Thứ Ba, 9 tháng 9, 2014

VỞ KỊCH CÓ 2000 ĐÊM DIỄN(*)

 Bùi Việt Sơn
          Đấy là chuyện của ngày đã qua, nhưng mà có thật, chứ ngày nay, giới sân khấu sẽ coi là chuyện bịa. Ngày ấy, những năm của thập kỷ 60-70, có một vở kịch tên là Quẫn đã công diễn trên dưới 2.000 đêm.
NVL Lộng Chương
       Còn bây giờ, tác giả của vở kịch đó, nghệ  sĩ Lộng Chương đang lặng lẽ và cần mẫn, nhớ lại và ghi chép những hồi ức về  một thời son phấn của mình, của nền kịch nghệ Việt Nam. Tôi đến “phá” nghệ sĩ vào một buổi chiều.
-         Thưa bác, có phải thời hoàng kim của sân khấu đã qua rồi…
-    Sao anh cứ xồng xộc vào vấn đề ấy. Có thể qua rồi, nhưng có thể chưa đến. Ai mà dám nói chắc, dù tôi là người trong cuộc của một thời. Nhưng nghĩ đến sân khấu bây giờ thì rầu lòng, ngổn ngang trăm nỗi. Không phải tôi muốn nói ý cái câu ca kiểu Bút Tre rằng: “Bao giờ lại đến ngày xưa” đâu. Nhưng đúng là thời của chúng tôi có đẹp hơn (tôi nói về sân khấu ấy) và quả cũng có nhiều thuận lợi hơn bây giờ.


-         Theo bác, cái gì để sân khấu tiếp cận được với công chúng, tức là để “ăn khách”?
-         Sân khấu, nhất là sân khấu kịch nói phải luôn luôn đứng ở hàng đầu, nghĩa là hơi thở của thời đang sống phải được phản ánh tươi tắn và sinh động ngay ở trên sân khấu. Những điểm nóng, những mâu thuẫn, những lo toan, vui, buồn lớn nhỏ đều phải có mặt, thì mới hy vọng có khách. Điểm lại lịch sử sân khấu nước nhà, kịch có bao giờ không bám sát tình hình thời sự của đất nước, và đó là lúc nó thành công nhất. Thời của chúng tôi ngày xưa, hay gần đây, trường hợp của Lưu Quang Vũ cũng thế. Vài năm nay do già yếu, tôi ít đến các nhà hát. Nhưng theo dõi qua truyền hình, qua đài phát thanh, tôi có cảm tưởng là sân khấu chưa bắt được đúng nhịp mà thời đại này cần. Tôi còn có cảm tưởng là nó đang chạy theo khán giả, chạy theo với hy vọng là tìm lại mình? Vô lý!
-         “Quẫn” của bác ra đời như thế nào?

-        
Vở kịch hài đó, tôi không nhớ rõ là viết có vất vả không? Hình như cũng bình thường thôi. Và hình như đó là lúc thăng hoa nhất, đã là lúc thăng hoa thì viết thú lắm. Không vất vả gì đâu, có điều muốn có sự thăng hoa thì người ta đã lý giải nhiều, mỗi người một ý. Với tôi, thế nào thì thế, nhưng không thể bán mình cho những trò vặt vãnh, mà phải khư khư ôm chắc một điều, nghĩ về nó mà chiêm nghiệm, rồi một lúc nào đó… Quẫn đã xuất hiện cách đây trên dưới 30 năm, và cũng gần như chừng ấy năm, nó vẫn được xuất hiện trên sân khấu. Nó còn tồn tại đến bao giờ? Chẳng ai biết được, ngay cả người đã sinh thành ra nó. Nhưng cuộc sống dù hỗn độn thế nào thì cũng có quy luật chung. Sân khấu mấy năm nay vắng khách, tôi rất buồn. Càng thương anh em nghệ sĩ đồng nghiệp, tôi lại càng trách những người quản lý. Sòng phẳng ra, sân khấu xuống cấp hiện nay có một phần lớn trách nhiệm của họ.
-         Còn trách nhiệm của nghệ sĩ, của khán giả?
-         Tôi không trách họ nhiều, làm diễn viên thì phải diễn, rất cần được diễn, nhưng thấy cái cảnh ở trên sân khấu cứ hở hang, lõa lồ là tôi không chịu được, dù ai đó có lý giải thế nào. Vì hôm nay hở nửa người, ngày mai ắt phải hở cả người. Và rồi khán giả sẽ thấy chưa hài lòng khi đã trần truồng cả người, họ lại thích cảnh làm tình ngay trên sân khấu cơ. Thế thì sao? Gay lắm. Cái này phải bàn cho ra nhẽ.
-         Bác có thể nói một đôi điều về cái làm cho một vở kịch ăn khách?
-         Ôi trời. Nó cũng như mò kim đáy giếng. Tôi không phải là một nhà lý luận, chỉ là một tác giả kịch bản, một diễn viên… Vả lại mỗi người viết đều có cách suy nghĩ và đường đi của họ…
   Nghệ  sĩ rót cho tôi một chén rượu nhỏ, giọng ông trầm xuống. Người có vở kịch ăn khách nhất của lịch sử kịch nói Việt Nam, một diễn viên tài năng, một đạo diễn, người thầy đã đào tạo biết bao thế hệ đạo diễn, diễn viên cả chuyên nghiệp và nghiệp dư, người thuộc thế hệ đầu tiên của kịch nghệ nước nhà đang còn chứa chất trong lòng nhiều tâm sự. Nhưng với đồng nghiệp, với anh em chúng tôi, mỗi khi gặp nhau, ông cứ vui như không có việc gì phải nghĩ cả…

_________________
(*) Báo Lao Động - 13.2.1992; Sách “Lộng Chương trong trái tim bè bạn”, Nxb Hội Nhà văn, 2013.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét