Chủ Nhật, 7 tháng 9, 2014

Lễ Tưởng niệm 10 năm ngày mất NVK Lộng Chương (2003-2013)

GIẢI THƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ VHNT

CON XIN GẮNG SUỐT ĐỜI VÌ CÁI VỖ VAI CỦA THÀY(*)


Nhà văn Nguyễn Hiếu ngoài viết văn xuôi và thơ. Ông còn là kịch tác gia. Gia tài kịch của Nguyễn Hiếu khá đồ sộ không kể gần 300 câu chuyện truyền thanh viết cho Đài TNVN ông còn viết hơn 50 vở kịch. Nhưng lượng kịch dựng trên sân khấu của ông thật khiêm tốn khi chưa đầy 10 vở. Hai vở gần đây nhất đều vào năm 2011. Đó là "Hàng rào giữa hai nhà " (NHKVN- Đạo diễn NSND Lê Hùng) và "Giàn mùng tơi gẫy rập" (Đoàn cải lương Nam Định). Vở kịch đầu tiên của ông được đạo diễn Lộng Chương dựng vào năm 1976. Nhân ngày giỗ lần thứ 10 của Thầy Lộng Chương, nhà văn Nguyễn Hiếu dâng lên Thầy mình một nén tâm nhang. 
NVK Lộng Chương (1980)






Nghĩa cử của người con rể 
      Nhân sắp đến ngày 26 tháng 6 năm 2013 là ngày giỗ lần thứ 10 của Kịch tác gia-đạo diễn-vị đại sư của nền sân khấu Việt Nam, Tổng biên tập TCSK Ngô Thế Ngọc đặt tôi qua điện thoại một bài viết về ông. 
Nhà văn Nguyễn Hiếu

     Với tôi, Lộng Chương không chỉ là một đại diện lớn cho nền sân khấu Việt Nam trong giai đoạn đỉnh cao mà còn là một người thày, một người an ủi, tạo cho tôi một tình yêu đắm say cho sân khấu. Mặc dù sau hơn 40 năm tôi vẫn chỉ là một kịch tác gia luôn luôn nỗ lực rượt đuổi sự sáng tạo và cách tân với những kết quả chưa nhiều. Điều may hơn nữa là trong lần nhìn lại những gì đại sư Lộng Chương đã dạy, tôi gặp được vợ chồng người con gái thứ bảy của thày. Đó là bà Phạm Hồng Thắm và ông Giang Trung Học. Điều may thứ hai là thủa còn làm báo tôi và ông Giang Trung Học có nhiều gắn bó giữa hai đồng nghiệp vong niên. Sau cuộc gặp này điều ghi nhận đầu tiên tôi cảm thấy những ngưòi làm sân khấu hôm nay và mai sau nói riêng cũng như đông đảo bạn đọc, người xem của đất Việt nên lấy làm cảm ơn nghĩa cử người con rể văn hoá này của đại sư Lộng Chương. Với công sức lao tâm khổ tứ và cách làm khoa học, nhà báo Giang Trung Học đã cứu lại không ít cũng như tái hiện, công bố được khá nhiều những tác phẩm của vị nhạc phụ tài ba… Bên cạnh những kiệt tác của Lộng Chương mà chúng ta đã biết như hài kịch “Quẫn”, “Tình sử Loa thành", "A Nàng”… ngay trước buổi sáng sang nhà ông Giang Trung Học, tôi vẫn đinh ninh Đại sư Lộng Chương chỉ là kịch tác gia và đạo diễn sân khấu lừng danh. Nhưng khi trò chuyện với nhà báo Học cùng ngồi bới lục đống tài liệu về ông tôi mới vỡ lẽ. Lộng Chương không chỉ là vị Đại sư hài hiếm hoi của ngành sân khấu Việt Nam mà ông còn là một Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, đã viết truyện ngắn, tiểu thuyết từ những năm 1942 - 1943. Các tác phẩm của ông đã được các nhà xuất bản thời trước từng in và đến thời ta, không ít NXB đã nhiều lần tái bản. Trong đó tiểu thuyết phóng sự “Hầu Thánh” 1942 (một trong như những thể loại ăn khách mà Vũ Trọng Phụng là một đại biểu lớn với các kiệt tác “Cơm thầy, cơm cô”, "Làm đĩ”, "Lục xì”…). Tiểu thuyết ”Hầu thánh” đã được các nhà xuất bản như NXB Văn học, NXB Văn hoá thông tin, NXB Hà Nội… tái bản nhiều lần. Rồi cuốn truyện dài “Vô tư” in phơ-ê-tông trọn bộ trên báo Đông Pháp năm 1943, nhưng tiếc thay tại thư viện Quốc gia hiện nay chỉ còn lưu lại 7 số… Đó là chưa kể hàng loạt truyện ngắn, tản văn của nhà văn Lộng Chương đã in trên báo chí cả thời trước lẫn thời nay, đã thất truyền do khiếm khuyết trong công tác lưu trữ và sự phá huỷ của thời gian. 
      Đại sư Lộng Chương mất ngày 26/6/2003. Để ghi dấu sự kiện ngày mất thứ 100 của ông, Hội NSSKVN cùng gia đình quyết định ra cuốn sách "Lộng Chương trên mọi nẻo kịch trường”. Với tư cách là con rể út (Đại sư Lộng Chương có 8 người con, bà Phạm Hồng Thắm - vợ ông Học, là con thứ bẩy). Nhà báo Giang Trung Học xin phép hai người anh trai, các chị gái cùng cậu em út cho phép sưu tầm tài liệu về nhạc phụ để phục vụ cho việc xuất bản ấn phẩm này. Nhưng khi chạm đến chiếc tủ đựng các tác phẩm và di cảo của Lộng Chương thì không ít tác phẩm, di cảo đã bị mọt đục. Bằng sự tỉ mỉ, kì công cả về kĩ thuật và trí tuệ để vượt qua cả những lỗ mọt đục, nhà báo Giang Trung Học đã khôi phục lại khá nhiều những trang di cảo, những tác phẩm đã được công bố của Lộng Chương. Với kì công này nhà báo Giang Trung Học đúng như bà Phạm Hồng Thắm nói với tôi “nhà tôi hiểu và nắm tài liệu về ông cụ chắc hơn tôi rất nhiều”. Chính vì sự am hiểu như vậy nên ngoài cuốn “Lộng Chương trên mọi nẻo kịch trường" dầy dặn với gần 400 trang in các bài báo, các bài giảng của Đại sư, ông Giang Trung Học còn xuất bản được bộ “kịch Lộng Chương” dày hơn 1000 trang gồm nhiều tác phẩm danh tiếng cũng như không ít kịch ngắn. Ông Học cho tôi biết, tên khai sinh của Đại sư Lộng Chương là Phạm Văn Hiền. Quê gốc của ông ở làng Châu Khê, xã Thúc Kháng huyện Bình Giang - Hải Dương. Đây chính là ngôi làng nổi tiếng không chỉ là nơi phát tích ra nghề vàng bạc (người làm nghề này ở Phố Hàng Bạc đa phần là người Châu Khê) mà còn là nơi đã sản sinh ra không ít các tài năng văn chương, nghệ thuật. Ngoài Đại sư Lộng Chương còn có nhạc sĩ Phạm Tuyên, nhà thơ Vũ Đình Liên (tác giả bài thơ Ông Đồ), nhà thơ Hoàng Lộc (tác giả bài thơ Viếng bạn)… Và dòng họ ông còn không ít các nhà làm văn hoá nghệ thuật như nhà văn Đỗ Quang Tiến - anh em con cô con cậu với Lộng Chương tác giả tiểu thuyết “Làng tề” một thời tôi mê say… 
      Xin cám ơn nhà báo Giang Trung Học với nghĩa cử của người con rể có văn hoá, có tình đã sưu tầm lại các trước tác mọi thể loại của vị Nhạc mẫu tài ba. Chính nhờ nghĩa cử này tôi mới biết chỉ riêng cuốn “Lộng Chương - Trên mọi nẻo kịnh trường”, tôi càng nhận ra Lộng Chương không chỉ là kịch tác gia nổi tiếng, một tác giả kịch hài kinh điển, một đạo diễn chuyên môn cao, đầy sáng tạo trong cách dựng, kể chuyện bằng ngôn ngữ kịch của mình, mà ông còn là nhà lý luận kiệt xuất đã dậy chúng ta phải biết tôn trọng và khai thác các loại hình ca kịch trong đó có chèo như thế nào để phát huy hết tinh hoa của thể loại kịch dân tộc rất Việt Nam này. 
       Khi bàn về đề tài hiện đại, Lộng Chương viết “cách tự sự trong sáng tác chèo thường liên tục, câu chuyện không bị cắt mạch như kịch thành hồi, thành màn. Mặc dầu ở Chèo mọi tình tiết của nội dung đều được khai thác, nhưng lại chỉ quan tâm cho có đầu đuôi, mạch lạc, mà không nhấn được vào những đoạn chủ yếu, những chi tiết quan trọng nhằm nâng cao tính tư tưởng của tác phẩm… Song chớ vì thế mà biến nó thành những hoạt cảnh sinh hoạt, sản xuất hoặc chiến đầu, với một tuyến đi rời rạc, nó sẽ không có sức quyện người xem, mà cũng chẳng thành một thể loại nào cả…” (Bàn về phương pháp tự sự trong sáng tác chèo). Đó chẳng phải là những lời dạy kinh điển đối với những tác giả viết chèo hôm nay hay sao? 

Nhớ lại cái vỗ vai tôi của thầy 
        Vào những năm cuối thập kỉ 50 của thế kỉ trước, làng Chèm quê tôi có một đội cải lương. Tuy là văn nghệ làng nhưng toàn dựng những vở dài được lấy ra từ những chuyện nôm khuyết danh và có danh như Lục Vân Tiên, Phạm Tải Ngọc Hoa, Lý Công…Tôi mê lắm nhưng cứ ngỡ “kịch là như vậy”. Mãi đến năm 1966 sau khi tốt nghiệp cấp ba trong khi chờ gọi đại học, tôi tình cờ vớ được cuốn tuyển gồm 5 vở của Xếcxpia (Bùi Phụng, Bùi Ý dịch) thì sự mê kịch của tôi lên đến cực điểm đến nỗi, ngay sau ngốn đi ngốn lại vài lượt tập kịch dầy cộp, tôi bèn viết kịch bản “Truyền thuyết Mỵ Châu - Trọng Thuỷ” mà từ lớp lang đến ngôn ngữ rập gần như y xì cụ Sếc. Sự mê kịch của tôi cứ âm ỉ như vậy cho đến khi ra trường năm 1970, khi được tham gia chuyến thực tế công trường xây dựng thủy điện Thác Bà với hàng loạt văn nghệ sĩ lớn như nhà văn Nguyễn Văn Bổng, Huy Phương, Hoạ sĩ Lưu Công Nhân... khi về tôi viết liền bộ ba kịch dài “bản kiến thiết xây dựng mở đầu như thế nào?”. Giai đoạn đó đời sống văn nghệ sĩ nói riêng và của nhân dân nói chung rất khó khăn. Nhưng phong trào hội diễn tự biên tự diễn lại nở rộ. Anh em văn nghệ sĩ chuyên nghiệp kiếm sống bằng cách tham gia vào làm các tác giả giấu tên. Về kịch khi thì tôi cùng với NSƯT Phạm Bằng thành một nhóm “Em viết anh dựng”. Khi thì tôi cùng vợ chồng Đạo diễn Thanh Liên (đạo diễn “Hoàng Lê nhất thống chí”) và Nhạc sĩ Trần Danh làm thành một nhóm viết kịch, viết nhạc dàn dựng cho các cơ sở. Nghề chính của tôi làm báo nên tôi nắm được khá nhiều tư liệu về các vụ việc tiêu cực trong các cơ sở công nghiệp dạo đó. Vở hài kịch “Chuyện như thế thì cần phải nói”(đầu đề này là sự nhại lại hài kịch nổi tiếng của Sếchxpia "Chuyện không có gì mà ầm ĩ thế"). Vì quen nhiều với các diễn viên nghiệp dư cơ sở nên kịch bản này của tôi đến được tay đạo diễn Lộng Chương. Trên dưới 40 năm trôi qua tôi còn nhớ cảm giác vui sướng của tôi nhận được giấy mời của trưởng đoàn kịch Công nhân, dạo ấy là ông Thể, đến câu lao bộ Lao động ở Tăng Bạt Hổ. Khi đến tôi thấy một người đàn ông cao lớn, mặt mũi phúc hậu, đang ngồi giữa các diễn viên. Xin nói là tuy mang danh là đoàn kịch Công nhân, do Liên đoàn Lao động Hà Nội quản lý, với các diễn viên nghiệp dư nhưng trình độ cũng như sự sinh hoạt nghề của họ rất chuyên nghiệp. Vừa nghe ông Thể giới thiệu. Tôi thoáng rùng mình khi biết người đàn ông kia chính là Lộng Chương - tác giả hài kịch “Quẫn” danh tiếng. Bác Lộng Chương vẫy tôi lại gần, nhấc kịch bản của tôi đang để trên bàn, miệng thoáng một nụ cười nói luôn “Tốt lắm. Tác giả còn trẻ mà dám viết hài. Tôi rất mừng. Nhưng tôi cũng nói luôn vở này anh đề là hài kịch. Nhưng qua tôi đọc thì phải gọi vở này là náo kịch thì đúng hơn. Náo kịch thấp hơn hài vì chỉ gây cười đơn thuần, còn hài kịch là cười xong người ta phải ngẫm. Nhưng thôi. Thế là mừng vì trong náo kịch này có nhiều trò, nhiều miếng có thể làm một vở hấp dẫn. Vì thế đọc xong tôi nhận làm đạo diễn cho vở này”. Ở tuổi 28 (năm đó là 1976) lại đang ti toe trong những năm đầu làm báo nên tôi thực sự lúng túng trước một nhân vật lừng danh. Tôi ấp úng "Dạ, cháu cám ơn bác. Có gì bác cứ chỉ bảo cháu thêm”. Bác Lộng Chương nhấp một ngụm rượu được một diễn vừa rót ra, bảo khẽ tôi “Hôm nay anh đọc vở cho đoàn cùng nghe, sau đó mai anh đến nhà tôi ở 47 Hàm Long. Lúc 10 giờ. Ta sẽ bàn thêm”. Cả đêm hôm đó, mặc dù đang sức ăn sức ngủ nhưng tôi cứ trằn trọc mãi vì sự gặp gỡ với một nhân vật lớn của sân khấu Việt Nam. Sáng hôm sau, đúng giờ hẹn. Tôi đến nhà bác Lộng Chương. Tôi hơi ngạc nhiên vì nhà bác ở phố mà bài trí lại như một căn nhà ở làng quê. Một sân gạch bát được bao quanh dầy nhà lợp ngói vẩy xộp có hàng dại nứa trước nhà. Thấy tôi đang ngơ ngác, bác Lộng Chương từ trong nhà bước ra đứng cạnh hàng dại nứa gọi tôi: 
     - Tốt lắm. Tôi rất thích những người đúng hẹn. 
        Hai bác cháu tôi ngồi trên chiếc xập gụ trứơc bộ tủ chè, tôi run run nhận chén trà bác Lộng Chương vừa pha thơm phức. Bác nhìn tôi âu yếm rồi nói ngay: 
      - Tôi đọc nhiều lần kịch bản của anh. Tôi cũng đã tìm ra chìa khoá của vở. Nên có thể coi như đã có thể bắt tay vào dựng vở. Tối nay, tôi sẽ phân vai, giao kịch bản cho các diễn viên. Tôi sẽ dành cho họ một tuần học kịch bản và nghiên cứu nhân vật. Một tuần nữa , đúng bẩy giờ anh đến câu lạc bộ để cùng tôi dựng vở . 
     - Thưa bác… 
       Tôi lắp bắp không hiểu mình định nói gì. Bác Lộng Chương giơ tay, nói rành mạch: 
     - Tôi là đạo diễn. Trong khi dựng vở có thể tôi sẽ sửa lại thoại, đặt lại tình huống. Nhưng anh là tác giả anh thấy sự sửa ấy có hợp không thì tôi mới tiếp tục. 
       Thế là hơn hai tháng liền cứ sau giờ làm việc ở cơ quan tôi lại đạp xe về nhà hơn 12 cây số ở tận khu tập thể Trường cấp 2 Xuân Đỉnh. Hai con tôi hồi đó còn lít nhít đứa ba tuổi, đứa chưa đầy một tuổi. Cơm nước xong lại xuống xem bác Lộng Chương dựng thì đúng hơn. Nhân vật chính của vở là một ông giám đốc trình độ học vấn thấp nhưng lại hách dịch, máy móc được bác Lộng Chương nâng lên điển hình trong sự phóng đại mang chất dân gian khi trước mặt ông ta là cái gạt tàn thuốc lá được phóng to. Điều thuốc lá cũng phóng đại đang bốc khói ngoẳn ngoèo như một bát bình hương… 
       Cứ thế hơn hai tháng ròng rã. Vở kịch tràn đầy tiếng cười phê phán đã hoàn thành. Tôi nôn nao chờ đêm duyệt cuối cùng trước khi ra công diễn. Tối hôm tổng duyệt, tôi được vinh dự ngồi cạnh bác Lộng Chương, cùng mấy vị lãnh đạo của Liên đoàn Lao động Hà Nội. Khán phòng cũng có khá đông người thân, bạn bè diễn viên đến dự. Cả buổi tổng duyệt là một không khí rộn ràng, vui vẻ với những tràng cười liên tục bùng lên vì tài kể chuyện đầy hóm hỉnh, tài năng của đạo diễn Lộng Chương. Vở diễn kết thúc trong những tràng vỗ tay không ngớt. Tôi rớm rớm nước mắt. Nhưng cũng thật không ngờ, ngay giữa tiếng vỗ tay chưa ngớt đó, tôi còn nhớ một ông bé nhỏ, da trắng bệch từ hàng ghế đại biểu bước lên. Mặt hầm hầm như tức giận điều gì. Sau này tôi mới biết ông ta tên là Yết phụ trách văn thể ở Liên đoàn Lao động Hà Nội thì phải. Ông ta tiến ra trước mặt đoàn diễn viên đang cúi chào khán giả. Ông Yết vung tay lên, giọng giận dữ: 
      - Tôi thật không ngờ, các anh ở nhà liều lĩnh thật. Tôi đi công tác bên Liên Xô mà các anh vượt mặt tôi dám dựng một vở kịch bôi xấu giám đốc. Tức là bôi xấu giai cấp công nhân Thủ đô. Đây là một vở kịch không thể chấp nhận được. Tôi không đồng ý cho công diễn, và tôi sẽ báo cáo Ban thường vụ Liên đoàn về sự sai lầm nặng nề này của các anh. 
        Hầu hết các diễn viên, không ít các vị đại biểu nhìn về phía bác Lộng Chương. Lúc đó tôi thấy vị đạo diễn lừng danh này rất bình tĩnh. Đợi cho ông Yết bước xuống, bác Lộng Chương điềm tĩnh nói: 
        - Ông nói thế thì cũng chưa hiểu vở kịch lắm. Vì vở kịch này nhằm phê phán tệ hống hách cửa quyền, xâm phạm quyền làm chủ của công nhân của cá biệt một ông giám đốc. Nếu chỗ nào ông thấy chưa hợp lý ông có thể góp ý để chúng tôi sửa chữa. Chứ công lao anh em hơn hai tháng trời. 
       Mặt ông Yết vốn nhỏ càng như sắt lại, trắng nhợt ra. 
      - Tôi biết ông là đạo diễn Lộng Chương nhưng tôi đã quyết. Vở này không thể sửa chữa được vì sự bôi xấu lãnh đạo xí nghiệp quá lớn. Sự bôi nhọ phẩm chất công nhân quá sâu đậm. Tôi đã quyết. Dẹp, dẹp. Không diễn gì hết. 
        Bác Lộng Chương khẽ lắc đầu không nói gì nữa. Bác ngồi xuống bên tôi. Hai bác cháu tôi lặng lẽ nhìn đám diễn viên đang xôn xao, ngơ ngác. Ông Yết lách chách, hùng hổ như đang đi tìm ai. Mãi sau, bác Lộng Chương vỗ khẽ vào vai tôi như động tác vỗ về đứa con: 
      - Họ không chấp nhận thì bác cũng đành. Vì họ là lãnh đạo. Rõ ràng vở kịch này là phê phán những điều chính các ông ấy đang kêu gọi trong phong trào ba xây ba chống kia mà. Bác thì không sao nhưng con thì vất vả quá. Hơn hai tháng liền nhà thì xa như thế. Nhưng thôi con ạ. Con còn trẻ, đây cũng là thử thách bước đầu của cái nghề đầy gian khổ, nghiệt ngã này. Con đừng nản lòng, cố vượt qua mới thành công được 
      Tôi nắm tay bác, không dám nói vì thấy nước mắt đã như sắp trào ra. Tôi chào bác Lộng Chương rồi lặng lẽ ra lấy xe, đạp thẳng về Xuân Đỉnh. 
       Nghe tiếng tôi gọi cửa. Vợ tôi vừa mở khoá cửa vừa hỏi: 
       - Vở tốt chứ. 
       Tôi không nói, nhìn vợ chằm chằm, rồi đột nhiên ợ mạnh một cái rồi thổ ra một ngụm máu đỏ rực xuống bậc thềm cửa nhà trong sự khiếp đảm của vợ. 
        Nhân ngày giỗ thứ 10 của Thầy, dù những lời dậy quí báu của Thầy con chưa thực hiện được bao nhiêu. Nhưng nhớ tới Thầy, con xin coi bài viết này như nén nhang bé nhỏ của một người đi theo nghề kịch đã từng được thầy dìu dắt, yêu thương. 
 Quỳnh Mai 15/5/2013
 Nguyễn Hiếu 
(*) Tạp chí Sân khấu số tháng 6 năm 2013


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét