Thứ Hai, 1 tháng 9, 2014

NSƯT DOÃN CHÂU NÓI VỀ KỊCH QUẪN(*)

            (…) một loạt tác phẩm sân khấu của Đoàn kịch nói Trung ương thể (…) lần lượt ra đời, góp phần trở thành vũ khí sắc bén (…) trên mặt trận đấu tranh xây dựng xã hội mới, con người mới và đấu tranh thống nhất nước nhà.
Đạo diễn Trần Hoạt và NVK Lộng Chương
"Cặp bài trùng" đã tạo nên tiếng tăm lẫy lừng của 
Hài kịch "Quẫn"
            Ta có thể kể một vở diễn điển hình trong thời kỳ cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh. Đó là vở Quẫn của tác giả Lộng Chương với sự tham gia của ê kíp sáng tạo: Đạo diễn Trần Hoạt, Họa sĩ Phùng Huy Bính cùng một dàn nghệ sĩ biểu diễn điêu luyện (…)
Trước những thay đổi cuộc sống sau hòa bình lập lại năm 1954, các nhà tư sản (…) có những hành động gây cản trở cho công cuộc cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh như: Tẩu tán tài sản, giấu vàng, giấu của, đầu cơ tích trữ với những hành động có lúc tới mức “quẫn” lên…
Nhưng rồi cuối cùng thì mọi việc đều dẫn đến tốt đẹp khi họ vỡ lẽ ra thực tế không như họ nghĩ.
Dư âm về vở kịch Quẫn đã vang vọng suốt mấy thập kỷ với số buổi biểu diễn lên tới hàng ngàn đêm.
Và ngày nay, chắc trong chúng ta nếu ai đã từng được xem vở Quẫn đều nhất trí rằng, đó là một vở kịch hay đến độ khó quên tới từng chi tiết của vở diễn.
Đạo diễn Trần Hoạt với thủ pháp hiện đại kết hợp với tính trào phúng, khoa trương, hóm hỉnh của sân khấu Chèo, đã tạo nên sức hấp dẫn với những trận cười sảng khoái nhưng đầy ý nghĩa xã hội xuyên suốt vở diễn.
Có những lớp kịch ông dàn dựng gây cười mà người xem vẫn còn giữ nguyên ấn tượng cho đến ngày hôm nay. Đó là lớp cụ Đại Lợi cãi nhau với con vẹt, cụ Đại Lợi giằng nhau chiếc khung ảnh với ông Đại Cát, cụ Đại Lợi đay nghiến cô Trinh (cháu gái của cụ), ông Đại Cát nằm mơ khai hết tài sản với vợ…
Phải nói rằng: Nghệ sĩ Song Kim trong vai cụ Đại Lợi đã “để đời” một vai diễn xuất sắc. Bà đã nghiên cứu rất kỹ vai kịch, đã khắc họa tỉ mỉ từng cử chỉ tới dáng đi, đã tự ngồi khâu những chiếc độn mông, độn ngực cho nhân vật “Cụ Đại Lợi”, đã tìm cách nhả từng câu chữ sao cho đúng lúc, đúng chỗ để đạt được hiệu quả tốt nhất đến nỗi, ngay cả người thân đi xem cũng không nhận ra tiếng nói của bà… để rồi cuối cùng, trên sân khấu của Quẫn có được một hình tượng cụ Đại Lợi hoàn chỉnh đến độ đáng khâm phục.
Bên cạnh nghệ sĩ Song Kim, các vai diễn khác trong vở cũng để lại ấn tượng rất sâu sắc cho người xem. Đó là Chu Xuân Hoan, Trần Tiến với một Đại Cát vừa tham lam lại vừa ngu. Đó là Giáng Hương với một Đại Hưng vừa nham hiểm, ác độc lại vừa sơn sớt bề ngoài. Đó là cặp đôi Bích Châu - Vĩnh Phúc như đôi hề Chèo duyên dáng…
Ngày đó vở Quẫn nổi lên như một hiện tượng bùng nổ của sân khấu với hàng chục hàng trăm đêm diễn liên tục mà vẫn không thể phục vụ hết nhu cầu thưởng thức của khán giả Thủ đô. Lúc đó, ngay cả anh chị em nghệ sĩ của Đoàn Kịch nói Trung ương cũng khó có thể có được tấm vé cho người thân để tới xem Quẫn (…)

Một số hình ảnh trong vở diễn "Quẫn" của Nhà hát kịch Việt Nam


(*)  - Nay là NSND Doãn Châu
       - Trích sách “Nhà hát Kịch Việt Nam 55 năm nhìn lại”,  Nxb Sân khấu - 2007; Sách “Lộng Chương trong trái tim bè bạn”, Nxb Hội Nhà văn, 2013.
      - Tên bài do Biên tập đặt.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét