Chủ Nhật, 21 tháng 9, 2014

NHỠ CHUYẾN TÀU BAY(*)

Kịch một màn

Nhân vật
An                               Công chức ngụy quyền
Lý                               Vợ An
Đốc Dương                Bạn An
Cụ Cả                         Bố đẻ ra An
Bà cụ Cả                    Mẹ đẻ ra An
Và những tiếng động hậu trường
           
Kịch xảy ra ở một căn gác nhỏ, đồ đạc lặt vặt, giấy má vung vãi, mấy cái ghế gỗ tập tang để lỏng chỏng không có hàng lối. Không khí một cuộc dọn nhà, trong cùng chéo góc trái cửa vào buồng trong còn treo một tấm màn cửa màu hồng nhạt hoa đỏ. Bên cạnh một cửa sổ, phía phải là cầu thang xuống đường.

                                                    MỞ MÀN

            Sân khấu trống - bên ngoài, tiếng ô tô rít, tiếng còi điện nhộn nhạo. Tiếng giày đinh nghiến trên hè phố, tiếng còi miệng thổi từng hồi dữ tợn.
            An ở trong buồng chạy ra, tay áo sơ mi cuốn cao, tóc xõa sang hai bên tai, tiến nhanh tới cửa sổ, nét mặt nhớn nhác nhìn xuống đường.

 An: (Quay vào mặt cau có) Lại ráp, tình hình rối ren quá thể không còn hiểu ra làm sao nữa! (Trở vào buồng một giây, khệ nệ xách ra một cái vali khá to, đặt lên một cái ghế).
An: Sắm sửa cho nhiều vào, cái gì cũng ao ước, cái gì cũng đòi cho kỳ được… Vứt đi cũng khổ, mang đi thì nặng! Thật là ốm cả xác… (Tháo dây vali, định mở thì có tiếng phi cơ. An càng cau có, tiến đến cửa sổ thò cổ ra nhìn, quay vào dậm chân) Lại một chuyến nữa cất cánh rồi, khổ chưa? Đi đâu thì ngầm ngập, chết đến đít rồi mà còn tiếc của. Còn mấy cái đồ vớ vẩn gọi bọn hàng cầm đến mà bán phứa đi, được bao nhiêu thì được, chở ra chợ ngồi chầu hẫu ở ngoài ấy làm gì không biết. (Đi đi lại lại bứt rứt) Tội nợ! Tội nợ! Chết mẹ nó đi cho thoát! (Vừa lúc đó thì Lý về).
Lý: (Quần trắng áo dài hàng màu mỏng, dáng điệu tất tả, uất ức) Bực mình quá. Của một đống tiền mà nó trả rẻ như bèo.
An: (Đứng nhìn vợ bực mình) Không bán được à?
Lý: Bán được cả, nhưng rẻ thối ra! Ai lại cái tủ gỗ lát hoa như thế mà nó há mồm giả 500 bạc, nói rã bọt mép ra mới được nghìn bạc; cái đồng hồ cẩm thạch được hơn nghìn; còn cái áo nhung với mười mấy cái cả quần lẫn áo cùng hai bộ complet của mình, em nóng ruột bán cả mớ. Em mà biết rẻ thế thì em chả mang ra chợ làm gì, ngồi dơ cả mặt.
An: Thì ai bảo. Thân làm tội đời. Anh có bắt em đi không? Cứ nằng nặc đòi mang đi… Đã muốn cái gì thì có trời cản được!
Lý: (Phụng phịu) Anh chỉ được cái đứng đấy mà nói, không bán đi thì lấy tiền đâu mà đi. Lương tháng chưa có…
An: Thì đã bảo, cứ đi rồi vào trong ấy cuối tháng lĩnh lương lại có tiền, lo gì! Bây giờ chỉ cần đủ tiền máy bay thôi.
Lý: Cứ tính như anh thì có phen đến chìa tay ăn xin thiên hạ! Đi xa thì cũng phải có chút ít tiền tiêu pha xe pháo chứ. Không có thì xin ai?
An: Việc gì phải xin ai? Đã bảo là từ giờ đến trưa thế nào ông bà cũng lên đến đây. Mà ông bà lên là có tiền, tiền bán ruộng, tiền bán cửa hàng thuốc.
Lý: Ruộng nào, cửa hàng nào của mình mà cũng đòi bán với chả bán. Nói cứ như ông tướng ấy!
An: Mình bảo thế nào? Của cải của cha mẹ không phải là của con thì của ai? Ông bà có một mình tôi, gia tài của ông bà không để cho tôi còn để cho ai?
Lý: (Giọng gai ngạnh) Đấy, chả thấy để đấy thôi. Anh không nhớ ngày vợ chồng hồi cư, viết thư đi viết thư lại xin các cụ bán ruộng gửi cho ít tiền, các cụ có cho không? Thôi đừng há miệng chờ sung.
An: (Hơi cáu) Ngày ấy khác, bây giờ khác.
Lý: Chả khác cái gì cả. Có thân thì liệu lấy thân, chắc vào ai?
An: (Tiến lại) Đừng giở cái giọng ương bướng ra nữa. Mình chẳng hiểu cái gì cả. Hồi ấy dân làng họ chạy tản cư hết thì bán ruộng cho ai. Đằng này bây giờ hồi về cả rồi, làm gì chả có người mua. Vả lại tôi đã nói kỹ trong thư là ông bà phải lên đây để đi vào Nam với vợ chồng mình cơ mà. Ở nhà kháng chiến họ về, thì có mà sống được với họ chắc? Mình chả thấy thiên hạ họ đồn những gì à? Tình hình ấy, ở lại để chết đói nhăn răng ra à? Thế mà ông bà lại chỉ có một mình tôi, không theo tôi thì theo ai?
Lý: (Dịu giọng) Anh có chắc ông bà lên không?
An: (Cũng dịu giọng) Sao lại không chắc? Bây giờ thì mình đi lại bác Đốc Dương để nói với bác ấy giữ hộ chỗ máy bay cho gia đình mình; và nói với bác ấy chờ chúng mình cùng đi nhân thể.
Lý: Thôi mình đi đi, em mệt lắm cơ.
An: Mình chịu khó đi một tí, đây với đầu phố ba bước đường thì mệt gì. Anh ở nhà chờ ông bà.
Lý: (Đủng đỉnh đứng dậy) Thế anh đã thu xếp xong chưa?
An: Xong rồi. (Chỉ cái vali) Nặng chết người đi được. Để chốc nữa mình về, xem có vứt bớt đi được cái gì nữa không; chứ xách sái cả vai.
Ly: (Nũng nịu) Anh cứ nói như là ta đây giàu lắm. Vứt đi, vứt cái gì đi? Của em nhân thân còn 14 cái áo dài, mà tuyền hàng nực cả, mang đi lấy cái mà mặc chứ. Anh chả thấy bên bác Đốc Dương đấy à, hàng chục vali, lại bọc to bọc nhỏ. Chả thấy bác ấy kêu nặng…
An: Chuyện! Ai bì được với ông bà Đốc Dương. (Vừa lúc đó có tiếng còi rít dưới đường, hai vợ chồng đứng sững. Tiếng giằng co, tiếng giày đinh, tiếng tát, đấm).
Tiếng Pháp: Eh la merle! Ammènes lé!
Tiếng Việt: Dẫn chúng nó đi chứ?
Tiếng hét to: Chúng tôi không đi đâu cả. Chúng tôi không đi Sài Gòn. Các ông hứa cho vợ con chúng tôi đi theo, lên đến đây ông đuổi vợ con chúng tôi về.
Tiếng Pháp: Pas de discussion! Salaud!
Tiếng Việt: Không nói nữa, đi đi! Ông lại đánh bỏ mẹ bây giờ!
Tiếng hét: Đánh cái gì?
(Tiếng giằng co. Hai vợ chồng An nhìn nhau. An rón rén đi đến cửa sổ ngó ra. Lý theo sau, đứng cạnh chồng cũng nhìn xuống đường)
Tiếng Pháp: Encore ces nigauds là, qu’attendent-ils?
Tiếng Việt: Điệu cổ cả mấy thằng kia đi.
Tiếng phản đối: Sao các ông lại bắt chúng tôi? Chúng tôi là học sinh.
Tiếng Việt: Học sinh gì? Chúng mày là lính đào ngũ, định trốn theo Việt Minh phải không?
Tiếng phản đối: Các ông vu khống! Chúng tôi có thẻ học sinh, có tít. Các ông xé của chúng tôi đi, lại vu cho chúng tôi là lính đào ngũ là thế nào? Cái lối đâu lại thế?
Tiếng một tên cai: Câm mồm! Liến thoắng cái gì thế? Chúng mày không lôi cổ được chúng nó đi à, đồ ăn hại?
Tiếng phản đối: Lôi cái gì? Không đi đâu cả! (Có tiếng giằng co xềnh xệch. An quay vào lắc đầu).
Lý: (Quay vào theo) Sao dạo này nhiều lính trốn thế, anh nhỉ?
An: Ai biết được. (Tiếng một chuyến máy bay nữa bay qua) Đấy, lại một chuyến nữa đi rồi. Mình lại bác Đốc đi, mau lên.
Lý: Vâng. (Tong tả đi vào phía cửa phải. Sân khấu bớt Lý).
An: (Nhìn theo vợ, lấy thuốc lá ra hút, đi lại suy nghĩ) Chả còn hiểu ra làm sao nữa. Đi… đi thì rồi ra thế nào? Mà… ở lại thì… mình đã chót làm cho Pháp rồi, thể nào mà chẳng bị tù tội. Nghèo đói, khổ sở, chịu làm sao được. (Băn khoăn bứt rứt, vứt điếu thuốc lá hút dở, ngồi xuống ghế ôm đầu. Sân khấu lặng như tờ. Cụ Cả ra. Cụ Cả mặc áo the, khăn xếp, đi ra đứng một giây) Nhà cửa sao lại tềnh toàng thế này?
An: (Giật mình ngẩng lên) Thày đã lên?
Cụ Cả: (Đi vào giữa sân khấu) Đồ đạc đâu cả rồi?
An: Chúng con bán được cả rồi… Chúng con chờ thày mãi; à, mẹ con đâu?
Cụ Cả: (Ngồi xuống ghế) Mẹ anh lên đây làm gì? Thế anh chị nhất định đi vào Nam đấy?
An: Vâng. Chúng con chỉ còn chờ thày mẹ lên là đi thôi. Chúng con đã giữ chỗ máy bay trước rồi. Thày không biết chứ, thần thế lắm mới xin được mấy chỗ máy bay đấy!
Cụ Cả: Phải, tôi biết cái thần thế của các anh rồi! Anh chị định vào Nam làm gì?
An: Thưa thày, vào làm việc trong đó. Mình vào trong đó bây giờ được ưu đãi…
Cụ Cả: (Nhìn thẳng vào mặt An) Thôi im đi. Tôi nói cho anh biết, là tôi và mẹ anh không đi đâu cả. Mà cả vợ chồng anh cũng không đi đâu hết!
An: (Chững người) Thưa thày, không đi làm sao được?
Cụ Cả: Làm sao lại không được?
An: Con đã nói tất cả mọi điều ở trong thư gửi về cho thày mẹ.
Cụ Cả: Nói cái gì? Nói là bán cửa hàng, bán ruộng, bỏ nhà cửa, bỏ làng nước, để theo anh chị đi làm tôi tớ cho những đứa vô loài ấy phỏng? Nói là đem tiền lên cho anh chị ăn tiêu xa phí đàng điếm phỏng? Anh nói thế anh nghe có được không? Tôi thì tôi không thể nào nghe lọt tai được nữa. Mấy năm trước tôi đã chót nghe anh về, để bỏ thân vào sống với giặc, sống khổ sống sở, sống nhục sống nhã; có mắt không được trông, có tai không được nghe, có mồm không được nói. Bây giờ thì tôi đã được mở mắt ra rồi. Tôi lên đây để đưa anh chị ra ngoài khu giải phóng. Anh chị phải về!
An: Con về thì con chết. Họ sẽ giết con!
Cụ Cả: Ai giết anh? Anh đừng nghe mồm những đứa ngậm máu phun người. Anh mà nghe theo những lời nói láo của những tên chó săn cho đế quốc Mỹ, cho thực dân Tây thì anh mới chết…
An: Thiên hạ họ đồn rầm lên rằng, công chức làm cho Pháp về sẽ bị khủng bố.
Cụ Cả: Đứa nào đồn vả vỡ mồm nó ra! Mắt tao trông thấy rõ người ta ở cả cái thành phố Nam Định kia cứ vui như hội; đang đua nhau kiến thiết tấp nập suốt ngày đêm, chứ chả khổ như thế này đâu. (Chỉ quanh) Đây này…
(Lý ra)
Lý: (Vẻ mặt ảo não, vào đến cửa nức nở) Tôi đã bảo anh… anh chả nghe. Gia đình bác Đốc đi mất rồi… (Ngồi xuống ghế, không để ý đến cụ Cả. Cụ Cả đứng sững nhìn)
An: Làm sao thế hở? Có việc gì thế?
Lý: Tôi đã bảo anh là thi xếp đi ngay thì anh cứ lần chần mãi. (Vẫn khóc) Bây giờ bác Đốc đi rồi, không còn hy vọng gì nữa. (Nức nở).
An: Thì mình hãy im đi. Nói rõ đâu đuôi ra sao đã nào.
Lý: Đầu đuôi gì nữa? Sang đến nơi thì gia đình bác ấy đã đi tắc xi sang trường bay Gia Lâm rồi. Bác ấy cũng sắp đi nốt. Hỏi thì bác ấy bảo không còn đủ chỗ cho gia đình mình đi trong những chuyến gần đây nữa, phải mươi mười lăm hôm nữa cơ… (Thút thít khóc).
An: Ơ hay, bác ấy với mình cùng ghi tên một lần, sao bây giờ lại thế?
Lý: Thì bác ấy bảo rằng, đáng lẽ mình đi chuyến máy bay hôm qua, thì lại không đi. Không ai chờ được. Bây giờ ai có thân người ấy lo.
An: Hừ, thằng Dương thế mà tệ. Nó lại bịp mình nhường chỗ cho đứa khác để lấy tiền. Hớt tay trên nhau cả mà thôi. Làm công chức cho Pháp mà thấp cổ bé họng, thật lắm lúc cũng nhục hơn con chó.
Lý: Đấy, anh làm thế nào thì làm, cứ chờ ông với chẳng bà nữa mãi đi…
Cụ Cả: (Từ nãy đứng nghe khó chịu, trợn mắt) Tôi không khiến chị chờ tôi, đừng có nói hỗn. (Ly giật mình ngẩng phắt lên, nín bặt).
Lý: Thày đã lên.
Cụ Cả: (Mát mẻ) Tôi không dám thày bà với các người nữa… (Quay sang An) Mày trả hiếu tao là thế đấy phải không? An, mày nhất định đi?
An: Dạ (Đứng im).
Cụ Cả: Mày trả lời tao đi, đi hay ở? Theo bố hay theo giặc?
An: Thưa thày… (Ấp úng).
Lý: Chúng con nhất định là phải đi, ở lại nhục lắm!
Cụ Cả: (Trợn mắt) Thế nào là nhục? Quay về vớ Tổ quốc, trở về làm ăn lương thiện là nhục à? Chị có nghe thấy chồng chị vừa nói không: Làm cho Tây nhiều lúc nhục hơn con chó đấy!
An: Thày bảo con về  bây giờ làm gì?
Lý: (Tiếp) Chúng con không quen đi gánh rác, quét phân. Chúng con không đi bộ được. Chúng con không đủ sức khỏe để lên rừng lên núi ở, để chịu đựng sốt rét ngã nước.
Cụ Cả: Úi chào! Quen cái thói thẳng lưng rồi mà, ăn chơi nó quen rồi… (Quay sang An) Thế nào, anh trả lời cho tôi biết. Tôi, vì có một mình anh là đầu gậy nên phải lặn lội lên đây. Anh nghĩ thế nào cho phải đạo thì nghĩ.
Lý: (Nói thay) Thế nào chúng con cũng phải đi…
An: Thưa thày, mời thày đi cùng với chúng con…
Cụ Cả: (Quát) Im cái mồm… Thế là mày nhất quyết rồi đấy phỏng? Tao biết thế này thì ta đã bóp chết mày từ ngày mày còn là cục máu. Thôi thế là hết (Thở  dài) Mày đi theo thằng Diệm mà làm tôi tớ cho lũ kẻ cướp giết người, là cái quân đế quốc Mỹ. Tao không còn có mày… (Vớ lấy ô) Thế là xong. (Vùng vằng đi ra).
An: (Chạy theo muốn níu lại) Thưa thày…
(Sân khấu bớt cụ Cả. Lý ngồi xịu mặt ở ghế. An buồn rầu đi ra)
Lý: Đấy, chả tin chắc nữa đi… Bán ruộng với chả bán ruộng. Ông bà đi mới chả ông bà ở lại.
An: (Nhìn vợ khó chịu, quay đi) Mình cũng vừa vừa cái mồm chứ!
(Im lặng một phút).
Lý: Thế bây giờ anh định thế nào?
An: Thì để rồi xem. Tìm người vận động cho hai chỗ máy bay vậy. Lần này được là đi ngay.
Lý: Còn hy vọng gì nữa, chẳng qua chỉ khổ tôi thôi. Đi không được. Ở thì hết tiền. Lương không được lĩnh. Chỉ còn có đi ăn mày. Thôi, anh đi về với ông bà, tôi ở đây cho nhẹ nợ…
An: Khổ lắm, đừng đay nghiến nữa. Ai đã về với ông bà? Ở lại thì đi ăn mày thật ấy chứ lại gì nữa! Chả trông vợ lính, khối người chồng đi rồi, giờ lang thang đầu đường xó chợ đấy à.
Lý: Tôi mà đi ăn mày thì khối người sướng! Người ta còn bố đấy, mẹ đấy.
An: (Phát khùng) Này, để cho bố mẹ tôi yên. Báo hiếu nhiều lắm rồi!? Đấy, muốn đi thì đi một mình. Tôi không đi nữa. Tôi về hậu phương rồi ra sao thì ra…
Lý: Chao ôi, về hậu phương… Tôi đố anh đấy? Chả sợ lại đứng đường sớm. Không nghe thiên hạ họ đồn đấy à?
An: (Hắt cái vali xuống đất, ngồi phịch xuống ghế) Đứng đường chả cần. Đi cày, đi đạp xe xích lô; cứ cái nước nhục nhã này, cá lớn ức cá bé này thì vào Sài Gòn cho nhiều vào. Có khi vào đấy mới thật là đứng đường.
Lý: Thôi đừng dọa già, đừng làm bộ ta đây. Đứng đường thì ai đi hát đi nhảy cho, ai diện phố cho, ai rượu cho?...
An: Đừng có móc máy. Tôi có chơi bời giải trí thì cũng theo lối xã giao cho nó hợp thời, còn mình thì quần này áo nọ hàng Tây hàng Mỹ, phấn sáp nước hoa… Dễ là kém?
Lý: Phải, tôi ăn tàn phá hại, tôi vô tích sự! (Khóc bù lu bù loa) Sao biết thế lại không ly dị tôi đi từ trước cho rảnh thân người ta.
An: Chỉ có khóc là nhanh. Đng một tí là chảy nước mắt ra.
Lý: Phải… phải…
(Đốc Dương ra. Đốc Dương mặc quần áo màu sáng, cravat lõng thong, đầu tóc rối  bời, cầm mũ mếu máo đi ra).
Đốc Dương: Thôi các bác ơi…
An: (Quay ra ngạc nhiên) Bác Đốc!
Lý: (Ngẩng lên) Bác Đốc, bác không đi nữa à?
An: Bác ngồi. (Chỉ chiếc ghế) Có việc gì thế bác?
Đốc Dương: (Xòe hai bàn tay) Nó cướp trắng tay. Tôi không ngờ chúng nó đểu cáng dã man đến thế!
An Lý: Bác bị cướp à? Lại bọn khủng bố chứ gì?
Đốc Dương: Không bị cướp nhưng cũng như bị cướp!
An: Câu chuyện thế nào?
Đốc Dương: Sang đến trường bay, bao nhiêu đồ đạc, tư trang nhà tôi gửi “Đề bô” để máy bay riêng chở hàng sẽ xếp. Còn chúng tôi và các cháu lên chuyến chở hành khách. Nhưng khi máy bay sắp cất cánh thì họ tuyên  bố, những người không có quốc tịch Pháp không được đi. Họ đuổi cả xuống. Đến lúc trở vào “Đề bô”  lấy đồ thì họ đóng cửa bảo không biết. Thế là mất sạch! Tụi chó đểu, thật là ăn cướp trắng trợn!
Lý: Sao bác không khiếu nại?
An: Ừ, sao bác không khiếu nại?
Đốc Dương: Khiếu rồi… Những chỗ nào họ cũng chối bai bải. Họ bảo không biết. Việc này liên quan đến chỗ này chỗ nọ, chạy hết rồi, xôi hỏng bỏng không. Lại đèo vào mất mấy nghìn bạc tắc xi.
An: Hừ, thế là nghĩa lý gì?...
Lý: Vô lý!
Đốc Dương: Vô lý nhưng là sự thật. Chuyện nó đuổi hành khách ở tàu thủy lên bờ để cướp không của cải, chuyện bọn Bảy Viễn chặn đường người vào Nam để cướp của, chúng mình hồ nghi cho là không đúng, thì bây giờ tôi thấy là đúng. Đúng một trăm phần trăm! Không thể cộng tác được với họ.
Lý: Sao ông Ngô Đình Diệm tuyên bố thì nghe đẹp đẽ thế?
Đốc Dương: Tuyên bố gì? Bài Tây hết! Cò mòi hết!
An: Bây giờ làm thế nào? Bác định thế nào?
Đốc Dương: Còn định thế nào nữa. Đành ở lại, rồi thì muốn ra thế nào thì ra… Tôi sang qua đây báo cho hai bác biết mà định liệu. Thôi, tôi về đây…
(Ủ rũ đứng lên đi ra, không để ý đến An giơ tay ra bắt. Sân khấu bớt Đốc Dương. An rụt tay lại, đứng sững nhìn theo. Lý đưa Dương ra đến cửa, quay lại).
Lý: Tôi không tin!
An: Còn không tin gì nữa. Sự thật bằng xương bằng thịt nó rành rành ra đấy còn gì?
Lý: Thế bây giờ anh định thế nào?
An: Bố ai còn định ra sao được bây giờ? Đi cũng ăn mày, ở lại thì chết!
Lý: Tôi thì tôi thấy, ăn mày còn hơn chết…
An: Ăn mày thì cũng đi đến chết đói chết khát!
Lý: (Nhìn chồng dò la) Thế nghĩa là anh định ở lại?
An: (Quay đi) Chưa biết chừng…
Lý: Người đâu lại hèn nhát đến thế, không quả quyết được việc gì!
An: (Quay phắt lại) Cô bảo ai hèn? Đừng có lăng loàn!
Lý: Tôi chẳng lăng loàn gì cả, tôi nói thật đấy… Anh không đi thì tôi đi!
An: Cô đi thì đi. Tôi ở lại!
Lý: Ở lại sao lúc nãy không theo ông cụ ra ngoài hậu phương?
An: Đừng có nói đổng! Bố tôi lên tìm tôi, mà đến nhà chưa được hớp nước đã phải bỏ về, tại ai?
Lý: Phải tại tôi… tại tôi…
(Thêm cụ Cả bà).
Cụ bà: (Quần áo quê, nhưng mới. Đon đả ở ngoài vào) Cái gì mà vợ chồng to tiếng thế?
An: (Quay ra hớn hở) Mẹ đã lên!
Lý: (Cúi mặt lúng túng) Mẹ đã lên!
Cụ bà: Mẹ ở nhà quê lên tỉnh thăm thày các con, thấy nói thày các con bắt được thơ của các con, đã hấp tấp lên Hà Nội. Mẹ xem xong cái thơ, mẹ vội ra ô tô lên đây ngay. Mẹ biết tính thày con, chắc là nếu thày con lên đây thì thế nào cũng xảy ra chuyện lôi thôi. Thày con sẽ mắng chửi các con!
Lý: (Giọng hối hận) Thày bắt chúng con về quê; nhưng sự thể là chúng con về thì không yên!
Cụ bà: Mẹ biết rồi. Mẹ gặp thày con rồi. Mẹ đã giữ thàycon lại, định mời thày con về đây, nhưng thày con còn giận lắm… Thày ngồi ở hàng cơm phố Cửa Nam…
An: Để con đi mời thày con về đây.
Cụ bà: Thôi, cứ để thày con ngồi đấy một lát cho nó nguôi cơn giận đi đã… Xong rồi mẹ con ta cùng đi gặp thày con sau.
An: Mẹ đi đường có mệt không?
Cụ bà: Việc gì mà mệt, toàn đi ô tô cả.
Lý: Ở ngoài ấy cũng có ô tô hở mẹ?
Cụ bà: Úi chào, hàng trăm chiếc chạy cứ xoành xoạch, vui đáo để… Thôi, bây giờ mẹ lên đây để đón các con ra ngoài kia. Các con không nên nghe lời phỉnh phờ ngon ngọt của những tên bán nước, làm tay sai cho giặc, dụ dỗ người mình đi làm thân trâu thân ngựa cho giặc, giết hại đồng bào.
 An: Nhưng con về bây giờ cũng sợ lắm.
Cụ bà: Con sợ gì?
Lý: Vì nhà con đi làm 4 năm với Pháp, bây giờ về sẽ bị tù.
Cụ bà: Ai bảo con thế? Ai bắt tù? Mày không thấy ngụy binh, cả lính Âu Phi họ bỏ trốn ra ngoài, đầu thú đầu hàng hàng nghìn người đấy ư? Họ có bị tù tội gì đâu.
An: Con cũng loáng thoáng nghe được tin Chính phủ khoan hồng, nhưng con về thì nhục lắm.
Cụ bà: Con nghĩ thế là nhầm. Cụ Hồ thương dân như con. Con về thì có bố có mẹ, có anh có em, lại được tiếng là người giác ngộ. Đi thì là cố tình theo giặc. Con nghĩ xem, rồi mai sau nước nhà thống nhất, con có sang Mỹ, sang Tây ở với chúng nó được không, hay cũng lại trở về? Bấy giờ mới nhục hơn bây giờ, con ạ!
An: Con lại không làm được việc nặng. Bây giờ mẹ bảo về thì làm gì mà sống. Làm không hay, cày không biết, rồi chết đói ư?
Cụ bà: Cày được ruộng là tốt nhất. Nếu không thì lại đi ra làm công chức cho Chính phủ kháng chiến. Chính phủ đón công chức cũ nhiều lắm, lo gì không có việc làm.
An: Nhưng mẹ nhìn mà xem, cái mã vớ chồng con thế này có chịu đựng được không? Con không dám ví mình với các anh cán bộ ngoài chiến khu về được. Lương lậu ít ỏi quá, sống thế nào được!
Cụ bà: Thế là mày lo hão rồi, An ạ. Mày không biết là các công chức cũ mà giác ngộ trở về là còn nguyên chức, nguyên lương à? Tham Nhiên, Phán Oánh hiện đã nhận việc đi làm cả. Vợ con đầy đủ, đàng hoàng, có sao đâu?
An: Có thật thế không? Có thật Tham Nhiên, Phán Oánh đã đi làm không hở mẹ?
Cụ bà: Tao nói dối làm gì. Mẹ muốn cho con khổ à?
Lý: Kể ra, giá mà về được bằng chị bằng em, không có người họ nói thì về cũng chả sao. Nhưng chỉ còn sợ về thì lôi thôi, bệu rệu cũng khổ.
Cụ bà: Thôi đi cô! Cô chẳng vểnh tai ra mà nghe đấy. Nay muốn vào Sài Gòn, mai đi tàu bay. Vào đấy mà chết cả ư? (Dịu giọng) Con về thì nhất định là không lo đói rét rồi. Nhưng rồi cũng chả nên bám mãi vào chồng con. Phải tính chuyện làm ăn. Ngày trước con chịu thương chịu khó, thì con có đến nỗi nào đâu. Chỉ từ khi con ở trong này, quen sống xa hoa, mới hóa lười ra; rồi cứ bám lấy lương chồng, nhà cửa mới sinh ra rắc rối!
An: Thôi, con quyết tâm rồi, con xin theo mẹ về. (Hỏi vợ) Mình cũng đồng ý chứ?
Lý: (Cười gật).
An: Chúng con về rồi sẽ bảo nhau. Bây giờ con đã rõ: Đi với nó là chết. Về với Chính phủ ta là sống! Con về, rồi con xin đi làm. Nhưng việc này phải kín mới được, kẻo mật thám nó biết thì lôi thôi to đấy.
Lý: Thôi, ta đi ngay thôi mẹ ạ.
Cụ bà: Ừ đi. Ra gặp thày rồi cùng về. Hôm nay về thì kịp ăn Tết Độc lập đây.
(An xách vali. Mọi người cùng ra)

MÀN HẠ

 
Ấn phẩm Mùa thu hòa bình in Kịch Nhỡ chuyến tàu bay.










(*) Đồng tác giả: Chu Văn - Lộng Chương, in trong tập Mùa thu hòa bình, do Chi hội Văn nghệ Liên khu III ấn hành, 1954; Sách “Lộng Chương - Để đến… Nơi đến”, Nxb Sân khấu, 2013.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét