Thứ Bảy, 6 tháng 9, 2014

LỘNG CHƯƠNG - MỘT NHÀ HOẠT ĐỘNG SÂN KHẤU, MỘT NHÀ VĂN TIÊU BIỂU(*)

Bài phát biểu của Nhà thơ Hữu Thỉnh - Chủ tịch Liên hiệp các hội 
Văn học Nghệ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam trong
Lễ tưởng niệm 10 năm ngày mất Nhà viết kịch, Nhà văn, Đạo diễn Lộng Chương.
                              
       Kính thưa...
       Kịch tác gia Lộng Chương, Nhà văn Lộng Chương là một trong những cây đại thụ của nền văn học cách mạng Việt Nam. Lễ kỷ niệm hôm nay không chỉ riêng việc tôn vinh sự nghiệp và nhân cách cao cả của Kịch tác gia - Nhà văn Lộng Chương; tôi nghĩ rằng, chúng ta còn nghĩ đến cả một thế hệ các nhà văn, các văn nghệ sĩ tiêu biếu của đất nước gắn bó mật thiết với cuộc chiến đấu của dân tộc, với nền văn hóa của dân tộc t trong suốt 2 cuộc kháng chiến vĩ đại vừa qua.
Bác Lộng Chương lúc còn đi học thì không học văn khoa mà học ngành hóa chất và khi đi làm thì tại Phòng thí nghiệm của Sở Nông lâm cũng về hóa chất, nhưng lại cầm bút viết văn rất sớm. Trước cách mạng năm 1942 bác đã có tiểu thuyết Hầu thánh. Một nhà văn bước vào nghề văn bút mà bắt tay ngay vào viết tiểu thuyết, thì đấy là một tài năng đặc biệt. Ở Hội Nhà văn Việt Nam, tiểu thuyết là thể loại trọng tâm, là viên gạch rất cơ bản của một nền Văn học. Thông thường người ta hay bắt đầu cuộc đời viết văn bằng bút ký, truyện ngắn; sau đó mới có thể viết tiểu thuyết được. Nhưng, Nhà văn Lộng Chương đã bắt đầu ngay sự nghiệp văn chương của mình bằng tiểu thuyết hầu Thánh xuất bản năm 1942. Đó là một kỳ tài, một sản phẩm tinh hoa của một nhân kiệt - người con của 3 vùng văn hóa lớn của miền Bắc. Đó là xứ đông. Xứ Đông bao gồm Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương, Hưng Yên. Đối diện là Đoài gồm vùng Sơn Tây Phú Thọ, Vĩnh Phúc.
       Xứ Đông và xứ Đoài là hai vùng sản sinh ra rất nhiều danh nhân. Một trục khác là Kinh Bắc, gồm Bắc Ninh, Bắc Giang và xa hơn là Thanh - Nghệ - Tĩnh. Đó là bốn vùng có cái chung là trục tung và trục hoành, tạo nên bốn vùng địa linh sản sinh ra rất nhiều nhân kiệt.
      Nhắc đến Hải Dương chúng ta không thể quên được Nguyễn Bỉnh Khiêm ở vùng đông của Tổ quốc. Chúng ta cũng không thể quên được một nôi của nền văn học nghệ thuật của chúng ta trong tiến trình hiện đại hóa tiếp cận với phương Tây là Tự Lực Văn Đoàn. Tại ga xép ở phố Giàng thôi mà đã sản sinh ra tổ chức văn học nghệ thuật rất nổi tiếng của chúng ta trước cách mạng. Nhắc đến Hải Dương, chúng ta không thể quên Đỗ Nhuận và một thần đồng thơ là Trần Đăng Khoa.
      Chúng tôi rất tiếc là hôm nay đại diện của Hải Dương không có mặt tại đây. Tên tuổi của Lộng Chương là tinh hoa, là tài năng, là niềm tự hào của nền sân khấu Việt Nam, của đất nước Việt Nam, nhưng trước hết là niềm tự hào của tỉnh đông mà bây giờ gọi là Hải Dương. Chúng tôi sẽ nhấn mạnh ý kiến sau, những đề nghị của chúng tôi gắn với Hải Dương.
      Kỷ niệm 10 năm ngày mất của Nhà văn - Kịch tác gia Lộng Chương, chúng ta có thể rút ra nhiều bài học về một tài năng lớn, một nhân cách cao cả.
 Bài học thứ nhất là, Nhà văn - Kịch tác gia Lộng Chương hết sức gắn bó với truyền thống yêu nước của dân tộc, với tinh hoa văn hóa của dân tộc. Một người được đào tạo ở trường tây, tiếp thu khoa học tự nhiên của tây, nói tiếng tây rất giỏi, lại hết sức gắn bó với dân tộc, gắn bó với cội nguồn văn hóa của dân tộc; thì phải có một nhân cách, một quan điểm sống đúng đắn như thế nào mới xác định cho mình rất sớm con đường đi đúng đắn như vậy, trước khi gặp ánh sáng của đảng. Bởi vì con đường giải phóng dân tộc chính là bắt đầu từ chủ nghĩa yêu nước; thì chính Lộng Chương đã nêu một tấm gương đầu gắn bó với dân tộc, với chủ nghĩa yêu nước, đó là con đường đi đến với cách mạng của ông, con đường của chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong kháng chiến, Nhà văn - Kịch tác gia LC về hoạt động tại vùng rất sôi động là Khu III. Khu 3 lúc đó đông vui vô cùng, trong đó có cả các nhà văn, nhà thơ lãng mạn như ĐinhHùng, Vũ Hoàng Chương, Trần Hoàn, Sao Mai, cùng rất nhiều văn nghệ sĩ khác. Khi mà bác Lộng Chương cùng với các anh, các chị xây dựng cả cái căn cứ văn nghệ kháng chiến ở Khu III, thì lúc ấy nhà văn Nguyễn Khải mới chỉ là y tá đại đội, là học trò của bác Lộng Chương. Nói như vậy để thấy Lộng Chương là người gắn bó với đất nước, đồng thời chuyển biến rất nhanh gắn bó với cách mạng và kháng chiến. Lúc nào, ở thời điểm nào, những bước chuyển biến lớn của cách mạng, Lộng Chương đều có tác phẩm, phục vụ hết sức kịp thời cho những giai đoạn của cách mạng nhưng đồng thời lại có giá trị lâu dài.
Bài học thứ hai về Nhà văn Lộng Chương là vô cùng gắn bó với nghệ thuật chèo của dân tộc, hiện đại hóa vốn cổ của dân tộc để tác phẩm có sức sống lâu dài, vừa phục vụ kịp thời nhiệm vụ của kháng chiến, của cách mạng, đồng thời lại là tinh hoa lâu dài để lại cho đất nước.
Bài học thứ ba, Nhà văn - Kịch tác gia Lộng Chương là bậc thày lớn đào tạo nên rất nhiều kịch tác gia, các học trò cả biểu diễn lẫn sáng tạo văn học nghệ thuật, trong đó có nhiều nhà hoạt động nổi tiếng của nền sân khấu nước nhà.
Và bài học thứ tư, đó là nhân cách. Bác Lộng Chương có một nhân cách văn hóa cao đẹp, khoan dung độ lượng và trong sáng. Nhân cách của người Nghệ sĩ Lộng Chương mãi mãi là tấm gương cao quý, tốt đẹp cho mọi thế hệ các nghệ sĩ noi theo.
Vấn đề thứ năm là, tên tuổi của Lộng Chương đã làm giàu cho nền văn hóa của dân tộc chúng ta; trong lúc chúng ta đang tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết của Trung ương Khóa 8 về “Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bẳn sắc dân tộc” thì Lễ tưởng niệm lần này diễn ra chúng ta có thêm một căn cứ để thấy rằng, đi với dân tộc đi với kháng chiến, một nền sân khấu hiện đại chỉ có thể phát triển được nếu nó được gắn bó với đất nước và được những tài năng lớn như Lộng Chương vun đắp.
       Nhân dịp này chúng tôi có một đề nghị là, sau 10 năm Kịch tác gia Lộng Chương đã vĩnh biệt chúng ta, chúng ta đã có dịp chiêm nghiệm, suy nghĩ về sự nghiệp, về tài năng, về nhân cách của ông, trên diễn đàn này, tôi xin trân trọng đề nghị:
- Hội Nhà văn Việt Nam và Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam có công văn đề nghị với Tỉnh ủy và UBND tỉnh Hải Dương, MTTQ tỉnh Hải Dương nghiên cứu đặt một tên đường - đường Lộng Chương ở thành phố Hải Dương, một con đường mang tên Lộng Chương trên quê hương ông. Việc đặt tên đường này không chỉ có ý nghĩa tôn vinh đánh giá cống hiến của Lộng Chương đối với quê hương Hải Dương của ông mà đồng thời đó là bài học lớn nhắc nhở những thế hệ sau tiếp tục noi gương, đi theo con đường của những bậc tiền bối.
- Chúng tôi cũng xin trân trọng đề nghị với Ban Bí thư, Thành ủy, UBND thành phố Hà Nội và Hội đồng đặt tên đường, nghiên cứu chọn một con đường của thủ đô Hà Nội, đặt tên là đường Lộng Chương. Mà có thể là con đường Kim Mã trước hội trường của chúng ta đang làm Lễ tưởng niệm chăng?
      Đường Kim Mã đặt tên lại là đường Lộng Chương, có Nhà hát Chèo Việt Nam, là một người được vinh danh kế tục giữ gìn nghệ thuật Chèo. Đó là việc làm thiết thực để chúng ta tôn vinh một con người có cống hiến lớn, một nhà sân khấu rất tiêu biểu, một nhà văn rất tiêu biểu trong thời đại Hồ Chí Minh.

(*) Tít bài do gia đình Nhà viết kịch Lộng Chương tạm đặt
3/7/2013

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét