Chủ Nhật, 21 tháng 9, 2014

Trợ giúp… ậm ờ!

“Vượt qua thử thách” là một Chương trình giải trí rất bổ ích của Đài Truyền hình Hà Nội. 
Ảnh minh họa

Thông qua nội dung các câu hỏi đặt ra cho người tham gia "Vượt qua thử thách", Chương trình đã giúp khán giả của Đài nhớ lại những kiến thức đã từng biết nhưng bị lãng quên, cũng như học hỏi được thêm nhiều kiến thức phong phú, đa dạng khác về văn hoá, xã hội, lịch sử, âm nhạc, điện ảnh, thể thao...
Thời gian trước, ngoài người dẫn Chương trình và những người tham gia "Vượt thử thách", còn có một Ban Cố vấn để gợi ý cũng như giải đáp giúp cho người tham gia những tình huống khó “Vượt qua thử thách ". Ban Cố vấn đã có những bản đáp án trong tay nên việc "cố vấn" không còn điều gì phải bàn.
Tuần vừa qua, Chương trình “Vượt qua thử thách” đã thực hiện cải cách luật chơi. Ngồi ở vị trí Ban Cố vấn bây giờ là Ban Trợ giúp. Ban Trợ giúp cũng có 3 người, đóng vai trò là "trợ thủ" tương ứng cho 3 người tham gia “Vượt qua thử thách”.
Theo lẽ thường, tham gia Ban Trợ giúp phải là những người có khả năng "khá hơn" (đây tôi chỉ nói là khá, chứ chưa nói là giỏi) về trình độ hiểu biết cũng như kiến thức mọi mặt để có thể gỡ bí cho những người tham gia "Vượt qua thử thách" trong những tình huống gay cấn. Nhưng quả thật, Chương trình "Vượt qua thử thách" được phát tối Chủ nhật (10/7/2005) vừa qua làm người xem quả là thất vọng và ái ngại về Ban Trợ giúp.
Đơn cử một số tình huống. Có những câu hỏi: Địa danh ở Thanh Hoá trong chiến tranh chống Mỹ vừa qua được gọi là đất lửa là địa danh nào? Anh hùng Nguyễn Bá Ngọc là người thuộc tỉnh nào? Địa danh nào gần Sài Gòn được mệnh danh là đất thép? Luôngfrabăng là cố đô của nước nào?… Còn rất nhiều câu hỏi mà theo chủ quan của tôi, là những kiến thức sơ đẳng nhất mà những người có trình độ học vấn của một bác sĩ, sinh viên… ngồi trong Ban Trợ giúp chỉ cần lưu tâm đến đài, báo hằng ngày là đã thuộc nằm lòng được. Vậy mà, khi người tham gia “Vượt qua thử thách” cần sự trợ giúp thì vấp ngay phải một sự ậm ờ, lúng túng từ hầu hết các “trợ thủ” của mình. Trong cả thời gian diễn ra Chương trình, số tình huống mà họ được “trợ giúp” chỉ có thể đếm được trên đầu ngón tay.
Thiết nghĩ, khi quyết định tham gia Chương trình giải trí mang tính đại chúng như “Vượt qua thử thách”, để có thể gỡ bí cho bạn chơi của mình, những người trong Ban Trợ giúp cũng cần phải chuẩn bị cho mình một vốn kiến thức vững vàng, chắc chắn về lĩnh vực mà Chương trình đặt ra cho những người tham gia “Vượt qua thử thách”. Còn nếu không đủ sức thì hãy khoan tham gia. Mặt khác, những người tổ chức Chương trình trước khi chấp nhận “nhân sự” cho một cuộc thi, cũng cần phải có sự khảo sát trước trình độ của những người tham gia Ban Trợ giúp. Còn, nếu để tình trạng như Chương trình phát sóng vừa rồi (10/7/2005), e sẽ làm thất vọng khán giả.
Báo KH&ĐS, 22/5/2005

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét