Chủ Nhật, 7 tháng 9, 2014

MỘT TÁC PHẨM BẤT HỦ: TÌNH SỬ LOA THÀNH(*)

Bài phát biểu của NSND - Đạo diễn Nguyễn Ngọc Phương trong 
Lễ tưởng niệm 10 năm ngày mất Nhà viết kịch, Nhà văn, Đạo diễn Lộng Chương.

        Kính thưa… 
       Hôm nay chúng ta có mặt tại đây nhân ngày giỗ lần thứ 10 của cố tác giả Lộng Chương. Từ đáy lòng mình tôi vô cùng xúc động. Thay mặt các nghệ sĩ Nhà hát Tuồng, xin dâng 3 nén tâm hương vô cùng biết ơn cố tác giả đã để lại cho Nhà hát Tuồng một tác phẩm bất hủ: Tình sử Loa Thành. Tác phẩm này công diễn ngày 22 /8/1979 cho nhân dân xã Cổ Loa xem. Vở diễn kéo dài đến tháng 5/1993. Tác phẩm đã trải qua 14 năm với gần 1.000 đêm diễn mà ở đâu cũng được hoan nghênh nhiệt liệt. Hơn 40 năm sáng tạo, với tư cách là nhà văn, nhà viết kịch, nhà đạo diễn, cố tác giả Lộng Chương để lại hàng trăm kịch bản, tiểu thuyết, quả là một tài sản phi vật thể vô cùng giàu có; nhưng nghịch lý thay, cố tác giả lại rất nghèo về thu nhập kinh tế.
Để chứng mình điều đó, xin được đọc lại lá thư cố tác giả gửi cho tôi. 

Hà Nội, ngày (nội dung thư) 21/7/1985 
Kính gửi bác Nguyễn Ngọc Phương, Mấy tháng nay tôi đến bác nhiều lần nhưng đều không được gặp. Bác thì quá bận, tôi thì tuổi càng cao càng khó bề đi lại. Thật buồn. Định gặp bác để bàn chút ít về công việc làm ăn, nhưng thật vô duyên là khó gặp bác quá. Vậy có đề nghị là bác làm ơn cho tôi xin lại 2 kịch bản: Quẫy và Hào khí Thăng Long. Tôi thì rất cần kịch bản để rao hàng: Kịch bản lưu không còn. Mà Nhà hát thì đã có vở đi Hội diễn, nên 2 vở trên thật lạc lõng. Nên nếu có thể bác giao 2 kịch bản của tôi cho cháu Phượng giữ ở nhà, đột xuất tôi đến xin lại được ngay. Thật là phiền bác quá. Xin bác thứ lỗi cho. Tuổi tôi “Cổ lai hy” rồi mà vẫn phải chạy vạy về nghề, nếu không cũng gay lắm. Chúc bác mạnh. 
Thân 
Lộng Chương 

       Đứng về nghề nghiệp sân khấu, cố tác giả là bậc đàn anh, là người thày, là người đi trước. Về tuổi tác thì tác giả hơn tôi 10 tuổi nhưng người vẫn giữ sự lịch thiệp trong giao tiếp và giữ phong cách văn hóa Tràng An nên thường gọi tôi là ông, đôi khi còn gọi như trong thư này. Hôm nay tôi xin phép được trao lại lá thư này cho gia đình lưu giữ. 
      Sáng tháng 3/1979, không báo trước mà đến nhà tôi gõ cửa tại Phan Bội Châu vào khoảng 7 giờ sáng.         Khi tôi mở cửa đã thấy cụ đứng ở ngoài: 
- Mời cụ vào, cụ đến chắc có chuyện gì dạy bảo. 
Cụ nói ngay: 
- Chúng nó phản bội bất ngờ đánh suốt biên giới phía Bắc, ông biết rồi chứ? 
Tôi chưa kịp trả lời cụ đã nói tiếp: 
- Chúng mình phải làm gì góp phần chống lại bọn bá quyền Trung Quốc. 
Rồi cụ lại nói ngay: 
- Mình có một kịch bản viết đã lâu, ông xem tuồng có dựng được không? 
Tôi nhìn qua ngoài bìa thấy đề Hận Loa thành 
- Cám ơn cụ, tôi xin đọc ngay và bàn với anh em, 3 ngày nữa xin đến 47 Hàm Long hầu cụ. Đúng hẹn tôi đến, chưa kịp nói gì cụ kéo vào phòng: 
- Ông học sân khấu phương Tây mà lại làm được tuồng Đề Thám, rồi đến Nữ tướng Đào Tam Xuân, thành công đấy! Tôi thưởng ông một chén rượu tăm. 
Cụ chưa kịp rót tôi đã vội nói ngay: 
- Cám ơn cụ và xin lỗi cụ, tôi bị thương nơi xương hốc mắt phải thời chống Pháp nên không được phép uống rượu, xin cụ cho làm việc ngay về kịch bản. Chuyện sử ta mất Thăng Long từ năm 207 trước công nguyên và kéo dài hơn 1.000 năm ta bị phương Bắc thống trị đến năm 938 Ngô Quyền giết Tiết độ sứ giành được quyền độc lập; nói Hận như trong vở cụ nói là đúng, nhưng trong vở này nếu làm tuồng thì xin cho phép tôi được có ý kiến: Trước hết, Tuồng là bi hùng Đề tài chủ yếu là quân quốc, ở tuồng không có chuyện yêu thương và tình yêu. Nếu ta làm vở này có thể khai thác tình yêu giữa Mỵ Châu và Trọng Thủy thật đậm đà sẽ là mở đầu chuyện tình trong tuồng. Thứ hai dân ta hận thì đã nói rồi. Nhà thơ Tố Hữu cũng đã nói: Trái tim lầm chỗ để trên đầu, Nỏ thần sơ y trao tay giặc… Nếu ta khai thác bi kịch của Triệu Đà và Trọng Thủy cũng là cách tiếp cận khác trước tình yêu của Mỵ Châu và sự mong mỏi hòa bình của dân Âu Lạc mà Thục Phán đã cảm hóa được con người Trọng Thủy. Để rồi khi tất cả đã tan tành không còn Mỵ Châu nữa, Trọng Thủy không trở về với cha mà nhảy xuống giếng ngọc tự vẫn. Vậy thì quyền lực, đế vương, tiền bạc, mọi sung sướng không thể thay thế được đứa con thân yêu và nỗi mong ngóng duy nhất trưởng thành thay thế mình. 
Tôi chưa kịp trình bày hết cụ đã ngắt lời: 
- Hay, ý tưởng hay, cấu trúc mới phù hợp, có nhiều tình huống kịch và khai thác chiều sâu tâm lý của nhân vật. Tôi hoàn toàn tin tưởng ở ông và giao toàn quyền cho ông sáng tạo. Chỉ một yêu cầu, khi làm xong trước khi công diễn ông cho tôi được xem và cùng bàn luận với ông. 
Tôi nói ngay: 
- Xin cảm ơn cụ. Tôi hứa với cụ sẽ làm thật tốt kịch bản và xin cụ cho phép bố cục sửa chữa như đã nói và tên gọi của vở là Tình sử Loa thành.
       Cụ bắt tay tôi thật chặt và tiễn ra về. 
     Ở Nhà hát Tuồng bấy giờ người đóng vai Trọng Thủy là ai? Nhà hát có Tiến Thọ giọng thổ đồng ấm, vang và rất khỏe, nhưng tiếc chỉ đóng vai lão, chưa hề đóng kép. Khi bàn với các cụ nghệ nhân, các cụ bảo: Nó không đóng được đâu! 
      Tôi gặp riêng với Thọ, yêu cầu Tiến Thọ học múa và nhờ cháu Thịnh vốn giỏi múa và là bạn cùng lớp học với Tiến Thọ dạy Thọ múa và các trình thức biểu diễn của tuồng. 
      Gần nửa tháng sau vở diễn được triển khai. Người đóng vai Trọng Thủy là Tiến Thọ,  Mẫn Thu trong vai Mỵ Châu, Hoàng Khiềm là Cao Lạc Hầu và Nguyễn Huân là Triệu đại phu - tể tướng. Văn Thành là Triệu Đà. Họa sĩ của vở, Nhà hát mời Họa sĩ Nguyễn Đức Nùng. Âm nhạc của vở là Nguyễn Thuyết đảm nhận. 
Đúng 18h30, 15/8/1979 đại diện Nhà hát Tuồng đón tác giả Lộng Chương đến xem vở tại khu văn công Mai Dịch. Vở diễn kéo dài 2 tiếng. Xem xong, cụ ôm lấy tôi mà nói: 
- Không ngờ, mình thật không ngờ anh chị em diễn hay quá! 
Rồi cụ bắt tay tôi và nói luôn: 
- Thế là ông phải đứng tên cùng tôi trong vở này. 
Tôi nhìn sang nữ tác giả Thùy Linh của Nhà hát. 
Cô vội đứng dậy nói ngay: 
- Xin phép cụ cho gọi là anh. Khi làm vở này Đạo diễn Ngọc Phương đã nói, chính anh là người đã gợi ý và đưa kịch bản bảo phải làm thật tốt. Do đó kịch bản này chỉ riêng anh đứng tên mà thôi. 
Tôi vội đưa tờ giấy và nói: 
- Xin cụ ký cho ít tiền nhuận bút. Khi ấy cụ không đọc nội dung của giấy lĩnh tiền nhuận bút mà ký ngay. Cô thủ quỹ đưa cụ gói tiền. Cụ nhìn tôi ý muốn hỏi bao nhiêu. Cô thủ quỹ nói: 
- Thưa cụ, cụ đếm cho, 10 nghìn đồng đấy ạ. 
Cụ quay sang tôi, hỏi: 
- Sao lại nhiều thế? 
Tôi nói: 
- Vở này sẽ sống được lâu và thu gấp nhiều lần như thế ạ. 
       Cụ quay ra phía các anh em: - Cảm ơn, cảm ơn các bạn! 
       Xin khép lại bài nói này bằng lời của Trọng Thủy trước khi chết. 

Thanh gươm, thanh gươm này chưa giúp ta làm nên nghiệp đế. Thế mà… Hùm đã sa cơ… người vây bốn phía! Sao toàn quân Âu Lạc quanh ta? Đài… Đài Nỏ thần ào ạt bắn tên ra! Quân Thục chết… Không! Quân Triệu chết! Sao gió lạnh thế này! Bóng đêm mù mịt… Nghe ghê hồn… tiếng cú… đêm đông… Mỵ Châu… Mỵ Châu ơi, Hãy dìu ta… Hãy dìu ta… xuống đáy giếng sâu, Mò lấy... nghiệp đế vương, mò lấy... sự sang giàu... 

Và bây giờ xin mờii quý vị xem trích đoạn Tình sử Loa Thành do các nghệ sĩ tuồng biểu diễn…

(*) Tít bài do gia đình Nhà viết kịch Lộng Chương tạm đặt
3/7/2013








Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét