Thứ Sáu, 26 tháng 9, 2014

NHÀ VIẾT KỊCH LỘNG CHƯƠNG VỚI SÂN KHẤU HÀI(*)

Tác giả sân khấu nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh (đợt II):
             NSƯT Vũ Hà
             Lộng Chương không đơn thuần là người viết kịch, ông còn là một nhà hoạt động sân khấu cách mạng giàu nhiệt huyết, bền bỉ, đa năng.
           
Ký họa Lộng Chương
Hơn bảy thập kỷ gắn bó với sân khấu, đến năm 2000 này, trái tim người nghệ sĩ cao tuổi vẫn thổn thức cùng nhịp đập kịch trường nước nhà, vẫn vẹn nguyên khát vọng dâng hiến, một khát vọng được thắp sáng từ thuở thiếu thời…
           Tên khai sinh ông là Phạm Văn Hiền, còn có bút danh là Viên Hán, sinh 5-2-1918 ở thôn Châu Khê, xã Thúc Kháng, Bình Giang - Hải Dương. Sáu - bảy tuổi cậu bé Hiền đã ngồi dưới “hố nhắc vở” Nhà hát Lớn Hà Nội với người cô,  để xem bác ruột mình diễn những vở hài kịch trứ danh của Mô-li-e. Phải chăng cảm thức xa xưa ấy đã dẫn dụ chàng trai đến với sân khấu như một “nghiệp chướng” và tạo nên một nhà hài kịch nức tiếng sau này? Cả thời trai trẻ, Lộng Chương hoàn toàn “chơi kịch” trong các ban tài tử, một thú chơi tao nhã, cao sang, của lứa thanh niên trí thức thời đó.
         Cách mạng Tháng Tám thành công, kháng chiến bùng nổ, ngay từ những ngày bão táp ấy của nước Việt Nam mới, Lộng Chương đã hồ hởi lên đường theo tiếng gọi “sơn hà nguy biến”. Cách mạng đã nâng đôi cánh cho chàng nghệ sĩ đến với sân khấu. Ông tham gia chỉ đạo Ban Kịch Bình Dân (1945-1946), Ban Tuyên tuyền xung phong kháng chiến (1947-1948), tổ chức Nhóm Kịch báo Công Dân - Nam Định kháng chiến (1948-1949), Đội Kịch Duyên hải, trực thuộc Chi hội Văn hóa Hải Kiến ((1949-1950); là Ủy viên Ban Chấp hành Chi hội Văn nghệ Liên khu III, phụ trách ngành Sân khấu, Đội trưởng Đội công tác văn nghệ Trường Lục quân Trần Quốc Tuấn (1950-1951). Sau đó ông nhận nhiệm vụ thành lập Đoàn Văn công Liên khu III (1951-1954), Thường trực Ban Sân khấu Hội Văn nghệ Việt Nam (1955-1956), Ủy viên Thường vụ Thường trực Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam (Hội NSSK Việt Nam) từ năm 1957 tới khi nghỉ hưu, năm 1979.
Đoàn kịch Liên khu III (Rừng Thông - Thanh Hóa, 1952)
Lộng Chương đứng thứ 5 từ phải sang.
   Cuộc đời sáng tác của Lộng Chương thật đa dạng, phong phú. Để phục vụ hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, ông đã viết tất cả các thể loại, miễn sao có hiệu quả. Ông đã có 9 tập thơ và ca dao; 5 tập phóng sự, ký sự kháng chiến, nhiều bài tiểu luận, phê bình sân khấu. Nghỉ hưu, ông viết Hồi ký Sân khấu đời tôi gần ngàn trang, với rất nhiều tư liệu gắn bó cùng sự phát triển nền sân khấu cách mạng. Tuy viết nhiều thể loại, nhưng sáng tác kịch bản sân khấu vẫn là sở trường, là công việc tâm huyết nhất của ông. Thời kháng Pháp có những vở đáng kể như: Lý Thới (1948), Du kích thôn Đồi (1952), Chiến đấu trong lòng địch (1954), Đoàn quân tóc trắng (1954). Tuy chưa phải là những tác phẩm lớn, nhưng bằng ngôn ngữ giản dị, rất sát với đời sống, những hình tượng sinh động, chuyện kịch hiện thực, đề cập những vấn đề nóng bỏng đang dặt ra, được công chúng rất hoan nghênh. Vở Chiến đấu trong lòng địch đã được Hội Văn nghệ Việt Nam tặng Giải thưởng Văn học 1945-1955.
            Từ năm 1957 công tác ở Hội NSSK Việt Nam, Lộng Chương góp công sức xây dựng các đoàn nghệ thuật như: Đoàn Chèo Cổ Phong (Chèo Hà Tây ngày nay), Chèo Nam Hà, Kịch Hà Tây, Kịch Thanh Hóa… Đặc biệt là hai đoàn kịch Thanh Niên và Công Nhân Hà Nội, ông đã góp công truyền thụ cho bao thế hệ sáng tác và biểu diễn, sau này đó có những nghệ sĩ tài năng như: Trọng Khôi, Doãn Hoàng Giang, Mỹ Dung, Đoàn Dũng, Hà Văn Trọng, Trần Hạnh, Hoàng Quân Tạo, Dương Quảng, Trịnh Mai, Ngọc Hiền, Bích Lân…
            Thời kỳ này cũng bộc lộ tài năng viết kịch của ông. Sẵn “tố chất” người cán bộ kháng Pháp, thời bình Lộng Chương vẫn lấy những đề tài thời sự nhất, nóng bỏng nhất làm chất liệu. Những vở ngắn như: Chặn tay chúng lại, Đổi đầu heo, Dì Mai, Bầu bán, Người nữ tự vệ áo trắng… mang tính chiến đấu cao, đúng chức năng là “mũi nhọn xung kích hiện đại”. Kịch bản Chặn tay chúng lại được ông viết ngay trong đêm nghe tin Mỹ - Ngụy gây ra vụ thảm sát Phú Lợi. Viết tới đâu ông chỉ đạo nhóm nghệ sĩ Hà Nội tập tới đó, vừa tập vừa khóc, tập với tất cả sự căm thù, đau xót và thét lên những tiếng phẫn nộ trước tội ác man rợ của kẻ thù. Tập xong, tối hôm sau xuống đường diễn ngay giữa phố Tràng Tiền.
            Những năm 70, Lộng Chương cộng tác với chương trình Sân khấu truyền thanh Đài Tiếng nói Việt Nam, viết những hoạt kịch hài hước châm biếm, đả kịch sâu cay bọn xâm lược và tay sai. Ông có những vở dài được nhiều đoàn dựng như: Dũng sĩ Rạch Gầm, A Nàng, Tình sử Loa thành, Đôi ngọc Lưu ly, Cửa mở hé, Cánh chim luân lạc, Án tử hình… Trong 81 kịch bản dài ngắn của Lộng Chương còn giữ được, Quẫn là vở có phong cách tiêu biểu nhất.
Lộng Chương với Đoàn kịch Công Nhân Hà Nội
Diễn vở Cửa mở hé

         Quẫn xuất hiện trên sân khấu Đoàn kịch nói Trung ương từ cuối năm 1960 và có sức sống suốt hai chục năm có lẻ. Đó là thời kỳ Hà Nội và miền Bắc tiến hành cải tạo tư bản tư doanh. Qua diễn xuất của các nghệ sĩ Song Kim (vai cụ Đại Lợi), Chu Xuân Hoan (vai ông Đại Cát), Thu Hà (vai bà Đại Cát), Vũ Đình Hải (Ba Lường), Trần Tiến, Vĩnh Phúc (vai hàng xách)… các nhân vật thật sắc sảo, đậm nét, với những “tính cách hài” không thể quên. Vở kịch qua bàn tay đạo diễn tài năng của Trần Hoạt đã liên tiếp làm nổ ra những trận cười “đến vỡ tung nhà hát”. “Thật khó tìm trong nền kịch Việt Nam một vở hài kịch nào mang đúng tên thể loại của nó như Quẫn. Quẫn là lời khẳng định cho sự có mặt của thể loại hài kịch Việt nam, trong đó Lộng Chương là người có công đầu, người đặt nền móng cho thể loại hài kịch. Tên tuổi Lộng Chương gắn liền với sự tồn tại của vở Quẫn”. Hài kịch không đơn thuần chỉ là tiếng cười, có nghĩa là, cái hài và cái cười tuy thống nhất, nhưng không đồng nhất. Cái hài mang tính bản chất hơn cái cười, vì thế nhân vật trong hài kịch phải có số phận, có tính cách rõ rệt, và nhất thiết phải nằm trong một tình huống cụ thể nào đó… Và, tác giả hài kịch phải là những người không những đã nếm trải nhiều quả chua, trái ngọt của cuộc đời, mà phải có một cuộc sống thực sự chua cay. Vì, chỉ có ai biết khóc cho mình và cho xã hội, mới có đầy đủ yếu tố để viết hài kịch. Nét đặc sắc ấy của Quẫn, là yếu tố kết hợp nhuần nhuyễn những yếu tố hài kịch Pháp và tiếng cười dân gian trong Chèo, tạo nên sắc thái hài kịch Việt Nam. Đóng góp to lớn cho sân khấu của Lộng Chương chính là ở đặc điểm này trong sáng tác của ông.
            Lộng Chương, bút danh ấy phải chăng là phong cách sáng tác của ông - văn chương trào lộng. Có lẽ chính vì thế mà trong buổi mừng ông sáu mươi tuổi (1978), nhà nghiên cứu Chèo Hà Văn Cầu đã tặng thày đôi câu đối:
            Trọn một đời lấy bút làm gươm, nhếch mép nên câu trào LỘNG
            Trải mấy độ coi trò như bạn, dắt tay theo nghiệp văn CHƯƠNG

(*) Báo HàNộimới, ngày 25/9/2000; Sách “Lộng Chương trong trái tim bè bạn”, Nxb Hội Nhà văn, 2013.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét