Truyện ngắn Giang Trung Học
Trong nhóm khách du lịch đến từ Châu Phi, có người đàn bà luống tuổi nói tiếng Việt chuẩn như người Việt gốc Bắc. Vì thế, sau vài giây ngỡ ngàng tôi nhận ra bà. Bà từng là một danh ca nghiệp dư xuất sắc trong những năm đất nước mình có chiến tranh.
Gặp tôi, bà cũng xướng ngay được họ tên, chỗ ở và nghề nghiệp làm báo của tôi. Bởi thời gian tiếp xúc quá ngắn nên bà kể vắn tắt: Chiến tranh kết thúc, mình lang thang vào Nam kiếm ăn. Rồi liều mạng làm cuộc trôi dạt qua mấy nước, cuối cùng đến được quê cha. Trở lại Việt Nam, thấy thay đổi nhiều, nhiều lắm. Không ít người nước ngoài, đủ chủng tộc màu da, đang sống và làm việc, ngắn hạn và dài hạn tại đây. Với mình, ấn tượng để lại trong chuyến đi này là: Việt Nam rất tốt đẹp! Tôi nói: Vậy bà có ý định hồi cư? Bà cười: Già quá rồi. Giá thời trẻ của mình, lối sống và quan niệm sống của cộng đồng Việt cởi mở như bây giờ, hẳn mình không đi đâu.
Gặp tôi, bà cũng xướng ngay được họ tên, chỗ ở và nghề nghiệp làm báo của tôi. Bởi thời gian tiếp xúc quá ngắn nên bà kể vắn tắt: Chiến tranh kết thúc, mình lang thang vào Nam kiếm ăn. Rồi liều mạng làm cuộc trôi dạt qua mấy nước, cuối cùng đến được quê cha. Trở lại Việt Nam, thấy thay đổi nhiều, nhiều lắm. Không ít người nước ngoài, đủ chủng tộc màu da, đang sống và làm việc, ngắn hạn và dài hạn tại đây. Với mình, ấn tượng để lại trong chuyến đi này là: Việt Nam rất tốt đẹp! Tôi nói: Vậy bà có ý định hồi cư? Bà cười: Già quá rồi. Giá thời trẻ của mình, lối sống và quan niệm sống của cộng đồng Việt cởi mở như bây giờ, hẳn mình không đi đâu.
Sau cuộc gặp, tôi nảy ý định viết truyện “Kỷ niệm buồn” kể về quãng thời trẻ của bà.
Mọi người vừa ngừng làm việc thì chị tổ trưởng đi họp về. Chị bảo có thư của Ngọc. Thư của người yêu phải không. Chắc thế. Nên phong bì đẹp như thư gửi đi nước ngoài ấy. Ngọc không tin. Hẳn chị đùa. Chị và mọi người hay đùa Ngọc về chuyện chồng con. Cầm thư rồi, nhìn hàng chữ họ tên người nhận, Ngọc mới tin là của mình. Thư ai gửi nhỉ. VHP là ai. Nhưng không vội đọc, để ra về cùng mọi người. Ngọc bỏ thư vào cái túi xách bằng vải bạt xanh công nhân cũ kỹ. Cái túi dùng để mang cặp lồng cơm ăn trưa với bộ quần áo bảo hộ lao động. Cả chặng đường đi bộ và lúc ngồi tàu điện, Ngọc luôn nghĩ đến lá thư. Về đến nhà, Ngọc mở đọc ngay.
"Ngày 2 tháng 6 năm 1967.
Ngọc thân mến,
Trước hết xin tự giới thiệu với Ngọc, mình tên là Vũ Hồng Phong. Cũng xin được xưng hô một cách thoải mái với Ngọc, mà chắc không vi phạm điều gì cấm kỵ trong giao tiếp giữa lứa tuổi trẻ chúng ta. Ngọc thì chưa biết về Phong và đồng đội Phong. Còn anh em trong đại đội cao xạ pháo của Phong, tất cả đều đã biết Ngọc - Bùi Thị Ngọc là ca sĩ nghiệp dư nổi tiếng. Một lần, chương trình văn nghệ chủ nhật "Hát theo yêu cầu thính giả" của Đài Tiếng nói Việt Nam, đã phát bài Ngọc hát về người chiến sĩ cao xạ pháo, do chi đoàn Phong viết thư yêu cầu. Bên chiếc Rađio Orionton, mở hết cỡ âm thanh, cả đơn vị im lặng lắng tai nghe, như nuốt từng lời Ngọc hát. Giọng nữ trầm hùng "Bắn!", "Bắn cho chúng tan thây", "Bắn cho chúng rơi ngay loạt đầu", Ngọc diễn đạt chính xác như khẩu lệnh người chỉ huy vậy. Nhưng không chỉ có thế. Khi Ngọc thể hiện lời Tổ quốc kêu gọi lại như tiếng mẹ dặn thù thì, dịu ngọt bên tai. Đành rằng ca sĩ hát theo bản nhạc, song không phải ai cũng được chất giọng và tài thể hiện như là Ngọc. Dường như trời phú cho Ngọc biệt tài chỉ để dành cho lính mà thôi.
Anh em ước: "Giá có Ngọc luôn luôn hát bên mâm pháo thì tuyệt vời!". "Hỏng ăn thì có. Hỏi còn đâu tinh thần tư tưởng để tập trung vào đường đạn?". Thế là cuộc tranh luận tiếp tục nổ ra. Mỗi người một ý. Thật vui. Kết thúc cuộc tranh luận tuỳ hứng, không có chủ tọa, nên không kết luận gì cả. Thấy rằng, đa số anh em, trong đó có Phong, đều nghiêng về điều ước: muốn có Ngọc bên mâm pháo. Nhưng chính Phong không phân tích cặn kẽ được sự lợi hại khi có Ngọc hiện diện ở đơn vị Phong. Chỉ hiểu, có Ngọc thì không khí tuổi trẻ sẽ càng thêm vui nhộn. Không chỉ vì giữa đám trai tráng quanh năm xa nhà, có người con gái lọt vào làm khuấy động họ. Quan trọng hơn, người con gái ấy là ca sĩ nổi tiếng, được anh em ngưỡng mộ, đề cao.
Rồi một hôm, trận đánh xảy ra. Xảy ra ngay sau ngày được nghe tiếng hát của Ngọc trên sóng phát thanh. Lúc ấy vào giữa trưa. Nắng khô cong nòng pháo. Nhiều tốp máy bay Mỹ nấp sau những đám mây lơ lửng trên cao, vụt lao xuống trút bom lên toàn cụm cao xạ phòng không. Nó bị đánh trả kịp thời. Đại đội Phong quật đổ tại chỗ một "thần sấm". Khi rút kinh nghiệm trận đánh, có ý kiến nói: "Nguyên nhân thắng lợi, ngoài yếu tố chủ quan còn có tiếng hát của ca sĩ Bùi Thị Ngọc tiếp sức!" Thoạt nghe tưởng là câu nói hài hước. Nghĩ kỹ, anh em thấy có lý lắm. Tuy nhiên, điều này không được ghi vào văn bản. Không ghi, song đồng chí chính trị viên đã tán thưởng ý kiến ấy bằng việc bắt nhịp cho toàn đơn vị hát bài "Vinh quang chiến sĩ cao xạ pháo". "Hãy hát thật hay như ca sĩ Bùi Thị Ngọc hát. Hãy luôn luôn coi chị có mặt ở bên chúng ta. Đồng ý không?" Tiếng đáp lại âm vang phủ kín quả đồi trận địa: "Đồng ý!".
Ngọc à, Phong không kể sai đâu. Hy vọng có một ngày nào đó, Ngọc cùng đoàn biểu diễn đến trận địa cao xạ của chúng mình, ở nơi xa tít, cách Hà Nội hàng trăm kilômét, để hát cho lính nghe. Ngọc sẽ chứng kiến sự ngưỡng mộ của lính đối với giới văn nghệ sĩ. Nhưng mệt đấy. Ngọc sẽ phải hát nhiều bài theo yêu cầu. Được nghe được nhìn Ngọc hát thì thích hơn. Nghe nói trên thế giới, người ta ngồi tại nhà vẫn nhìn thấy các nghệ sĩ hát qua máy thu hình. Chẳng hay Việt Nam mình bao giờ mới có thứ ấy để xem. Sao mình chậm thế nhỉ. Cái gì cũng chậm, cũng đi sau. Vì mình còn phải dồn công dồn của để tổng cổ bon Mỹ xâm lược ra khỏi bờ cõi nước mình phải không? Và quyết thắng hoàn toàn đội quân lính ngụy nữa! Mà sao Ngọc không làm ca sĩ chuyên nghiệp nhỉ? Chuyên nghiệp đã mấy ai hát hay hơn Ngọc nào. Ngọc không thích, hay ai đó không thích Ngọc vào nghề hát chuyên nghiệp?
Xin đừng nghĩ Phong tò mò. Đó chỉ là đặc tính tuổi trẻ chúng mình. Phong viết thư này cũng xuất phát từ tính tình tuổi trẻ, Ngọc à. Thấy Phong hay vừa đàn vừa hát bài "Vinh quang chiến sĩ cao xạ pháo", anh em bảo Phong mê Ngọc. "Mê giọng hát thì đúng hơn!" - Phong đáp. "Mê hát rồi đến mê người, có sao đâu!". "Bậy! Biết đâu ca sĩ Ngọc đã có nơi có chốn rồi. Con gái có giọng hát hay như thế, ắt phải là điểm ngắm của bao chàng trai liền kề". "Hãy viết thư hỏi xem. Dám viết, anh em sẽ thưởng". "Thưởng gì?". "Cứ biết là có thưởng. Lời hứa danh dự của cả tập thể cơ mà!" Thế là Phong viết.
Rất mong Ngọc cảm thông. Dù sao Phong cũng làm được việc thông tin tốt lành: Có một đơn vị cao xạ pháo luôn luôn yêu thích tiếng hát của ca sĩ Bùi thị Ngọc. Xin chúc Ngọc hát thêm được nhiều bài hay. Biết đâu Phong và Ngọc sẽ có dịp gặp nhau. Địa chỉ của phong: Hòm thư...".
Đọc xong thư vẫn chưa thấy mẹ về. Mẹ đi đâu giờ này. Hẳn chỉ ngồi quanh xóm, chứ chẳng dám đi chơi xa. Mắt kèm nhèm, chân chậm, bất chợt máy bay nó ập đến, biết lối nào mà tránh. Không may mẹ làm sao thì Ngọc buồn đến chết. Họ hàng thân thích chẳng có ai. Bố Ngọc còn hay mất, mà mấy chục năm chẳng thấy tin tức gì. Mẹ mong mỏi mắt rồi đành nguôi theo tuổi già. Nay đến lượt Ngọc mong. Ngọc mong khác mẹ mong. Nhưng cũng mỏi mắt lẫn buồn rầu. Nỗi mong chẳng đến, lại đến cái không mong.
Bức thư kia Ngọc có mong đâu. Còn không hề nghĩ tới nữa cơ. Nội dung đã hẳn là sự thật chưa. Anh chàng Phong là người thế nào. Trung thực, chân thành, hay là kẻ ba hoa, ong bướm. Bên những lời tán dương, xem ra còn có ý dò tìm. Ngọc từng nghe nhiều lời khen, đôi khi cả tâng bốc về giọng hát của mình. Thực hư. Hư thực. Thật chẳng biết lối nào mà lần. Chỉ có Quỳnh còn để lại kỷ niệm đẹp cho Ngọc.
Ngọc gặp Quỳnh trong dịp hội diễn văn nghệ nghiệp dư toàn thành phố. Hai người cùng đoạt giải hát hay. Tiếp đó, cả hai có tên trong đội văn nghệ của Liên hiệp Công đoàn để đi thi toàn quốc. Lần này, ngoài hát đơn, họ còn diễn tay đôi tiết mục ca vũ "Tiếng gọi lên đường". Tiết mục được đánh giá cao. Bình rằng: "Trước nay đã mấy nơi dàn dựng, nhưng không để lại dấu ấn gì. Cả với tài năng Vũ Quỳnh, anh từng diễn tiết mục này, song chưa bao giờ đạt tới đỉnh cao. Rõ ràng là, tiết mục này không ai thay thế được Bùi Thị Ngọc. Chỉ có Quỳnh - Ngọc hợp lại mới tạo cho "Tiếng gọi lên đường" trở nên sáng chói, vô địch".
Và, họ đã yêu nhau.
Tình yêu của họ từng đâm nhức mắt thiên hạ. Quỳnh mà yêu con Ngọc ư. Như đôi đũa vừa lệch vừa vênh. Đố chúng lấy nổi nhau. Chắc con Ngọc chài cậu Quỳnh. Ngược lại, Quỳnh chủ động đến với Ngọc. Thấy Ngọc ngờ vực, Quỳnh tìm lời giải thích. Anh nói một hồi, nhằm xoá đi mọi trắc trở ở Ngọc:
- Chúng ta yêu nhau là việc riêng của hai người. Hoàn toàn riêng. Anh yêu em khoẻ mạnh, hiểu biết, chịu khó, tính nết hiền dịu. Đó là cái gốc để anh đến với em. Anh cũng đọc thấy vướng mắc trong em: Em không trắng trẻo như những người con gái khác. Thì đã sao nào! Trắng trẻo, hình thức đẹp không thể là cái gốc của tình yêu. Nếu em để ý xã hội thì thấy: Có nhiều cặp vợ chồng so le về hình thức, nhưng họ sống bên nhau thật hạnh phúc. Là vì trước khi nên vợ nên chồng, họ đã hiểu biết kỹ cái gốc tình yêu.
Nghe thuyết giải nhiều lần, cả thái độ ứng xử đàng hoàng của Quỳnh, Ngọc đã xiêu lòng. Anh ấy là người hiểu biết. Anh ấy thực sự yêu nên mới công khai trước hai gia đình. Công khai rủ mình đi chơi. Nếu không yêu thật lòng, anh ấy đã giấu. Anh ấy đã không phải đấu khẩu nhằm bưng miệng lưỡi cản trở của người đời.
Rồi họ bàn chuyện cưới nhau, cho dù bố Quỳnh không muốn. Nhưng ông không thích căng thẳng. Chỉ một lần nói riêng với con trai:
- Bố không nghi ngờ tình yêu của các con. Chỉ buồn là rồi đây dòng giống nối tiếp nhà này sẽ trở thành "tây đen" hết (trong ngữ điệu, ông có ý nhấn mạnh hai tiếng "tây đen"). Tốt nhất là các con hãy khoan cưới xin. Để bố có thêm thời gian suy nghĩ đã.
- Tức là bố không quyết chống chúng con lấy nhau, phải không ạ?
- Bố không hề nghĩ như câu hỏi con đưa ra.
Thật tiếc là, họ đã không bao giờ thành vợ thành chồng. Như hàng vạn, hàng vạn thanh niên khác, Quỳnh phải ra mặt trận. Và anh vĩnh viễn không trở về. Chẳng hay có đúng như lời người xưa mách bảo: Tình chỉ đẹp khi còn dang dở? Dù đúng hay không thì với Ngọc, đó vẫn là mối tình đẹp. "Chúng nó yêu nhau và biết khuyến khích nhau công tác tốt, thế là rất đẹp. Chúng nó không như những đứa khác, khi yêu thường để công việc bê trễ". Đấy là lời nhận xét của chị tổ trưởng xí nghiệp cầu đường đối với tổ viên Bùi Thị Ngọc. Chị càng không tin những ý kiến cho rằng: "Thằng Quỳnh còn sống sẽ không cưới cái Ngọc đâu. Bố nó chống hai đứa lấy nhau, chẳng lẽ thằng Quỳnh bỏ bố để đi lấy vợ?…". Còn Ngọc cũng không dám chắc nếu Quỳnh trở về, hai người nhất định thành vợ chồng. Song trước sau mối tình ấy vẫn là kỷ niệm đẹp. Nó không khốn khổ như lần thứ hai Ngọc trót vướng vào.
Anh ta nhân danh cán bộ tổ chức của một đoàn văn công, hôm tiếp nhận đơn xin dự tuyển của Ngọc, liến thoắng rằng:
- Em hát hay, tiếng tăm cả nước biết rồi. Không lấy em còn lấy ai hơn. Có em là vinh dự cho đoàn lắm. Sức vóc con gái em hừng hực thế này, có thể đáp ứng được mọi yêu cầu của đoàn.
Ngọc không hề để ý cặp mắt anh ta nhằm nhò như xuyên thủng ngực áo cô.
- Vâng ạ. Em xin sẵn sàng. Anh cố giúp em nhé! - Ngọc đáp vô tư, thật lòng.
Ít ngày sau, vào một buổi tối chủ nhật, anh ta xuất hiện tại nhà Ngọc. Ngọc đồng ý cùng đến rạp xem phim Ôtenlô.
- Hay lắm em ạ. Anh xem mấy lần rồi, vẫn thích xem lại. Chuyện tình yêu giữa một người da trắng với một người da đen đấy. Họ yêu nhau cuồng nhiệt cho đến chết, em ạ. Không xem phim này thì phí cả đời người!
Ngọc cũng thấy đó là bộ phim hấp dẫn.
- Em không thể hiểu vì sao lại có mối tình cuồng nhiệt giữa Ôtenlô và nàng Đexđêmôna. Có thể nó chỉ có trong tiểu thuyết thôi, anh nhỉ?
- Ngọc không tin nó có trong cuộc đời thực ư?
- Không!
- Có đấy!
- Ở đâu?
- Anh nói, em tin không ?... Anh rất yêu em. Yêu ngay từ ngày gặp đầu tiên.
Ngọc từ chưa tin đến tin vào tình yêu Thúc (tên anh ta) dành cho mình. Thúc đã ly hôn vợ ở nhà quê. Chưa con cái. Nay thích người bạn đời am hiểu nghệ thuật, nhưng giản dị, mộc mạc, biết dồn tình yêu cho chồng. Vậy Ngọc có thể yêu anh ta. Làm vợ anh ta thì "Không ai dám bác bỏ đơn xin việc của em. Khác đi, tức là em không nhận lời lấy anh, thì anh không dám hứa chắc chắn điều gì với em". Trước đó, Ngọc đã mấy lần trắc trở về việc xin chuyển đến một đoàn nghệ thuật cho phù hợp khả năng mình. Khi Ngọc tìm đến họ. Khi họ tìm Ngọc. Kết cục chỉ tại Ngọc là cô gái da đen. Ngọc chỉ phù hợp với yêu cầu hát trên sóng phát thanh. Ra sân khấu sẽ không có sức quyến rũ. "Sự chinh phục, sức quyến rũ ngoại hình là yêu cầu hết sức quan trọng đối với mỗi diễn viên. Vì thế chúng tôi không thể nhận cô, biết rằng cô hát rất tốt!". Mấy lần họ đều trả lời như thế hoặc tương tự thế. Nên Ngọc đồng ý lấy Thúc. Cưới nhau được gần ba tháng thì họ chia tay. Như sự tiên đoán của nhiều người: Cặp vợ chồng này tồn tại giỏi lắm chỉ nổi ba - bảy - hai - mốt ngày. Thúc, một con người hám gái, hễ thấy của lạ là muốn xơi, như hổ đói gặp mồi. Muốn xơi, anh ta phải giương thủ đoạn để vồ cho được. Trước nay, khi đã nhảy vào cuộc săn, anh ta bất chấp mọi lời khuyên can. Chỉ khi no xôi chán chè, anh ta mới cố lấy lại một chút tư cách làm người. Với Ngọc - người con gái khác chủng, cao to, đẫy đà, chắc nịch, khí huyết tràn trề lên ngực, xuống mông - khi anh ta đã no nê dục vọng thì chẳng còn gì để níu kéo nữa. Anh ta phải vội chạy trốn. Chạy trốn cái khối thịt đen kịt, với cặp mắt trắng dã và đôi môi trề, to như hai quả chuối. Để khỏi xấu hổ vì sự cọc cạch, khó lọt mắt thiên hạ, khi có Ngọc ở bên anh ta. Ngọc đồng ý chia tay trong nỗi uất ức ngập đầy; cũng không thực hiện được nguyện vọng chuyển về đoàn văn công.
Bà mẹ Ngọc rất thương con gái, song chẳng dám khuyên bảo nhiều lời. Chắc đâu nó nghe. Mỗi thời một khác mà. Bà ngán ngẩm cuộc đời trôi dạt của mình. Lênh đênh đồng ruộng. Lênh đênh thị thành. Hầu hạ hết cửa nọ đến cửa kia. Ngoài ba mươi tuổi bà mới làm bạn với Vàng - anh lính châu Phi này có tên là Giôn, người đảo Madagasca. Vợ vừa mang thai thì Vàng bị điều vào miền nam Trung Bộ. Lúc ấy Hà Nội đang rậm rịch không khí cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám. Ông ấy nói: "Nếu còn sống, nhất định anh trở lại tìm em và con. Con trai đặt tên là Hoàng. Con gái đặt tên là Ngọc. Anh sẽ đưa mẹ con em về Tổ quốc anh - miền đảo dừa quanh năm đầy gió biển, em dễ thích nghi thôi". Giá như ông ấy đưa được vợ con đi thì cái Ngọc đâu khổ sở thế này. Nó không đến nỗi phải dầu dãi nắng mưa, xúc đá, cuốc đường như lũ con trai. Đường chồng con của nó cũng chẳng thể sớm nắng chiều mưa. Thế mà vẫn đi hát được, mới lạ làm sao!
- Hát cho quên nỗi buồn, mẹ ạ. Không thì ngoài giờ làm việc cực nhọc, con còn biết làm gì nào? Chơi bời nhiều chỉ khoác thêm phức tạp vào người.
"Cái phức tạp nó luôn quanh quất bên ta, ở ngay trong ta. Nó là con ma vô hình. Hễ ta lơi lỏng đề phòng, ta ham chơi chểnh mảng, là nó chiến thắng. Nó dìm ta ngập ngụa trong đống bùn nhơ. Vẫn thấy mình đang sống, mà thực ra là ta đang chết dần dần". Đó là một đoạn trong bài báo tường của Văn - bạn thân với Ngọc, viết hồi hai đứa đang học lớp chín. Bài báo được thày giáo Bí thư Đoàn dùng làm tài liệu thảo luận trong đợt phát động phong trào đoàn viên, thanh niên, học sinh toàn trường cấp Ba "Sống, học tập và làm việc theo gương những chiến sĩ cách mạng tiền bối". Ngọc thuộc làu không chỉ mấy câu ấy, mà thuộc cả bài báo của Văn. Ngọc thuộc không vì hưởng ứng phong trào, mà cốt để trêu chọc bạn cho vui. Rằng: “Văn có năng khiếu chính luận. Sau này chọn con đường chính trị ắt phất lên cao. Nhớ đỡ đần bọn này khi sa cơ lỡ vận nhé!”. Không hiểu Văn còn hay mất. Nơi chiến trường sâu thẳm kia có đúng là đất dụng võ đối với Văn ? Ôi cái lý tưởng đẹp, một thời từng ngự trị tuyệt đối trong con người Ngọc (tất là cả Văn), sao giờ đây nó chẳng còn vị trí độc tôn ở nơi ta?
Nhiều lần Ngọc tự hỏi: Ta là đồ bỏ đi ư? Ta ăn bám ư? Hay ta là cái giẻ rách làm bẩn mảnh đất này, cuộc đời này?... Không thể như thế được! Cho dù bố Ngọc thuộc phía đối địch thì ông cũng chỉ là nạn nhân. Ông bị chế độ thực dân bắt sang Việt Nam làm lính thợ, chẳng hề bắn giết ai. Ngọc mang dòng máu ông, nhưng còn cả dòng máu mẹ Việt Nam; sinh ra và lớn lên trong sự chăm sóc dạy dỗ của mẹ, của chế độ này. Ngọc chăm học và học tốt. Tốt nghiệp phổ thông cấp Ba nhưng vì sao không được quyền thi đại học. Vì sao?... Để khỏi phải ăn bám mẹ và không mang tiếng là người thừa của xã hội, Ngọc xin đi làm. Cũng không kiếm nổi những việc mà xã hội cần và đang thiếu người có trình độ văn hoá như Ngọc. Ngọc đành chấp nhận một việc chỉ yêu cầu khả năng cơ bắp. Vào làm ở xí nghiệp cầu đường, năm nào Ngọc cũng được bầu là lao động tiên tiến. Buổi tối, Ngọc say sưa đến lớp học hát nghiệp dư, để vui, và khỏi phí cái chất giọng cha mẹ cho Ngọc.
Trước nay có đến chục bài Ngọc hát được đưa lên sóng phát thanh. Nghe Ngọc hát về người lính, có ông chỉ huy lập tức hô "Ngừng tập! Để thưởng thức tiếng hát của ca sĩ Bùi Thị Ngọc!" Những anh lính phía bên kia cầu Hiền Lương nghe tiếng Ngọc hát trong chương trình phát thanh binh vận, muốn ném súng để chuồn về với cha mẹ, vợ con. Ông lão nông họ trâu trên đường cày, cố nghe cho thấu điệu dân ca Ngọc thể hiện, phát ra từ loa phóng âm của hợp tác xã, tuy ông không có thói quen nhớ tên ai hát. Tiếng hát của Ngọc đã đem lại niềm kiêu hãnh không chỉ với xí nghiệp cầu đường, mà cho cả những người hằng quan tâm đến phong trào ca hát Thủ đô. Còn mẹ Ngọc, bà sung sướng là đương nhiên rồi.
Nhưng vì sao Ngọc không được nhận vào một đoàn văn công chuyên nghiệp? Người ta từ chối nhận Ngọc chắc đâu chỉ vì sự kén chọn hình thức xấu đẹp theo nghĩa thông thường. Hay còn ẩn chứa những quan niệm khác. Vì tiểu sử bố Ngọc? Hay vì Ngọc mang màu da đen kịt, khác lạ trước cặp mắt số đông người xứ sở này? Nhiều lần thấy Ngọc đi đường, họ nhìn chằm chằm, như phát hiện một giống người kỳ lạ từ đâu tới. Một cách nhìn không hằn thù nhưng không mấy thiện cảm. Rõ ràng cách nhìn như thế chỉ dành cho Ngọc - cô gái da đen độc nhất định cư trên đất Hà Nội ngày ấy. Và có phải cũng từ cách nhìn ấy mà Ngọc không thể tìm được một tình yêu chân thành, trung thực ở mảnh đất này. Trừ Quỳnh, Ngọc không gặp người đàn ông nào tỏ tình tử tế. Ngọc ghê sợ những tên đàn ông tìm đến mình chỉ nhằm thoả mãn sự khám phá dục vọng với người khác giống. Hẳn không có sự bỉ ổi và trâng tráo nào hơn, khi Ngọc phải hứng một câu nói: "Nếu không để thoả mãn dục vọng với em, thì còn gì nữa. Lấy vợ, anh phải tìm đến một cô gái Việt Nam thuần chủng". Không nỡ cho hắn một cái tát, Ngọc vội đẩy tuột hắn ra khỏi nhà và thét lớn: "Cút đi! Đồ khốn kiếp!".
Rồi Ngọc khóc. Bởi tủi thân. Ngọc đâu phải cái nhà chứa những tên đàn ông vô lại. Như Thúc, anh ta chẳng phải cán bộ tổ chức. Đó là một người thừa của đoàn văn công, vì chưa biết xếp hắn làm gì, nên tạm đưa ra tiếp nhận hồ sơ nhân dịp tuyển dụng diễn viên. Và như là... Như là... Còn anh chàng Phong nữa. Xem ra giọng lưỡi tử tế đấy. Nói hay, nói khéo tuy khó, nhưng cũng dễ thôi. Có thực anh chàng tỏ ý dò mình trong lá thư kia? Anh chàng mới chỉ mê tiếng hát của mình. Nhìn thấy mặt mình, hẳn là thất vọng. Làm sao anh chàng khác được quan niệm chung của người đời, nó kiên cố như cái lô cốt. Ngọc cầu mong cái lô cốt ấy sớm bị phá đi. Nhưng ai? Bao giờ? Liệu anh chàng có đủ gan phá?
Bỗng Ngọc thấy xa lạ với nơi mình sinh ra và lớn lên này. Bố ơi! Giờ này bố ở đâu? Bố còn sống hay không? Sao bố không tìm đón mẹ con con?...
(*) - Đăng trên http://newvietart.com/index3.5877.html;
- In trong tập “Chuyện đời 3”, Nxb Hội Nhà văn, 2014.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét