Bút danh: Lộng Chương
Tên khai sinh: Phạm Văn Hiền
Ngày sinh: 05 tháng 02 năm 1918
- Năm 1946 Lộng Chương tham gia hoạt động trong Ban kịch Bình Dân (thuộc Nha Bình dân học vụ). Sau đó làm phóng viên tại Báo Công Dân (Nam Định), và được giao thành lập Nhóm kịch Công Dân. Khi Báo Công Dân tạm đình bản (do địch càn quét ác liệt) Lộng Chương về làm Báo Phản Công (thuộc Hải Phòng - Kiến An), rồi được cử phụ trách Nhóm Văn nghệ Hải Kiến. Nhóm Văn nghệ Hải Kiến đã mở lớp bồi dưỡng nghiệp vụ Sân khấu cho nhiều hạt nhân văn nghệ của các tỉnh Hải Phòng, Kiến An và Thái Bình; và tổ chức diễn kịch phục vụ kháng chiến, được đồng bào nhiệt liệt hoan nghênh.
- Năm 1951, Chi hội Văn nghệ Liên khu III thành lập, Lộng Chương được bầu vào Ban Chấp hành - đại diện ngành Sân khấu. Năm 1952, Lộng Chương nhận nhiệm vụ “đặc trách” thành lập Đoàn Văn công. Với hai bàn tay không, chỉ sau ít tháng Lộng Chương đã tổ chức được đợt biểu diễn đầu tiên tại Rừng Thông (Thanh Hóa); và sau đó là đợt biểu diễn “ra mắt” Liên Khu ủy cùng Ủy ban Kháng chiến Hành chính Liên Khu III.
- Năm 1954, Đoàn Văn công Liên Khu III đi tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Kết thúc chiến dịch, Đoàn được đổi tên là Đoàn Văn công Điện Biên; rồi lần lượt vào tiếp quản các vùng mới giải phóng thuộc Liên Khu III - theo tinh thần của Hiệp định Genève.
- Từ tháng 7/1957, Lộng Chương là một trong các sáng lập viên thành lập Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam; làm Ủy viên thường vụ - thường trực Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam cho đến khi nghỉ hưu. Sau nghỉ hưu, Lộng Chương lại được mời ra làm Cố vấn thêm một khóa Đại hội. Cả giai đoạn dài hơn 20 năm, Lộng Chương đã đóng góp rất nhiều công sức cho việc xây dựng Hội. Phong trào Sân khấu ở miền Bắc trong giai đoạn xây dựng CNXH và chống Mỹ cứu nước giành được thành tựu xuất sắc, trong đó có công lớn của Lộng Chương góp phần.
- Lộng Chương đã sớm được nhận Huân chương Độc lập Hạng Ba (năm 1988); được Giải thưởng Hồ Chí Minh (năm 2000) và nhiều phần thưởng cao quý khác.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét