013):
“Thời kỳ chiến tranh chống Mỹ và xây dựng chủ nghĩa xã hội… Lộng Chương vừa viết vừa chỉnh lý, viết lại, đến trên 60 vở, gồm nhiều kịch chủng… Có thể nói, Lộng Chương là một trong số ít tác giả viết được nhiều thể loại khác nhau như vậy. Phần lớn những vở ông viết ra đều được sử dụng, nếu không in thành sách thì cũng được các đoàn dàn dựng hoặc phát trên Đài Tiếng nói Việt Nam, phục vụ cho công tác tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng. Như vậy là, bằng mọi con đường, kịch của Lộng Chương đã đến với quần chúng ở khắp mọi miền đất nước, và vì thế, tác dụng tích cực của nó phải được tính bằng cấp số nhân”.
• NHÀ NGHIÊN CỨU VĂN HỌC KỊCH HỒ NGỌC phát biểu tại Lễ tưởng niệm 10 năm mất Nhà viết kịch Lộng Chương (3/72013):
“Một đức tính đáng quý nữa ở anh Lộng Chương là tinh thần hết mình vì thế hệ viết kịch trẻ. Nếu tôi không nhầm thì ở trong ngành sân khấu cho đến nay, hiếm có người nào tận tụy với việc giúp đỡ, đào tạo những người viết kịch trẻ như anh. Số học trò của anh cũng khó có ai có được nhiều như anh… Cho đến tận hôm nay, việc chăm lo, đào tạo thế hệ viết kịch trẻ cũng chưa có được bao nhiêu tiến bộ so với thời anh Lộng Chương sống. Lại càng ít có những tác giả có nghề nghiệp tận tụy giúp đỡ những người viết kịch trẻ như anh”.
• NSND - ĐẠO DIỄN NGUYỄN NGỌC PHƯƠNG phát biểu tại Lễ tưởng niệm 10 năm mất Nhà viết kịch Lộng Chương (3/72013):
“Hôm nay chúng ta có mặt tại đây nhân ngày giỗ lần thứ 10 của cố tác giả Lộng Chương. Từ đáy lòng mình tôi vô cùng xúc động. Thay mặt các nghệ sĩ Nhà hát Tuồng, xin dâng 3 nén tâm hương vô cùng biết ơn cố tác giả đã để lại cho Nhà hát Tuồng một tác phẩm bất hủ: Tình sử Loa Thành”.
• ÔNG MAI BÌNH - Một lãnh đạo ngành Văn hóa, Thanh Hóa (Sách “Kịch Lộng Chương”, Nxb Văn học, 1977; “Lộng Chương trong trái tim bè bạn”, Nxb Hội Nhà văn, 2013):
“Phần lớn, phần nặng cân trong thành quả trên đây (xây dựng Đoàn Kịch nói và Đoàn Chèo Thanh Hóa) là nhờ công lao và sự hi sinh nhiều mặt của ông thầy Lộng Chương. Ngoài đoàn kịch, ông cũng không kém công lao bồi dưỡng nghệ thuật và dàn dựng tiết mục cho đoàn chèo. Có thể nói, mười năm giặc Mĩ dội bom đạn xuống Thanh Hóa thì cũng mười năm ấy Lộng Chương xuất hiện nhiều nhất”.
• ÔNG HÀ KHANG - Một lãnh đạo ngành Văn hóa, Thanh Hóa ("Sách kịch Lộng Chương”, Nxb Văn học, 1977; “Lộng Chương trong trái tim bè bạn”, Nxb Hội Nhà văn, 2013):
“Viết những kỉ niệm về chặng đường hoạt động của Nhà nghệ sĩ lão thành Lộng Chương ở Thanh Hóa này thì biết viết sao cho hết, cho đủ. Vì ông đã để lại cho sân khấu Thanh Hóa bao nhiêu là việc tốt điều lành. Cánh nghệ sĩ địa phương chúng tôi đã tôn ông là một người anh lớn, người anh vừa có uy rộng lại có tình sâu. (…) … những mong sao trong anh em văn nghệ nhà mình có được nhiều người như anh, hết lòng hết dạ, lao tâm khổ tứ đầu tư cho công trình của bạn mình, ắt rằng các tác phẩm của họ ra đời sẽ hay, chí ít là khá... Nhưng cho đến nay, sau nhiều năm nhìn ngang nhìn dọc, trông lên trông xuống, tôi ngẫm ra thì... "có lẽ rằng là hiếm!".
• NHÀ BÁO VŨ HÀ - Phó Ban Văn nghệ, Đài Tiếng nói Việt Nam phát biểu (Sách “Lộng Chương trong trái tim bè bạn”, Nxb Hội Nhà văn, 2013; (Phim “Trên mọi nẻo kịch trường”, Đài PT-TH Hà Nội sản xuất năm 2004):
“… Cái điểm chúng tôi ghi dấu ấn mạnh về Nghệ sĩ Lộng Chương - một nghệ sĩ lớn, một kịch tác gia, một đạo diễn tài hoa - đó là ông đã hợp tác với chúng tôi làm Chương trình Phát thanh Binh vận (...) chúng tôi chủ trương khai thác ở ông cái chất hài tinh tế và có chiều sâu. Ông đã tích cực tham gia, hầu như mỗi tuần đều có một vở kịch ngắn phát trên làn sóng của Đài (...) Chương trình Phát thanh Binh vận kéo dài hơn chục năm, thì hơn chục năm ấy Nghệ sĩ Lộng Chương đã kề vai sát cánh với chúng tôi, thực hiện hết sức hiệu quả nhiệm vụ của Chương trình đặt ra...”.
ĐIẾU VĂN NHÀ VIẾT KỊCH LÃO THÀNH LỘNG CHƯƠNG
(Do NSND Trọng Khôi - Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam đọc tại Lễ truy điệu)
“… Các nhà nghiên cứu sân khấu rồi đây sẽ lúng túng khi xác định khối lượng tác phẩm đồ sộ của ông, sức sáng tạo khổng lồ không mệt mỏi của ông. Bởi ông không chỉ ký thác đời mình vào khối lượng tác phẩm riêng, mà còn chia gửi những ý tưởng cho nhiều người viết kịch đến thụ giáo ông…”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét