Bà năm nay tám
lăm. Bà nói với tôi, tai vẫn thính. Mắt còn tinh. Đầu óc chưa hề lú lẫn. Chỉ
mỗi tội, chân bắt đầu yếu rồi.
Cụ bà Trần Huyền Trân (Hạc Đính, tóc trắng) tại Hội thảo 100 năm sinh Nhà thơ họ Trần |
Từ cô thiếu nữ Hạc Đính (tên bà) tự nguyện trói cuộc đời mình với nghiệp “nàng thơ” của Trần Huyền Trân - Nhà thơ nổi tiếng với những câu thơ chỉ thoáng đọc đã se sắt đến thắt lòng: “Người ơi sênh phách hay hồn đấy. Tay yếu gieo lòng xuống chiếu hoa”, đến khi trở thành “Bà Trần” rong ruổi nơi góc biển chân trời, khi bới khoai, lúc moi sắn, bà đã có những tháng ngày hạnh phúc bên ông. Nhưng dường như hạnh phúc quá mong manh và thật ít mỉm cười với bà. Gian nan, thiếu thốn chồng chất trong hai cuộc chiến tranh dường như là lẽ tự nhiên của trời đất “ban phát” cho những người phụ nữ Việt Nam mấy chục năm qua, trong đó có bà. Nhưng với bà, còn những cái “hạn” thực sự vận vào cuộc đời, bắt đầu từ những năm tưởng chừng sẽ được nghỉ ngơi yên ấm bên chồng, bên con, khi cầm tấm sổ về hưu. Thật tiếc thay, không phải thế. Con mất vì tai nạn. Nhà bị hỏa hoạn đến sạch bong. Bạo bệnh cướp chồng đi. Một loạt cái “hạn” quá lớn, dồn dập đổ lên đôi vai gầy yếu của người đàn bà phúc hậu, để đến bây giờ ngẫm lại, bà vẫn thấy dường như mình đã từng trải qua những cơn ác mộng…
Nhưng dù sao
cũng còn may mắn khi, những cái “hạn” đó đã không cướp mất sự tỉnh táo, sáng
suốt trong bà; nên lúc này đây, bà vẫn nhớ như in bao kỷ niệm của tuổi đôi
mươi; cái thuở ban đầu với tâm trạng phơi phới trên sân khấu Thủ đô, tham gia
diễn vở 19/8 (tác giả Thâm Tâm - Trần Huyền Trân) giữa không khí hừng hực của
những ngày Cách mạng mùa thu 1945. Trước đó, mạnh dạn bứt phá khỏi những quan
niệm phong kiến nặng nề, bà đã bước lên sàn diễn trong những vở kịch nổi tiếng
khác như: Nửa chừng xuân (tác giả kịch bản Mạnh Phú Tư), Lệ Chi Viên (tác giả
Vi Huyền Đắc)… Bà khoe, đã có “duyên” với nhà thơ Hoàng Cầm khi được chọn đóng
Thị Lộ trong Lệ Chi Viên. Người đẹp Hà thành thổ lộ, Hoàng Cầm (vai Vua Lê) run
lắm không dám nắm chặt tay bà (vai Thị Lộ) theo ý đạo diễn; nên cảnh giằng co
giữa Vua và Thị Lộ trong một lớp diễn đã xảy ra không được như ý. Mới đó mà đã
65 năm, để vừa rồi “Vua” và “Thị Lộ” đã
tái ngộ, nhưng không phải nơi không gian ước lệ “Lệ Chi Viên” trên sàn diễn, mà
tại nhà riêng của thi sĩ Hoàng Cầm, cùng hàn huyên về cái thuở xa lơ xa lắc ấy,
khi mà cả hai đã ngoại bát tuần.
Bà bảo tôi, bà
biết thi sĩ họ Trần - chồng bà, cũng có những phút giây “suýt trót dại”: “Đàn
ông năm bảy lá gan. Lá thời của vợ, lá toan cùng người” (thơ của ông). Nhưng,
bà rất “kiên định lập trường”: Là thi sĩ, nên ông phải có những khi “bay bổng”
như thế mới làm thơ được. Không thể ghen bóng ghen gió mà làm hỏng sự nghiệp
của ông. Còn bà hiểu, với ông bà vẫn luôn là “vợ cái con cột”; là chốn bình yên
để ông tìm về nương náu sau những chuyến phiêu diêu lãng mạn không ít hiểm nguy
với nàng thơ, nên bà… “cho qua tất”. Thật tuyệt vời! Vậy nên mới có chuyện, giờ
đây bà vẫn trân trọng lưu giữ nguyên vẹn những “án tích” lúc sinh thời ông đã
liều mạng trao một trong “năm bảy lá gan” của mình cho ai đó, nhưng… chỉ trong
thơ thôi! Thế hệ chúng tôi, để là những cái “lạt mềm buộc chặt” như bà, thật
khó!
Đến thăm bà
lần này, tôi được biết, ngoài gian nhà xinh xinh mà anh con trai đã hoàn tất
báo hiếu mẹ; ngay cạnh đó gia đình cũng đang gấp rút hoàn thiện gian lưu niệm
nhà thơ họ Trần - người từng một thời “vẩy bút làm mưa gió” trên thi đàn Việt
Nam. Dưới suối vàng, tôi thầm nghĩ, dù có phiêu diêu cùng mây gió với nàng thơ,
chắc chắn ông vẫn luôn hướng về bà - người vợ yêu thương, suốt một đời tự
nguyện gánh hết những cái “hạn” cho chồng cho con.
Báo Phụ nữ Việt Nam,
3/10/2005
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét